Ngoại giao đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 26/01/2012 - 09:01

Năm 2011 khép lại với nhiều sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ 25 năm đổi mới, đánh giá chính xác bối cảnh quốc tế và những thách thức, cơ hội đặt ra cho đất nước, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, xác định phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn mới với tinh thần Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Bám sát chủ trương đó, công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2011 được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật.

ngoaigiao


Hoạt động ngoại giao nâng cao vị thế đất nước

Nét nổi bật trong công tác ngoại giao năm 2011 là hoạt động đối ngoại sôi động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Lào, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu; dự Cấp cao APEC, ASEAN, GMS...  Đồng thời, ta cũng đón các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao từ nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động đối ngoại cấp cao đã củng cố và làm sâu sắc quan hệ của ta với các đối tác quan trọng, đồng thời phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quan hệ giữa ta và Trung Quốc năm qua tiếp tục phát triển ổn định. Hai bên đẩy mạnh giao lưu, hợp tác ở các bộ, ngành và địa phương các cấp. Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 vượt 35 tỷ USD. Thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển vừa ký kết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc từng bước giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới.

Quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia được thúc đẩy theo hướng củng cố tin cậy và hợp tác toàn diện. Ta và Lào tiếp tục khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác ở ba cấp Trung ương, địa phương và doanh nghiệp hai bên.

Quan hệ của ta với các nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương được tăng cường thông qua nhiều hoạt động song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác khu vực.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ; hai bên ký Hiệp định liên chính phủ về việc Nga cung cấp tín dụng cho Việt Nam xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng đi vào chiều sâu; Nhật Bản quyết định duy trì ODA đã cam kết cho Việt Nam trong bối cảnh bạn còn nhiều khó khăn sau thảm hoạ động đất, sóng thần. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 24 tỷ USD. Quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực sau 15 năm bình thường hóa; Mỹ coi trọng vai trò Việt Nam ở khu vực, khẳng định mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị ký chính thức Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA). Ta lần lượt nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vì tương lai với Đức; đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác tiềm năng, các nước bạn bè truyền thống ở khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, qua đó củng cố vững chắc cục diện đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của đất nước.

Trên bình diện đa phương, phát huy thành quả của Năm Chủ tịch ASEAN 2010, ta tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực theo tinh thần Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; tranh thủ vai trò quan trọng của các cơ chế đa phương trong việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển của ta.

Trong khu vực, ta đóng góp tích cực và hiệu quả vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC ần thứ 19, Hội nghị cấp cao ASEAN 18, 19 và các hội nghị liên quan; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai kết nối ASEAN, mở rộng EAS, thúc đẩy triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN - Trung Quốc, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), củng cố vai trò của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình; đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng.

Trên thế giới, ta tích cực tham gia vào nội dung Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; góp phần vào thành công chung cũng như bảo vệ lợi ích của ta tại Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị Phong trào không liên kết, Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu và Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36.

Ngoại giao trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ sự suy giảm về thị trường xuất khẩu và thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, chúng ta đã đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, góp phần khắc phục khó khăn, phấn đấu thu hút tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khó khăn chung, Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011 vẫn cam kết 7,39 tỷ USD để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững đã phần nào chứng tỏ lòng tin của quốc tế đối với khả năng phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, cũng là một trong những thành quả cụ thể có được từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ta vận động thành công EU bãi bỏ áp thuế chống bán phá giá đối với giày, mũ da Việt Nam; kịp thời đấu tranh để Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa mặt hàng cá tra của Việt Nam ra khỏi “danh mục đỏ” hướng dẫn người tiêu dùng châu Âu; vận động để Mỹ không đưa cá tra/basa vào danh mục chống bán phá giá. Với sự đấu tranh kiên quyết của ta, WTO đã đưa ra phán quyết có lợi cho Việt Nam trong vụ ta kiện Mỹ về nhập khẩu tôm đông lạnh. Ngoài ra, ta cũng tiếp tục chủ động tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có việc triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Đôha, ký kết FTA với Chilê, thúc đẩy đàm phán FTA với EU và Liên minh thuế quan với 3 nước Nga, Bêlarus, Udơbêkixtan.

Ngoại giao góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh thông qua việc triển khai mạnh mẽ Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, ta tổ chức thành công nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa quan trọng như Tháng văn hóa Việt Nam tại Pháp và các hoạt động kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Tuần Văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, v.v..

Việt Nam cũng thành công trong việc vận động UNESCO công nhận các danh hiệu di sản đối với Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Hát xoan Phú Thọ; tuyên truyền có hiệu quả để Vịnh Hạ Long bước đầu được bầu chọn là một trong bẩy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, qua đó nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Trong khi chính phủ và người dân nhiều nước phải thắt chặt chi tiêu, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2011 vẫn vượt con số 6 triệu lượt, tăng gần 20% so với năm ngoái đã chứng tỏ phần nào hiệu quả thành công từ sự hội nhập văn hóa của đất nước.

Trong thời gian tới, trước những biến động khó lường, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, đối mặt với những cơ hội và thách thức đan xen, mọi hoạt động đối ngoại của ta sẽ vẫn kiên định mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy tối đa nội lực và tranh thủ hiệu quả hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao thế và lực quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Những thành tựu đối ngoại của chúng ta trong năm qua đã chứng tỏ sự đúng đắn và sáng suốt của chủ trương đó. Theo đó, năm 2012 và trong những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngoại giao toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, ổn định; phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm trong ASEAN và tích cực góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; chủ động tham gia những cơ chế đa phương phù hợp với lợi ích của Việt Nam; tăng cường huy động và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, không ngừng quảng bá giá trị và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

BÙI THANH SƠN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả