Ngành thư viện Việt Nam không ngừng chăm lo cho văn hóa đọc của nhân dân "Nhân 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW "Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản ở nước ta, đồng thời tạo ra một sự chuyển biến thực sự về chất của hoạt động xuất bản, in, phát hành sách trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao về đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, ngày 25 tháng 8 năm 2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
Có thể nói Chỉ thị ra đời rất kịp thời, là động lực quan trọng nhằm cụ thể hoá những quan điểm của Đảng ta về lĩnh vực xuất bản như một vũ khí tư tưởng của Đảng trong cuộc đấu tranh giai cấp, vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chỉ thị 42 cũng có những tác động và chi phối nhiều mặt tới hoạt động của ngành in, phát hành sách và thư viện. Vì lẽ đó, trong nội hàm bài viết này, chủ yếu đề cập đến những vấn đề có liên quan tới hoạt động thư viện ở nước ta - nhất là từ khi Chỉ thị 42 ra đời cho đến nay.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chỉ thị nêu rõ: “.. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết ở cơ sở...”, và nêu ra các giải pháp chủ yếu, trong đó: “Nhà nước có chính sách tăng nguồn kinh phí mua sách cho các thư viện, đảm bảo thư viện trở thành trung tâm bồi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hoá đọc của quần chúng...”, Nhìn trên bình diện cả nước, 10 năm qua (2004-2014), thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, hoạt động thư viện cũng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Với mục tiêu cao cả là không ngừng chăm lo văn hoá đọc cho toàn dân, các hệ thống thư viện trong cả nước, từ Trung ương tới cơ sở đã không ngừng được củng cố, duy trì và phát triển. Số lượng các thư viện ngày càng tăng, chất lượng hoạt động của nhiều thư viện nhìn chung đã khá hơn so với trước. Thực hiện phương châm chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) là hiện đại hoá các thư viện ở trung ương, các thư viện tỉnh, thành phố, thư viện các trường đại học và các thư viện chuyên ngành, đa ngành; đồng thời tăng cường xã hội hoá, đa dạng hoá hoạt động thư viện ở cơ sở; bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhiều thư viện trong cả nước cũng đã chú trọng việc bổ sung sách báo, tài liệu, tăng cường nguồn lực thông tin. Những năm gần đây do hoạt động xuất bản phát triển rất mạnh, sách báo được in ra ngày một nhiều, mẫu mã đẹp với nhiều thể loại phong phú, hấp dẫn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thư viện và nhân dân trong việc lựa cho sách hay, sách tốt. Do kinh phí hoạt động của các thư viện tăng dần, nên việc bổ sung sách cho thư viện cũng đã tăng hơn so với những năm trước, kể cả sách về lý luận, chính trị - xã hội và các chủng loại sách khác.
Bên cạnh đó, thực hiện tinh thần của Chỉ thị 42, để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương - nhất là về vốn tài liệu và cơ sở vật chất, trang thiết bị, Vụ Thư viện đã tích cực tham mưu với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ tiếp tục phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) về lĩnh vực thư viện, nhằm hỗ trợ sách báo cho các thư viện huyện ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ sách xây dựng kho sách lưu động của các thư viện cấp tỉnh để luân chuyển về cơ sở và hỗ trợ cho kho bảo quản thiết bị thư viện tỉnh và hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các thư viện huyện ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Chỉ tính riêng 3 năm (2005 - 2007) từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, đã có gần 400 thư viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ hơn 720.000 bản sách (trị giá 19,3 tỷ đồng); 63 thư viện tỉnh, thành phố nhận được 1.104.000 bản sách cho kho sách luân chuyển (trị giá khoảng 24,2 tỷ đồng), đó là chưa kể mỗi năm 7 thư viện tỉnh, thành phố được đầu tư và tăng cường trang thiết bị bảo quản thư viện, trị giá 100 triệu đồng/ 1 thư viện (tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng) và 10 thư viện huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn ở cả 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được đầu tư, hỗ trợ 5 tỷ đồng xây trụ sở nhà thư viện (mỗi thư viện được đầu tư hỗ trợ 500 triệu đồng).
Điều đáng ghi nhận là: 10 năm qua, bên cạnh sự đầu tư và hỗ trợ của Chính phủ, của Trung ương như vừa nêu trên, thực hiện Chỉ thị 42, nhiều địa phương trong cả nước như: Thanh Hoá, Bình Định, Đồng Nai, Ninh Thuận, An Giang, Bà rịa - Vũng tàu, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Gia Lai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế... cũng đã cấp thêm kinh phí “đối ứng” từ nguồn ngân sách địa phương cho việc bổ sung sách cho thư viện cấp huyện và cấp cơ sở (số tiền mỗi tỉnh từ 100 triệu đến 300 triệu/năm). Ngoài ra việc mỗi thư viện huyện đặc biệt khó khăn được Trung ương hỗ trợ, đầu tư xây trụ sở thư viện (như đã nói ở trên), mỗi huyện được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu cũng đã góp thêm từ 300 triệu đến 500 triệu đồng (thậm chí có nơi trên 1 tỷ đồng) để xây thư viện huyện và mua sắm trang thiết bị.
Như vậy, từ nguồn sách báo của Trung ương và địa phương nói trên, mỗi năm đã có hàng chục vạn, hàng triệu cuốn sách, tờ báo, tạp chí được các thư viện từ trung ương đến các quận huyện và cơ sở - kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - đưa ra phục vụ người đọc. Sách báo phần nào đã đáp ứng những nhu cầu văn hoá, tinh thần - nhất là kiến thức về mọi lĩnh vực của đời sống cho nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan và khơi dậy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Để không ngừng chăm lo cho văn hoá đọc đang có chiều hướng suy giảm trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông đại chúng như hiện nay, ngành thư viện Việt Nam bên cạnh việc từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động cũng đã có nhiều đổi mới như: Cải tiến phương thức phục vụ, mở thêm các kho đọc tự chọn, đọc nghe nhìn, tuyên truyền, giới thiệu sách, duy trì và phát triển thư viện lưu động, tăng cường luân chuyển sách về thư viện, tủ sách cơ sở. Chính vì vậy, các chỉ số hoạt động cơ bản của ngành thư viện đã gia tăng đáng kể: Ví dụ, số thẻ đọc của hệ thống thư viện công cộng tăng: từ 373.259 (2010), 389.002 (2011) lên 358.570 (2012); lượt bạn đọc tăng từ 21.567.542 (2010), 22.792.914 (2011) lên 24.479.849 (2012)...
Như vậy là 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư, phối hợp với các cơ quan, ban ngành TW, Vụ Thư viện đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ VHTT (nay là BộVHTTDL) để chỉ đạo các hệ thống thư viện - nhất là thư viện công cộng ở nước ta đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần cùng với ngành xuất bản Việt Nam đưa Chỉ thị 42 dần đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta cũng có thể nhận thấy một số bất cập, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư, đó là:
Giá sách và văn hoá phẩm hiện còn khá đắt so với túi tiền của đa số người dân lao động.
Việc quảng bá sách, giới thiệu sách tuy đã được tăng cường với nhiều kênh thông tin, nhiều chiều, song vẫn chưa thực sự tương xứng so với nhiều chủng loại hàng hoá khác.
Việc đầu tư cho các đề án lớn của Chính phủ (như CTMTQG về văn hoá và lĩnh vực thư viện nêu trên) cũng còn chưa nhiều, còn nhỏ giọt.
In ấn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc còn khá khiêm tốn (trong những năm qua, NXB Văn hoá Dân tộc cũng chỉ cho ra đời được khoảng 40.000 - 45.000 bản sách, bằng 8 thứ tiếng dân tộc). Chỉ số này hiện nay còn thấp hơn nữa.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 42 của Ban Bí thư trong tình hình mới, thì nên chăng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Bí thư cần tổ chức Hội nghị chuyên đề tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị này ở nước ta để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và đề ra những giải pháp hữu hiệu, nhằm thực hiện tốt hơn Chỉ thị 42 CT/TW trong bối cảnh tình hình mới. Phải làm sao để Chỉ thị 42 có tác dụng to lớn cả trong nhận thức và hành động của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tập thể, từng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.
Chính phủ tiếp tục duy trì và tăng cường đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho ngành Xuất bản, In và Phát hành, để đưa được nhiều sách tốt, sách hay tới tay bạn đọc ở khắp các vùng miền của Tổ quốc. Cần lưu ý vấn đề trợ cước, trợ giá cho sách, báo luân chuyển tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý xây dựng và triển khai các đề án trọng điểm, để xuất bản và phát hành sách báo bằng tiếng các dân tộc cho đồng bào có chữ viết (nhất là ở các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ). Chỉ số xuất bản bằng tiếng dân tộc vừa qua còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số bà con người dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, để thu hút nhiều nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước cho sự phát triển thư viện, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.
ThS. NGUYỄN HỮU GIỚI
(Theo trithucthoidai.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực