Đồng chí Lê Hồng Phong với Xứ ủy Nam Kỳ, với Thành ủy và nhân dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn*

Ngày đăng: 07/09/2012 - 15:09

DCLeHongPhong 2

Đồng chí Lê Hồng Phong là chiến sĩ lỗi lạc trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên, là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng ta sau đồng chí Trần Phú. Đồng chí còn là một trong những người học trò gần gũi và xuất sắc của Bác Hồ.

Công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong là đã ra sức khôi phục hệ thống bộ máy tổ chức và gây dựng lại cơ sở của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng thoái trào 1932-1935. Vượt qua những năm chống "khủng bố trắng" tàn bạo của kẻ thù, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, chẳng những Đảng ta đã bảo tồn được thành quả của cao trào cách mạng 1930-1931, mà còn củng cố thêm thực lực để chuẩn bị đầy đủ điều kiện bước vào giai đoạn đấu tranh mới trong cao trào cách mạng 1936-1939.

Sau nhiều năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, theo quyết định của Trung ương, cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong đã rời Thượng Hải và đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc tại cảng Sài Gòn. Năm ấy, Lê Hồng Phong tròn 35 tuổi. Từ đó cho đến lúc hy sinh, Lê Hồng Phong đã cùng người đồng chí chí thiết, người bạn đời thuỷ chung của mình là nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai gắn bó máu thịt với Xứ uỷ Nam Kỳ, với Đảng bộ và nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên mảnh đất miền Nam thân yêu.

Để che mắt kẻ thù, trong thời gian hoạt động tại Sài Gòn, đồng chí Lê Hồng Phong đã cải danh, sử dụng căn cước giả, làm nhiều nghề và thường di chuyển địa điểm cư trú tại khu vực nội thị cũng như ở vùng ven đô. Có thời gian, đồng chí ngụ tại khu lao động ở Chợ Thiếc và vùng Ngã sáu Sài Gòn. Có khi, đồng chí sống trong vùng "vành đai đỏ", được sự chở che, đùm bọc của bà con nông dân chí cốt với cách mạng tại khu vực Mười tám thôn Vườn Trầu nổi tiếng. Theo lời kể của một số gia đình cơ sở cách mạng, xưa kia mỗi khi về đến Mười tám thôn Vườn Trầu, đồng chí Lê Hồng Phong thường mặc bộ đồ xá xẩu và trên tay hay cầm chiếc vòng bắt lợn bằng dây, trông giống như những thương lái Hoa kiều đi mua heo.

Tại cuộc hội nghị bí mật của Ban Chấp hành Trung ương họp tại làng Tân Thới Nhất (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) trong hai ngày 29 và 30-3-1938, với ý thức trách nhiệm sâu sắc và tinh thần tự phê bình nghiêm túc, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành đã kiểm điểm một cách toàn diện về các mặt công tác xây dựng và phát triển Đảng, việc thiết lập hệ thống các tổ chức quần chúng, các đoàn thể xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng và lập Mặt trận Dân chủ. Nhờ có những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Đảng ta, trong năm 1938 và đầu năm 1939, mặc dù Chính phủ Pháp ở chính quốc ngày càng ngả sang cánh hữu, nhưng phong trào đấu tranh của quần chúng trên đất nước ta vẫn được tiếp tục duy trì, phát triển và giành được những thắng lợi rất có ý nghĩa. Cả về trình độ giác ngộ của quần chúng, cũng như khả năng tổ chức và lãnh đạo của các tổ chức Đảng đều được trưởng thành nhanh chóng.

Trong những tháng năm hoạt động ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn quan tâm theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời cuộc ở Nam Kỳ, nhất là hoạt động của Xứ ủy và của Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cơ sở nghiên cứu những điểm đặc thù về lịch sử, kinh tế và xã hội ở Nam Kỳ, trong nhiều văn bản hội nghị cũng như trên tạp chí lý luận của Đảng - Tạp chí Bônsơvích, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những ý kiến sắc sảo.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên bán đảo Đông Dương vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu lên những nhận định rất chính xác về những sự biến động của giai cấp nông dân và trong nông thôn Nam Kỳ. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến hiện tượng ruộng đất ở Nam Kỳ tập trung cao độ vào tay địa chủ và bọn đế quốc, cũng như tình trạng bần cùng hoá diễn ra ngày càng sâu rộng trong nông dân lao động do thiếu đất đai canh tác và trâu bò cày kéo, do nạn sưu cao thuế nặng... Theo sự phân tích của đồng chí Lê Hồng Phong, đó chính là nguồn gốc và nguyên nhân gây ra sự bùng nổ những cuộc biểu tình của nông dân diễn ra liên tiếp ở hầu khắp các địa phương, nêu yêu sách giảm lúa ruộng, đòi bớt thuế... khiến cho hoạt động của tổ chức "Nông hội ở Nam Kỳ có tính chất giai cấp rõ rệt".

Chứng kiến bước tiến của phong trào công nhân tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn từ chỗ mang yếu tố tự phát diễn ra ở một số nơi như nhiều cuộc bãi công của công nhân ở các đồn điền, trong hãng dầu Phú Xuân và hàng chục nhà máy gai tại Chợ Lớn hồi mùa xuân năm 1935, đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí Lê Hồng Phong đánh giá về một giai đoạn đấu tranh sôi động của thợ thuyền liên tiếp diễn ra có tổ chức nhằm hướng vào mục tiêu đòi thi hành luật lao động, đòi tăng lương. Đi đôi với sự lan toả của các cuộc vận động nông dân tại những khu vực ven đô; trong vùng nội thành, công nhân Nhà máy in Adin, công nhân hãng Ba Son, culi Sở Xe lửa Sài Gòn, công nhân cao su Gia Định và thợ Nhà máy xay gạo cả ở Sài Gòn và Chợ Lớn... đã biểu dương lực lượng của mình qua các cuộc đấu tranh tự giác.

Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí Lê Hồng Phong đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố sự vững mạnh của Xứ uỷ Nam Kỳ, của Thành uỷ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - nơi đặt "bản doanh" và thiết lập "vành đai đỏ" của cơ quan lãnh đạo đầu não, đưa Đảng ta trải qua hai cao trào cách mạng sôi động: 1930-1931 và 1936-1939.

Vào những năm thoái trào, Trung ương và đồng chí Lê Hồng Phong đã theo dõi sát sao và từng nêu lên những nhận định sâu sắc về những biểu hiện của bệnh ấu trĩ "tả" và hữu khuynh của Đảng bộ Nam Kỳ. Trong văn bản Nghị quyết của cuộc Hội nghị Trung ương mùa xuân năm 1938 họp tại làng Tân Thới Nhất còn nhắc nhở thêm về một số mặt yếu kém trong công tác xây dựng Đảng như: Ở Sài Gòn - Chợ Lớn có một đôi chỗ, những phần tử xấu đã tìm cách chui luồn được vào hàng ngũ ta; năng lực và trình độ của một số đảng viên chưa đủ sức đảm đương những nhiệm vụ công tác đã được giao phó. Đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ rõ một số nhược điểm của Xứ uỷ Nam Kỳ và Thành uỷ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn trong việc thiếu sự theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ lĩnh vực công tác tuyên truyền, nhất là các loại sách báo của Đảng được ấn hành công khai tại thành phố Sài Gòn.

Những thiếu sót trên đây được đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Trung ương Đảng ta nhắc nhở, chính là bài học kinh nghiệm rất bổ ích đối với Xứ uỷ Nam Kỳ và Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Thật vậy, trải qua các cuộc vận động sôi động tranh cử Hội đồng quản hạt và sự lan toả ngày càng mạnh mẽ của làn sóng đấu tranh trong phong trào dân chủ những năm 1936-1939, Trung ương đã nhận định: Hầu hết các cuộc vận động công khai và bí mật ở Nam Kỳ đều do Xứ uỷ trực tiếp chỉ đạo. Một bộ phận quần chúng khá đông đã bỏ phiếu cho Đảng.

Được học tập lý luận Mác - Lênin một cách có hệ thống và nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, vốn xuất thân là một công nhân, đã từng lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng và dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, để tránh cho đảng viên ta khỏi rơi vào khuynh hướng tư tưởng sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, kinh viện trong việc chỉ đạo công tác thực tiễn, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn căn dặn: "Những người cộng sản Đông Dương là tay hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin theo điều kiện hiện thực ở Đông Dương”[1], "Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện hiện thực ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy"[2].

Bằng tất cả nhiệt tình và tâm huyết, đồng chí Lê Hồng Phong thường xuyên nhắc nhở toàn thể cán bộ, đảng viên phải ra sức xây dựng Đảng ta thành một chính đảng tiền phong, có kỷ luật nghiêm ngặt, cứng như sắt, vững như đồng. Đồng chí còn chỉ rõ: "Cần luôn luôn mở rộng cuộc tự chỉ trích bônsơvích trong các cấp đảng bộ để nghiên cứu các ưu điểm mà học, tìm các khuyết điểm mà tránh, vận động tự chỉ trích bônsơvích phải là một công tác thường trực... Tốt nhất là kéo quảng đại quần chúng tham gia vận động tự chỉ trích"[3]. Những lời huấn thị quý giá trên đây của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với chúng ta, cho đến ngày nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự nóng hổi trong công tác xây dựng, củng cố và chỉnh đốn Đảng; có tác dụng giáo dục sâu sắc về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức cho hàng triệu cán bộ, đảng viên.

*
*        *

Đồng chí Lê Hồng Phong là lãnh tụ ưu tú của Đảng ta, là một nhà hoạt động cách mạng kiên cường dày dạn kinh nghiệm, tài cao đức trọng, mãi mãi để lại cho đời tấm gương sáng chói.

Học tập ở đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, trước hết là học tập tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, học tập tinh thần tiến công cách mạng triệt để của người chiến sĩ cộng sản, luôn luôn nêu cao khí phách dũng mãnh của chủ nghĩa anh hùng: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất".

Học tập ở đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, điều cốt yếu là học tập ý chí phấn đấu không hề mệt mỏi để không ngừng vươn lên tự nâng cao kiến thức và nhiệt tình cách mạng, học tập lập trường quan điểm kiên định và tính đảng sâu sắc trong việc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Học tập ở đồng chí Lê Hồng Phong, là học tập tính năng động của bản lĩnh sáng tạo trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vận dụng trong mọi mặt hoạt động thực tiễn sinh động của đời sống xã hội.

Có thể nói, trong hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ cộng sản Việt Nam bất khuất, kiên trung và những nhà yêu nước nhiệt thành bị rơi vào tay giặc trong lịch sử đấu tranh cách mạng trường kỳ trên đất nước ta, đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một trong những người bị quân thù hành hạ dã man, tàn bạo nhất. Vì biết rõ vai trò quan trọng của đồng chí trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng trên bán đảo Đông Dương nên những tên cầm đầu của bọn thực dân khát máu đã ra lệnh cho lũ thuộc hạ mất hết tính người, tìm mọi cách để nhanh chóng giết hại đồng chí Lê Hồng Phong. Trải qua biết bao lần kẻ thù đã thẳng tay sử dụng đủ loại nhục hình man rợ nhất để dày vò đến cực độ thể xác đồng chí Tổng Bí thư kính mến của Đảng ta, nhưng không mảy may làm nao núng được ý chí sắt thép của đồng chí.

Đọc những dòng hồi ký của một số cán bộ cách mạng thuở đương thời phác hoạ chân dung đồng chí Lê Hồng Phong trong những tháng ngày bị biệt giam tại Nhà tù Côn Đảo, trong lòng chúng ta tràn ngập niềm tự hào kiêu hãnh và xiết bao bồi hồi xúc động. Đồng chí Ngô Đăng Đức - một người tù Côn Đảo kể lại: Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, cái tím bầm lại, cái sưng húp lên, có chỗ loét ra, ri rỉ máu... Người đồng chí gầy đét, chỉ còn da bọc xương. Nước da đồng chí tái nhợt. Tất cả cái tiều tuỵ ấy lại được phơi ra dưới manh áo chàm rách mướp, thẫm đẫm mồ hôi và bê bết máu... Gươm đao của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó sẽ oằn đi khi chặt phải dũng khí của người chiến sĩ cộng sản[4].

Cảm động biết bao, trưa ngày 6-9-1942, trong những phút giây cuối cùng trước khi oanh liệt hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của đất nước và vĩnh viễn từ biệt thế giới này, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhờ các đồng chí thân thương của mình đang bị giam tại Nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn gửi sắt son: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng". Đẹp hơn cả bia đá, tượng đồng, những dòng hồi ký quý giá và những lời nhắn gửi thiết tha trên đây, sẽ tạc vào muôn thế hệ dáng đứng tuyệt vời của một chiến sĩ cộng sản Việt Nam tràn đầy khí phách và bất khuất, kiên cường - dáng đứng Lê Hồng Phong.

Những năm tháng bí mật hoạt động cách mạng tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai mãi mãi để lại muôn vàn tình thân yêu trong lòng đồng chí và đồng bào. Mặc dù hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng cho đến nay những gia đình chí cốt với cách mạng tại vùng Mười tám thôn Vườn Trầu vẫn còn giữ mãi trong lòng những hoài niệm không thể phai mờ về hình ảnh thân thương của vợ chồng chị Năm Bắc. "Chị Năm Bắc" - là tên gọi thân mật của bà con nông dân nơi địa phương sở tại đặt cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo lời kể của một số vị lão nông, sau khi hay tin đồng chí Lê Hồng Phong rơi vào tay giặc, nhiều người đã thương tiếc, đau buồn. Có những bà con sống trọn nghĩa vẹn tình, không hề sợ liên luỵ và bất chấp hiểm nguy, đã tự tay mang quà vào Khám Lớn Sài Gòn để thăm nuôi "anh Năm Bắc". Sau khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, bị quân thù giết hại dã man tại thị trấn Hóc Môn vào ngày 28-8-1941, không ít người ở tại làng Bà Điểm đã lập bàn thờ để thờ cúng "Chị Năm".

*
*   *

Cuộc đời của đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sáng. Nói theo thuật ngữ của một nhà hiền triết lỗi lạc của nước Đức, Lê Hồng Phong là "nhân vật khổng lồ" - khổng lồ về tư tưởng, ý chí và nghị lực, khổng lồ cả về phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm vẻ vang cho mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta xin mượn câu danh ngôn bất hủ của nhà văn Xôviết nổi tiếng - Nhicôlai Ốtxtơrốpxki kết thành lẵng hoa tươi thắm để thành kính dâng lên đồng chí cố Tổng Bí thư kính mến của Đảng ta: "Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người ta chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".

 

Đồng chí Nguyễn Minh Triết

Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Trích t cuốn Lê Hồng Phong – Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 35.

 1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 157, 158.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 25.

4. Xem bài Bát cơm chan máu trong cuốn sách này (B.T).

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả