Ngày thơ Việt Nam 2015: Hướng về biển đảo Tổ quốc

Ngày đăng: 05/03/2015 - 14:03

Ngày thơ Việt Nam 2015 diễn ra từ ngày 2 đến 7-3-2015, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 năm 2015 sẽ tiếp tục chủ đề hướng về biển đảo nhằm giới thiệu rộng rãi, cung cấp một bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

DSC 0649-ee05c

Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt được giới thiệu đến bạn bè quốc tế tại Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ban Tổ chức cho biết, chủ đề xuyên suốt ngày thơ năm nay là hướng về biển đảo Tổ quốc. Chương trình được tổ chức đặc biệt hơn với sự góp mặt của các chiến sĩ đến từ Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng và nhiều nhà thơ quốc tế đến từ: Anh, Pháp, Braxin, Nam Phi, Pakixtan…

Sáng ngày 5-3-2015 (Rằm tháng Giêng âm lịch), lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ Quốc” đã được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội trong không khí trang trọng, thắm tình đoàn kết giữa các quốc gia.

Ngày thơ Việt Nam 2015 có nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ các nước như: Mỹ, Cuba, Nam Phi, Braxin, Áchentina, Ápganixtan, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham dự. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có hai sân thơ Việt Nam và quốc tế. Ở sân thơ truyền thống Việt Nam, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tổ chức mời sinh viên của 6 trường đại học, gần 20 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 địa phương tham gia. Đặc biệt, 15 gương mặt nhà thơ Việt Nam tiêu biểu sẽ được tuyển chọn, giới thiệu thơ bằng tiếng Pháp và do một họa sĩ người Pháp vẽ minh họa.

Hình ảnh cây đàn, cuốn thơ được trang trí ngay lối vào.

Hình ảnh cây đàn, cuốn thơ được trang trí ngay lối vào Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hội Nhà văn Việt Nam cũng lựa chọn 100 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu (được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, phần thưởng cao quý...) tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ quốc tế tiêu biểu. Bên cạnh đó, 10 nhà xuất bản có tên tuổi cũng được mời tham dự giới thiệu tác phẩm viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ được Ban Tổ chức đặt một cabin chuyên dịch thơ (dịch ra bốn đến năm thứ tiếng nước ngoài) để phục vụ các bạn trẻ và bạn bè quốc tế quan tâm đến thơ. Một nét mới nữa của Ngày thơ Việt Nam năm nay là sẽ có phố nghệ thuật để tôn vinh nghệ thuật truyền thống như: hát văn, hát xẩm...; biểu diễn nghệ thuật trong quán thơ để phục vụ độc giả yêu thơ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của hai lực lượng: Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng nhằm góp phần tô đậm chủ đề của ngày thơ Hướng về biển đảo. Với chủ đề này, các nhà thơ sẽ mang đến nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo quê hương.

Ngay từ sáng sớm đã có nhiều đoàn đại biểu đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham dự ngày thơ.

Ngay từ sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng đã có nhiều đoàn đại biểu đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham dự ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Theo Ban Tổ chức, năm nay không có một sân thơ trẻ riêng biệt không phải vì sân thơ trẻ nhạt hay thiếu các yếu tố mới mẻ mà lý do quan trọng hơn cả là “chủ nhà” muốn tạo điều kiện cho các nhà thơ quốc tế xuất hiện, muốn dành cơ hội cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức giọng nói thơ ca của các dân tộc khác.

Tuy không có sân thơ trẻ nhưng các nhà thơ trẻ vẫn tham gia vào cả hai sân thơ ở Văn Miếu và tham gia vào các hoạt động khác diễn ra trước ngày thơ khai mạc. Ở sân thơ truyền thống, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tổ chức mời sinh viên của 6 trường đại học, gần 30 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 địa phương trên cả nước tham gia.

Những vần thơ được thả lên trời.

Những vần thơ được thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nhiều hoạt động bên lề có sức hấp dẫn trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 cũng sẽ được tổ chức như triển lãm giao lưu văn học quốc tế; triển lãm các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài… Khu phố nghệ thuật với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, câu đối, trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra từ ngày 4 đến 5-3 (tức 14 đến hết ngày 15 tháng Giêng). Họa sĩ Lê Thiết Cương được mời để thực hiện thiết kế mỹ thuật cho toàn bộ các sự kiện của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 vì thế phần thiết kế mỹ thuật năm nay rất hiện đại và đẹp.

50 câu thơ (25 câu thơ của nhà thơ Việt Nam, 25 câu thơ của nhà thơ quốc tế) được chọn để thả thơ.

50 câu thơ (25 câu thơ của nhà thơ Việt Nam, 25 câu thơ của nhà thơ quốc tế) được chọn để thả thơ

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người”, sẽ khai mạc tại Hà Nội sáng 2-3. Hiện có trên 40 quốc gia với 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu đăng ký tham dự. Bên cạnh đó, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 sẽ được khai mạc tối 2-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong bảy ngày ở Việt Nam, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Văn học Việt Nam tại Hà Nội và đến Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh) nghe hát quan họ. Thông qua đó, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu về hai di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận là Vịnh Hạ Long và quan họ Bắc Ninh để các nhà văn, nhà thơ quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người, truyền thống văn hóa của Việt Nam.      

P.V (Tổng hợp)

Bình luận