Đồng chí Võ Văn Kiệt – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (tên thường gọi là Sáu Dân, Chín Hòa), sinh ngày 23-11-1922, là con út trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Sinh ra và lớn lên trên một vùng đất giàu truyền thống văn hiến và yêu nước, đồng chí đã sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, trở thành người cộng sản khi vừa tròn 17 tuổi. Gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, với những trách nhiệm được giao ngày càng nặng nề, từ khi là người thanh niên hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng ở quê nhà năm 1938 cho đến khi đảm trách cương vị lãnh đạo của cả nước, là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Thủ tướng Chính phủ những năm 1991-1997, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng, đất nước và dân tộc ta. Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong trường đấu tranh cách mạng, với nghị lực và sức hoạt động bền bỉ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo Võ Văn Kiệt có nhiều cống hiến xuất sắc và đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc. Có thể nói, những thắng lợi vĩ đại mà dân tộc ta đã giành được từ khi có Đảng lãnh đạo: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú mà đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những người tiêu biểu.
Trong thời kỳ nhân dân ta đấu tranh giành tự do, độc lập và tiến hành hai cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi trở thành đảng viên cộng sản vào năm 1939, rồi làm Bí thư Chi bộ, ủy viên Huyện uỷ Vũng Liêm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tích cực hoạt động, lăn lộn với thực tiễn, hoà mình trong quần chúng, tham gia lãnh đạo phong trào phản đế, tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại quê hương Vĩnh Long năm 1940. Trong những năm tháng thực dân Pháp tiến hành khủng bố ác liệt sau Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, từ năm 1941 đến 1945, đồng chí đã bám đất, bám dân, hoạt động trong phong trào cứu quốc ở khu vực Tây Nam Bộ. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí là ủy viên Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Rạch Giá, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Thành công của cuộc khởi nghĩa ở Rạch Giá cùng thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa ở các địa phương Nam Bộ đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn, trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn có mặt tại chiến trường Nam Bộ nóng bỏng, lần lượt giữ nhiều chức vụ, là Uỷ viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ (năm 1946), Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (năm 1950), ủy viên Xứ uỷ Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang (năm 1955), Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định (T.4) (năm 1959), Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định (1960), Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định (từ năm 1961 đến cuối năm 1970), Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư kiêm Chính uỷ Khu 9 (Tây Nam Bộ -T.3) (từ năm 1970 đến năm 1972), Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương; Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư kiêm Chính uỷ Khu 9 (từ năm 1972 đến năm 1973), Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, phụ trách thường trực và dân vận, binh vận (từ năm 1973 đến năm 1975). Sống trên những địa bàn ác liệt, đảm đương rất nhiều trọng trách, đồng chí đã cùng với đồng bào và chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam vượt qua biết bao gian khổ ác liệt hy sinh, lập nên những chiến công to lớn, đóng góp quan trọng vào chiến công chung vĩ đại của dân tộc ta.
Trong thời kỳ này, đồng chí có hai cống hiến nổi bật thể hiện rõ nét tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tinh tường và đầy bản lĩnh.
Khi được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn chiến lược Sài Gòn - Chợ Lớn, trước những khó khăn và tổn thất không nhỏ của lực lượng và phong trào cách mạng đô thị do địch đánh phá ác liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiến nghị Xứ uỷ Nam Bộ cho phép sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định thành Khu Sài Gòn - Gia Định, hình thành một địa bàn chiến lược, tạo nên một thế trận mới có sự gắn kết và hỗ trợ chặt chẽ giữa phong trào đấu tranh nội thị với phong trào ven đô, giữa Sài Gòn với vùng nông thôn Đông Nam Bộ. Thực tiễn cho thấy quyết định hình thành và đặt khu Sài Gòn- Gia Định dưới một cơ quan lãnh đạo thống nhất là Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định chẳng những làm cho phong trào đấu tranh ở cả khu vực nội đô và vùng ven phát triển mạnh mẽ, mà còn tạo cơ sở để lực lượng vũ trang cách mạng triển khai thế trận tấn công vào trung tâm đầu não kẻ thù trong những bước phát triển của cuộc kháng chiến. Vùng ven Gia Định trở thành "vành đai đỏ", là bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân, thường xuyên tiến hành các hoạt động ở nội đô. Đây cũng là nơi tập kết quân, bí mật chuẩn bị cho các bước, các điều kiện bảo đảm để lực lượng biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn đánh vào nội đô trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Địa bàn vùng ven thành phố cũng là nơi triển khai 5 cánh quân tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn mùa Xuân 1975.
Với cương vị Bí thư Khu uỷ, đồng chí Võ Văn Kiệt tích cực chỉ đạo, nhanh chóng, kiên quyết xốc lại phong trào đô thị Sài Gòn đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong hoạt động dưới sự đánh phá của kẻ thù. Nhanh nhạy trong nắm bắt thực tế, đồng chí đã tập trung vào nhiệm vụ củng cố và xây dựng lực lượng, cơ sở cách mạng nội thành mà chìa khoá chính là công tác bảo vệ và đào luyện đội ngũ cán bộ trung kiên. Một mặt, tiếp thu sự chỉ đạo của Xứ ủy, quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo tạm thời điều ra vùng căn cứ những cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nòng cốt bí mật có nguy cơ bị giặc bắt[1]; mặt khác, tích cực chỉ đạo gấp rút đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng trong thanh niên học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Chính quyết định trên của đồng chí đã dẫn đến sự xuất hiện đội ngũ cán bộ thanh niên ưu tú đầu tiên cũng như sự phát triển mang tính quyết định đối với phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí cũng là người thực hiện xuất sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trong nội thành Sài Gòn - Gia Định. Dưới sự chỉ đạo kiên quyết của đồng chí, những đội biệt động Sài Gòn được thành lập và trở thành một lực lượng vũ trang đặc biệt nằm ngay trong sào huyệt địch, làm nên những trận đánh gây cho kẻ thù khiếp sợ. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn - Gia Định, trong đó có tấn công vào các mục tiêu trọng yếu nhất của địch như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ,... gây nên sự kinh hoàng cho quân xâm lược và chính quyền tay sai. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn cùng với các thành phố, đô thị lớn ở miền Nam đã giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Sự hình thành Khu Sài Gòn - Gia Định và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh ở đô thị đầu não của chính quyền địch trong những năm 1960 -1970 là một minh chứng sinh động cho tầm nhìn mang tính chiến lược và cũng là một cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong phát triển phong trào kháng chiến trên địa bàn chiến lược trọng yếu nhất ở chiến trường miền Nam.
Cống hiến to lớn thứ hai trong chiến tranh giải phóng của đồng chí Võ Văn Kiệt là quyết định hành động mang tính chiến lược và sự chỉ đạo sắc bén trong thời gian sau Hiệp định Pari đầu năm 1973, khi đồng chí được giao trách nhiệm làm Bí thư Khu ủy đồng thời là Chính ủy Quân khu 9.
Gần một tuần sau khi Hiệp định Pari được ký kết, tận mắt chứng kiến những vi phạm trắng trợn Hiệp định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng chí Võ Văn Kiệt triệu tập Hội nghị Thường vụ Khu uỷ mở rộng, xác định “Không mơ hồ, ảo tưởng” và nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công bằng sức mạnh quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý, trừng trị địch vi phạm Hiệp định. Cùng với tập thể Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có một quyết định hành động chiến lược rất dũng cảm và đầy trách nhiệm, phù hợp với tình hình thực tế của chiến trường, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang là: không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định; kiên quyết, chủ động và liên tục tấn công trên các mặt trận, ở cả nông thôn và thành thị trong toàn Khu 9 bằng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và tầng lớp nhân dân. Đồng chí điện báo cáo và trình bày quan điểm ra Bộ Chính trị: “Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”[2].
Với quyết định đúng đắn, dũng cảm và sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt và Khu uỷ, sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, quân và dân Khu 9 đã làm thất bại âm mưu và hành động lấn chiếm của hàng trăm tiểu đoàn chủ lực địch, bóc gỡ hàng ngàn đồn bốt, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực của địch và đưa một phần lớn đồng bào ra khỏi sự kìm kẹp, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng. Những kết quả này đã tạo nên thế và lực mới rất quan trọng để Khu 9 cùng với cả nước nổi dậy và tiến công giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Chiến công to lớn của quân và dân Khu 9 đã chứng minh cho sự đúng đắn, tinh thần trách nhiệm rất cao trước nhân dân của tập thể Khu uỷ Khu 9 trong việc đề ra và thực hiện một quyết định lịch sử, gắn liền với vai trò của người đứng đầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ, Chính uỷ Quân khu Võ Văn Kiệt.
Đánh giá về những đóng góp lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Trong những năm tháng dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh thắng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử”[3].
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở cửa và hội nhập quốc tế, nhà lãnh đạo kháng chiến rất sắc bén, quyết đoán Võ Văn Kiệt tiếp tục có những đóng góp to lớn trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miềnNam, thống nhất đất nước, trong những bước đi đầu tiên của chặng đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Với những trọng trách do Đảng giao phó, là Bí thư Ban cán sự Đảng đặc biệt trong ủy ban Quân quản, Phó Chủ tịch ủy ban Quân quản Sài Gòn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 4-1975 đến năm 1982), Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1982 đến năm 1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1991 đến năm 1997), Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1998 đến năm 2001), đồng chí Võ Văn Kiệt đã tận tâm, tận lực cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Trong những năm đảm đương trọng trách lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí “tay lái, tay chèo” trăn trở, tìm tòi các biện pháp tháo gỡ vướng mắc để ổn định Thành phố đang rất khó khăn về đời sống kinh tế và ngổn ngang biết bao vấn đề về văn hoá - xã hội. Nếu trong những năm 1978-1979, đồng chí được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của Thành phố, thì những năm 1980-1981 đồng chí được gọi là “Tướng xé rào” vì đã vươn lên, vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của Thành phố, để sức sản xuất của Thành phố “bung ra”. Những phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước trong suốt mấy chục năm qua có công lao đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Từ khi đảm đương trách nhiệm lãnh đạo ở tầm quốc gia, nhất là trong thời gian đảm nhiệm chức trách người đứng đầu Chính phủ, tài năng và sức lao động của đồng chí được phát huy ngày càng cao độ. Đồng chí luôn quán triệt và hành động rất quyết liệt, sáng tạo về một quan điểm rất quan trọng của Đảng coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Những thành tựu to lớn về kinh tế của đất nước trong những năm đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng thời cũng đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Với một trí tuệ mẫn tiệp, sẵn sàng lắng nghe, ủng hộ, cổ vũ và dấn thân cho cái mới, sâu sát thực tế, đồng chí đã có những đóng góp xứng đáng cả tư duy và hành động trong việc xoá bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đồng chí đã góp phần xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn: phát triển sản xuất lương thực - thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu. Ba chương trình này chính là sự “sửa sai” đối với những chủ trương chủ quan, duy ý chí trong phát triển kinh tế của thời kỳ trước; được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, đã làm thay đổi cục diện kinh tế đất nước.
Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “làm nhiều hơn nói nhiều”, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng thời kỳ đổi mới đất nước. Các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam...; các công trình giao thông: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận....; các dự án, chương trình lớn: Chương trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Chương trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., sự phát triển của các ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của đồng chí Võ Văn Kiệt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Kimoon nhận xét: "Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng"[4].
Không chỉ quan tâm phát triển về kinh tế, đồng chí Võ Văn Kiệt còn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về văn hoá. Các Đại học Quốc gia, các khu công nghệ cao, Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam... được triển khai xây dựng là những minh chứng cho tâm huyết và những nỗ lực của đồng chí trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng chí Võ Văn Kiệt còn có những đóng góp to lớn cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo nhân dân ta phá bỏ bao vây cấm vận, chủ động hội nhập toàn cầu trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém, tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa liên kết, vừa kiềm chế. Xung đột sắc tộc, can thiệp nội bộ, gây sức ép thay đổi chế độ... diễn ra ở nhiều nơi. Với quan điểm nhất quán: Mỗi đất nước đều có một sức mạnh riêng, một lợi thế riêng; cần khơi dậy và phát huy tất cả các nguồn lực ấy để giành được nhiều nhất lợi ích cho dân tộc trong tư thế độc lập, tự chủ. Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn luôn là người tìm cách góp phần tích cực vào việc hình thành và thực thi những quyết sách lớn về đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Ngày nay, nước ta có quan hệ ngày càng phát triển với tất cả các nền kinh tế lớn, là bạn của các quốc gia, là thành viên nhiều tổ chức quan trọng của quốc tế và khu vực, sản phẩm của nước ta đã vươn ra hầu khắp trên thị trường toàn cầu. Thành tựu đó là sự kế thừa và phát triển những kết quả to lớn của chặng đầu con đường nâng cao vị thế nước ta như một thành viên có trách nhiệm, tích cực và xây dựng trong cộng đồng quốc tế mà đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những người xây đắp nền móng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt còn là một người phấn đấu không mệt mỏi vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, là người trải nghiệm những mất mát, đau thương về sự chia cắt đất nước, trực tiếp cảm nhận sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân trong chiến tranh giải phóng, đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định rằng, trong bối cảnh mới, sức mạnh đoàn kết, hoà hợp dân tộc “là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước”[5]. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung đưa sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc lên tầm vóc mới, đáp ứng đòi hỏi mới của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế. Đối với đồng chí Võ Văn Kiệt, đoàn kết có nghĩa là chung lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vượt lên trên những khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến. Tấm gương đại đoàn kết toàn dân, thực hiện hoà giải, hoà hợp dân tộc của đồng chí còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Năm 1981, Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt thành lập Văn phòng Công tác nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu là tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh - người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng và có thời gian là quyền Thủ tướng chính quyền Sài Gòn[6]. Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính của Thủ tướng gồm 45 người, trong đó có một số trí thức là Việt kiều yêu nước, trí thức đã làm việc ở miền Nam trước năm 1975. Những việc làm như trên là thể hiện sinh động một tư duy sắc sảo của đồng chí Võ Văn Kiệt: yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam, mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước, “Chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh sẽ chắp cánh cho đất nước ta đi lên”[7]. Đó cũng chính là con đường thực hiện dân chủ mà ông theo đuổi một cách nhất quán để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong suốt cuộc đời hoạt động của mình.
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ gắn liền với những cống hiến lớn lao cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc mà còn là một mẫu mực về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất cứ ở cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên kiên trì học tập, nghiên cứu, thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Đồng chí luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng. Để lãnh đạo thực hiện chương trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đồng chí đã lặn lội xuống các tỉnh miền Tây, gặp gỡ trực tiếp nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kinh nghiệm của nhân dân. Để có đường dây điện cao áp 500 kV, đồng chí liên tục có mặt trên những địa điểm thi công hiểm trở ở những cung đường Trường Sơn, đại ngàn Tây Nguyên hay đầm lầy miền Đông Nam Bộ.
Đồng chí là một nhà lãnh đạo nổi trội trong việc tôn trọng, biết lắng nghe, biết tập hợp trí thức, tạo những điều kiện về vật chất, động viên cổ vũ về tinh thần để các nhà khoa học phụng sự đất nước. Hầu như mọi quyết định lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều có hàm lượng lớn tri thức khoa học của các chuyên gia, các học giả được đồng chí tập hợp và lắng nghe, đều kết tinh những kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân mà đồng chí tìm hiểu và tích luỹ từ cuộc sống. Đồng chí luôn coi trọng, chọn lọc và sáng suốt tiếp thu ý kiến của các trí thức Việt kiều và các chuyên gia nước ngoài. Đồng chí quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ, khuyến khích phát huy tâm huyết và tài năng của thanh niên, được mệnh danh là “Người thắp lửa”, “Người gieo những mầm xanh” cho tương lai của đất nước. Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn chính là nhờ sự đóng góp trí tuệ và tài năng của mọi tầng lớp nhân dân, của đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, được Đảng ta, mà trước hết là những nhà lãnh đạo như đồng chí Võ Văn Kiệt, động viên, thu phục, định hướng và cổ vũ. Đó cũng chính là con đường thực hiện dân chủ mà đồng chí Võ Văn Kiệt theo đuổi một cách nhất quán để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Đồng chí Võ Văn Kiệt còn tiêu biểu cho nếp sống trong sáng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, ghét phô trương hình thức, sống chân thành, nghĩa tình, cần kiệm, giản dị, đồng cam cộng khổ với đồng bào. Đồng chí là con người của dấn thân, con người của hành động vì độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng chí viết: “Đổi mới không phải là xoá bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”[8].
Chính cái tâm với đất nước, với nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng làm lẽ sống; chính trí tuệ và bầu nhiệt huyết cách mạng, với một tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phương pháp lãnh đạo khoa học, đạt hiệu quả cao, đã đưa đồng chí Võ Văn Kiệt vào hàng ngũ những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo có cống hiến to lớn cho dân tộc trong chiến tranh giải phóng, cũng như trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo.
GS. TS. Tạ Ngọc Tấn
Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Trích trong cuốn: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.
[1]. Xem: "Anh Chín Dũng với phong trào Thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định những năm 1960", trong Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - người thắp lửa, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.370.
[3]. Lời điếu do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban lễ tang đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt, ngày 15-6- 2008.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực