Người Hà Nội thử thách bom đạn Mỹ
“Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50 km. Đồng bào tìm nơi trú ẩn an toàn”… Có lẽ trong những ngày tháng bầu trời Hà Nội rực lửa chống trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của không quân Mỹ cuối năm 1972, không một âm thanh, giọng nói nào khiến người ta sợ nghe đến vậy, nhưng chỉ ít phút sau đó, giọng nói ấy lại được chờ đón hơn bất cứ điều gì, khi từ những chiếc loa treo trên khắp phố phường Hà Nội vang lên giọng đọc của cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch đã bay xa”.
Cả Hà Nội sôi sục căm thù, khẩn trương bước vào đợt chiến đấu mới quyết
trừng trị đích đáng bọn cướp trời Mỹ
Cái “nơi trú ẩn an toàn” được nhắc đến trong đoạn âm thanh trên, chính là những căn hầm trú bom hiện diện dọc các tuyến phố Thủ đô thời bấy giờ. Có thể nói, những căn hầm trú bom, vẫn được gọi một cách dân dã là “hầm tăng xê” (phiên âm từ tiếng Pháp tranchée, nghĩa là hầm trú ẩn, giao thông hào), đã thực sự trở thành một hình ảnh rất đặc trưng đối với người dân Hà Nội.
Với những người thuộc thế hệ sau như tôi, hình dung về những căn hầm trú bom chỉ được định hình qua lời kể của ông bà, cha mẹ, qua những cuốn sách, bài báo về đề tài chiến tranh, rồi qua một số ít tư liệu tìm được trên Youtube và cũng chỉ dừng lại ở sự khâm phục và ấn tượng về sự năng động, khả năng sáng tạo tuyệt vời trong điều kiện cụ thể của đất nước nhằm bảo vệ tối ưu tính mạng cho người dân. Nhưng với những người dân sống ở Hà Nội trong những ngày tháng máy bay Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, thì hình thức tránh bom này, dù giờ đây hầu như đã không còn lại vết tích, vẫn luôn là một ký ức không bao giờ phai về một thời kỳ lịch sử lắm gian nguy nhưng cũng đầy những chiến công oanh liệt.
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở thành phố và nông thôn miền Bắc, những chiếc hầm trú bom được xây dựng hàng loạt với các kích thước, quy mô khác nhau. Có những căn hầm được dựng một cách đơn sơ trong khi có những căn được xây thật kiên cố, rộng tới hàng chục mét vuông, thậm chí chia thành nhiều phòng với nhiều chức năng, trang bị đèn điện, nhưng cũng có những căn để có được chút ít ánh sáng phải cần đến một chiếc đèn dầu. Tuy nhiên, nhiều và phổ biến hơn cả là những chiếc hầm cá nhân được bố trí dọc theo vỉa hè các tuyến phố trong nội thành Hà Nội, trong khi ở các vùng nông thôn thì hầm vỉ kèo (sáng kiến từ những chiếc lều chăn vịt của bà con trên đồng) lại thông dụng hơn.
Tìm về với câu chuyện lịch sử của chiếc hầm trú bom, tôi gặp ông Phan Đức Sử, một người có nhiều công lao trong việc xây hầm chống bom Mỹ, để nghe người cựu chiến binh năm xưa kể về sự ra đời của chiếc hầm cá nhân. Ông Sử nhớ lại, ngày ấy, việc Mỹ sẽ ném bom Hà Nội không nằm ngoài dự tính của Bác Hồ và Trung ương Đảng, và ta không bị động “ngồi chờ” chúng đến oanh tạc, mà ngược lại, chúng ta đã chuẩn bị sẵn mọi phương án phòng bị. Nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các công trình phòng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, ông đã vào tận Vĩnh Linh, Quảng Bình để tìm hiểu, nghiên cứu và cuối cùng, ý tưởng làm những chiếc hố cá nhân và hầm vỉ kèo đã ra đời từ chính chuyến đi đó, từ chính cuộc sống đơn giản, lam lũ thường ngày của người dân.
Lúc đó Xí nghiệp Xi măng Vĩnh Tuy là đơn vị sản xuất hố cá nhân, làm thủ công bằng xỉ than trộn với xi măng rồi đổ vào khuôn. Đến trước năm 1962, tất cả các phố trong nội thành Hà Nội đã được “trang bị” hố cá nhân. Chiếc hố này sâu 1,2 m, gồm hai ống đường kính 80 cm ghép lại. Ống phía dưới có đáy, có rốn múc nước. Ống phía trên có một phần khuyết để làm bậc lên xuống. Phía trên có nắp đúc bằng bê tông cốt thép. Hố đặt nằm so le hai bên vỉa hè, giúp cho khoảng cách chạy từ nơi bất kỳ đến hố là ngắn nhất, do vậy hầu như trước cửa nhà nào cũng đều có một chiếc.
Trong các gia đình, người ta cũng tự xây những căn hầm nhỏ đủ cho cả nhà có thể trú ẩn an toàn. Mức độ kiên cố của hầm tùy điều kiện từng nhà, nhưng chủ yếu là những căn hầm tương đối đơn giản. Họ đào hầm rồi chống đỡ và làm vách bằng những tấm gỗ hoặc trát xi măng. Rồi có những nơi lại xây cả những căn hầm chung cho cả khu phố chứa được vài chục người, hay các cơ quan, đoàn thể cũng đều trang bị hầm cho anh em trong đơn vị.
Bà Đào Thị Hà, một người dân sống trên phố Hàng Bạc cho biết, trước đây gia đình bà ở phố Cầu Gỗ, rồi bà về làm dâu ở phố Hàng Bạc. Bà bảo khi ấy, nhiều gia đình tự xây hầm trong nhà. Gia đình bà cũng vậy. Hầm tạo thành bởi những tấm ván gỗ, đặt ngay dưới gầm giường, có nhà thì đặt dưới chân cầu thang. Rồi cơ quan bà, báo Phụ nữ Việt Nam cũng xây hầm làm chỗ trú ẩn cho anh chị em mỗi khi máy bay Mỹ đến.
Trái với hình dung của tôi rằng không khí trong hầm chắc nặng nề lắm, bà bảo, nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn, mâu thuẫn bởi vừa lo sợ vừa… vui. Lo là lo cho đất nước, lo cho tính mạng của các anh bộ đội đang xông pha nơi lửa đạn, lo cho tính mạng của người thân và của cả bản thân mình nữa. Nhưng nếu ai cũng đem nỗi lo ấy xuống hầm, trong lúc máy bay địch đang quần thảo trên đầu, thì sự sợ hãi có lẽ còn tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, có những người đã phải cố nén nỗi lo sợ để làm “hoạt náo viên” nhằm làm dịu đi sự căng thẳng, ảm đạm trong căn hầm. Bà Hà nhớ lại, khi ấy cơ quan bà có một đồng nghiệp như thế. Cứ mỗi khi xuống hầm, người đồng nghiệp ấy lại đem những câu chuyện tếu táo, như thể đã được tìm và chuẩn bị sẵn, để pha trò cho mọi người cười, thế mà cũng vơi đi được nỗi sợ, nhiều khi quên hẳn, chuyện như pháo rang. Cười để tạm quên đi nỗi lo, để vững lòng mình hơn và tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Mẹ tôi, mỗi khi có thời gian rỗi, lại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thời chiến tranh, thời bao cấp… như thể nếu không, những chi tiết sẽ rơi rụng dần dần theo năm tháng. Nhắc đến những căn hầm trú bom thời chống Mỹ, mẹ tôi kể, khi ấy mẹ mới hơn 10 tuổi, ở cái tuổi còn vô lo vô nghĩ, tuy cũng đã biết sợ nhưng trí tò mò nhiều khi còn át cả nỗi sợ. Chẳng là đầu phố nhà tôi có một ụ pháo của bộ đội, mỗi lần chúng ta bắn trả máy bay địch thì cả một vùng trời rực đỏ, rồi những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Nhưng bọn trẻ con như mẹ tôi hồi ấy rất tò mò, thỉnh thoảng lại trèo lên hé cái cửa sổ bé tí teo để dõi theo những miếng đánh trả của các anh bộ đội dũng cảm… Rồi lại vô cùng vui mừng, thích chí mỗi khi biết tin có một chiếc máy bay địch bị hạ. Say sưa với những ký ức năm nào, mẹ tôi còn diễn tả nguyên xi lại tư thế ngồi trú bom trong hầm: ngồi xổm, đầu cúi thấp xuống, hai khuỷu tay đặt trên đầu gối, che hai tai, có lúc đội cả mũ rơm, nhưng tuyệt đối không được dựa vào vách hầm bởi như vậy sẽ bị áp lực của bom…
Những câu chuyện vui, buồn gắn với căn hầm trú bom còn nhiều, nhiều nữa, chắc hẳn những người đã từng trải qua thời kỳ ấy không thể nào quên, nhưng những chiếc hầm, chiếc hố trú bom ấy giờ hầu như không còn. Sự kiện khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, tháng 5 vừa qua, mở cửa cho công chúng tham quan căn hầm trú bom mới được phát hiện ngay trong lòng khách sạn là một sự kiện khá đặc biệt và hiếm có, đã khiến cho những người đến xem hết sức háo hức, hồi hộp và xúc động. Bởi, với thế hệ trước, họ như được sống lại thời khắc hoa lửa của 40 năm về trước, với những người trẻ tuổi, đây là một dịp để họ thêm hiểu vì sao cả thế giới phải ngợi ca thế hệ cha anh họ, còn với những người nước ngoài, nó “góp phần mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam” - như nhận xét của nhà sử học Andreas Augustin, Chủ tịch tổ chức các khách sạn nổi tiếng nhất thế giới, tác giả cuốn sách lịch sử của khách sạn Metropole. Căn hầm rộng 40 m2 được khách sạn xây dựng để bảo đảm an toàn cho các vị khách quan trọng trong thời kỳ không quân Mỹ ném bom Hà Nội từ giữa những năm 1960 đến mùa đông năm 1972 vẫn được bảo tồn nguyên trạng với tường vôi xám màu thời gian, bóng đèn, cánh cửa bằng kim loại, những lỗ thông hơi hay thậm chí là một chai rượu cũ đã cạn, một dòng chữ khắc trên tường...
Nguyễn Giao Linh
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực