Đồng chí Lê Đức Thọ - một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu Nam Bộ kháng chiến
Sau thất bại nặng nề của cuộc tấn công chiến lược lên Việt Bắc mùa Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp phải từ bỏ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, buộc chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", thi hành "chiến tranh tổng lực", bình định củng cố mở rộng vùng tạm chiếm, đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của ta. Địch chuyển trọng tâm bình định vào miền Nam, áp dụng chiến thuật "khóa then cửa" bao vây, chia cắt các chiến trường của ta. Đến giữa năm 1948, địch đã đạt được kết quả ở nhiều nơi theo ý đồ trên.
Về phía ta, ngày 15-1-1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cho giai đoạn mới, giai đoạn giằng co quyết liệt giữa ta và địch, song so sánh lực lượng đã bước đầu thay đổi có lợi cho ta. Một nội dung quan trọng được hội nghị đặc biệt bàn định là công tác vùng sau lưng địch, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, "biến hậu phương địch thành tiền phương ta", phân tán và làm suy yếu tối đa lực lượng địch.
Trong thời điểm và yêu cầu lịch sử đó, để nắm đầy đủ tình hình và tăng cường sự chỉ đạo đối với chiến trường xa xôi nhất đã anh dũng mở đầu cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng và Bác Hồ cử một phái đoàn, đứng đầu là đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương vào Nam Bộ. Cùng lúc đó, Xứ uỷ Nam Bộ cũng đã cử một phái đoàn do đồng chí Phó Bí thư Nguyễn Đức Thuận và đồng chí Trần Bửu Kiếm đại diện Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ dẫn đầu ra báo cáo và làm việc với Trung ương và Chính phủ. Trên đường đi, hai phái đoàn đã gặp nhau tại Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Thật đúng là những ý tưởng lớn gặp nhau.
Lên đường từ căn cứ địa Việt Bắc vào giữa tháng 9-1948, phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ đã vượt ngàn dặm đường, khi "xẻ dọc Trường Sơn", khi cưỡi sóng Biển Đông, xuyên qua nhiều vùng địch tạm chiếm. Tới đầu năm 1949, phái đoàn đặt chân đến Đồng Tháp Mười, căn cứ địa nổi tiếng của Xứ uỷ và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ.
Đảng bộ, quân và dân Nam Bộ, trước hết ở vùng căn cứ địa phấn khởi chào đón phái đoàn đầu tiên của Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong những cuộc míttinh và hội nghị cán bộ do Xứ uỷ và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ triệu tập, phát biểu của đồng chí Lê Đức Thọ với giọng nói sôi nổi, trình bày những nhận định của Trung ương về tình hình nhiệm vụ của đất nước, phân tích những thắng lợi buổi đầu của kháng chiến, biểu dương ý chí, sự sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Nam Bộ, đã cổ vũ mạnh mẽ mọi người. Việc truyền đạt cặn kẽ, sinh động của đồng chí Lê Đức Thọ về đường lối, chính sách, đặc biệt là đường lối đại đoàn kết dân tộc của Trung ương Đảng và Bác Hồ kết hợp với bài phát biểu tiếp thu, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chung gắn với thực tiễn chiến trường của đồng chí Bí thư Xứ uỷ Lê Duẩn, thực sự đem đến một luồng sinh khí mới, một sức mạnh trí tuệ mới trong cán bộ, đảng viên và các nhân sĩ, trí thức.
Đồng chí Lê Duẩn có tâm tình với một cán bộ trong phái đoàn: "Anh Thọ và các anh vào đây là một lực lượng cán bộ lớn tăng cường cho Nam Bộ. Tôi cùng Xứ uỷ sẽ xin Trung ương cho các anh ở luôn trong này cùng làm việc".
Từ đó cho tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chín năm, đồng chí Lê Đức Thọ luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Xứ uỷ - Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí thường nói với cán bộ giúp việc: "Mình với anh Ba kết hợp chặt chẽ, bổ sung cho nhau thì thật phù hợp. Anh Ba nắm và chỉ đạo các vấn đề chiến lược còn mình thì cố gắng triển khai tổ chức thực hiện những ý tưởng, chủ trương có tầm vóc lớn, đầy sáng tạo của anh Ba". Cũng từ đây, cái tên "anh Sáu Thọ" được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào nơi đặt cơ quan làm việc thường gọi vừa quý trọng, vừa thân thương bên cái tên "anh Ba Duẩn", "anh Hai Hùng", "anh Tư Kỉnh", "anh Ba Khiêm", "anh Hai Bạch"...
Ngoài việc tham gia lãnh đạo chung, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, kiểm tra, xây dựng Đảng và công tác dân vận, mặt trận. Nhân đây có thể nói, phần lớn thời gian hoạt động từ khi Đảng nắm chính quyền cho tới mấy năm cuối đời làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ với cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị liên tục được giao phụ trách công tác tổ chức cán bộ - xây dựng Đảng. Đồng chí có một bề dày kiến thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng, thuộc lớp chiến sĩ cận vệ đầu tiên của Đảng: 15 tuổi đã tham gia phong trào học sinh yêu nước bãi khóa và dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Bước sang tuổi 17 vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, 18 tuổi trở thành đảng viên Cộng sản (năm 1929). Cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, đồng chí Lê Đức Thọ đã trải qua trường học ác liệt của lao tù đế quốc: Côn Đảo, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội. Trong 15 năm, hai lần bị địch bắt. Tháng 12-1944, sau khi ra tù được mấy tháng, đồng chí được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tới tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Cán bộ lãnh đạo và cán bộ chính trị, quân sự trung, cao cấp ở Nam Bộ, từng dự các hội nghị hay theo học Trường Đảng Trường Chinh, các lớp "rèn cán, chỉnh quân" rất hồ hởi nghe những bản báo cáo tổng kết hay chuyên đề, những bài giảng, bài nói chuyện giàu tính chiến đấu, giàu tính thực tiễn của đồng chí Lê Đức Thọ trên nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, quân sự, Mặt trận dân tộc thống nhất, liên minh công nông, xây dựng nền kinh tế, văn hóa kháng chiến...
Ngoài ra, đồng chí Lê Đức Thọ còn viết rất nhiều chuyên luận đăng trên các báo Nội san của Xứ uỷ - Trung ương Cục, Nhân dân miền Nam, Thống nhất, Nghiên cứu nhằm bồi dưỡng nhận thức đường lối, chính sách, uốn nắn những lệch lạc, đúc kết phổ biến các kinh nghiệm, các bài học phong phú, sáng tạo của các đảng bộ, quân và dân Nam Bộ trong phát triển lực lượng, chủ động chiến trường, trong công tác địch - ngụy vận đi đôi với tác chiến để làm tan rã, suy yếu kẻ thù, trong xây dựng cuộc sống kháng chiến...
Năm 1954, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối cùng.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Lê Đức Thọ khẩn trương giải quyết biết bao công việc bề bộn như phổ biến, giải thích thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị tinh thần và giải quyết các chế độ, chính sách đối với nông dân và nhân dân vùng giải phóng trước khi chính quyền kháng chiến kết thúc nhiệm vụ tập kết quân đội và một lực lượng cán bộ cùng con em ra Bắc vừa để giúp sức xây dựng miền Bắc, vừa để đào tạo nhân lực sau này trở về góp sức chiến đấu giải phóng và xây dựng quê hương; bố trí tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở lại với phương thức hoạt động mới để tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh sẽ rất ác liệt, lâu dài trong tình thế mới ở miền Nam dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam Bộ mới thành lập, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn.
Một cán bộ lão thành cách mạng, hoạt động suốt 30 năm chiến trường ở Nam Bộ có nói với chúng tôi: "Phân nửa cuộc đời cách mạng của ông Sáu trực tiếp chăm lo cho Nam Bộ, cho miền Nam, qua ba lần vào Nam ra Bắc: năm 1949 đến 1954; năm 1968 sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân, rồi sang Paris đã chỉ đạo cuộc đấu tranh ngoại giao của hai phái đoàn ta; đầu 1975 lại vào tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến thắng lợi trọn vẹn. Nhìn thấy ông Sáu đầu đã bạc trắng, mắt đã yếu mờ mà lòng càng trọng, càng thương. Mình có lần phạm lỗi, bị ông thay mặt Trung ương "xáng" cho một án kỷ luật. Nhưng nói gì thì nói, vượt lên tất cả, sự nghiệp và con người ông Sáu được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó có bà con, đồng chí Nam Bộ tuyên dương, tri ân là đương nhiên, thuận tình và phải đạo".
Quả vậy, cống hiến trên 60 năm của đồng chí Lê Đức Thọ đối với đất nước, nhân dân, đối với Đảng là lớn. Con người anh Sáu có những nét đẹp rất đáng quý. Ai đã gần anh thời chín năm đều thấy anh rất giàu cảm xúc, giàu tình thương và rộng lượng bao dung đối với cán bộ, chiến sĩ dù là lớn hay nhỏ, dù là cấp cao hay cấp thấp.
Trên đường thiên lý trải dài qua đất nước vào Nam, mắt thấy, tai nghe, tâm cảm nhiều cảnh tình và hoạt động của quân, dân các miền trong chiến đấu, sản xuất và xây dựng cuộc sống mới, anh Sáu đã sáng tác nhiều bài thơ xúc động, ngợi ca chiến sĩ, đồng bào, đồng chí. Trong số đó, có bài thơ Em bé liên lạc được dư luận đánh giá cao cả về tư tưởng và nghệ thuật. "Văn là người" thì đọc tập thơ Những nẻo đường của đồng chí Lê Đức Thọ, do Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn và xuất bản đầu những năm 80 của thế kỷ XX, có thể hiểu chừng nào con người anh Sáu. Vậy mà vì sao, thời đó cán bộ lại trìu mến đặt biệt hiệu cho anh là "ông Sáu Búa" cũng như đặt "ông Hai Đe" cho đồng chí Phạm Hùng. Đó là vì khi đả kích, lên án kẻ địch thì anh Sáu nói rất quyết liệt, khi phê phán những sai lầm, những thói hư tật xấu trong nội bộ và của cán bộ thì anh Sáu nói rất mạnh, rất rát như búa bổ. Song thật ra, khi phải xử lý kỷ luật, thì thường anh Sáu tỏ ra nhẹ nhàng và chiếu cố đến hoàn cảnh cụ thể của từng người. Chúng tôi nhớ mãi chuyện một cán bộ có hành vi sinh hoạt không lành mạnh với chị chủ nhà vào một đêm nọ. Hôm sau, anh Sáu kêu tới phê phán vuốt mặt không kịp, rồi nhẹ nhàng nói: "Cậu đã 30 tuổi, không chịu lấy vợ để túng bí làm ẩu. Phải kỷ luật thì cậu đau mà mình cũng buồn lắm. Bây giờ lo kiếm vợ đi, mình và các anh sẽ tiếp lo cho!".
Sau này, tại một hội nghị cán bộ ở Hà Nội, có lần anh Sáu tâm tình: "Hiểu và đánh giá đúng cán bộ khó lắm. Ai gần gũi mình nhiều bằng vợ, vậy mà chính tôi có vài điều đơn giản về người vợ sau hơn hai chục năm chung sống mới thấy, mới biết! Vì vậy, trong việc sắp xếp hay xử lý cán bộ khó tránh được sai sót, thậm chí sai sót nghiêm trọng. Vấn đề là phải luôn luôn rà đi soát lại, lắng nghe và dựa vào tập thể".
Những năm ở bưng biền cũng như khi làm việc ở Hà Nội, anh Sáu thường căn dặn cán bộ giúp việc: "Các thư từ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào gửi tới, phải cố gắng giải quyết kịp thời, trả lời nhanh chóng. Đừng bao giờ để bà con, anh em chán ngán thất vọng khi đề đạt ý nguyện lên cấp trên".
Anh sống rất giản dị, liêm khiết. Thời kháng chiến, đóng cơ quan trong nhà dân từ trên Đồng Tháp Mười hay xuống vùng U Minh miền Tây, bữa cơm thường ngày của anh cũng đại thể như các anh em giúp việc, quanh quẩn cá kho, cá chiên, cá nấu canh chua đi kèm có các loại rau vườn, rau đồng hay rau rừng. Quần áo gồm vài bộ bà ba đen, khăn rằn và có lẽ độc đáo nhất là đôi guốc mộc bất ly thân khi ở nhà, kể cả sau này ở biệt thự tại Hà Nội.
Đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911, tại quê hương Nam Định, đã vĩnh viễn yên nghỉ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã được đúc kết, tuyên dương trong Điếu văn mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu trọng thể ở Hà Nội, ngày 17-10-1990: "Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng", "một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân ở Nam Bộ", "là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". "Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm liêm chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu và kính trọng"!
*
* *
Đầu tháng 1-1990, tôi được tới thăm anh Lê Đức Thọ tại khu vực T78 ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi anh vào nghỉ ở đây, tránh cái rét Hà Nội không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi.
Mấy ngày trước buổi hẹn đó, tôi nghĩ tới nghĩ lui: ngoài việc thăm hỏi sức khỏe và gia đình anh, mình có nên và có thể hỏi anh những vấn đề gì? Là người cán bộ của Đảng, hơn nữa là người đã từng công tác trong một cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ, sau là Trung ương Cục miền Nam, mà anh là thủ trưởng trực tiếp trong những năm kháng chiến chống Pháp, ai mà không suy nghĩ, trăn trở nhiều trước những điều nọ tiếng kia, nhất là sau Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Với anh Sáu, đã hơn bốn năm tôi chưa có dịp được gặp. Tôi cứ miên man trong hồi tưởng những tháng năm qua, kể từ lần đầu tiên được gặp anh vào đầu hè năm 1948 trong Hội nghị Tổ chức Trung ương gồm đại diện Ban Tổ chức các Liên khu uỷ từ Liên khu 4 trở ra. Dự họp có các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và đồng chí Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Nguyễn Đức Thuận ra làm việc với Thường vụ Trung ương Đảng. Khi đó tôi mới 20 tuổi, lần đầu tiên được gặp nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, cảm thấy thật vừa vinh hạnh, vừa ngỡ ngàng, lúng túng. Vậy mà tôi lại được giao đọc báo cáo về vấn đề xây dựng chi bộ xã lãnh đạo sản xuất, đời sống và chiến đấu trong vùng tạm bị chiếm và vùng giáp ranh. Mặc dù đã được Ban Tổ chức Liên khu uỷ I chỉ đạo, và tôi đã đi vào vùng tạm bị chiếm Nam phần Bắc Ninh, nghiên cứu một thời gian. Bản báo cáo đã sẵn sàng, song tôi vẫn hơi run. Có lẽ thấu hiểu tâm trạng tôi, đồng chí Lê Đức Thọ vỗ vai tôi động viên, đồng chí Trường Chinh lại tươi cười nói: "Đồng chí còn trẻ quá mà sao giống đồng chí Thorez thế, cứ mạnh dạn báo cáo đi Petit Thorez à".
Sau khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ nói: "Từ thời tiền khởi nghĩa đến nay, ta bận bao nhiêu việc lớn, cấp bách, bữa nay mới nghe công tác xây dựng Đảng ở cơ sở trong tình hình nhiệm vụ mới trong kháng chiến, thật thú vị, mới mẻ". Đồng chí Trường Chinh cũng nói: "Đúng, nhiều cái mới cần phải đi sâu, tổng kết, nhân rộng, khác với xây dựng Đảng thời chưa có chính quyền, chưa kháng chiến". Đến bữa ăn, tôi cố ý lẩn vào bàn ngồi với các cán bộ cùng cỡ ở các Liên khu bạn, thì đồng chí Lê Đức Thọ tới kéo tôi sang bàn các đồng chí lãnh đạo cao và nói: "Petit Thorez ngồi đây để các anh vừa ăn vừa hỏi thêm". Cuộc họp này, ngoài sự bổ ích về nghiệp vụ, để lại trong tôi ấn tượng có thể nói là "đầu đời". Là lớp đảng viên trẻ, tôi vốn có lòng sùng kính đối với các vị tiền bối cách mạng, các vị lãnh tụ của Đảng đã hoạt động dày dạn trong "bóng tối". Nào ngờ, các đồng chí thân tình, vui vẻ, cười đùa cởi mở và giao tiếp trân trọng với cán bộ cấp dưới, cán bộ mới mà tuổi đời có thể ở hàng con, cháu hay nhiều lắm chỉ bằng em út.
Ít tháng sau, tôi được tin đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu một phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vô Nam Bộ. Tôi không ngờ là năm sau, tôi cũng được Trung ương điều động vào công tác trong ấy, và làm việc tại Ban Tổ chức Xứ uỷ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của anh. Nhớ những năm tháng công tác dưới quyền anh, và được anh dạy bảo, dẫn dắt, nhớ lại những lần nghe anh truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng hay tổng kết công tác, kể cả đọc một số bài báo anh viết, và nhớ cả một ít lần được anh tiếp kiến thân tình, tôi thấy nổi bật ở anh một tư duy nhạy bén bám sát thực tế. Anh thường không nói dưới dạng lý luận lớp lang, song nội dung trình bày giàu tính chỉ đạo thực tiễn với những lời lẽ nhiều khi nôm na, dân dã, dùng nhiều thành ngữ dân gian quen thuộc, nên người nghe dễ nhập tâm. Chẳng hạn như anh bảo: "Sau khi có đường lối, chủ trương đúng, kế hoạch sát hợp thì cán bộ quyết định tất cả. Nhưng đánh giá, sắp xếp cán bộ giỏi lắm chỉ đúng 70, 80%". Anh em chúng tôi có người thắc mắc: "Vậy không được, phải bảo đảm đúng 100%". Anh trả lời: "Người lãnh đạo ai không muốn thế; mình nói theo thực tế vì hiểu đúng, hiểu sâu một con người là khó lắm, khó nhất. Ai mà gần gũi vợ bằng chồng, thế mà mình đây có vài điều đơn giản của vợ mà sau 20 năm chung sống mình mới biết! Vấn đề là công tác tổ chức cán bộ của chúng ta phải thường kỳ rà soát để kịp thời sửa đổi".
Những bài nói, bài viết của anh còn rất giàu tính chiến đấu, tính phê phán. Cộng với giọng nói lớn, rổn rảng, sôi nổi, những lời lẽ của anh phân tích, lên án âm mưu, thủ đoạn của địch càng thêm sắc sảo, quyết liệt; những lời anh phê phán thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên lắm khi rất mạnh, rất rát. Bởi vậy, trong kháng chiến ở Nam Bộ, cán bộ trìu mến đặt biệt hiệu cho anh là "ông Sáu Búa" cũng như đặt biệt hiệu "ông Hai Đe" cho đồng chí Phạm Hùng. Tính cách chủ động, quyết liệt đó của anh đối với địch, sau này lại thể hiện rõ qua những mẩu chuyện kể anh đối đáp và đấu thẳng thừng với Kítxinhgiơ tại Hội nghị Pari. Song đối với cán bộ, nhân viên dù là cấp cao hay cấp thấp, thực ra những ai đã gần anh thời "9 năm" đều thấy anh rất giàu tình cảm, giàu tình thương và rộng lượng, bao dung. Tôi đã không chỉ một đôi lần được tham dự, chứng kiến anh phê phán, xử lý cán bộ trung, cao cấp có sai phạm về đạo đức. Những lời lẽ của anh có lúc như búa bổ, song vẫn hàm chứa sự thông cảm và thể tất, nhất là việc anh dùng nhiều thành ngữ dân gian đúc kết từ cuộc sống thường tình, sự phê phán trở nên mềm mại, thân tình. Chẳng hạn như: "... Phải kỷ luật, cậu đau thì mình cũng buồn. Cậu đã trên 30 tuổi, mình hiểu cái cảnh... "hãm". Vậy nên lo kiếm vợ đi để đừng làm ẩu, mình và các anh sẽ tiếp lo cho". Tôi và vài anh em thường rủ rỉ với nhau: Nghe ông nói thì như đang xắn tay áo lên để thoi, song khi ổng xử thì lại buông chùng tay áo xuống.
Sau này tôi mới được biết đồng chí Lê Đức Thọ từng làm bài "Em liên lạc" được dư luận đánh giá cao cả về tư tưởng và nghệ thuật. Đã nói "văn là người" thì đọc thơ Trên những nẻo đường của anh do Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn và xuất bản đầu những năm 80 thế kỷ XX, càng thêm hiểu anh Sáu giàu cảm xúc, giàu tình thương. Với đời riêng của tôi, vợ chồng tôi không bao giờ quên được anh Sáu, anh Tư Thượng Vũ, anh Hai Hùng cùng đi tới nhà ông bà nhạc tương lai của tôi, để vừa thay mặt cơ quan, vừa thay mặt gia đình của tôi ở ngoài Bắc, hỏi vợ cho tôi. Riêng anh Sáu, dù bận việc, vẫn ưu ái dành thì giờ làm chủ hôn lễ cưới của chúng tôi.
*
* *
Với tôi, cái hồi tưởng đó, tôi tự nhủ trước khi được anh tiếp kiến, tôi có thể thành thực và mạnh dạn hỏi và trao đổi với anh những điều day dứt trong tâm tư của mình.
Thấy anh gầy yếu hơn trước, nhất là khi nghe anh nói vừa mới bị chảy máu mũi nhiều ngày và các bác sĩ bảo đó là điều may mắn mà máu thoát ra con đường như vậy, tôi lại ngần ngại, sợ nêu ra những vấn đề dễ xúc động. Nhưng qua những lời anh thăm hỏi tôi và vợ con, cùng với thái độ thân tình như xưa của anh: "Trông cậu hồi này khỏe, khá hơn hẳn với hồi 1985 mình mới vào thăm cậu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ tưởng cậu bị ung thư! v.v.", tôi lại như được khuyến khích. Anh nói: "Mình chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa, có lẽ chỉ tính tháng, chứ không tính năm được. Cậu có điều gì muốn nói thì cứ nêu ra, mình không quên tính hay hỏi của cậu đâu". Được lời như cởi tấm lòng, theo chuẩn bị, tôi chỉ nêu một câu khái quát: "Tại sao, một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như anh, suốt đời phấn đấu hy sinh cho dân tộc, cho Đảng trên nhiều mặt, công trạng nhiều và lớn, mà cuối đời lại bị tiếng nặng tiếng nhẹ của một số người?". Anh đáp liền: "Vấn đề cậu đặt ra, chính mình cũng đã tự vấn lâu nay. Mình nhớ đã nhiều lần nói với cậu và với anh em làm công tác cán bộ; hiểu con người, hiểu cán bộ, đánh giá và sắp xếp đúng 100% rất khó, cực kỳ khó. Trong việc ấy, cái trí, cái tâm, cái đức của con người làm công tác tổ chức cán bộ phải cao, phải sáng. Mình vẫn nhớ lời cậu kể về một đồng chí phụ trách tổ chức ở tỉnh Đồng Nai nói: "Có lẽ khi Tỉnh uỷ bàn việc sắp xếp cán bộ đầu ngành, nên họp tại nghĩa trang liệt sĩ, để thấy cả nước chiến đấu hy sinh cho Đồng Nai chứ không chỉ có những đồng chí quê ở đây hay "trụ" ở tỉnh này". "Nghề tổ chức cán bộ là một nghề dễ "ân oán". Đánh giá, sắp xếp, đưa lên đưa xuống, đưa vào, đưa ra dù đúng cũng có khi bị "oán" vì một số anh em ít nhiều vẫn so bì ấm ức, tức tối. Huống hồ có đôi khi do thiếu sâu sát hay vì định kiến hoặc cả nể, quá tin... đưa tới sự bố trí công tác hoặc xử lý sai gây ra những hậu quả phức tạp". Rồi anh kể một đôi trường hợp cụ thể để chứng minh.
Cuộc trò chuyện đã kéo dài hai tiếng đồng hồ. Bên ngoài, hoàng hôn sắp buông xuống. Đồng chí bảo vệ từ phòng bên ra đứng phía sau anh, làm hiệu cho tôi ra về. Tôi cũng sợ anh mệt nên dợm đứng lên, anh ấn tôi ngồi xuống và quay lại đồng chí bảo vệ: "Cậu ấy là cán bộ đã làm việc nhiều năm với tôi và đã lâu không gặp, cứ để chúng tôi hàn huyên thêm một lúc nữa".
Tôi không ngờ, đây là lần cuối cùng trong đời tôi được gặp anh.
Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;
Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực