Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay

Ngày đăng: 01/08/2012 - 16:08

Đồng chí Lê Duẩn, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về công tác tư tưởng đã từng khẳng định: “Trong Đảng ta không có ngành nào già bằng ngành tuyên huấn, từ khi có Đảng đã có nó rồi”. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tư tưởng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu, phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, góp phần to lớn trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, động viên và khích lệ nhân dân đấu tranh chống kẻ thù, ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Một buổi tập huấn cán bộ làm công tác tư tưởng ở phía Nam.

Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính đảng, nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng hành động vì lợi ích của chủ thể tư tưởng. Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của đảng cộng sản, nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa thành hệ tư tưởng chi phối, thống trị trong đời sống tinh thần xã hội; hình thành, phát triển, truyền bá cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng trong xã hội, cổ vũ động viên mọi người hành động chủ động, tích cực, sáng tạo vì lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái phản động; bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Lịch sử 82 năm của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đã ghi nhận những cống hiến xuất sắc của công tác tư tưởng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới với nhiều thách thức, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển mạnh của xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, tác động sâu rộng đến giao lưu hợp tác văn hóa, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là sự phát triển nhảy vọt của công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ giải trí… Cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo nhất là sự cạnh tranh gay gắt thị trường kinh tế, cũng như cuộc đấu tranh giải quyết những vấn đề toàn cầu: chạy đua vũ trang, cuộc chiến chống đói nghèo tật bệnh và vấn đề nóng lên của trái đất… Ở Việt Nam, đang phải đối mặt với âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước...

Trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt nguyên tắc toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trong đó phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu. Cấp ủy đảng và người đứng đầu cần nắm chắc tình hình tư tưởng; phân tích và định hướng tư tưởng, chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng một cách nhanh chóng, kịp thời. Các cấp, các ngành, các đơn vị cần duy trì thành nền nếp chế độ nắm bắt, phân tích và định hướng tư tưởng. Tăng cường hoạt động nắm dư luận xã hội của các giai tầng, các địa bàn, trước và trong mỗi sự kiện có tác động lớn tới tư tưởng.

Hai là, đổi mới hoạt động nghiên cứu lý luận và giáo dục lý luận theo hướng mở rộng dân chủ, tổng kết thực tiễn, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trả lời cho được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH và những bước đi cụ thể trong chặng đường hiện nay. Đổi mới mạnh mẽ việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong các trường chính trị, các trường đại học, cao đẳng và trong các trường phổ thông; đổi mới nội dung học, đổi mới phương pháp dạy, tập trung đào tạo lại, đào tạo mới lực lượng giảng viên lý luận chính trị.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách. Đội ngũ cán bộ tư tưởng hiện nay đã trưởng thành về nhiều mặt nhưng so với yêu cầu còn nhiều hạn chế và bất cập. Còn thiếu những cán bộ, chuyên viên có năng lực tổng kết, có khả năng truyền đạt, cổ vũ, động viên quần chúng. Vốn kiến thức nhìn chung còn hạn chế, phần lớn chưa được đào tạo chuyên môn công tác tư tưởng. Để có một đội ngũ cán bộ chuyên trách có tâm có tài thì về lĩnh vực chuyên môn này, cần đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và có những chính sách thích hợp. Cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần có chế độ định kỳ đi cơ sở xem xét thực tiễn, trực tiếp đối thoại cùng nhân dân.

Bốn là, tăng cường đầu tư nhằm hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị. Các phương tiện phục vụ cho hoạt động tư tưởng ở nước ta hiện nay tuy đã được trang bị nhưng còn khá lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các cấp ủy đảng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Thường xuyên tổ chức tập huấn để cán bộ tuyên giáo các cấp có thể sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày cang cao của mặt trận tư tưởng-văn hóa.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác tư tưởng, gồm hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan giáo dục lý luận chính trị, đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên, hệ thống báo chí, xuất bản, phát hành, hệ thống các thiết chế văn hóa, lực lượng văn học nghệ thuật. Mỗi lực lượng này đều có vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác tư tưởng. Các cấp ủy lãnh đạo và phối hợp các binh chủng này trong việc thực hiện từng nhiệm vụ chính trị, trong từng giai đoạn, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của công tác tư tưởng, góp phần giữ vững trận địa văn hóa-tư tưởng ở nước ta hiện nay.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả