Đền Hùng và tục thờ vua Hùng từ góc nhìn văn hóa sử
Hồi quang lịch sử và bước trưởng thành của ý thức dân tộc
Trong bức tranh tổng quan về tín ngưỡng dân gian Việt Nam theo chiều lịch đại, có ba mảng màu độc đáo, mà bản thân từng mảng và kết cấu xen cài giao lưu mang tính động thái giữa chúng đã vẽ nên quá trình hình thành một nét tính cách Việt hay bản sắc Việt trên phương diện tinh thần. Một là tục thờ Mẫu có nguồn gốc sâu xa từ ý thức tôn vinh người phụ nữ, tiến triển đến thời hiện tại là thờ Mẫu Liễu Hạnh, hai là tục thờ vua Hùng như mặc định nối 18 đời Hùng Vương đã tạo dựng quốc gia, trở thành ngày Giỗ tổ. Nằm vắt ngang ở giữa mang tính kết nối là tục thờ Tứ
Điều thú vị thứ nhất, Mẫu không có tính đối xứng với vua Hùng. Hầu như không thấy có di tích hay truyền thuyết về những người vợ của các vua Hùng. Khi nói “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, thì mẹ là Mẫu Liễu Hạnh nhưng cha lại không là vua Hùng mà là một vị thánh có nguyên mẫu là người anh hùng chống ngoại xâm Trần Hưng Đạo. Ngược lại, mặc dù vua Hùng với 18 đời toàn nam và không có một đối xứng về giới tính lại trở thành quốc tổ, còn cha mẹ đã sinh ra các vua Hùng là Lạc Long Quân - Âu Cơ lại không được trao cho ngôi vị quốc tổ một cách trực tiếp.
Điều thú vị thứ hai, tử, hay bốn vị bất tử của nước Nam, đến khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII gồm Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Từ Đạo Hạnh (hoặc Nguyễn Minh Không), tức về cơ bản là nam thần; nhưng sau này, ở thời điểm muộn hơn, Mẫu Liễu Hạnh với tư cách là nữ thần đã gia nhập hệ thống bằng cách thế chỗ cho vị nam thần đứng ở cuối, như là ánh hồi quang của thời kỳ mẫu hệ và đồng thời cũng là khẳng định sự trưởng thành về tinh thần của phái nữ trong một xã hội phụ hệ. Đáng chú ý, tứ bất tử chưa ở đâu và chưa bao giờ được thờ chung ở trên cùng một điện thờ, mà chỉ thờ riêng từng vị. Thêm nữa, trong bộ tứ ấy lại không thấy có vua Hùng, mặc dù Tản Viên cùng Phù Đổng và Chử Đồng Tử là những vị thần xuất hiện trong hệ thống truyền thuyết về Hùng Vương, hay đúng hơn là thuộc về thời đại Hùng Vương.
Như vậy, từ bức tranh tổng quan nói trên, cần nhấn mạnh điểm nhận thức, ở “thời đại Hùng Vương” theo như cách gọi quen dùng bấy lâu nay, chưa hề xuất hiện tục thờ vua Hùng trong phạm vi quốc gia như là quốc tổ. Để hình thành nên tục thờ quốc tổ Hùng Vương như ngày nay, cần phải có sự lưu giữ bền bỉ của nhân dân ở cấp độ làng xã và gia đình về hình ảnh người thủ lĩnh thuở hồng hoang trong suốt thời kỳ Bắc thuộc tới ngàn năm, và sau đó là những chuẩn bị của các triều Lý - Trần ở đầu kỷ nguyên độc lập. Chúng ta có thể tìm được tư liệu trong Việt điện u linh (đầu thế kỷ XIV) về đợt phong thần bằng sắc phong đầu tiên của kỷ nguyên độc lập là ở thời vua Trần Nhân Tông (tại vị năm 1278-1293). Ở đợt phong thần đó, chỉ thấy có Sỹ Nhiếp, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Nam Đế, Sơn Tinh... mà không thấy có một vị vua Hùng nào được phong. Điều này, đúng như nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã chỉ ra, chứng tỏ rằng cho đến cuối thế kỷ XIII, truyền thuyết về Hùng Vương chưa nảy nở, hay ít ra chưa phát triển trên đất Đại Việt1.
Phải tới thời Lê sơ, sau khi dẹp tan ách đô hộ của nhà Minh, chính quyền trung ương tập quyền được tổ chức theo mô hình Nho giáo là quốc giáo thế chỗ cho Phật giáo ở các triều Lý - Trần, thì truyền thuyết Hùng Vương mới bắt đầu được hệ thống hóa. Hoàng đế Lê Thánh Tông đã cho lập ngọc phả đền Hùng (Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền hay Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyền được soạn năm Hồng Đức thứ nhất, tức năm 1470, bởi Nguyễn Cố). Đó là cơ sở để đưa việc tế tự vua Hùng ở cấp độ làng xã lên cấp độ quốc gia.
Hiện đại hóa truyền thống
“Hiện đại hóa” ở đây được sử dụng với nghĩa mở rộng, như là một chuỗi những hành động vận dụng hay làm mới “truyền thống” để sử dụng cho mục đích của cái “hiện đại” (đương đại) ở bất cứ thời điểm nào trong quá khứ, đánh dấu những bước trưởng thành trong ý thức của một dân tộc. Với nghĩa ấy, quá trình lập ngọc phả đền Hùng ở thời Hồng Đức có thể xem là “hiện đại hóa” lần thứ nhất một “truyền thống”, mà truyền thống ấy là những mảnh lẻ rời rạc trong ký ức dân tộc, nay được chắp nối để thống nhất thành một hệ thống truyền thuyết Hùng Vương mang tính chính quy, để mở đường cho việc Hùng Vương đi vào phần mở đầu của chính sử.
Vẫn theo phân tích của Tạ Chí Đại Trường thì ngọc phả đền Hùng đã xóa bỏ hết những xung đột Hùng Vương và Thục Phán có thấy ở Việt điện u linh. Không còn có chuyện Loa thành xây không được vì con vua trước phá, không có chuyện sử dụng thần Tản Viên chống Thục, mà chỉ có chuyện Thục Phán được vua Hùng 18 nhường ngôi nhờ thần Tản Viên giảng hòa và sau đó, vua Thục lập đền thờ vua Hùng. Đó là một khuôn mẫu tranh giành chính quyền đáng làm gương cho những người muốn dùng bạo lực2.
Ý nghĩa “hiện đại hóa truyền thống” của quá trình lập ngọc phả Hùng Vương thời Hồng Đức nổi rõ nếu so sánh: trước đó không lâu, khi vừa đánh đuổi quân Minh khỏi bờ cõi, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi mới chỉ nhắc đến Triệu - Đinh - Lê - Lý - Trần mà chưa kịp đề cập đến Hùng Vương. Sau đó, phải đến thời Hồng Đức thì Hùng Vương đã trở thành yếu tố cần thiết về mặt tinh thần và lễ nghi cho một chính quyền trung ương tập quyền3.
Quốc tổ hóa tổ tiên
Ở một chiều cạnh khác, quốc tổ Hùng Vương thường được các nhà nghiên cứu văn hóa và bây giờ là cả những người bình thường, nhìn nhận là sự mở rộng ra ở tầm quốc gia của tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên rất được coi trọng ở đất nước ta suốt trong trường kỳ lịch sử4, chẳng hạn ở thế kỷ XVII, Alexandre de Rhodes đã ghi chép thực tế như sau: “Việc sùng bái vong linh tiên tổ vượt hết những gì có thể nghĩ được ở châu Âu. Họ vất vả rất nhiều để tìm đất đặt mồ mả. Họ cho rằng, hạnh phúc toàn gia tộc đều phụ thuộc vào sự để mả này. Họ không tiếc tiền của, công lao để bày cỗ bàn tiệc tùng mấy ngày liền sau đám tang, rồi mỗi năm, vào ngày kỵ, không bao giờ họ bỏ không làm giỗ tổ tiên tới tám đời hoặc có khi tới mười đời”5. Phải chăng đã có sự mở rộng một cách tự nhiên phạm vi của thờ cúng tổ tiên từ gia đình và dòng họ đến quốc gia, tức là tục thờ quốc tổ được hình thành một cách tự nhiên với cơ nền là thờ cúng tổ tiên mà không cần bất cứ một tác động nào khác?
Câu hỏi trên trở thành khó có lời giải đáp thỏa đáng, khi trên thực tế, chúng ta không thấy có sự hiện diện của ban thờ vua Hùng hay ngày giỗ vua Hùng trong mỗi gia đình Việt Nam, hoặc trong các từ đường của dòng họ hay chi họ. Với người Kinh, trước khi trở thành quốc tổ như chúng ta thấy hiện nay, vua Hùng thường được thờ ở đình làng (với một số lượng rất đáng kể, vài trăm hay cả nghìn đơn vị6), tức là ở cấp độ cộng đồng dân cư khu vực vượt lên trên gia đình và dòng họ. Có nghĩa là, từ góc nhìn văn hóa sử, trong bức tranh cận cảnh hơn về tục thờ vua Hùng của người Kinh, chúng ta mới chỉ kẻ được đường thẳng từ phạm vi làng xã lên quốc gia, mà vẫn chưa nối được thành trục thông suốt gia đình - dòng họ - làng xã - quốc gia.
Tuy vậy, trong so sánh, chúng ta nên chú ý đến tục thờ vua Ba Vì (Bua Thơ, Bua Ba Ví), tức Tản Viên, ở người Mường. Ở những nhà con trưởng, chi trưởng hay trưởng họ, người ta thường có đặt bàn thờ vua Ba Vì và cúng giỗ hai lần một năm, vào dịp Tết và rằm tháng bảy, với bánh trôi và bánh gai. Trước đây, ở một số nơi, các vị quan lang Mường còn tập trung dân làng tới làm lễ vua Ba Vì ở nhà mình7. Như trên đã nói, Tản Viên là vị thần Việt-Mường chung thuộc thời đại Hùng Vương và sau này gia nhập vào hệ thống truyền thuyết Hùng Vương.
Quy định ngày 10 tháng 3 là ngày ở đền Hùng được xem là bắt đầu từ cuối thời Nguyễn (đầu đời vua Khải Định). Hiện nay, ngày đó là Quốc lễ theo pháp định, người lao động toàn quốc được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Từ năm 2001, Chính phủ ra quy định về quy mô tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Năm 2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quy định chi tiết về các nghi thức liên quan đến Giỗ tổ (địa điểm, phẩm vật, trang phục, âm nhạc…). Có thể xem từ đây ra hai quá trình tương hỗ, là “hiện đại hóa truyền thống” và “quốc tổ hóa tổ tiên”, mà quá trình sau là hệ quả tất yếu của quá trình trước.
Chu Xuân Giao
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
1, 2, 3. Tạ Chí Đại Trường: Thần người và đất Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 132, 142, 141.
4. Chẳng hạn, nhà dân tộc học tôn giáo Đặng Nghiêm Vạn xem hiện tượng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tôn giáo dân tộc.
5. Chu Xuân Giao (Chủ biên), Nguyễn Thị Lương: Thăng Long thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 qua tư liệu người nước ngoài, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 344.
6. Theo số liệu mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong toàn quốc có 1.417 di tích thờ vua Hùng và liên quan đến thời kỳ của các vua Hùng, mà Phú Thọ là vùng trung tâm với khoảng gần 400 di tích.
7. Ngô Đức Thịnh: Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 90.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực
- Xuất bản ấn phẩm đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris