Nêu gương để xây dựng Đảng - Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Ngày đăng: 20/11/2020 - 08:11

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Đảng, bởi thực hiện nêu gương là quá trình người đảng viên tự nhận thức, tự rèn luyện, tự sửa đổi bản thân, từ đó mới có thể chống chủ nghĩa cá nhân và giữ vững chữ “đức” của người cách mạng. Nêu gương còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta, một biện pháp hữu hiệu góp phần phòng, chống nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền. Tư tưởng của Người về nêu gương, thực hành nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”1. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Hồ Chí Minh đã thực hành triệt để “cách tốt nhất” đó để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng là đại diện cho danh dự, lương tri, trí tuệ và phẩm giá của dân tộc. Tư tưởng ấy của Người vẫn luôn soi rọi, chỉ đường cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

1. Nêu gương để xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Với Hồ Chí Minh, nêu gương là một nguyên tắc thực hành đạo đức, đó là sự tiên phong thực hành trước, là những chuẩn mực để người khác noi theo. Bởi vậy, trong xây dựng Đảng, việc thực hành nêu gương có tác động vô cùng mạnh mẽ đối với đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt đối với đảng viên, đó là quá trình tự nhận thức, tự rèn luyện và chủ động thực hiện tự giác trong thực tế, từ đó không ngừng hoàn thiện bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân và giữ vững chữ “đức” của người cách mạng.

Để thực hành nêu gương, trước hết đòi hỏi đảng viên phải trở thành một tấm gương sáng cho quần chúng noi theo, bởi “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”2. Muốn vậy, đảng viên phải tự rèn luyện bản thân trên tất cả các mặt công tác và sinh hoạt, phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm, phải thường xuyên tự kiểm điểm, tự phê bình, tự đấu tranh khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Người chỉ ra ba mối quan hệ cơ bản mà mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức và giải quyết tốt trong việc nêu gương, đó là: đối với mình không được tự kiêu, tự đại, tự mãn, bởi tự kiêu, tự đại sẽ dẫn đến việc coi thường, xa rời quần chúng, sẽ dẫn tới thoái bộ, dừng lại; đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng, có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết; đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, nghĩa là để việc chung lên trên, lên trước việc riêng, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân và của Đảng. Đặc biệt, đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức rèn luyện, hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường.

Theo Hồ Chí Minh, với cán bộ, đảng viên, việc nêu gương không chỉ được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”3, mà phải trở thành ý thức tự giác, là một nhu cầu văn hóa trong lối sống, lối làm việc để không ngừng tự hoàn thiện bản thân, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.

Với Hồ Chí Minh, nêu gương còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng - phương thức lãnh đạo khoa học đầy giá trị nhân văn. Điều này xuất phát từ sức mạnh to lớn của sự nêu gương, “một tấm gương sống” có sức thuyết phục, định hướng, dẫn dắt và có sức mạnh giáo dục lan tỏa rất lớn trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sức mạnh lan tỏa đó phải được bắt nguồn từ đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”4, do đó để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương trong công việc, trong đạo đức lối sống, trong tác phong hằng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động, dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn. Phẩm chất đó khắc sâu trong tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn của Đảng.

Nêu gương còn là để mọi người “bắt chước” noi theo. Bởi vậy, hiệu quả của việc nêu gương của người đảng viên phải được thể hiện rõ ở kết quả công việc, ở sự thuyết phục và làm theo của quần chúng nhân dân. Nêu gương cần phải bắt đầu từ những việc bình thường, những hành động cụ thể trong cuộc sống, trong lối sống, trong công việc, từ cách nghĩ đến cách làm, những điều mà cán bộ, quần chúng có thể học được, làm được, “bắt chước” được chứ không phải những điều quá cao siêu. Trong cuộc đấu tranh chống nạn đói năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xuất phong trào “hũ gạo cứu đói” và tự mình mỗi tuần nhịn ăn một bữa, góp phần gạo vào hũ gạo cứu đói. Từ hành động thiết thực của Người, phong trào “hũ gạo cứu đói” đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, diễn ra sôi nổi trong cả nước, góp phần quan trọng giải quyết nạn đói, củng cố chính quyền cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Nêu gương còn là một biện pháp hữu hiệu phòng, chống nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh nhận thấy tính hai mặt của quyền lực và nguy cơ suy thoái của những người nắm quyền. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17/10/1945), Hồ Chí Minh chỉ ra sáu sai lầm, khuyết điểm cơ bản của đảng cầm quyền: Một là, trái phép, tư thù tư oán. Hai là, cậy thế, ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Ba là, hủ hóa, ăn chơi xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư. Bốn là, tư túng, kéo bè, kéo cánh. Năm là, chia rẽ, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Sáu là, kiêu ngạo, coi khinh nhân dân, huênh hoang, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên5. Đặc biệt, Hồ Chí Minh chỉ ra nguồn gốc nảy sinh các thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên, đó là chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”6 như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”7. Bởi vậy, để phòng, chống nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền, để củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, trước hết cán bộ, đảng viên phải luôn tự ý thức thực hành nêu gương đạo đức chống chủ nghĩa cá nhân, tránh xa những thói xấu thường gặp, dễ mắc phải, “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”8. Người cán bộ, đảng viên phải trở thành tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chỉ thành công khi có sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu.  

2. Vấn đề nêu gương trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm cũng như những thách thức của đảng cầm quyền trong thời kỳ mới, thời gian qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; giữ vững bản chất cách mạng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta rất chú trọng đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Đảng đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Các quy định này đều nêu rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, cách thức và trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nêu gương.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định còn hạn chế, kết quả đạt được chưa cao, chưa đạt được như kỳ vọng của Đảng, của các tầng lớp nhân dân. Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém và có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả những đảng viên là lãnh đạo cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhiều đảng viên bị xử lý kỷ luật với những vụ án có mức độ vi phạm nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra Đảng năm 2019 nêu rõ: Từ năm 2016 đến năm 2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người…)9. Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo con số đáng suy ngẫm: Trong 6 tháng đầu năm 2020, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 104 tổ chức đảng (khiển trách 71, cảnh cáo 32, giải tán 01) và kỷ luật 7.160 đảng viên (có 1.749 cấp ủy viên các cấp), trong đó khiển trách 4.903, cảnh cáo 1.331, cách chức 238 và khai trừ 688 trường hợp10.

Từ những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra, trên nền tảng lý luận và học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp phù hợp, kiên quyết, triệt để nhằm phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Tinh thần, trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện. Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Theo đó cần gắn việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục triển khai các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, đến từng cán bộ, đảng viên để tự nhận thức về bản thân, hiểu rõ hơn những biểu hiện “bất thường”, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đảng viên, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, đấu tranh kịp thời. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”11, không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi đến mấy, cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, sẽ đánh mất vị thế cầm quyền, ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cần sử dụng có hiệu quả các biện pháp chế tài của Đảng và pháp luật, nhất là các quy định về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, quản lý đảng viên; về cơ chế, thể chế phát triển kinh tế - xã hội và các quy định có liên quan đến hoạt động của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, từ đó có căn cứ, cơ sở chính trị, pháp lý để kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý khi cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Hiện nay, trong một số lĩnh vực do thiếu quy định rõ ràng, cụ thể nên việc quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo phụ trách chưa được thực hiện nghiêm túc. Có những sai phạm đã diễn ra, gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước, nguồn lực của nhân dân nhưng cán bộ lãnh đạo vẫn chưa tự nhận trách nhiệm, chưa tự nhận hình thức kỷ luật để làm gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, công tác kiểm tra, giám sát như “ngọn đèn pha” soi xét các công việc, phát huy ưu khuyết điểm của cán bộ để sửa chữa kịp thời. Hiện nay, để làm tốt công tác nêu gương, đòi hỏi việc kiểm tra, giám sát, xem xét, kết luận khuyết điểm cần tiến hành nghiêm minh hơn nữa để xử lý “công minh, chính xác, kịp thời” những cán bộ, đảng viên có vi phạm, kể cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương có vi phạm. Đây là việc làm lớn nhất của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhằm giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng.

Cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo động lực khuyến khích và phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, cần tiến hành đổi mới chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ - khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Trên cơ sở quy định của Trung ương, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần xây dựng thể chế về nêu gương, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, đảng viên, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Có như vậy, nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống, từ nghị quyết phát động thành phong trào sâu rộng, thiết thực trong thực tiễn.

Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống, trong đó có đạo đức nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: nhân dân có hàng triệu tai mắt để lắng nghe, kiểm soát; mọi việc đều phải dựa vào dân, lắng nghe nhân dân, học hỏi nhân dân. Bởi vậy, tiêu chí đánh giá cao nhất đối với cán bộ, đảng viên là sự hài lòng, khả năng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Không được sự đồng thuận của nhân dân, Đảng sẽ đánh mất dần vị thế và khả năng lãnh đạo của mình.

Phải làm cho việc nêu gương không chỉ là việc làm bắt buộc, là một phương thức lãnh đạo mà phải trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hóa lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải tự nhận thức sâu sắc, đúng đắn về trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng và nhân dân, phải tự mình làm gương, nêu gương mọi lúc, mọi nơi để cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, có khả năng tự “đề kháng” trước tác động tiêu cực từ bên ngoài; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của những ngày mới thành lập, trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vững vàng chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi nguy nan, giành những thắng lợi to lớn. Toàn dân, toàn Đảng quy tụ, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, bởi các tầng lớp nhân dân và các thế hệ đảng viên thấy ở Người tấm gương sáng ngời của chiến sĩ cách mạng vĩ đại, suốt đời không màng danh lợi, hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Bài học nêu gương của người cán bộ, đảng viên, của người lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bền bỉ thực hiện trở thành một giá trị văn hóa của Đảng, của nền chính trị Việt Nam. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là để Đảng làm gương và nêu gương ngày một xứng đáng hơn trước nhân dân và toàn xã hội. 

1, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. 15, tr. 672.

2, 4, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16; t. 12, tr. 672; t. 11, tr. 601.

5. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65-66.

3, 6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 306, 295, 292.

9. https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/trong-3-nam-2016-2019-ky-luat-1-111-to-chuc-dang-18-265-cap-uy-vien-cac-cap-va-54-573-dang-vien.

10. http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/972456/sau-thang-kiem-tra-khi-co-dau-hieu-vi-pham-doi-voi-566-to-chuc-dang-va-2755-dang-vien.

TS. Lê Thị Hằng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả