Nghị định số 195/2013/NĐ-CP: Xuất bản điện tử đã có hành lang pháp lý rõ ràng

Ngày đăng: 31/03/2014 - 14:03

Ngày 12-02-2014, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản đã được Văn phòng Chính phủ chính thức công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-3-2014. Nghị định 195/2013/NĐ-CP có tác động như thế nào đến các đơn vị trong ngành xuất bản, in và phát hành? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện một số đơn vị về vấn đề này.

 

xban dien tuÔng Đồng Phước Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ YBOOK:

Theo tôi, Nghị định 195 có những tác động tích cực như sau: Một là, xuất bản điện tử đã có hành lang pháp lý rõ ràng để các đơn vị triển khai hệ thống phát hành; Hai là, có quy chuẩn cụ thể về kỹ thuật, pháp lý giúp hình thành hệ thống phát hành xuất bản phẩm điện tử ở VN; Ba là, các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử hiện nay trên internet không hợp pháp, vi phạm quyền lợi chính đáng của tác giả, nhà xuất bản (vì tự tiện phát hành mà không có thỏa thuận tác quyền) sẽ không thể hoạt động vì không đáp ứng được các quy chuẩn pháp lý theo Nghị định 195; Bốn là, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những hoạt động chấn chỉnh tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội In Việt Nam:

imageNghị định 195/2013/NĐ-CP ban hành nhằm đưa Luật xuất bản sửa đổi được vận hành là phù hợp với xu thế phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Hiệp hội In Việt Nam, Hội In Hà Nội, Hội In Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tích cực và góp ý trong quá trình xây dựng Nghị định. Đây là thành công của Bộ Thông tin và Truyền thông khi triển khai các văn bản liên quan đến công tác quản lý ngành và thực tiễn phát triển của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách của Việt Nam.

Trước xu hướng phát triển nhanh của ngành công nghệ thông tin, những phương pháp in offset truyền thống đang chuyển sang phương pháp in  nhanh, số hóa trong từng công đoạn và trong cả quá trình tạo ra sản phẩm in nói chung, trực tiếp là các ấn phẩm sách, báo, văn hóa phẩm. Sách, báo điện tử chuyển tải nhiều thông tin nhanh đến bạn đọc, dẫn đến số lượng in xuất bản phẩm có giảm về số lượng song đòi hỏi chất lượng ngày càng cao và giảm giá thành. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư, thành lập các công ty liên doanh về lĩnh vực in tại Việt Nam. Đó là những thách thức đối với ngành in Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.

Theo đánh giá của Hiệp hội In Việt Nam, với trên 2000 doanh nghiệp in, tập trung tại hai trung tâm in chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài hai trung tâm in, phân bố các doanh nghiệp in giải đều khắp các tỉnh trong cả nước. Đến nay, chủ yếu doanh nghiệp in hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và vốn tư nhân, còn số ít các doanh nghiệp in nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Số lượng lao động toàn ngành in khoảng 70.000 người, chất lượng lao động không đồng đều, phần lớn chưa được đào tạo chính quy. Các cơ sở đào tạo tập trung ở hai trung tâm in lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ sở Đào tạo ngành in bậc đại học.

Xã hội hóa ngành in thiếu sự quản lý quy hoạch ngành dẫn đến số lượng doanh nghiệp in tăng nhanh, phần lớn các doanh nghiệp in thuộc quy mô vừa và nhỏ. Công nghệ in thiếu đồng bộ, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo số liệu khảo sát tại 127 doanh nghiệp in thuộc Hiệp hội In Việt Nam, trong số các doanh nghiệp in lớn khoảng 19% (có mức doanh thu trên 100 tỷ đồng) thì 2/3 là các doanh nghiệp in bao bì, nhãn hàng; các doanh nghiệp số lao động từ 100 người trở lên chiếm khoảng 50%. Ngành in cơ bản thực hiện xã hội hóa, các doanh nghiệp in nhà nước cơ bản chuyển mô hình hoạt động sang mô hình cổ phần hoặc tư nhân hóa. Các doanh nghiệp nhà nước một thành viên còn số ít là những doanh nghiệp chuyên in văn hóa phẩm, in báo được hình thành sớm, được nhà nước đầu tư. Khối chuyên in bao bì là các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần  hoặc liên doanh liên kết. Một số doanh nghiệp từ in văn hóa phẩm đang chuyển sang in tổng hợp và tham gia vào lĩnh vực in bao bì, việc chuyển dịch không có chiến lược dài hạn mà xử lý theo biến động thị trường mang tính ngắn hạn.

Khi Nghị định 195/2013/NĐ-CP ra đời, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các tỉnh thành cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, quản lý và hỗ trợ ngành Xuất bản, In và Phát hành sách theo đúng nghĩa là ngành kinh doanh có điều kiện. Cần sớm xây dựng và triển khai quy hoạch ngành in, bao gồm định hướng về công nghệ, phân bố vùng. Trước mắt xây dựng hai trung tâm lớn của ngành in Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch lĩnh vực in xuất bản phẩm, sách, báo; quy hoạch lĩnh vực in bao bì... Từng bước di dời các doanh nghiệp in ra khỏi khu dân cư, khuyến khích  đầu tư chiều sâu và công nghiệp hóa ngành in. Những chính sách, giải pháp mang tính đồng bộ, tránh mang tính hành chính và kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Các chính sách và quy định quản lý ngành in cần nghiên cứu sát thực tiễn hơn, cần chuyển cách quản lý hẹp mang tính khép kín theo dây chuyền in trong từng doanh nghiệp, sang quản lý toàn bộ quá trình, nâng cao tính chuyên môn hóa cao giữa các khâu chế bản, in và hoàn thiện sản phẩm của nhiều doanh nghiệp. Việc chuyên môn hóa và tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp in sẽ giúp công tác đầu tư tập trung và có hiệu quả. Công tác quản lý ngành không chỉ chuyên mang tính kiểm tra tìm ra mặt trái mà cần tăng cường công tác hướng dẫn, phòng ngừa phát sinh sai phạm, giúp các doanh nghiệp in phát triển bền vững.

Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào ngành công nghệ chế tạo thiết bị trước và sau in hiện đại; ngành sản xuất vật liệu in (bản in, mực in, giấy in đặc thù…) nhằm giúp ngành In Việt Nam có nhiều lựa chọn và tăng sức cạnh tranh khi thực hiện in gia công xuất khẩu.

Nhà nước cần xem xét để giảm thuế, giảm giá thuê đất để tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn, nuôi dưỡng nguồn thu và giúp ngành In tiếp cận sớm công nghệ in hiện đại, khuyến khích đầu tư công nghệ mới, hạn chế nhập khẩu máy cũ.

Cần quan tâm đến công tác đào tạo ngành in. Đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, tránh dạy chay, học chay. Cần có chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên ngành In; đầu tư cơ sở thực hành và nâng cấp Trường Cao đẳng In thành trường đại học chuyên ngành in. Công tác đào tạo nên đi trước một bước, nhằm giúp ngành In Việt Nam chuẩn bị đủ nguồn nhân lực đáp ứng tiến trình hiện đại hóa và tránh tụt hậu với các nước trong khu vực.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc công ty sách Quảng Văn

imageLà một đơn vị liên kết xuất bản, tôi có hai ý kiến đối với Nghị định 195:

Thứ nhất, theo Điều 23 Luật xuất bản sửa đổi năm 2012 thì chúng tôi được phép khai thác bản thảo, biên tập sơ bộ bản thảo, in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản.

Theo Điều 11, mục 2, khoản b: Đơn vị liên kết xuất bản muốn liên kết “Biên tập sơ bộ bản thảo” phải “Có giấy tờ chứng minh có ít nhất 03 (ba) biên tập viên được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập trong trường hợp thực hiện hình thức liên kết biên tập sơ bộ bản thảo”. Tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức, sau đó cấp chứng chỉ hành nghề biên tập để các đơn vị liên kết được phép thực hiện đầy đủ các hình thức liên kết được quy định trong Luật, cho dù trong thực tế, không ít những đơn vị liên kết đã thực hiện cả bốn nội dung trên từ nhiều năm nay.

Thứ hai, riêng lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, trong chương 5 Luật xuất bản sửa đổi và chương 4 của Nghị định 195 tôi thấy có hai nội dung rất quan trọng chưa được đề cập tới:

Một là, vi phạm bản quyền đối với xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Thực tế trong 5 năm trở lại đây, tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng internet là vô cùng phổ biến. Nội dung sách được phát tán, chia sẻ trên mạng internet trong khi cá nhân, tổ chức phát tán không được sự đồng ý của tác giả hoặc của đơn vị giữ bản quyền. Hành động trên gây thiệt hại cho tác giả, nhà xuất bản, đơn vị liên kết và nhà nước. Có trường hợp, công ty sách chỉ mua bản quyền sách in nhưng đối tác lại phát hiện bản điện tử được bán và chia sẻ trên mạng. Hành động này hoàn toàn do các cá nhân và một số tổ chức bất chấp pháp luật thực hiện để thu lợi nhưng hậu quả thì công ty sách phải chịu. Nhẹ thì đối tác hủy hợp đồng. Còn về lâu dài, chúng ta rất khó để phát triển xuất bản điện tử hoặc nói rộng hơn là phát triển nội dung số trong khi không có những biện pháp hữu hiện để ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền trên mạng internet.

Hai là, tổ chức nước ngoài tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử. Hiện tại, chúng ta mới chỉ quy định những tổ chức có văn phòng đại diện ở Việt Nam thì mới được phép tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhưng trong thực tế, có không ít công ty nước ngoài vẫn phân phối sách điện tử cho các công ty sách Việt Nam cho dù họ không có văn phòng ở Việt Nam. Bản chất của phát triển nội dung số và phân phối nội dung số đã mang tính chất không biên giới, xóa nhòa mọi khoảng cách về không gian và thời gian. Ở góc độ xuất bản, chỉ cần nội dung xuất bản phẩm điện tử không vi phạm pháp luật Việt Nam thì phân phối qua đối tác nào, có văn phòng ở Việt Nam hay không, theo tôi, không quan trọng. Chưa kể, xu hướng tự xuất bản (self publishing) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ở Việt Nam, có nhiều tác giả đã chọn hình thức tự xuất bản thông qua các đối tác phân phối ở Canada, Anh, Mỹ… trong khi cả Luật xuất bản và Nghị định 195 không đề cập đến nội dung này.

Lê Thu Hiền

(Theo Trithucthoidai)

 

Bình luận