Người gom nhặt kỷ vật thời chiến để... lập bảo tàng

Ngày đăng: 21/12/2012 - 14:12

Hơn 20 năm qua, người thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp đã lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc để gom nhặt những kỷ vật thời chiến để làm bảo tàng cá nhân. Với ông, việc sưu tầm, gom nhặt những kỷ vật chiến trận - nơi ông cùng đồng đội một thời vào sinh ra tử là bổn phận, là trách nhiệm và là lời hứa tri ân với đồng đội. Hiện bảo tàng lưu giữ kỷ vật chiến tranh của ông đã có hàng ngàn hiện vật và là điểm đến quen thuộc của nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên, đồng đội một thời khói lửa của ông Hiệp.

Ký ức về một thời chiến trận

Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi và mới học hết lớp 9, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì người anh ruột đã hy sinh ngoài chiến trường, nhưng với khí thế của tuổi trẻ, Nguyễn Mạnh Hiệp xin được nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, chàng trai Hà Nội được nhận lệnh đi B với nhiệm vụ trinh sát bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên.

ong-nguyen-manh-hiep

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên máy thông tin 15W của quân đội Mỹ

Suốt 3 tháng ròng rã, ông cùng đồng đội hành quân bằng đường bộ từ Ninh Bình vào chiến trường A Lưới (Thừa Thiên Huế). Đây từng là mặt trận vô cùng ác liệt, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ từ lương thực cho đến vũ khí, thuốc men… Tại mặt trận này, kẻ địch ngày đêm điên cuồng bắn phá làm bị thương và hy sinh nhiều đồng đội và nhân dân, bản thân Nguyễn Mạnh Hiệp đã bị thương nặng.

Ông Hiệp kể lại: Trong quá trình hành quân, đơn vị phải trèo đèo, lội suối, luồn rừng, nguy hiểm nhất là phải đối mặt với cảnh bom rơi, đạn nổ của bọn Mỹ xâm lược. Không chỉ vậy, ông và đồng đội thường xuyên đối mặt với cái đói, chỉ có khoai sắn, rau rừng là thức ăn chủ đạo qua ngày; chưa kể phải chịu những trận sốt rét hành hạ kéo dài… Cũng tại chiến trường này, quân Mỹ đã trút hàng triệu tấn bom đạn hòng quyết tâm làm chủ chiến trường. Kéo theo đó là hậu quả tang thương: mẹ mất con, vợ mất chồng, gia đình chia ly…

Năm 1968, mặt trận Trị Thiên bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Sư đoàn 320B của ông và Sư đoàn 324 đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch tại đồi Abia. Ở mặt trận này, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Người may mắn thì được chôn cất, còn nhiều đồng chí không biết được tung tích…

Đặc biệt, trong thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Mạnh Hiệp từng là lính dưới quyền của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Từ đó đến nay, ông và nguyên Tổng Bí thư vẫn thi thoảng gặp nhau và ôn lại kỷ niệm hào hùng về Trị Thiên khói lửa. Cũng từ những buổi gặp đồng chí Lê Khả Phiêu, đã tiếp thêm cho ông sức mạnh và động lực để thực hiện ước nguyện của mình với đồng đội.

Bước ngoặt cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Mạnh Hiệp là vào đầu năm 1969, khi bị thương nặng (hạng 4/4) phải chuyển ra điều trị tại Đoàn 580 (tỉnh Quảng Bình). Sau đó, ông được điều động phân công làm cán bộ khung, tuyển quân, huấn luyện bổ sung lực lượng cho các đơn vị ngoài mặt trận. Năm 1972, do tình hình sức khỏe không cho phép, Nguyễn Mạnh Hiệp được chuyển về công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin cho đến lúc nghỉ hưu.

Mang tiền của vợ đi... săn tìm kỷ vật

Ông Hiệp tâm sự: “Tôi có ý tưởng xây dựng “bảo tàng” kỷ vật chiến tranh từ rất lâu rồi, nhưng do điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên mãi đến cuối năm 2011 mới xây dựng được ngôi nhà hai tầng với diện tích 100 m2 để trưng bày hiện vật. Nhưng hơn 20 năm qua, tôi vẫn âm thầm sưu tầm, tìm kiếm kỷ vật của đồng đội và cả của binh lính Mỹ - ngụy. Khi hay tin phát hiện ra kỷ vật ở chiến trường, vợ tôi đều phải xoay xở tiền của gia đình, bạn bè để cho chồng mang đi. Mỗi lần lên đường vào Quân khu Trị Thiên, miền Nam, tôi thường mang theo cả chục triệu đồng đi lại tàu xe, phần còn lại để mua lại kỷ vật của người dân cóp nhặt được… Nếu may mắn, gặp được đồng đội cũ thì ăn, nghỉ nhờ ở nhà họ, còn không tôi đều phải thuê nhà trọ để ở qua đêm”.

thuong-tuong-Truong-Van-Rin

Thượng tướng Trương Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện cùng

đồng đội tại bảo tàng của ông Hiệp

Ông vô cùng xúc động, hàm ơn người vợ hiền của mình - người đã cảm thông, hết lòng ủng hộ sẻ chia mơ ước với ông trong suốt mấy chục năm qua. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên - vợ ông, là người phụ nữ tảo tần, luôn chuẩn bị cho ông hành trang trước khi lên đường về nơi chiến trường xưa. Bà tâm sự: “Nhà tôi có ý tưởng này từ rất lâu rồi, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, cứ thỉnh thoảng lại đi mua được vài thứ, tích cóp lại để có được như ngày hôm nay. Tôi thấy ý tưởng này rất hay, nên tôi và các con luôn ủng hộ, động viên ông làm những việc ý nghĩa cho đồng chí, đồng đội của mình nhằm giáo dục cho các cháu sau này”.

Khi được hỏi động lực nào giúp ông quyết tâm đi tìm kỷ vật đến vậy? Không chút do dự, ông khẳng định: Tôi là người lính từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội và người lính đã hy sinh nên việc lưu giữ kỷ vật thời chiến chính là cách để tôi nhớ tới đồng đội. Tôi không bao giờ quên được những hình ảnh về đồng đội của mình, nhiều khi nằm cùng một võng, sáng ra thấy bạn chết ngay cạnh vì sốt rét ác tính… mà thấy đau lòng!

Ước nguyện đã thành hiện thực

Không quản ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, ông một mình khoác chiếc ba lô con cóc lập tức lên đường mỗi khi hay tin người dân nhặt được kỷ vật như: nhật ký, bom, mìn, súng đạn hay các vật dụng của bộ đội ta và địch còn sót lại ở chiến trường, hỏi mua bằng được về trưng bày tại bảo tàng tư gia. Sau gần 1 năm đi vào sử dụng, bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông đã thu hút hàng trăm lượt người đến tham quan, đồng thời là điểm đến quen thuộc của những người cựu chiến binh của đơn vị và Quân khu Trị Thiên một thời khói lửa.

Hiện bảo tàng của ông đang lưu giữ hàng ngàn kỷ vật quý như: Bản đồ tác chiến vùng A Lưới (Thừa Thiên Huế từ năm 1967); áo giáp của phi công Mỹ; máy bộ đàm, điện thoại, ba lô, vỏ các loại đạn, pháo… Trong đó đáng chú ý là hàng ngàn bức tranh, ảnh từ trận đánh Đăk Pet (1960-1965); ảnh chụp 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; ảnh theo bước chân thần tốc của người lính Quân khu Trị Thiên. Đặc biệt là bức ảnh lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Một điểm nhấn khác tại bảo tàng của ông Hiệp, bên cạnh cửa ra vào trưng bày một chiếc vỏ đạn 500 kg và 2 quả đạn 175 ly - từng được mệnh danh là “vua chiến trường” của quân đội Mỹ. Ông Hiệp kể: Để có được những kỷ vật quý này, tôi đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc mới có được. Trong lần lặn lội tìm kiếm, thấy vỏ quả bom 500 kg từ Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) trong lòng “sướng rên”, nhưng tiền không còn, tôi phải vay mượn bạn bè để thuê xe tải chở ra Hà Nội. Tiền mua vỏ quả bom hết 5 triệu đồng, chi phí vận chuyển về nhà hết hơn 7 triệu, về đến nhà, trong túi tôi chỉ còn vài chục ngàn. Vốn đã đam mê sưu tầm rồi, lại may mắn gặp được “của quý” thì tốn kém mấy cũng sẵn sàng chi - ông quả quyết.

Ngoài ra, bảo tàng của ông Hiệp còn lưu giữ đủ loại vật dụng thời chiến của quân đội cả 2 phía. Đó là chiếc cặp lồng, ca uống nước, hộp đựng thuốc, dây lưng, quần áo, điện thoại, máy tra tấn điện… Và đặc biệt là những cuốn hồi ký của những người con của Quân khu Trị Thiên, viết về kỷ niệm một thời chiến trận. Trong tháng 9 vừa qua, ông đã “gom thêm” được những hiện vật mới như: tên lửa vác vai, đại H10, H12, A72, dù nhảy của phi công dài 18 m, máy thông tin 15 W, máy thông tin 2 W dành cho tiểu đoàn, bộ bàn ghế của sĩ quan Mỹ (gồm 6 ghế và 1 bàn)…

Chia tay ông, chúng tôi thực sự tin rằng, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của người lính già, thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau sẽ thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những tháng ngày chiến trận oanh liệt đã lùi xa.

 

Trung tướng Lê Văn Hân - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: “Tôi là một người lính, cùng với cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp, cũng đã biết ý định này của anh từ nhiều năm qua và tới bây giờ mới thành hiện thực. Chúng tôi rất hoan nghênh việc làm đầy ý nghĩa của anh Hiệp. Có một nhà lưu niệm kỷ vật kháng chiến, giúp chúng tôi nhớ lại một thời chiến tranh, những ngày tháng chiến trận mà đồng đội nhiều người đã hy sinh, ghi nhận lại để luôn nhắc nhở chúng tôi về một thời oanh liệt. Bảo tàng của anh Hiệp thực sự trở thành điểm đến không chỉ của những người lính một thời trận mạc mà còn là nơi giáo dục truyền thống rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ”.

Ngô Xuân Lộc

 

 

Bình luận