Mấy ý kiến về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XI về xây dựng Đảng

Ngày đăng: 04/07/2013 - 08:07

Cán bộ là gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa sống còn của cách mạng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phần lớn nói về công tác cán bộ đã nêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”1. Nghị quyết đã đề ra một số giải pháp có ý nghĩa đổi mới rất quan trọng, như: Chuẩn bị quy hoạch cán bộ và các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ tới, kể cả ở cấp Trung ương; thực hiện Quy chế chất vấn trong các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử…

Để thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ và giải pháp đổi mới về công tác cán bộ nêu trên, chúng tôi thấy rằng các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải tập trung chỉ đạo một cách kiên quyết, động viên cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục cho được một số yếu kém, khuyết điểm vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nổi lên một số điểm chính cần lưu ý như sau:

Một là, vấn đề quy hoạch cán bộ: cần tránh cách làm hình thức, không dựa trên cơ sở mở rộng dân chủ; cần tập hợp nhiều luồng ý kiến khác nhau để đánh giá đúng những mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ, từ đó mới có thể lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, có nhiều triển vọng đưa vào quy hoạch. Cần làm tốt việc tự phê bình và phê bình trong nội bộ, đồng thời coi trọng ý kiến của nhân dân và ý kiến của cán bộ lão thành nhận xét về cán bộ được đưa vào quy hoạch. Quy hoạch mỗi chức danh phải có ít nhất vài ba người, trong đó phải có nhiều người trẻ, có triển vọng, đã được đào tạo cơ bản và trải qua thử thách trong hoạt động thực tiễn, có thể gánh vác được công việc mới nặng nề hơn trong vài nhiệm kỳ trở lên. Quy hoạch cán bộ là việc tạo nguồn cán bộ trung hạn và dài hạn, không phải là việc làm kế hoạch công tác cán bộ thông thường. Không đưa vào danh sách quy hoạch những người làm việc cầm chừng, ít sáng kiến, kém hiệu quả, hoặc có vấn đề về phẩm chất, đạo đức chưa được làm rõ, nhiều tai tiếng, kém tín nhiệm với nhân dân...

Hai là, vấn đề thăm dò tín nhiệm, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm: Cần đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu trong việc tổ chức thăm dò ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm. Người có trách nhiệm phải nói chuyện trực tiếp với những thành viên được mời tham gia ý kiến và tham gia bỏ phiếu, thảo luận, tranh luận làm rõ đúng sai. Tránh tình trạng khi lấy phiếu thăm dò tín nhiệm đối với một cán bộ nào đó thì đạt số phiếu cao, nhưng khi chính thức bỏ phiếu tín nhiệm thì lại đạt số phiếu thấp hoặc ngược lại. Đây có thể được coi là một hiện tượng thiếu trung thực, không lành mạnh trong một bộ phận không ít cán bộ khi tham gia ý kiến và bỏ phiếu. Người được thăm dò tín nhiệm và được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo đánh giá ưu, khuyết điểm của mình một cách trung thực, không kể lể thành tích dài dòng, chung chung, phải được gợi ý những việc cần làm rõ để bổ sung vào báo cáo kiểm điểm. Các thành viên tham gia ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm có quyền chất vấn trước khi chính thức bỏ phiếu. Nghị quyết đã nêu quy định hằng năm tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ ở các cấp. Theo tôi, để việc làm này có hiệu quả, nên tập trung làm tốt hai đợt: đợt giữa và đợt cuối mỗi nhiệm kỳ 5 năm là phù hợp. Nên dành nhiều thời gian cho cán bộ làm việc, tránh lãng phí công sức, tiền của, nhất là những cuộc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ một cách hình thức đã diễn ra ở một số nơi trong thời gian qua.

Ba là, việc tiến cử cán bộ: Cần mở rộng diện người tham gia tiến cử trong các tổ chức chính trị - xã hội và cả trong nhân dân, đặc biệt là những người giàu tâm huyết đối với sự nghiệp cách mạng, để họ có thể tiến cử những người có đức, có tài, nhất là những người trẻ đã được đào tạo cơ bản và có thành tích công tác tốt ở cấp dưới. Người đứng đầu cấp ủy và cán bộ chủ chốt ở các cấp có trách nhiệm chính trong việc tiến cử cán bộ ở cấp mình, đặc biệt là nguồn cán bộ sẽ thay mình, giúp đỡ, dìu dắt họ rèn luyện, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung để họ có thể được đề bạt một cách xứng đáng. Cán bộ lãnh đạo quan tâm dìu dắt những người có tài, kể cả con em mình, nhưng tránh tình trạng cố tìm mọi cách đưa con em, những người thân cận của mình vào các vị trí lãnh đạo, khi những người đó còn non nớt về mọi mặt. Đã có nhiều cán bộ lãnh đạo ở các nước trên thế giới và ở nước ta làm gương trong việc không lợi dụng vị trí lãnh đạo của mình để “đạo diễn” cho con em làm “quan” một cách không minh bạch, theo kiểu phong kiến “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Bốn là, việc đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ: Cần tạo nguồn cán bộ từ trong đội ngũ những học sinh, sinh viên giỏi của hệ thống giáo dục quốc dân. Họ đã qua đào tạo cơ bản cả về lý thuyết, học vấn lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Việc còn lại là đưa họ vào hoạt động thực tiễn từ cơ sở, để họ từng bước gánh vác công việc chung từ thấp đến cao. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành tập trung bồi dưỡng cho cán bộ những kiến thức mới và kinh nghiệm công tác theo định kỳ, giảm bớt tình trạng có nhiều cán bộ đi học liên miên, hết lớp này đến lớp khác, ít có thời gian dành cho công việc được giao. Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch. Nhưng việc luân chuyển cán bộ chỉ có hiệu quả khi cơ quan lãnh đạo chọn cử người đi luân chuyển để họ được thử thách và cống hiến trong vị trí công tác mới nặng nề và khó khăn hơn, chứ không phải chỉ là việc đưa cán bộ đi xuống cấp dưới để “gắn mác” đã qua thực tiễn cho họ.

Lê Quang Thưởng

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Bình luận