Mùa vải thiều Lục Ngạn

Ngày đăng: 18/08/2014 - 09:08

Nhân chuyến công tác và làm việc với thường trực Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang về việc phối hợp xuất bản sách, chúng tôi được ghé thăm vùng đất Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - nơi được mệnh danh là “vương quốc của vải thiều” vào đúng mùa vải chín rộ. Là một huyện miền núi có diện tích tự nhiên hơn một nghìn kilômét vuông với nhiều dân tộc sinh sống, Lục Ngạn không chỉ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế mà còn có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa, bên cạnh đó, nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, đập Làng Thum, đỉnh Am Vãi…

IMG 3548

Được mùa vải thiều

Được trồng ở Lục Ngạn vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương, cây vải thiều được xem là cây ăn quả đem lại sản lượng, doanh thu cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người nông dân cũng như kinh tế huyện Lục Ngạn. Những đồi vải bạt ngàn, đỏ rực, đang được thu hoạch là thành quả lao động cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây. Cây vải ở Thanh Hà vốn đã thơm ngon nổi tiếng nay được trồng ở vùng đồi đất đỏ pha lẫn sỏi trong vùng khí hậu ôn hòa của Lục Ngạn đã tạo thành một thứ quả ngon ngọt, rất đặc biệt, không thể lẫn với bất kỳ loại vải nào. Thương hiệu Vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định trên thị trường cả nước và nước ngoài.

Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, trong những năm trở lại đây diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm các loại cây trồng, đặc biệt là cây vải thiều không ngừng được nâng cao. Năm nay, vải thiều ở Lục Ngạn được mùa, sản lượng ước đạt 90.000 tấn, cao hơn 10% so với năm 2013, trong đó, diện tích sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được nhân rộng ra địa bàn 12 xã, thị trấn với 8.500 ha, sản lượng ước đạt hơn 40.000 tấn. Điều này rất có ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà cũng như nâng cao chất lượng sống của người dân nơi đây.

IMG 3583Đoàn cán bộ NXB Chính trị quốc gia - Sự thật cùng với lãnh đạo huyện Lục Ngạn tham quan vườn vải

tại Thôn Muối, xã Giáp Sơn

Chúng tôi đã được trực tiếp đến tham quan những vườn vải thiều ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Tiêu biểu có hộ gia đình ông Chu Xuân Ba, hiện đồi vải nhà ông đang được thương lái Trung Quốc đến mua tận vườn. Ông Ba cho biết, diện tích khu đồi nhà ông khoảng 3,2 ha, ngoài trồng vải thiều Thanh Hà, ông còn trồng cả nhãn Hưng Yên và bưởi Diễn. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch khoảng 23 - 25 tấn vải thiều, bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Thu nhập mỗi năm của gia đình ông từ 400 - 500 triệu đồng.

Trước tình hình kinh tế - xã hội khó khăn chung của cả nước, đặc biệt khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi đã bày tỏ những quan ngại về việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc - thị trường chiếm từ 40 - 50% sản lượng tiêu thụ vải ở Lục Ngạn trong nhiều năm nay. Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nhấn mạnh, nắm bắt được tình hình thực tế của đất nước và địa phương, được sự định hướng của lãnh đạo cấp trên, huyện đã triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, cũng như thương lái trong nước và Trung Quốc trong việc thu hoạch, tiêu thụ vải. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái Trung Quốc tham gia vào hoạt động tiêu thụ vải thiều, Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn đã sớm chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khuyến khích người dân chủ động đăng ký khai báo tạm trú cho thương lái Trung Quốc. Các gia đình tuyên truyền tới người thân có thái độ cư xử đúng mực với người nước ngoài; bố trí nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt tại các gia đình có điểm cân vải. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho việc đăng ký, quản lý cư trú khi họ đến địa bàn khai báo tạm trú, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý về an ninh trật tự ở các khu vực nhà nghỉ, nhà trọ, hạn chế tối đa những xích mích, xô xát gây mất an ninh trật tự. Cũng theo ông Tấn, mọi hoạt động của thương lái Trung Quốc tham gia tiêu thụ vải thiều đều diễn ra thuận lợi hơn so với các năm trước.

Vải thiều Lục Ngạn hướng ra thế giới

Được mùa vải thiều là niềm vui lớn đối với bà con Lục Ngạn, tuy nhiên, việc vải chín đồng loạt, nếu không thu hoạch, tiêu thụ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng quả vải. Điều đó đặt ra yêu cầu là cần có một công nghệ bảo quản vải tốt, đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, không chỉ bó hẹp tiêu thụ trong nước và Trung Quốc mà cần phải mở sang các nước khác trên thế giới.

Hiện nay các công đoạn thu hoạch, bảo quản vải thiều vẫn chỉ diễn ra thủ công, bước đầu tiên là vải thiều được bẻ từng chùm nhỏ buộc chặt thành từng bó nặng khoảng 1-2 kg. Sau đó được người dân chở bằng xe gắn máy ra điểm tập kết của thương lái. Tại đây, vải thiều được bảo quản bằng thùng xốp có đá lạnh, rồi được bốc lên các xe vận tải lớn, tỏa đi các nơi. Việc bảo quản vải thiều bằng cách đặt trong thùng xốp có đá lạnh chỉ bảo đảm độ tươi ngon của vải thiều trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, việc vận chuyển phải hết sức khẩn trương, và khi vận chuyển đi xa, mất nhiều thời gian thì độ thơm ngon của vải thiều sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mặt hàng này.

Trả lời trước truyền thông, mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã cho biết, cách đây 3 năm, Bộ đã hỗ trợ cho vùng vải thiều Lục Ngạn xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhờ đó giá bán đã cao hơn và bà con đã bớt phải bán đổ, bán tháo quả vải khi vào mùa chín rộ. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài vẫn phải có công nghệ bảo quản chế biến hiện đại. Theo Bộ trưởng, năm ngoái Bộ đã hợp tác với Nhật Bản nhập công nghệ về tế bào sống, công nghệ này bảo đảm những sản phẩm được bảo quản, sau thời gian rất dài vẫn giữ được phẩm chất tươi nguyên như khi vừa được thu hái. Hiện nay, việc tổ chức sản xuất vải theo quy trình VietGap đã được thực hiện trên 20 xã, thị trấn của Lục Ngạn và đem lại kết quả tốt, về lâu dài thì việc sản xuất vải thiều cần hướng theo tiêu chuẩn Global Gap (Quốc tế). Khi đó quả vải sẽ có chất lượng đồng nhất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ xuất khẩu được sang nhiều nước khác. 

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cũng chia sẻ, thị trường xuất khẩu vải thiều năm nay đón nhiều tin vui: Bên cạnh Trung Quốc, là thị trường ổn định, có sức tiêu thụ nhiều nhất, các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Campuchia, thậm chí thị trường Nga, số lượng đơn đặt hàng nhập vải nhiều hơn trước. Thị trường Nhật Bản năm nay đã đặt hàng 3.000 tấn vải tươi. Điều quan trọng là giải quyết được khâu bảo quản vải thiều sau thu hoạch. Nếu thành công trong ứng dụng công nghệ bảo quản vải tươi theo công nghệ của Nhật Bản thì các nước châu Âu, thậm chí là Mỹ, cũng được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của vải thiều Lục Ngạn.

Phát huy những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, chắc chắn huyện Lục Ngạn sẽ không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, trở thành huyện đi đầu trong phát triển cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao, nhất là cây vải thiều. Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển cây vải thiều ở Lục Ngạn, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện Lục Ngạn triển khai đồng bộ các biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả nói chung, cây vải thiều nói riêng. Trước mắt cũng như lâu dài, để vải thiều Lục Ngạn có thể hướng ra thế giới, huyện Lục Ngạn cần làm tốt công tác đối ngoại, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều, nhất là những thị trường tiềm năng, để thương hiệu vải thiều Lục Ngạn dần khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường quốc tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nguyễn Thúy

 

Bình luận