Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn

Ngày đăng: 17/07/2013 - 14:07

Xã, phường, thị trấn (cấp xã) có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Thực trạng đội ngũ cán bộ ở xã, phường, thị trấn hiện nay

Hiện nay, nước ta có 11.112 xã, phường, thị trấn với tổng số 222.735 cán bộ, công chức và 317.766 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Đây là những người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện. Kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở cũng như năng lực lãnh đạo, uy tín chính trị, bản chất của Đảng, Nhà nước ta gắn liền với năng lực, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ này. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vừa là yêu cầu cơ bản, vừa là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

bia 3

Thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, quy định về công tác cán bộ. Nhờ đó, công tác cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp có chuyển biến rõ rệt. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, trong đó có những quan điểm, chủ trương đặt cơ sở cho việc xác định các chức danh cán bộ, công chức và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã như: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010; Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân các xã thuộc 62 huyện nghèo… Bộ Nội vụ có Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn...

Nhờ sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự chủ động, tích cực của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị các cấp, về cơ bản, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước. Cụ thể: nếu năm 2002, số cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ đại học là 5,50%; cao đẳng 1,83%; trung cấp 18,02%; sơ cấp 12,66%; chưa qua đào tạo 61,99%; trình độ lý luận chính trị cao cấp 1,50%; trung cấp 38,60%; sơ cấp 23,30%; chưa qua đào tạo 35,60%, thì năm 2012, số cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ tương ứng: đại học 19,92% (tăng 14,42%); cao đẳng 5,18% (tăng 3,35%); trung cấp 39,62% (tăng 21,6%); sơ cấp 7,33% (giảm 5,33%); chưa qua đào tạo 30,95% (giảm 31,04%); trình độ lý luận chính trị: cao cấp 4,75% (tăng 3,25%); trung cấp 61,5% (tăng 22,9%); sơ cấp 16,29% (giảm 7,01%); chưa qua đào tạo 17,46% (giảm 18,14%).

Trình độ của đội ngũ công chức chuyên môn năm 2002 là: đại học 4,21%; cao đẳng 1,43%; trung cấp 26,69%; sơ cấp 8,51%; chưa qua đào tạo 57,16%. Trình độ lý luận chính trị: cao cấp 0,77%; trung cấp 20,77%; sơ cấp 23,72%; chưa qua đào tạo 54,74%. Năm 2012, trình độ tương ứng của đội ngũ công chức cấp xã là: đại học 24,70% (tăng 20,49%); cao đẳng 6,09% (tăng 4,66%); trung cấp 58,49% (tăng 31,8%); sơ cấp 3,09% (giảm 5,42%); chưa qua đào tạo 7,63% (giảm 49,53%). Trình độ lý luận chính trị: cao cấp 0,73% (giảm 0,04%); trung cấp 36,88% (tăng 16,11%); sơ cấp 21,06% (giảm 2,66%); chưa qua đào tạo 41,33% (giảm 13,41%).

Những năm gần đây, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đã được các cấp ủy đảng coi trọng và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ hơn, từ khâu quy hoạch, tạo nguồn đến đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động… Nhiều cấp ủy đã luân chuyển, tăng cường cán bộ cấp trên về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cán bộ luân chuyển về cơ sở đã phát huy tác dụng, từng bước trưởng thành, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển. Nhờ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được coi trọng, nên số cán bộ chuyên trách năm 2012 so với năm 2002 đạt chuẩn về chuyên môn là 64,72% (tăng 39,37%), đạt chuẩn về lý luận chính trị là 66,25% (tăng 26,15%); số công chức chuyên môn đạt chuẩn là 89,28% (tăng 56,95%) và đạt chuẩn về lý luận chính trị là 37,61% (tăng 16,07%). Một số địa phương có chính sách thu hút cán bộ trẻ, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về công tác ở cấp xã. Các tỉnh biên giới tăng cường cán bộ, sĩ quan biên phòng về tham gia công tác ở các xã biên giới, xã vùng khó khăn, góp phần củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Nhìn chung, đa số cán bộ, công chức cơ sở được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn có ý thức trách nhiệm, thái độ cầu thị, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu công tác và học tập, rèn luyện, hăng hái chăm lo việc làng, việc xã, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Thái độ giao tiếp của đa số công chức thực thi nhiệm vụ ở cơ sở với các tổ chức, công dân có chuyển biến rõ rệt, có ý thức trách nhiệm, tận tình và chu đáo, ứng xử đúng mực, đóng vai trò then chốt trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân, trực tiếp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới… ở cấp xã hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại nhiều địa phương còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cả về số lượng và chất lượng.

Về số lượng, vấn đề nan giải đặt ra đối với các xã, phường, thị trấn hiện nay là vừa thừa, lại vừa thiếu cán bộ. Số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp, bồi dưỡng… từ ngân sách ở cấp xã và dưới xã trung bình khoảng 200 người/xã, có phường lên tới 600 người, dẫn đến tổng số cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và dưới cấp xã cả nước hiện khoảng 2,3 triệu người và xu hướng còn tăng thêm, trong khi đó nhiều nơi lại đang rất thiếu những cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc tốt. Đây thực sự là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước và là bài toán khó cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ này.

Về lượng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở còn nhiều mặt hạn chế; tỷ lệ cán bộ chưa đạt chuẩn về chuyên môn còn cao (chiếm 38,28%), tỷ lệ công chức chưa đạt chuẩn về chuyên môn còn 10,72%. Tỷ lệ cán bộ, công chức chưa qua bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều (cán bộ chuyên trách còn 17,46%; công chức chuyên môn là 41,33%). Thực tế cho thấy, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa qua mới chỉ tập trung vào việc chuẩn hóa bằng cấp. Không ít cán bộ, công chức đương nhiệm phải “chạy xô” học hành, thi cử lấy bằng cấp để đáp ứng yêu cầu “chuẩn hóa”. Hơn nữa, nếu trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay chỉ đạt trình độ chuyên môn là trung cấp thì không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng ở đơn vị hành chính cơ sở, đặc biệt khi chúng ta triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới với rất nhiều nội dung, tiêu chí đòi hỏi phải có kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức quản lý hành chính, xây dựng, quản lý kinh tế…

Bên cạnh hạn chế về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở nhiều nơi vẫn còn nhiều hạn chế về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử. Nhiều cán bộ xã sau khi trở thành công chức có biểu hiện xa dân hơn, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng cục bộ địa phương theo thôn, xóm, dòng họ trong đội ngũ cán bộ, công chức còn diễn ra ở nhiều nơi. Xu hướng hành chính hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tương đối phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đa số trưởng thành ở cơ sở, tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng không được đào tạo bài bản, lại chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ. Mặt khác, trong một thời gian dài, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ chưa được thực hiện bài bản. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ cơ sở còn nhiều bất hợp lý, chưa đảm bảo để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới các địa phương. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này, các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là cấp xã về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở hiện nay. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí. Phương hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở phải theo hướng toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, thực sự là những “công bộc” của dân, vì nhân dân phục vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và quản lý chính quyền đô thị, xây dựng nông thôn mới.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là giải pháp có tính cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cơ bản vẫn phải lấy từ cơ sở, nguồn tại chỗ là chính. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt khâu quy hoạch cán bộ, bảo đảm thực hiện đúng các phương châm, nguyên tắc của công tác quy hoạch cán bộ, có nguồn cán bộ dồi dào, bảo đảm chất lượng và cơ cấu, chú ý đối tượng quy hoạch là cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, bộ đội xuất ngũ. Cần gắn xây dựng và thực hiện quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo từng chức danh với các hình thức phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, cần chú ý tăng cường bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính, pháp luật và các kỹ năng hoạt động, công tác ở cơ sở, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Ba là, đẩy mạnh việc đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng có chuyên môn phù hợp về công tác tại cơ sở nhằm trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, đẩy mạnh luân chuyển cán bộ của tỉnh, huyện, thành phố về làm cán bộ chủ chốt cấp xã nhằm khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp xã; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đảng sang bên chính quyền và ngược lại để rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nắm bắt các lĩnh vực, đúc rút được nhiều kinh nghiệm công tác.

Bốn là, tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chỉ có cán bộ chuyên trách và cán bộ chuyên môn, không bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã, những công việc của đội ngũ cán bộ này do cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm. Đối với cán bộ chuyên trách không tái cử, hoặc không được bầu vào chức danh mới thì cho nghỉ, đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc hưởng trợ cấp một lần để giảm gánh nặng chi ngân sách, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời với quá trình này, cần đổi mới một cách cơ bản chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo cán bộ xã có thể sống bằng lương, yên tâm công tác.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện và trường chính trị tỉnh, thành phố. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình giáo trình, giáo khoa theo hướng thiết thực, vừa trang bị kiến thức cơ bản, vừa cập nhật, nâng cao, vừa trang bị kiến thức lý luận, đồng thời coi trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đối với từng chức danh cán bộ, công chức cơ sở.

Sáu là, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ của cấp trên, nhất là cấp huyện. Cấp ủy cấp huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cấp x, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, lệch lạc, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đúng quan điểm, định hướng của Đảng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến xuất sắc, xử lý, kỷ luật những trường hợp sai phạm.

TS. DƯƠNG TRUNG Ý

Học viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận