Mẫu mực trong lối sống
Lần đầu tiên tôi được gặp anh Lê Đức Thọ là vào một ngày thu đông năm 1948. Đó là lúc anh dẫn đầu một đoàn cán bộ của Trung ương Đảng tăng cường cho Nam Bộ, Bình Trị Thiên và đến công tác ở một nước bạn.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ toàn quân năm 1976
Đi đến Đô Lương (Nghệ An), đoàn nghỉ lại ban ngày ở nhà một cơ sở cách mạng. Trong đoàn có một đồng chí người Nghệ An. Đồng chí này xin phép anh Thọ đi thăm một người bà con, hẹn đến 12 giờ trưa thì về. Đã 12 giờ rồi, đồng chí ấy chưa về. Sau nửa giờ đợi chờ, đoàn đành phải ăn cơm trước. Gần một giờ sau, đồng chí ấy mới có mặt. Khi ấy anh Thọ rất khó chịu, đã nghiêm khắc phê bình đồng chí ấy và dặn chung cả mọi người: "Làm công tác mà Trung ương giao cho lần này, có rất nhiều gian khổ, chúng ta phải hết sức giữ gìn, giữ bí mật, giữ kỷ luật, chịu đựng mọi hy sinh vất vả, giữ nghiêm mọi quy định đi đường, quy định công tác". Nói rồi, anh ân cần an ủi động viên đồng chí người Nghệ An, hỏi han việc chuẩn bị quần áo, thuốc men và mọi thứ khác cần cho cá nhân. Vì đồng chí này là người đầu tiên trong đoàn sắp tách ra, theo con đường bí mật khác đi sang một nước bạn.
Lần thứ hai tôi được làm việc với anh Lê Đức Thọ là vào mùa thu năm 1958. Anh vào Vinh (Nghệ An) để cùng Liên khu uỷ 4 thực hiện việc giải thể Liên khu uỷ 4.
Nội dung chính trị của cuộc họp để công bố quyết định của Trung ương và bàn những công việc phải làm, anh bàn với Thường vụ Liên khu uỷ. Riêng về bữa cơm thân mật có các đồng chí trong Liên khu uỷ và đại diện chính quyền, mặt trận, các đoàn thể Liên khu uỷ 4, thì anh Thọ căn dặn tôi rất kỹ: "Phải chu đáo, trọng thị, hợp khẩu vị mọi người, nhưng phải hết sức tiết kiệm".
Trong thời gian anh nghỉ lại trụ sở, ăn cơm hằng ngày hết bao nhiêu tiền, anh bảo đồng chí cần vụ thanh toán đầy đủ với Văn phòng Liên khu uỷ.
Thế rồi, sau khi Liên khu uỷ 4 giải thể, tôi được Trung ương Đảng điều động ra Hà Nội giữ chức vụ Phó Văn phòng Trung ương Đảng. Từ đây, thường xuyên tôi được làm việc với anh. Tôi phụ trách công tác tài chính, quản trị của Trung ương Đảng. Công việc này liên quan đến nhiều cấp, nhiều người nên khi giải quyết những vấn đề liên quan ngoài chế độ, chính sách, tôi phải xin ý kiến của anh. Bất kỳ chủ trương lớn hay việc cụ thể, anh đều cho ý kiến và dặn dò kỹ càng. Có việc tế nhị quá, anh bảo: "Việc này để mình làm cho, cậu đừng nói, e có sự hiểu lầm".
Đầu năm 1960, anh giao cho tôi chuẩn bị bản quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số chế độ đối với cán bộ cao cấp của Đảng. Trong đó có những vấn đề như: giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn, chăm sóc sức khỏe, bố trí nhà ở, cung cấp phương tiện đi công tác xa, v.v.. Để làm việc này, anh nhắc nhở tôi phải tìm hiểu kỹ càng và hết sức quan tâm đến đời sống gia đình của một số nhân sĩ trí thức tiêu biểu. Khi tôi chuẩn bị xong bản dự thảo quy định, anh sửa chữa và bổ sung nhiều ý kiến rất xác đáng, chặt chẽ, rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình cán bộ lúc bấy giờ. Anh lưu ý đến những vấn đề rất tinh tế.
Về cuộc sống riêng tư của anh, anh luôn căn dặn chúng tôi: "Chế độ mà Trung ương quy định có những gì thì làm đúng như vậy, không được làm gì ngoại lệ".
Giữa những năm 60 thế kỷ XX, ngôi nhà gia đình anh ở, có dãy nhà cầu bị dột, sân nhà bị hư đôi chỗ, tường nhà bị rêu mốc. Chúng tôi đề nghị anh cho quét vôi tường nhà, lát lại sân và chữa lại nhà cầu. Anh nhất định không chấp thuận và bảo rằng: "Trong lúc đất nước còn chiến tranh, ngân sách của Nhà nước và của Đảng còn khó khăn lắm, các cậu không nên bày ra làm những việc ấy, tốn kém lắm. Chỉ chữa chút ít những viên ngói hỏng, những thanh gỗ bị mối, mọt mà thôi". Mãi đến khi anh đi công tác ở nước ngoài, nhân lúc Bộ Quốc phòng xây hầm trú ẩn tránh bom địch cho các đồng chí lãnh đạo, chúng tôi mới chữa được nhà cầu bị hư hỏng quá nặng.
Anh đi công tác nước ngoài mấy năm liền, áo quần chẳng may sắm gì, quanh quẩn chỉ dùng hai bộ may theo kiểu "đại cán". Ngoại tệ được cấp để dùng cho việc bảo vệ sức khỏe, chi hết bao nhiêu, còn bao nhiêu, khi về Hà Nội, anh đều chỉ thị cho đồng chí thư ký riêng thanh toán đầy đủ với Văn phòng Trung ương, tiền thừa nạp vào quỹ của Đảng.
Cuối thu năm 1988, tôi sang nhà riêng thăm anh, anh và tôi trao đổi với nhau về nhiều vấn đề. Đây là lần cuối cùng anh nói chuyện với tôi lâu nhất trong những năm tháng cuối đời anh. Khi nói đến những chuyện về nhân tình thế thái, tôi đọc luôn một câu ca dao: "Thức khuya mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người thủy chung". Anh liền uốn nắn lại ngay cho đúng câu ca dao này. Phải nói là:
"Thức lâu mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết là người có nhân".
Đúng vậy, anh nhắc tôi nói cho đúng câu đó, không chỉ anh là con người nhớ và am hiểu ca dao, tục ngữ Việt Nam, mà còn muốn thổ lộ tâm niệm của anh là con người ta sống ở trên đời bao giờ cũng phải giữ cho lòng mình "có nhân, có nghĩa".
Tôi nhớ mãi ý sửa của anh. Nhớ anh, một con người nhân hậu, mẫu mực.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực