Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát
Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát của tác giả Howard Jones là cuốn sách miêu tả đầy đủ, toàn diện và chân thực về những “ngày đen tối” của lịch sử quân đội Mỹ. 700 trang sách là kết quả của gần một thập niên tìm tòi, nghiên cứu công phu của tác giả, tường trình một cách sinh động và chi tiết về một trong những sự kiện bi thảm nhất trong cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Cuốn sách Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát của tác giả Howard Jones
Đã có nhiều cuốn sách, tư liệu nói về tội ác kinh hoàng của Quân đội Hoa Kỳ trong vụ thảm sát Mỹ Lai, song phải đến Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát, những tội ác mà Chính phủ Mỹ luôn ra sức che giấu mới được phơi bày rõ ràng.
Trên cơ sở khai thác một khối lượng lớn tư liệu có độ tin cậy được tập hợp từ những đánh giá của báo chí, báo cáo của quân đội Mỹ, từ những ghi chép tại tòa án, tài liệu của chính quyền Mỹ, từ những bài phỏng vấn sâu rộng với quân nhân Mỹ, Việt Nam, cũng như những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ thảm sát, cuốn sách đã tái hiện cụ thể, sâu sắc và toàn diện về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của vụ thảm sát Mỹ Lai, đồng thời phân tích một cách kỹ lưỡng sự che giấu của chính quyền Mỹ và phản ứng của các bên tham gia chiến dịch.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần I - Pinkville, với 5 chương nội dung, tác giả giúp người đọc hiểu được nguyên nhân khiến người dân thôn Mỹ Lai phải gánh chịu nỗi đau tàn bạo khi đó. Đã có nhiều tư liệu khẳng định, trong thời gian từ Tết Mậu Thân năm 1968 đến ngày thảm sát “hãi hùng”, lính Mỹ đã phải chứng kiến cảnh đồng đội bị thương vong bởi bom mìn, họ tức giận và tin chắc rằng người dân trong làng Mỹ Lai đã che giấu và “hợp tác” với Việt cộng để gây tử vong cho đồng đội của họ.
Pinkville là tên mà Quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai trong chiến dịch “tìm và diệt”. Địa danh này nằm cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 10 km, dọc theo bờ Biển Đông và ở ngay phía dưới Bán đảo Batangan - thành lũy của Việt cộng. Tư lệnh Quân đoàn 24, Trung tướng Melvin Zais, tuyên bố: một phần Pinkville là một phần sống còn của ba tỉnh nguy hiểm nhất ở phía Nam Đà Nẵng - “nơi ra đời của Việt Minh, nay là Việt cộng”. Tại Pinkville có làng chài ven biển mang tên Mỹ Khê (người Mỹ gọi là Mỹ Lai 1), được cho là nơi đặt cơ quan đầu não của Tiểu đoàn 48 địa phương quân bí ẩn của Việt cộng.
Khi “tin tưởng” rằng Mỹ Lai 4 là vùng tập trung quân Việt cộng, Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ ở Quãng Ngãi quyết tập trung tiêu diệt ngôi làng này bằng một đơn vị mới là Đội đặc nhiệm Barker - một đội quân gồm 500 lính được tập hợp từ nhiều đơn vị, dưới sự chỉ huy của Trung tá Frank Barker - một cựu binh có 18 năm kinh nghiệm chiến đấu. Tháng 3/1968, Đại đội Charlie nhận được tin báo, lực lượng du kích Việt cộng đã nắm quyền kiểm soát làng Sơn Mỹ, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sáng ngày 16/3/1968, Đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai, Trung đội 1 mở đường, hai trung đội khác bao vây hai bên sườn sau khi đã nã một loạt pháo và đạn dội xuống từ trực thăng.
Để thấy rõ được tính khảm khốc của vụ thảm sát và sự dã man, tàn bạo của kẻ gây ra, trong Phần II của cuốn sách, tác giả đã tập trung phân tích một cách cụ thể về Hậu quả và sự che giấu của chính quyền Mỹ trong cuộc thảm sát Mỹ Lai. Qua các tư liệu xác thực cho thấy: chỉ trong 4 giờ đồng hồ, quân đội Mỹ đã giết hại 504 dân thường vô tội ở Sơn Mỹ, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Sau một đợt công kích bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Mặc dù các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt cộng nào trong làng, song chúng vẫn dùng súng, lưỡi lê để “tàn sát bất cứ thứ gì động đậy”. Chúng dồn người dân vào một con kênh để xả súng, chúng giết người già không còn sức chống cự, giết phụ nữ chân yếu tay mềm, giết những đứa trẻ đi còn chưa vững, thậm chí cả những đứa trẻ sơ sinh mới chào đời. Có thể nói, sự man rợ và tàn bạo của lính Mỹ đã vượt ra khỏi ranh giới về bản tính con người. Sau vụ thảm sát, lính Mỹ bỏ lại một thôn làng vang vọng tiếng khóc và tiếng gào thét, chìm trong tang tóc và thương đau, đẫm trong máu và nước mắt. Những hình ảnh đau lòng ấy được tái hiện lại một cách chân thực qua lời kể của những nhân chứng may mắn sống sót trong vụ thảm sát đó và qua những tư liệu thành văn mà các tác đã thu thập được.
Những sĩ quan Quân đội Mỹ, dù hiểu được tội ác mà mình đã gây ra, nhưng vẫn tìm cách che giấu. Song một số binh lính Mỹ đã không giữ được im lặng. Một người lính thuộc lữ đoàn khác khi nghe thấy câu chuyện về Mỹ Lai hôm đó đã cảnh báo các chính trị gia và tướng lĩnh Lầu Năm góc. Những cuộc điều tra nội bộ đã kịp thời xác minh, báo chí đã đưa câu chuyện Mỹ Lai đến với công chúng, khiến người dân Mỹ kinh hoàng.
Trong tâm trí và khát vọng công bằng của người Việt Nam, trong lương tri của cả nhân loại, đây vẫn là một sự thật lịch sử cần làm rõ, một tội ác cần lên án. Phần III - Mỹ Lai bị xét xử đã làm rõ “cái giá” mà chính quyền Mỹ phải trả cho tội ác mà chúng đã gây ra cho người dân Mỹ Lai. Giữa tháng 11/1970, Tòa án quân sự Mỹ xét xử những quân nhân có liên quan trực tiếp đến vụ sát hại tại Mỹ Lai. Với cáo buộc đã giết 22 người không có vũ trang trong sự kiện, Trung úy William Calley phải đối mặt với nhiều tội nhất và bị kết án tù chung thân. Trong phiên tòa xét xử vào năm 1971, Calley không phủ nhận việc đã tham gia cuộc thảm sát ngày 16/3/1968, nhưng nhấn mạnh rằng mình phải tuân lệnh cấp trên - Đại úy Ernest Medina.
Sau nửa thế kỷ, không chỉ các nạn nhân, người dân Việt Nam, mà nhiều người Mỹ, trong đó có những binh lính đã tham gia vào sự kiện Mỹ Lai hôm đó cũng chưa thể vượt qua nỗi ám ảnh.
Thời gian đã qua, quá khứ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nỗi đau lịch sử một thời vẫn là sự kiện “muốn quên mà không thể quên”.
Với cách trình bày lôgíc, ngắn gọn, mang tính khái quát cao, cuốn sách là một trong những tài liệu tham khảo giúp các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà có thêm cách khai thác, tiếp cận và phân tích vấn đề, đặc biệt là có thêm tư liệu để hiểu hơn về lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên