Đồng chí Lê Hồng Phong với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh*

Ngày đăng: 10/09/2012 - 09:09

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp tổ chức, huấn luyện và đào tạo những lớp cán bộ đầu tiên cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nhiều đồng chí đã tỏ rõ ý chí trung kiên, tinh thần quả cảm và đã hiến dâng cuộc đời mình cho Đảng, cho dân tộc. Các bậc tiên liệt cách mạng ấy được các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi tôn vinh. Đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người như thế.

Thăm phòng trưng bày tư liệu về ĐC LHP

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm phòng trưng bày tư liệu về đồng chí Lê Hồng Phong


Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Lê Hồng Phong, những cống hiến của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam chắc chắn phải là những đề tài khoa học lớn, thực hiện công phu. Từ một số tư liệu lịch sử và tư duy khoa học mới, bài viết này chỉ tiếp cận từ một góc độ nhỏ, nhằm làm rõ hơn nhận định: Lê Hồng Phong - người học trò của Nguyễn Ái Quốc, một chiến sĩ tiên phong của Đảng ta.

1. Trong những năm giữa thập niên thứ nhất, đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX, nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước, trong đó người Nghệ Tĩnh chiếm số đông, đã nghe theo tiếng gọi của cụ Phan Bội Châu tìm đường qua Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do cụ là thủ lĩnh.

Năm 1919, Lê Văn Phơn, đổi tên là Lê Hồng Sơn; năm 1920, Hồ Bá Cự đổi tên là Hồ Tùng Mậu đã qua Xiêm và tới Quảng Châu tham gia Quang Phục hội. Tới năm 1923, nhận thấy những hạn chế của Việt Nam Quang Phục hội, các anh đã tách ra lập một tổ chức mới gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn (hay còn gọi là Tâm Tâm xã). Lúc đầu, Tâm Tâm xã gồm có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu và Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ). Đầu năm 1924, Lê Huy Doãn đổi tên là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái, qua Xiêm, đến Quảng Châu và phấn khởi gia nhập Tâm Tâm xã, mật tổ chức yêu nước có xu hướng tiến bộ.

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, Lê Hồng Phong và các bạn tâm huyết đã xuất dương để mưu nghiệp lớn - cứu nước, giải phóng dân tộc với ước muốn làm rạng danh non sông đất nước. Nhưng bằng con đường nào, biện pháp gì để đạt được mục tiêu ấy thì Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình còn đang rất lúng túng. Nghiên cứu tôn chỉ của tổ chức này, chúng ta thấy rõ điều đó. Tôn chỉ viết: "Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân đem hết sức mình tiến hành mọi công việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam... thử nghĩ sống làm thân nô lệ sao bằng chết làm thân tự do, sống một cách lay lắt cho qua ngày đâu có phải là kẻ trượng phu, chi cho bằng quyết tâm phấn đấu để mưu cầu lợi ích cho con cháu về sau"[1].

Mục tiêu và phương thức hành động của tổ chức này là: "Hợp sức mọi người, lấy ý kiến tập thể, dũng cảm tiến lên để đem lại cho mọi người cái nhân quyền đã bị cướp mất và mưu cầu hạnh phúc cho quốc dân". Nhiệt huyết tràn đầy nhưng các anh lại thiếu tri thức khoa học. Các anh cho rằng: "Để tránh sự tranh chấp nhau nên chưa bàn đến chính thể" (chúng tôi nhấn mạnh - TG). "Còn đối với quân thù và bọn tay sai của chúng làm cản trở cho công việc của chúng ta thì phải lo hết cách để trừ khử. Đối với tư ý và quyền lợi cá nhân phải quyết tâm hy sinh để bảo đảm tư cách làm người"[2]. Rõ ràng là các anh muốn dần dần thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng của lớp chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, để đi tới một xu hướng mới, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, cho tới trước khi có sự gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc thì Tâm Tâm xã vẫn đang bế tắc về đường lối, hoạt động chủ yếu vẫn chỉ là khủng bố, ám sát. Tiếp sau vụ trừng trị tên Việt gian Phan Bá Ngọc là vụ ám sát toàn quyền Đông Dương là Méclanh do Phạm Hồng Thái thực hiện ngày 19-6-1924 (với sự yểm trợ của Lê Hồng Sơn và Lê Hồng Phong). Tuy sự việc không thành, nhưng "tiếng bom Phạm Hồng Thái" và tấm gương hy sinh của anh đã "báo hiệu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân", thức tỉnh nhân dân Việt Nam, được Quốc tế Cộng sản và thế giới biết tới và tỏ lòng khâm phục. Một tài liệu bằng chữ Trung Quốc được gửi tới Quốc tế Cộng sản lúc đó đã mô tả rõ sự kiện này[3].

Khi Lê Hồng Phong và các đồng chí của anh trong Tâm Tâm xã chưa có người dẫn đường chỉ lối và còn đang lúng túng trong việc tìm phương hướng hoạt động thì Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ của Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản. Người đã thể hiện rõ sự mẫn cảm về tình hình chính trị quốc tế, đã nhận thức và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cuộc cách mạng vô sản vào sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Từ biệt các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Người nói rõ nhiệm vụ của mình là "trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập"[4]. Khoảng tháng 9-1923, trong một báo cáo tóm tắt về Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã nêu chương trình hoạt động gồm bốn điểm:

"1. Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt.

2. Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng.

3. Cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva.

4. Xây dựng dây liên lạc Mátxcơva - Đông Dương - Pari"[5].

Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu với tư cách là thành viên trong đoàn cố vấn quân sự của Chính phủ Liên Xô giúp Chính phủ Tôn Trung Sơn, do Bôrôđin làm Trưởng đoàn. Thực ra đây là danh nghĩa để Người tìm đường trở về Tổ quốc được thuận lợi hơn.

Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu khi "tiếng bom Phạm Hồng Thái" đang có tiếng vang lớn, khá đông thanh niên trong nước đã tìm đường tới Quảng Châu. Đây là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Ái Quốc thực hiện mục đích của mình.

Ngày 18-12-1924, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo rõ, tại Quảng Châu, Người đã gặp một số nhà cách mạng quốc gia An Nam, một số họ chính là những thanh niên đầu tiên của Tâm Tâm xã, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong. Hai tháng sau, ngày 19-2-1925, trong một bức thư gửi đến Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc báo tin: đã "thành lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên", trong đó "có 5 người là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản". Người còn đề nghị Quốc tế Cộng sản cho biết "có thể gửi bao nhiêu sinh viên An Nam sang Mátxcơva"[6]. Từ những tư liệu trên đây chúng ta thấy rõ, ngay khi mới đặt chân tới Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã dự định việc lập một tổ chức cách mạng bí mật (sau này được gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) và năm người là đảng viên cộng sản dự bị mà Người nhắc tới chính là các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt và Lâm Đức Thụ; đầu năm 1925 kết nạp thêm Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh và Lưu Quốc Long. Đó là Cộng sản Đoàn - hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Sự gặp gỡ giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Lê Hồng Phong và các đồng chí của anh trong tổ chức Tâm Tâm xã đã thực sự mở ra một trang mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Hồng Phong và các bạn tâm huyết của anh. Lê Hồng Phong gia nhập tổ chức do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, được Người giảng giải những bài học đầu tiên về lịch sử phong trào cách mạng quốc tế, về phong trào giải phóng dân tộc, về lịch sử ba Quốc tế, lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga và những vấn đề quan trọng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam... Những bài học này đã nâng tầm nhận thức của Lê Hồng Phong lên một bước mới. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, có chí lớn, dám xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Lê Hồng Phong đã trở thành một học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được Người huấn luyện những bài học cơ bản đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, Lê Hồng Phong tham gia hoạt động sôi nổi trong Quốc tế Cứu tế đỏ (MOPR), trong Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và tham gia nhiều cuộc mít tinh, tuần hành thị uy do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Quảng Châu. Anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10-2-1926. Sự trưởng thành và những cống hiến to lớn của Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm sau này đã in đậm công lao đào tạo dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

2. Lê Hồng Phong là một trong số những cán bộ của Đảng và cách mạng Việt Nam được đào tạo có hệ thống, bài bản, chính quy trong các nhà trường, học viện quốc tế những năm 1924-1931. Lê Hồng Phong được cử học tại Trường Quân sự Hoàng Phố và Trường Không quân Quảng Châu. Được sự giúp đỡ của Nguyễn Ái Quốc, sự giới thiệu của Chính phủ Tôn Dật Tiên, Lê Hồng Phong được vào học Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xôviết Lêningrát, Trường Không quân ở Bôrítxgơlépxcơ. Sau đó, đồng chí được vào học và tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông khoá 1928-1931. Tại đây, Lê Hồng Phong là đảng viên Đảng Cộng sản (b) Liên Xô.

Trong những năm Lê Hồng Phong học tập và nghiên cứu tại Liên Xô (1928-1931), đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Thái Lan. Sau đó, Người trở lại Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản giao phó là thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã
có liên lạc bằng thư từ với Lê Hồng Phong và các đồng chí
Việt Nam đang học tại Trường Đại học Phương Đông. Các đồng chí đó đã biết khá rõ sự phân liệt của Hội và báo cáo cho Nguyễn Ái Quốc và Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản biết[7]. Trong đường liên lạc này, Nguyễn Ái Quốc và Lê Hồng Phong có mối quan hệ đặc biệt. Ngày 2-3-1930, trong thư gửi Lê Hồng Phong, Người gọi thân mật là "Hồng Phong Lão"[
8]. Rõ ràng là những thông tin về việc Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, những nội dung quan điểm, đường lối cách mạng Việt Nam do Người phác thảo, được Hội nghị nhất trí thông qua đã được thông báo tới Lê Hồng Phong và các đồng chí Việt Nam đang học tập và công tác tại Mátxcơva. Nhiều tài liệu, thư từ, báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản, gửi đại diện các Đảng ở Quốc tế Cộng sản và đặc biệt trong thư gửi đồng chí Zao (Bùi Công Trừng) và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô (ngày 5-4-1930) đã khẳng định thêm điều này. Trong thư Nguyễn Ái Quốc thông báo: "Trong nước bây giờ đã có đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa"[9].

Ở Việt Nam, sau cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh, Đảng Cộng sản và các lực lượng cách mạng bị khủng bố khốc liệt. Trong bối cảnh ấy, khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong nhận nhiệm vụ trở về Tổ quốc khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Cùng với các đồng chí đảng viên cộng sản trung kiên, Lê Hồng Phong đã nhanh chóng triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng, tổ chức Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí làm Bí thư; khẩn trương chuẩn bị nội dung Đại hội lần thứ I của Đảng và sau đó triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện chủ yếu của Đảng ta trong thời gian này nhất là của Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, có công lao đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong, với tư cách là người đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ lúc bấy giờ.

Điều đã được khẳng định là mặc dù hoàn cảnh phức tạp, nhưng uy tín và vai trò của Nguyễn Ái Quốc vẫn rất lớn. Những quan điểm cơ bản của Người về cách mạng Việt Nam như tính chất, mục tiêu của cách mạng; vai trò và vị trí của giai cấp vô sản và chính đảng của nó... vẫn được Lê Hồng Phong và Ban lãnh đạo của Đảng - dù ở nước ngoài hay ở trong nước khẳng định rõ ràng, dứt khoát. Nguyễn Ái Quốc vẫn được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản.

Sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, là một trong những thành viên lãnh đạo hàng đầu của Đảng, Lê Hồng Phong đã có những đóng góp to lớn vào việc hình thành, bổ sung đường lối của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) theo đúng những quan điểm chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đó là đóng góp to lớn, trực tiếp của Lê Hồng Phong trong quá trình bổ sung, hoàn chỉnh đường lối của Đảng trong thời kỳ cách mạng sau đó, đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

TS. Trần Hải

                 Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh


 * Trích từ cuốn Lê Hồng Phong - Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.354.

 1, 2, 3. Các tổ chức tiền thân của Đảng, Sđd, tr.319-320. 

 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.192, 204.

 6. Các tổ chức tiền thân của Đảng, Sđd, t.II, tr.8, 141-142.

 7. Xem Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.447.

 8. Tạp chí Xưa và Nay, số 31, 9-1996, tr.33.

 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.39.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả