Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 14/08/2012 - 09:08

Luật công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 33 điều (tăng 2 chương và 14 điều so với Luật công đoàn năm 1990 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013). Luật công đoàn sửa đổi sẽ tạo điều kiện đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của người lao động tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự ủng hộ của người sử dụng lao động.


cong-nhan

Công nhân khu chế xuất Linh Trung I sau giờ tan ca.  (Ảnh: nhandan.com.vn)
 

Vị trí, vai trò và chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn

Điều 10, Hiến pháp 1992 quy định: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Công đoàn Việt Nam càng có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng, xã hội… Công đoàn có 3 chức năng cơ bản: Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; Đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; Có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của người lao động là chức năng đầu tiên và cũng là cơ bản nhất của Công đoàn Việt Nam.

Thực trạng hoạt động của tổ chức công đoàn trong các khu công nghiệp thời gian qua

Thời gian qua, bên cạnh những mặt mạnh, tổ chức và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém sau:

Thứ nhất, vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của công đoàn còn mờ nhạt, hiệu quả thấp.

Công đoàn cơ sở chưa phát huy được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; chưa nắm bắt nguyện vọng của người lao động. Khi có tranh chấp trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, công đoàn chưa nắm bắt kịp thời thông tin cũng như chưa phát huy được vai trò của tổ chức mình, chưa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể, người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện ra tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.

Công đoàn cơ sở chưa phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho công nhân như văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch…, do vậy, người lao động chưa thực sự gắn bó với doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, người lao động trong các doanh nghiệp hầu hết ở độ tuổi từ 18 đến 35, nếu doanh nghiệp quan tâm tới đời sống tinh thần của họ, các hoạt động tập thể được chú trọng, thì đó sẽ là một yếu tố quan trọng giữ “chân” người lao động trước thực trạng “nhảy” việc, bỏ việc hiện nay.

Công đoàn chưa phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) tổ chức các hội nghị, hội thảo hay các diễn đàn để người lao động được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của họ. Từ đó, chưa tạo được niềm tin cho người lao động, chưa là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Việc bảo vệ người lao động trong quan hệ hợp đồng lao động chưa được các tổ chức công đoàn chú trọng, như: xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, nội quy lao động, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn nhiều hạn chế.

Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật của tổ chức công đoàn chưa đến được số đông người lao động trực tiếp sản xuất và những người làm việc phân tán, lưu động; chưa tập trung đầu tư cho tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động, về tổ chức công đoàn; hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự phù hợp với điều kiện sống và làm việc của số đông người lao động; nội dung tuyên truyền, giáo dục còn nặng về lý luận, chưa sát với yêu cầu thực tế.

Việc tuyên truyền, phổ biến Luật công đoàn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và mới tập trung chủ yếu đối với cán bộ, chưa chú trọng tuyên truyền trong công nhân; không ít cán bộ, kể cả cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý hiểu và nhận thức về Luật công đoàn rất hạn chế, không nắm rõ nội dung Luật, thậm chí cho rằng thi hành Luật công đoàn là việc riêng của tổ chức công đoàn.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả, chất lượng kiểm tra còn hạn chế.

Công đoàn chưa tham gia và kiểm tra việc xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng, thực hiện quy trình và thủ tục tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người được tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, tình trạng không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động vẫn còn diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi và các vụ đình công vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân dẫn tới đình công là do hầu hết doanh nghiệp chưa có thỏa ước lao động tập thể hoặc nếu có thì còn chung chung, hình thức.

Công đoàn cơ sở chưa thường xuyên tham gia giám sát việc xử lý kỷ luật lao động, cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động; giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương cho người lao động theo các quy định của Nhà nước; tham gia kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chế độ làm việc, nghỉ ngơi, các trang thiết bị, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

Thứ tư, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở đạt tỷ lệ thấp so với tổng số lao động và số doanh nghiệp mới thành lập; công tác quản lý đoàn viên chưa chặt chẽ; ở nhiều nơi, việc chấm điểm, đánh giá, phân loại công đoàn cơ sở còn mang tính hình thức, phản ánh không đúng thực chất hoạt động của công đoàn cơ sở; cán bộ công đoàn cấp trên chưa sâu sát thực tế ở cơ sở.

Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp trong việc bảo đảm quyền của người lao động

Muốn nâng cao hiệu quả trong việc bảo đảm quyền của người lao động thì tự bản thân công đoàn phải là một tổ chức thực sự “mạnh”, có đủ năng lực bảo vệ quyền cho người lao động.

Khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn tại các khu công nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Địa vị pháp lý của công đoàn đã được khẳng định trong Hiến pháp và được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Theo đó, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc bảo vệ quyền của người lao động là mục tiêu số một của công đoàn. Từ đó, pháp luật trao cho công đoàn các quyền năng cụ thể: xây dựng thỏa ước lao động tập thể; chăm lo cho đời sống của công nhân; bảo vệ và hỗ trợ công nhân khi có xảy ra tranh chấp lao động; là “nút” hòa giải mâu thuẫn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động…

Tài chính cho hoạt động của công đoàn. Trong dự Luật công đoàn sửa đổi có đưa ra vấn đề nguồn trích lập quỹ công đoàn 2% vốn chưa tìm được “tiếng nói chung” khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng “tiếp tục phải thu”, còn doanh nghiệp tìm mọi cách để “trốn”. Doanh nghiệp “phản ứng” với nguồn quỹ này vì cho rằng, cách thu như hiện nay là “ trùng 2 lần, vừa qua ngân sách nhà nước, vừa do doanh nghiệp đóng góp”. Hơn nữa, nếu phải trích 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động thì doanh nghiệp không “kham nổi” khi “lương chính thành phụ, lương phụ thành chính”. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp không “mặn mà” với quy định trên, thậm chí có doanh nghiệp đã không thành lập tổ chức công đoàn để “trốn” đóng 2%, sẽ càng khiến tổ chức này khó có “đất sống” trong khu vực doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Chính vì vậy, vấn đề ngân sách cho hoạt động của công đoàn cần được nghiên cứu và đưa ra hướng quy định bảo đảm cho hoạt động của công đoàn trong thực tiễn.

Bổ sung cơ chế bảo vệ công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động. Trên thực tế, quan hệ chủ-thợ là quan hệ đối lập trong một thể thống nhất, đối lập nhau nhưng phải hợp tác với nhau, nên lâu nay công đoàn ở nước ta như cơ quan trung gian để hòa giải lợi ích của đôi bên. Tuy nhiên, do cán bộ công đoàn nhận lương từ chủ sử dụng lao động nên khó độc lập. Cần bổ sung cơ chế bảo vệ công đoàn, chẳng hạn như công nhân sẽ được đình công bảo vệ công đoàn, nếu vì bảo vệ quyền lợi cho công nhân mà cán bộ công đoàn bị trù dập*.

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của tổ chức công đoàn. Việc tuyên truyền, giáo dục phải xuất phát từ việc thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó công tác tuyên truyền sẽ có tính thuyết phục cao hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục không chỉ tập trung vào đối tượng người lao động mà cả người sử dụng lao động để họ hiểu về công đoàn, từ đó tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật lao động, chế độ, chính sách, quyền lợi gắn với nghĩa vụ của người lao động. Kết quả cuối cùng là nhằm nâng cao hiểu biết, giúp người lao động tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với bản thân, tự bảo vệ được mình.

Nâng cao trình độ của cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn cần phải có trình độ, am hiểu pháp luật và sâu sát cơ sở, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và biết chăm lo lợi ích của người lao động. Hiện nay, hoạt động của tổ chức công đoàn còn mang nặng tính hành chính dẫn đến tình trạng xa rời người lao động, thiếu sâu sát tình hình thực tiễn.

Đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp. Hiện nay, nội dung hoạt động của công đoàn còn đơn điệu, rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa có chiều sâu, chưa thực sự đi sâu vào đời sống của công nhân và người lao động. Vì thế, tổ chức công đoàn các cấp trong khu công nghiệp phải đầu tư nghiên cứu các nội dung hoạt động thiết thực, sâu sát hơn đối với cơ sở, gắn bó thiết thân hơn với người lao động. Trên thực tế, công đoàn các khu công nghiệp là đơn vị trực tiếp lãnh đạo công đoàn của các công ty trong khu công nghiệp, do đó nâng cao vị thế của công đoàn các công ty cũng chính là nâng cao vị thế của công đoàn các khu công nghiệp.

Công đoàn cần nhận thức và giáo dục đầy đủ, sâu sắc đến mỗi đoàn viên các vấn đề cơ bản như: Lợi ích của người lao động phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của tập thể, phải hài hòa với lợi ích của người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển vững mạnh của Nhà nước chính là sự bảo đảm cho lợi ích người lao động. Nhà nước là người bảo đảm lợi ích, doanh nghiệp và người lao động tạo ra lợi ích, công đoàn là người bảo vệ lợi ích. Đó là quan hệ biện chứng, khăng khít giữa quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời là cơ sở quan trọng để công đoàn ngày càng gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam giai đoạn hiện nay.

 

 

*   Xem thêm: http://dantri.com.vn/c133/s133-589715/cho-phep-dinh-cong-de-bao-ve-cong-doan.htm

ThS. NGÔ VĂN NAM

Thành Đoàn Hà Nội

Bình luận