Đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An

Ngày đăng: 06/09/2012 - 10:09

Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương của những chiến sĩ cộng sản tiền bối; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902- 6-9-2012), sáng 4-9 tại TP. Vinh (Nghệ An), Ban Tuyên giáo Trung ương, Học Viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức “Hội thảo khoa học đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự Hội thảo. Dự hội thảo còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí lão thành cách mạng, các bộ ,ngành Trung ương, các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và dòng họ Lê, thân nhân đồng chí Lê Hồng Phong.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương, trong đó đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư của Đảng với bài viết "Đồng chí Lê Hồng Phong - Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng" và đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương với bài viết "Đồng chí Lê Hồng Phong với công tác xây dựng Đảng"...

Phát biểu dẫn Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ: Xứ Nghệ - vùng đất “địa linh nhân kiệt” luôn chiếm giữ vị trí trọng yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Nơi đây điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống người dân lam lũ đã hun đúc nên ý chí quật cường, truyền thống đấu tranh bất khuất, bền bỉ, giàu đức hi sinh của người dân xứ Nghệ. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều danh nhân hào kiệt, tiêu biểu cho bản lĩnh và khí phách của một dân tộc anh hùng và đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người con xứ Nghệ như thế.

Sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhân dân cơ cực lầm than, thấm thía nỗi nhục bần hàn của người dân nô lệ, được hấp thu mạch nguồn đấu tranh anh dũng của lớp cha anh, Lê Hồng Phong đã sớm trở thành người thanh niên yêu nước, quyết ra đi hoạt động cách mạng nhằm giải phóng dân tộc. Trải qua những chặng đường bôn ba hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm trở thành chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của Đảng và nhân dân ta, là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng, là người học trò gương mẫu và xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Bốn mươi năm (1902 -1942) là một cuộc đời ngắn ngủi, thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng về một người cộng sản kiên trung và tài năng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân, vẹn nghĩa với đồng chí bạn bè và trọn tình làm chồng, làm cha. Sống và hoạt động trong khoảng thời gian đầy cam go và thử thách của lịch sử dân tộc - những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng cách mạng Việt Nam đi qua những năm tháng đầy đau thương nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Bởi lẽ đó, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong đã thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, các nhà lý luận nhằm đánh giá đúng đắn công lao của của đồng chí đối với quê hương, dân tộc và phong trào cách mạng quốc tế.

Đã có nhiều công trình, nhiều hội thảo khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhưng vẫn chưa phản ánh hết được cuộc đời, thân thế và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí. Vì vậy, Hội thảo khoa học lần này mong muốn chúng ta tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và khẳng định thêm những giá trị cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của quê hương Nghệ An.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại, nghiên cứu sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, những cống hiến to lớn và sự hy sinh của đồng chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân...

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, vùng đất sinh ra nhiều bậc nhân tài, vùng đất của thơ ca, nhạc họa, những điệu hò, câu ví mang đậm chất nhân văn, trữ tình... đồng chí Lê Hồng Phong đư­ợc nuôi d­ưỡng và giáo dục bởi truyền thống của quê hư­ơng, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân d­ưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến và sự đàn áp tàn bạo, đẫm máu của chúng đối với đồng bào ta trong các phong trào đấu tranh yêu nư­ớc. Sớm hình thành t­ư tư­ởng yêu nư­ớc và ý chí cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã lựa chọn và dấn thân vào con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, dẫn dắt, Lê Hồng Phong đã được học tập, rèn luyện rất toàn diện cả về chính trị và quân sự, được Quốc tế Cộng sản tin cậy.

Trong những năm tháng hoạt động với cương vị là một trong những lãnh tụ của phong trào cách mạng, đồng chí có công lao to lớn trong việc khôi phục lại cơ quan lãnh đạo và các tổ chức cơ sở Đảng sau cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh. Sau khi về nước, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng, khôi phục tổ chức Đảng, và khi tình hình thay đổi, đồng chí đã triển khai chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu trực tiếp là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân sinh, dân chủ và hòa bình. Xác định kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai, đồng chí Lê Hồng Phong đã đề nghị và Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương - tổ chức tập hợp và thống nhất lực lượng chống phát xít và phản động thuộc địa tại Việt Nam...

Bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để dễ bề theo dõi, quản thúc, đồng chí lại bị mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, thực dân Pháp buộc tội đồng chí "có hoạt động lật đổ chính phủ bảo hộ", kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đưa đày ra Côn Đảo, tra tấn, hành hạ dã man. Trước lúc hy sinh ngày 6-9-1942, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Lời vĩnh biệt, lời chào lạc quan cách mạng ấy mãi mãi khắc ghi vào lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc.

Trích đoạn về cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong

Các tham luận của các nhà khoa học, trong đó có tham luận của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, PGS, TS Phạm Xanh, PGS, TS Lê Văn Tích, TS Nguyễn Kim Dung, TS Chu Đức Tính… tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ một số chủ đề về cuộc đời - sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong như: Quê hương, gia đình với việc hình thành nhà cách mạng Lê Hồng Phong; Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đào tạo Lê Hồng Phong; Lê Hồng Phong với Quốc tế Cộng sản; Lê Hồng phong với việc tái lập cơ quan lãnh đạo của Đảng; Lê Hồng Phong với công tác tổ chức - xây dựng Đảng; Lê Hồng Phong với việc chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng; Lê Hồng Phong với Mặt trận Dân chủ Đông Dương; Lê Hồng Phong những năm tháng bị tù đày và Quê hương Nghệ An với đồng chí Lê Hồng Phong.

Với 40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, hy sinh phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, luôn tin tưởng, lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Đồng chí Lê Hồng Phong còn là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành, có đóng góp quan trọng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của Quốc tế cộng sản vào phong trào cách mạng Việt Nam những năm ba mươi của thế kỷ XX.

Hội thảo được tổ chức trọng thể vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai nghiêm túc, sâu rộng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với ý nghĩa đó, Hội thảo hôm nay góp phần tăng thêm động lực tinh thần, động viên các ngành, các cấp, các địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, lập nhiều thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương của những chiến sĩ cộng sản tiền bối; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Chúng ta tưởng nhớ đồng chí Lê Hồng Phong, tự hào về một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sĩ cộng sản kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế;, chúng ta đồng thời bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với đất nước, quê hương. Tưởng nhớ đồng chí, chúng ta nguyện học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần chiến đấu hy sinh vì Đảng và dân tộc, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp. Tấm gương đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sống mãi trong trái tim cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam chúng ta! Đặc biệt, “Nghệ An đỏ” luôn ở trong trái tim Lê Hồng Phong, một vùng đất nghèo khó mà quật khởi kiên cường., vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đồng chí Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả