Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 26/03/2015 - 08:03

Trong ý thức đạo đức, yếu tố tình cảm đạo đức là đặc biệt quan trọng, nếu thiếu nó thì những khái niệm, phạm trù đạo đức và mọi tri thức đạo đức thu nhận được bằng con đường lý tính không thể chuyển hóa thành hành vi đạo đức. Đối với cán bộ, công chức để việc chuyển hóa đó thành hiện thực, có lẽ trước hết mỗi cán bộ, công chức phải có được ý thức trách nhiệm đối với công việc của mình.

nag cao y thuc trach nhiêm

Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đây chính là tiền đề quan trọng và là nền tảng để xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Những giá trị kiến tạo văn hóa tinh thần trước hết là các quy tắc đạo đức chung toàn nhân loại được nuôi dưỡng trên nền tảng của các giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam vốn đã hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những giá trị đó còn được hun đúc và phát triển sáng tạo ở thời đại ngày nay bởi tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tuy nhiên, từ những giá trị đó, để bảo đảm luôn luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức là một vấn đề không đơn giản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những đạo lý làm người là “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Người nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Theo Người, muốn giáo dục mọi người phải nêu gương trước của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Sức mạnh của “nói đi đôi với làm” là ở ý thức và hành động theo phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu”. Song, trước hết phải nói đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai; phải nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng; không được “nói một đàng, làm một nẻo”; không được hứa mà không làm, cán bộ, đảng viên đã nói, đã hứa thì phải làm, “tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác noi theo”.

Các đảng viên cộng sản ngày nay phải thường xuyên gắn bó với quảng đại tầng lớp nhân dân lao động, trở thành tấm gương để quần chúng noi theo khi bản thân luôn tuân thủ pháp luật, đấu tranh tích cực chống mọi vi phạm pháp luật, nêu cao tấm gương đạo đức của người cộng sản. Tuy nhiên, trong những năm qua, sự xuống cấp về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là ở một số người có chức, có quyền đã và đang trở thành rào cản và thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đảng ta đã phát động việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó nêu cao nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”, làm gương về cả ba mặt tinh thần, vật chất và văn hóa.

Đa phần, nếu không nói là hầu như tất cả cán bộ, công chức đều có ý thức đạo đức, tức là có những quan niệm, tri thức và các trạng thái xúc cảm tâm lý chung về các giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng, lòng tự trọng,… và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội. Song cũng cần nhận thấy rằng, trong ý thức đạo đức, yếu tố tình cảm đạo đức là yếu tố đặc biệt quan trọng, nếu thiếu nó thì những khái niệm, phạm trù đạo đức và mọi tri thức đạo đức thu nhận được bằng con đường lý tính không thể chuyển hóa thành hành vi đạo đức. Đối với cán bộ, công chức để việc chuyển hóa đó thành hiện thực, có lẽ trước hết mỗi cán bộ, công chức phải có được ý thức trách nhiệm đối với công việc của mình.

Ý thức trách nhiệm và trách nhiệm là những khái niệm không hoàn toàn đồng nhất. Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn ý thức trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và cơ quan của họ. Mức độ ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức quyết định mức độ, thái độ làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công vụ của người đó. Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công vụ, mỗi cán bộ, công chức có thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong phấn đấu phụng sự nhân dân.

Ý thức trách nhiệm còn thể hiện ở tính chịu trách nhiệm. Người dám chịu trách nhiệm là người dám nghĩ, dám làm. Dám nhận trách nhiệm, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Khi không hoàn thành cũng không tránh né, đùn đẩy cho hoàn cảnh hay người khác. Biết nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu. Luôn giữ đúng các cam kết của mình là một người cán bộ, công chức, luôn luôn làm đúng theo sự chỉ đạo, theo yêu cầu của cấp trên trong sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, song phải trong phạm vi quyền hạn của mình được giao. Động lực làm việc của một người sẽ càng cao, nếu người đó vừa có trách nhiệm chủ động (tức là chủ động nhận trách nhiệm trên cơ sở nhận thức được trách nhiệm của mình, tham gia một cách có ý thức vào tiến trình ra quyết định nhận trách nhiệm), lại vừa có trách nhiệm thụ động (tức là có trách nhiệm nhờ tác nhân bên ngoài, không bao hàm việc ý thức về trách nhiệm của bản thân). Đồng thời, còn phải tránh biểu hiện của trách nhiệm giả tạo (Đó là tỏ ra có trách nhiệm nhưng thực tế là không nhận trách nhiệm, nhận trách nhiệm ở bên ngoài, nhưng bên trong tư tưởng thì lại không thông, không thấy đó là trách nhiệm của mình hoặc cảm thấy mình bị ép buộc phải nhận trách nhiệm). Đặc biệt, còn phải loại bỏ sự vô trách nhiệm trong công việc, tức là có trách nhiệm thực hiện một nhiệm vụ, nhưng họ không làm, hoặc thực hiện nó với một tinh thần hời hợt, không thực sự quan tâm đến những hậu quả không tốt do hành vi của mình gây ra.

Như vậy, để “lời nói đi đôi với việc làm” mỗi cán bộ, công chức cần dựa trên sự nhận biết một cách có ý thức về trách nhiệm của mình, lòng tự trọng và không loại trừ dựa trên lợi ích của bản thân.

Trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức, ý thức trách nhiệm đối với công vụ cần được thể hiện thông qua: Tuân thủ nội quy, quy chế và các quy định của tổ chức; Làm việc một cách tự giác, không cần phải chờ qua giám sát, nhắc nhở, đôn đốc, thúc giục; Làm việc một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo; Luôn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao; Có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong tổ chức; Có lòng tự trọng, không đổ thừa hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác… Đặc biệt đối với các cơ quan tham mưu và cán bộ làm công tác tham mưu ở Trung ương cũng như địa phương, để nảy sinh và duy trì được văn hóa chính trị bắt buộc bảo đảm sao cho mọi quyền lợi của người dân “thấu tới” những người ra quyết định chính trị và ban hành chính sách trong các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng cần thông tin về những quyết định đã được thông qua và việc thực thi các quyết định đó phải được kiểm soát.

Từ đó, có thể thấy, chiếu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức không chỉ là đạo đức tu thân mà còn là đạo đức dấn thân, có nghĩa là đạo đức gắn liền với hành động. Ý thức đạo đức phải gắn liền với thực hành đạo đức, đặc biệt phải biến thành hành vi đạo đức nhằm thực hiện công vụ đạt hiệu quả.

Thực hiện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là những người lãnh đạo cao cấp phải nêu tấm gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí, không chỉ trong xã hội mà cả trong gia đình riêng của mình.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi Đảng ta đang triển khai thực hiện một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhằm tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thì mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc “nói đi đôi với làm”, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự phát huy vai trò lãnh đạo tiên phong, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

PGS, TS. Lưu Kiếm Thanh

Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia

Theo: Tạp chí Cộng sản


Bình luận