“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”
Một năm nữa lại qua đi. Lại một lần chúng ta bồi hồi trước điểm giao thời hai năm cũ - mới, điểm lại năm qua để có cái nhìn minh xác và tươi sáng, có sự vững tin và điềm tĩnh, để chúng ta bước vào năm mới với những nhiệm vụ lao động, chiến đấu và sáng tạo mới, để đưa những dự kiến tốt đẹp trong tương lai trở thành hiện thực.
Những cánh tay của sức trẻ ngàn năm
Thế giới nhiều biến động khó lường
Với hàng loạt sự kiện chấn động, có thể nói nhân loại đã trải qua năm 2014 với nhiều biến động khó lường, tai nạn, thiên tai, dịch bệnh và khủng bố,... Nhân loại càng thấy rằng cần phải sát cánh chung tay với nhau chặt chẽ hơn để vượt qua những nỗi đau và đề phòng, ngăn chặn không cho chúng tiếp tục xảy ra.
Hai chiếc máy bay MH 370 và MH 17 của hàng không Malaixia bị mất tích, bị bắn rơi là lời cảnh báo cả loài người rằng sự an toàn không phải chỉ nằm ở tính ổn định cao, sự bền vững của trang thiết bị, kỹ thuật. Sự an toàn nằm (phần lớn) ở trong tay con người. Câu chuyện phà Sewon bị chìm ở Hàn Quốc có sự tắc trách của những người có trách nhiệm cũng nói lên điều đó.
Và ngay bây giờ, hòa bình thế giới vẫn đang phải từng giờ, từng phút đối đầu với xung đột, chiến tranh. Giải Nobel hòa bình danh giá năm nay được trao cho cô bé Malala (Pakixtan) - một nạn nhân và là một tấm gương sáng chống lại sự phân biệt và khủng bố - cũng nói lên tình cảm và niềm tin của cả loài người tiến bộ với cái thiện, nói lên ý nguyện động viên và duy trì nghị lực đấu tranh chống cái ác.
Cuộc khủng hoảng và xung đột ở Ucraina, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS liên tục tàn sát dân thường khác chủng tộc và tôn giáo, dịch Ebola bùng phát mạnh ở 4 nước châu Phi đe dọa cả thế giới... tất cả đều cho thấy một điều: Thế giới cần có những hành động chung để ứng phó với những bất ổn khu vực. Trong thế giới đang dần “trở nên phẳng” và khoảng cách địa lý càng ngày càng bị “thu hẹp” do sự phát triển của thiết bị và công nghệ, những cuộc xung đột, biến động khu vực đã không còn là “của” khu vực. Mỗi biến động khu vực đều gây ra những ảnh hưởng kéo theo với toàn thế giới, gây ra tổn hại chung lớn hơn. Mỗi quốc gia muốn phát triển bền vững phải biết thích nghi với điều đó, phải biết tìm cách thoát ra những tình thế bất lợi nếu không muốn bị lệ thuộc và kìm hãm.
Trong năm 2014, những tia sáng đã hé lên từ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn đã thoát “đáy” suy thoái vẫn không đẩy đi được nỗi lo về những sự bất thường khó dự đoán nếu không nói là đầy bất trắc trong năm sau về kinh tế thế giới, khi kinh tế được dùng làm vũ khí cho chính trị và “trả đũa” vẫn là từ được nhắc đến nhiều trong những bình luận về quan hệ kinh tế giữa các nước lớn. Căng thẳng giữa các quốc gia chưa đến mức gây chiến tranh “nóng”, làm đảo lộn cục diện thế giới, trật tự khu vực nhưng đó là nền hòa bình tương đối mong manh, xây dựng trên nền tảng thiếu vững chắc và sự không tin tưởng ngày càng tăng giữa một số nước lớn giữ vai trò chủ chốt.
Mặc dù vậy, xu hướng chung không thể cưỡng lại là mọi quốc gia dù lớn, dù nhỏ đều cần phải biết (và tìm cách) chung sống hòa bình, cùng phát triển trong một thế giới đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Sự kiện Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ và lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba được dỡ bỏ sau hơn 50 năm phần nào nói lên xu thế đó. Đây được đánh giá là một điểm sáng mới, tạo niềm hy vọng về những đổi thay tích cực trên bản đồ quan hệ quốc tế.
Vững vàng vượt qua thử thách
Năm qua, bản lĩnh dân tộc Việt Nam lại một lần nữa bị thử thách trên sóng gió Biển Đông. Giàn khoan di động Hải Dương - 981 được kéo vào vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam và nguy hiểm hơn là việc “cứng hóa” nhiều bãi đá ngầm bị chiếm đoạt trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã làm lộ thêm tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Biến cố này cũng là “chất xúc tác” gắn kết hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cùng chung một nhịp đập hướng về biển đảo. Chúng ta không muốn chiến tranh mà luôn mong muốn hòa bình, ổn định để phát triển, nhưng nếu độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm thì dân tộc Việt Nam sẽ trên dưới một lòng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”1. Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”2. Cuộc đấu tranh của chúng ta lâu dài, trên nhiều mặt trận càng cần đoàn kết, vững tin quyết tâm củng cố sức mạnh nội lực, tranh thủ cơ hội huy động sức mạnh công luận thế giới và mở rộng các mối quan hệ quốc tế. Một số dự đoán đã lo ngại sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam do biến cố này nhưng chúng ta đã bình tĩnh vượt qua thử thách. Bên cạnh việc giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đạt mức tăng trưởng GDP 5,9% (cao hơn dự đoán), bảo đảm an sinh xã hội, trong năm 2014, Việt Nam giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao được vai trò và vị thế của quốc gia trên nhiều diễn đàn thế giới và khu vực.
Năm 2014 đã chứng kiến nhiều nỗ lực của Chính phủ cùng với cả hệ thống chính trị Việt Nam tiếp tục nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân, hoàn thiện (dần) thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013, đẩy mạnh và tăng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã có đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, v.v.. Ngày 26-11-2014, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Sau cuộc đột phá về thể chế của Luật doanh nghiệp năm 1999, Luật doanh nghiệp năm 2014 được đánh giá là cuộc đột phá thể chế lần thứ hai trong sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp. Đã có đà phát triển nhưng chúng ta vẫn còn nhiều công việc bề bộn: đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện luật pháp, cơ chế, thể chế, chính sách; dành nguồn lực cho đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; giải quyết vấn đề nợ xấu; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực... Năm 2015 là năm cần thêm nhiều quyết tâm, tập trung mọi nỗ lực để tăng cường ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn; tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu để tăng trưởng GDP đạt mức 6,2%.
Cứ vào mỗi dịp cuối năm, nhiều nhà xuất bản từ điển lớn (vào hàng nhất) thế giới lại công bố “Từ khóa của năm”. Năm nay, từ điển Merriam - Webster (Mỹ) chọn culture (văn hóa) là từ khóa của năm dựa trên số liệu thống kê và giải thích rằng: Từ culture - văn hóa được sử dụng nhiều trong năm nay chủ yếu bởi các phương tiện truyền thông đại chúng thường nhắc đến những cụm từ như “văn hóa sao”, “văn hóa công ty”, “văn hóa tình dục”… Ở Việt Nam chưa có những thống kê như vậy nhưng văn hóa có lẽ cũng nằm trong top những từ được nhắc đến nhiều nhất. Công luận năm qua cũng trải qua đủ các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, bi, tư, khủng (vui, giận, thích, ghét, buồn, lo âu, sợ hãi) trong thất tình của Đông y với những việc đã diễn ra trong lĩnh vực văn hóa. Cũng có nhiều việc hỉ, việc ái: thêm nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới (di sản hỗn hợp Tràng An (Ninh Bình), dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh); đưa được sư tử đá ngoại lai ra khỏi các di tích được xếp hạng sau công văn số 2662/ BVHTTDL-MTNATL ngày 8-8-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công ở các địa phương... Nhưng có lẽ những sự kiện gây ra nộ, tư, bi và khủng chiếm phần đa số. Những thông tin được “lộ sáng” về cầu thủ bán độ, người mẫu bán dâm, ban tổ chức bán giải; những chiêu, trò quá khích phản văn hóa lan tràn ngày càng phổ biến, việc cho xuất bản và lưu hành những ấn phẩm chỉ có thể đánh giá bằng hai chữ nhảm nhí... đã gây ra nhiều cơn phẫn nộ xã hội, gây nhiều nỗi sợ hãi thật sự về tương lai văn hóa nước nhà. Những dự án đầu tư, xây dựng chỉ nhằm thu mối lợi kinh tế “trên lưng” di sản văn hóa làm xã hội suy tư, lo lắng về “của để dành” cho thế hệ sau còn được bao nhiêu khi di tích lịch sử văn hóa đã bị “phẫu thuật thẩm mỹ”, bị “xẻ thịt” từ hôm nay bởi lối tư duy kim tiền, v.v..
Trong năm qua đã có nhiều biểu hiện tiêu cực trong văn hóa. Các ngành chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực chấn chỉnh và trong năm mới vẫn sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực chấn chỉnh. Đặc biệt là, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. chúng ta tin rằng những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam luôn là một mạch ngầm mạnh mẽ chảy trong tinh thần dân tộc. Những gì mang giá trị cao đẹp sẽ còn lại sau thử thách của thời gian với sự thẩm định của xã hội. Những sự bảo thủ, trì trệ cùng với những cực đoan, phù phiếm, lạc lõng, những gì ngụy văn hóa sẽ bị lên án và đào thải. Xưa đã vậy và nay cũng vậy.
*
* *
“Năm Ngựa” đã qua. Năm qua “Mã đáo” đã mang về những thành công. Như lời một câu hát quen thuộc “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, cơ sở của lòng tin ở kết quả trong tương lai chính là hiệu quả của những nỗ lực hôm qua và hôm nay. Năm mới, chúng ta tiếp tục chặng đường mới với những cố gắng mới trên cơ sở đó và tin rằng sẽ gặt hái được nhiều thành công mới hơn.
Ngô Vương Anh
(Báo Nhân dân)
*****
1, 2. Trích lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Philíppin và dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014, ngày 22-5-2014.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực