Ngày sách Việt Nam - Ươm mầm văn hóa đọc
Trong khi văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị lấn át bởi các hoạt động khác thì mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Đề án Ngày sách Việt Nam lấy ý kiến các bộ, ban, ngành để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là một hành động thiết thực nhằm chấn hưng văn hóa đọc, một tin vui đối với bạn đọc Việt Nam.
Thả bóng bay mang thông điệp Ngày hội sách tại Văn Miếu
Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 581/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa là: “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”. Đây là quan điểm có tính chỉ đạo đối với công tác phát triển văn hóa đọc hiện nay. Việc hình thành ý thức cộng đồng về văn hóa đọc là con đường để chúng ta từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Như vậy, sự ra đời của Ngày sách Việt Nam là một việc làm thiết thực, thể hiện ý thức tự giác về một xã hội đọc đang bắt đầu hình thành ở Việt Nam.
Đứng trước thực trạng văn hóa đọc đang dần đánh mất vai trò độc tôn của mình trong việc chuyển tải tri thức, Đề án Ngày sách Việt Nam được hy vọng sẽ là động lực mạnh mẽ để chấn hưng văn hóa đọc nước nhà. Với ý nghĩa xã hội sâu sắc, Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích toàn dân đọc sách, phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người. Đề án tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; đẩy mạnh việc sáng tác, xuất bản, in và phát hành những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức. Tôn vinh những người tham gia quá trình xuất bản, lưu giữ và quảng bá sách đến với người đọc. Hy vọng Ngày sách Việt Nam sẽ là một cú hích quan trọng trong một cuộc cách mạng vì văn hóa đọc lâu dài mà chúng ta đang thực hiện.
Tuy nhiên, để Ngày sách Việt Nam không chỉ đơn thuần dừng lại ở một sự kiện, một ngày, cần có những giải pháp, những hướng đi cụ thể hơn, quyết liệt và thường xuyên hơn. Một bàn tay không thể vỗ nên tiếng nên cần sự chung tay hành động của toàn xã hội với những việc làm cụ thể. Với tư cách là một độc giả rất quan tâm tới văn hóa đọc, người viết bài này xin đưa ra một số suy nghĩ của bản thân nhằm đưa Đề án Ngày sách Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng.
Một là, muốn Ngày sách Việt Nam trở thành ngày hội của toàn xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, mà đơn vị nhỏ nhất là mỗi người đọc. Làm thế nào để ngày sách Việt Nam không chỉ dừng lại ở một sự kiện trong một ngày, mà có thể tổ chức thành những tuần sách, tháng sách, để những sự kiện đó sẽ trở thành ngày hội cho người yêu sách, tạo ra một sự say mê đọc sách của toàn xã hội, trở thành một xã hội thi đua đọc sách. Thông qua các kênh truyền thông, Ngày sách Việt Nam sẽ được phổ biến trong các trường học, các tổ chức, cá nhân và gia đình, toàn xã hội.
PGS.TS. Trương Đăng Dung (Viện Văn học): Ngày sách Việt Nam cần kết hợp với mục tiêu trong giáo dục đào tạo; xây dựng xã hội học tập; xây dựng con người và phát triển văn hóa; nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và khiếu thẩm mỹ của con người. Tham gia vào những việc cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu của Ngày sách Việt Nam phải là cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan giáo dục đào tạo, văn hóa truyền thông, các đoàn thể và tổ chức xã hội - chính trị... là hạt nhân. |
Ông Võ Tử Thành (nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương): phải tổ chức sao cho Ngày sách Việt Nam trở thành một ngày hội thật sự của quần chúng đọc sách và làm theo sách chứ không phải và không giống như một buổi lễ hoặc một cuộc mít tinh của ngành xuất bản với những bài diễn văn long trọng và sự có mặt của nhiều vị khách mời mà không phải ai trong số đó cũng đều là bạn đọc thật sự. |
Ngô Hương Giang (Viện Triết học): Ngày hội đọc sách phải là nơi tổng kết tri thức nhân loại, cũng như trí tuệ dân tộc thông qua các tác phẩm. Chỉ có những tác phẩm hay, giá trị mới làm nên ngày hội đọc sách đích thực. Không có tác phẩm hay, thì ngày hội đọc sách chỉ là thương trường, nơi giải quyết các vấn đề về thương hiệu xuất bản. Vì vậy, không có hình thức tổ chức nào tốt hơn bằng việc chính những nhà xuất bản tự giới thiệu tới bạn đọc các “sản phẩm ưu tú” của mình thông qua các ấn phẩm sách là tinh hoa tư tưởng. |
Trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông khác, trong mỗi gia đình, vai trò của những bậc phụ huynh trong việc định hướng con cái là rất quan trọng nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng và rèn luyện niềm say mê đọc sách. Điều đó có nghĩa là Ngày sách Việt Nam không chỉ nên dừng lại ở những hoạt động, những sự kiện chung, mà cần được coi trọng thực hiện những công việc cụ thể hóa trong mỗi gia đình.
Hai là, cần phải chú trọng tới việc tôn vinh, truyền bá văn hóa đọc, chứ không phải chỉ nhằm quảng bá thị trường sách, bằng các hoạt động thiết thực như: giới thiệu các tác phẩm lớn của nhân loại, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển. Có thể tổ chức các hoạt động văn hóa bổ trợ cho Ngày sách Việt Nam như: Lễ hội sách trên đường phố, giảm giá sách, tặng sách cho những khu dân cư nghèo… hay tổ chức các hội chợ sách, các cuộc giao lưu về sách; giải thưởng sách; duy trì các hình thức động viên, khen thưởng trong việc thực hiện Ngày sách Việt Nam và văn hóa đọc để Ngày sách không bị lấn át trước những hoạt động khác như các gameshow truyền hình, ca nhạc… được các phương tiện truyền thông đầu tư hoành tráng, ầm ĩ.
Ba là, thông qua Ngày sách Việt Nam, các cơ quan truyền thông và các nhà tổ chức cần phải có chiến lược cụ thể để nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của bạn đọc, nhằm định hướng hoạt động in ấn, phát hành sách. Chỉ khi nắm bắt được thị hiếu của bạn đọc, thì ngày hội đọc sách mới thực sự thu hút những người tham dự một cách tự nguyện.
Hy vọng rằng, với sự tâm huyết của những người xây dựng Đề án Ngày sách Việt Nam và sự đóng góp của các cơ quan chức năng cũng như cả cộng đồng, Ngày sách Việt Nam sẽ có được chỗ đứng trong lòng công chúng như một sự kiện được mong đợi và trở thành một tiêu điểm trong các chuỗi sự kiện được tổ chức hằng năm.
Thanh Nhàn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực