Đồng chí Lê Hồng Phong – Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta*

Ngày đăng: 07/09/2012 - 08:09

DCNPT ghi vào sổ vàng lưu niệm LHP

Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi vào sổ vàng lưu niệm Lê Hồng Phong


Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm có tinh thần yêu nước, thương dân.

Sau khi học xong sơ học yếu lược, đồng chí Lê Hồng Phong đã rời làng ra thành phố, đầu tiên ở Vinh, sau là Bến Thủy, sống cảnh làm thuê, làm mướn. Không chịu đựng nổi cảnh bóc lột và áp bức của giới chủ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Vì lẽ đó mà Lê Hồng Phong đã bị đuổi việc.

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước vượt Trường Sơn, qua Lào sang Xiêm gặp các nhà yêu nước Việt Nam.

Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong may mắn được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Kể từ đây, Lê Hồng Phong quyết tâm đi theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập, trở thành một trong những người thuộc lớp cán bộ lãnh đạo đầu tiên của cách mạng nước ta. Từ đó, đồng chí đã được rèn luyện toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xôviết ở Lêningrát, Trường Không quân ở Bôrítxgơlépxcơ. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí đã hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xôviết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, đồng chí đã được học tập lý luận cách mạng một cách hệ thống tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Đồng chí tốt nghiệp khóa học ba năm (1928-1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.

Sau cao trào Xôviết Nghệ Tĩnh (1930-1931), do sự khủng bố dã man và tàn bạo của thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Hầu hết các ủy viên Trung ương, các xứ ủy viên đều bị bắt hoặc bị sát hại, hàng trăm cán bộ, hàng ngàn đảng viên bị bắt bớ, tù đày. Các tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở phần nhiều bị tan rã hoặc tê liệt. Trước tình hình đó, tháng 11-1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Tháng 3-1934, đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tiến hành Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài (Ban lãnh đạo hải ngoại) của Đảng. Ban Chỉ huy ở ngoài có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ở nước ngoài do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Ban Chỉ huy ở ngoài đã chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, một số văn kiện quan trọng khác và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 ủy viên do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1996-2001) đã chính thức xác nhận đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ 1935-1936.

Cuối năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (Liên Xô). Đại hội đã thông qua nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tháng 7-1936, tại Thượng Hải, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển"[1], chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936-1939.

Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng.

Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án sáu tháng tù giam. Ngày 23-12-1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà. Ngày 20-1-1940, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết đồng chí là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6-9-1942 sau khi đã nhắn lại: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá:

Là người chủ trì công việc của Đảng trong thời kỳ cách mạng thoái trào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi cả đất nước chìm ngập trong làn sóng khủng bố trắng của địch, tưởng chừng không vượt qua nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Trung ương tiến hành một loạt công tác tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động và lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng là hai sự kiện có tầm quan trọng hàng đầu. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn được hai phẩm chất cao quý trong công tác là vừa chỉ đạo ở tầm chiến lược, tổng quát; vừa chỉ đạo ở tầm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả.

Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những tiền đề tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Đồng chí đã có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng.

Có được sự trưởng thành như vậy phần quan trọng là do đồng chí Lê Hồng Phong đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, đào tạo, rèn luyện và thường xuyên chỉ đạo. Từ một thanh niên yêu nước đi tìm đường cách mạng, Lê Hồng Phong đã sớm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí đã trở thành học trò ưu tú của Người.

Ở Lê Hồng Phong, một trong những phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện. Không được học tập đầy đủ khi tuổi còn niên thiếu, lớn lên đi hoạt động cách mạng, đồng chí càng khao khát trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập. Trong thời gian ở Trung Quốc và Liên Xô, đồng chí đã trải qua nhiều trường, nhiều lớp; có khi lớp học cũ chưa xong, hoàn cảnh buộc chuyển sang lớp học mới; học quân sự, học chính trị, học lý luận... Có thể nói, trong số những người hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí Lê Hồng Phong là người được trang bị nhiều kiến thức nhất ở nhà trường. Điều đó giúp đồng chí rất nhiều trong công tác, nhất là phải chủ trì công việc của Đảng.

Đồng chí gắn việc học tập với hoạt động cách mạng, rèn luyện trong tổ chức và chỉ đạo thực tiễn. Việc chắp nối, liên lạc để khôi phục các tổ chức cơ sở Đảng ở trong nước và chủ trương đưa địa bàn hoạt động về trong nước thay vì chỉ đạo từ xa đã nói lên điều đó. Lê Hồng Phong là một tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp học và hành, lý luận và thực tiễn.

Đồng chí Lê Hồng Phong còn là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành. ở đồng chí, lòng yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân, cách mạng Việt Nam kết hợp với cách mạng các nước trên thế giới. Đồng chí tìm thấy ở các nước bè bạn một địa bàn hoạt động khi điều kiện trong nước còn khó khăn, một môi trường học tập rèn luyện thuận lợi, một nơi cùng phối hợp, liên kết, ủng hộ lẫn nhau trong hoạt động cách mạng. Chính nhờ mối liên hệ quốc tế mà nhãn quan và tầm hiểu biết của đồng chí rộng rãi và sâu sắc hơn, giúp giải quyết có hiệu quả hơn những nhiệm vụ cách mạng của nước ta đặt ra thời kỳ đó. Trong những năm học tập tại Trung Quốc và Liên Xô, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, trên cương vị là ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí càng có điều kiện để cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giúp phong trào cộng sản quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì Đảng, vì dân, đồng chí chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình bôn ba đi tìm đường cứu nước. Và cũng vì Đảng, vì dân, đồng chí nhiều lần trở về nước để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn luôn rình rập, đe dọa tính mạng; và đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình. Người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của đồng chí - chị Nguyễn Thị Minh Khai nổi tiếng - cũng bị địch bắt và kết án tử hình năm 1941. Hai nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại đứa con thơ vừa mới biết bò.

Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sáng.

Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim, khối óc các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 60 năm ngày mất của đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí để học tập, phấn đấu theo gương của đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái chính trị - tư tưởng, đạo đức lối sống, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, bè phái cục bộ và mọi biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật của Đảng; phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, trước mắt là đưa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng vào cuộc sống, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa sự nghiệp vĩ đại của Đảng ta, của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Ban Chấp hàng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam



* Trích từ cuốn Lê Hồng Phong - Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 15.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.151. 

Bình luận