Ngời sáng mãi “tinh thần Tô Hiệu”

Ngày đăng: 07/03/2022 - 08:03

32 năm tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Tô Hiệu (1912 - 1944) đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng suốt những năm tháng sống, chiến đấu, hoạt động sôi nổi ấy, đồng chí luôn phấn đấu không một giây phút ngừng nghỉ, cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng cách mạng. Lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung và thái độ lạc quan cách mạng của đồng chí Tô Hiệu đã trở thành tấm gương sáng ngời cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo. Dù đã gần 80 năm người cộng sản kiên trung Tô Hiệu đi xa, nhưng “tinh thần Tô Hiệu” vẫn luôn là niềm tự hào, là di sản tinh thần quý báu của Đảng và nhân dân ta, là ngọn lửa truyền cảm hứng, nguồn động lực để các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau hăng hái phấn đấu học tập, rèn luyện và noi theo.

Chân dung đồng chí Tô Hiệu. Ảnh Internet

TÔ HIỆU - NGƯỜI THANH NIÊN YÊU NƯỚC NHIỆT THÀNH, NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT

Tô Hiệu sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927, Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu Phan Chu Trinh, đòi ân xá Phan Bội Châu.

Năm 1928, Tô Hiệu vào Sài Gòn, cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929 đồng chí là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1930, đồng chí bị bắt và bị kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù, không chịu được sự quản thúc của chính quyền thực dân ở địa phương, đồng chí tìm cách lên Hà Nội tiếp tục hoạt động và được phân công xây dựng cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên. Mặc dù bị ho lao do kết quả 4 năm tù khắc nghiệt tại Côn Đảo, Tô Hiệu vẫn hăng hái công tác và năm 1936 được cử vào Ban thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn. Tháng 5/1937, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; tháng 11/1937 được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ.

Cuối năm 1938, Tô Hiệu được phân công phụ trách miền Duyên hải Bắc Kỳ. Tại Hải Phòng, Tô Hiệu hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh, điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng, bắt đầu từ tháng 4/1939 đến ngày 21/5/1939. Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng gây được tiếng vang lớn, được Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài quan tâm chú ý.

Ngày 30/5/1939, Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước của hàng ngàn công nhân tiểu thương và lao động thành phố Hải Phòng. Thực dân Pháp bắt 72 người biểu tình, trong đó có Tô Hiệu, nhưng Tô Hiệu thoát được ra ngoài. Tháng 10/1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B, trong đó Tô Hiệu làm Bí thư Khu ủy, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu ủy B. Trong suốt thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, Tô Hiệu với cương vị Bí thư Khu ủy B đã không thành lập Thành ủy Hải Phòng mà trực tiếp lãnh đạo phong trào.

Ngày 01/12/1939, Tô Hiệu bị bắt tại một cơ sở in ở xóm Thượng Lý (Hải Phòng). Mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, ra sức mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí. Cuối tháng 12/1939, Tô Hiệu bị chúng kết án 5 năm tù, đày lên Nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc. Tháng 5/1940, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ Đảng, đã quy tụ, đoàn kết tuyệt đại đa số tù nhân, tổ chức dạy, huấn luyện quân sự, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, đồng chí Tô Hiệu đã mất ngày 07/3/1944 tại Nhà tù Sơn La. Mộ đồng chí được an táng tại nghĩa trang Gốc Ổi trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí.

SÁNG MÃI “TINH THẦN TÔ HIỆU”

“Tinh thần Tô Hiệu” luôn được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù trong hoàn cảnh nào. Ở Côn Đảo, Tô Hiệu học tập lý luận và kinh nghiệm cách mạng của những đồng chí lớn tuổi như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tống Văn Trân... Cùng các đồng chí khác trong chi bộ nhà tù, đồng chí luôn tìm cách cải thiện sinh hoạt cho anh em và duy trì mạng lưới liên lạc trong tù.

Khi bị quản thúc tại quê nhà, Tô Hiệu vẫn không ngừng hoạt động cách mạng: dạy chữ cho trẻ em; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho thanh thiếu niên trong xóm để qua đó tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cho các em; cùng thanh niên tập thể thao, cùng đánh cờ mỗi sáng... Góc sân trước nhà Tô Hiệu trở thành nơi thu hút thanh niên như một câu lạc bộ nhỏ - là cơ sở để hình thành các “Hội Tương tế”, “Hội Ái hữu” sau này. Tô Hiệu còn vận động nhân dân ủng hộ lập “trường kiêm bị” (hình thức giáo dục tiểu học chỉ ở cấp huyện thời đó) cho làng Xuân Cầu.

Khi bị giam cầm ở Côn Đảo hay ở Sơn La, trước kẻ thù, đồng chí kiên cường bất khuất; với đồng chí, Tô Hiệu lại thương yêu hết mực. Tô Hiệu luôn tranh thủ từng giờ từng phút để cống hiến cho cách mạng. Vượt qua những cơn ho vật vã, đồng chí biên soạn những bài giảng chính trị trong tù. Trong xà lim cách ly, căn bệnh hiểm nghèo đang từng ngày ăn mòn thể lực nhưng Tô Hiệu không một phút bi quan. Trước khi vĩnh biệt, đồng chí Tô Hiệu còn yêu cầu chi bộ đừng tiêm thuốc điều trị, bồi dưỡng cho mình nữa mà để dành cứu các đồng chí còn nhiều cơ hội sống hơn.

Ngày 28/1/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh, với bút danh Quyết Chiến đã viết về “Gương hy sinh Tinh thần Tô Hiệu” trên báo Cờ giải phóng, số 10: “… anh là một người giàu nghị lực, chẳng lúc nào buồn. Trên làn môi khô héo đã cạn dần sinh lực của anh vẫn luôn nở một nụ cười tin tưởng. Nên dù ở trong nhà ngục anh vẫn không hề sao nhãng công tác cách mạng. Anh đã đào tạo cho phong trào biết bao cán bộ có năng lực”1.

Năm 2000, Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được khánh thành, trưng bày những hiện vật, tài liệu và hình ảnh quý về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của đồng chí Tô Hiệu, đã trở thành một “địa chỉ đỏ” tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngày 27/10/2020, Khu lưu niệm Tô Hiệu (gồm Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và Nhà thờ Họ Tô chi cụ Đốc Nam - Tô Ngọc Nữu) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Nhà tù Sơn La - Di tích quốc gia đặc biệt, nơi đồng chí Tô Hiệu đã gieo những hạt giống đỏ cách mạng trong thời kỳ bị giam giữ, hoạt động cho đến khi đồng chí hy sinh và an giấc ngàn thu, vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc, những bài viết, cuốn sách, tư liệu, hình ảnh về đồng chí Tô Hiệu cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, tri ân những đóng góp, hy sinh to lớn của đồng chí cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, cây đào Tô Hiệu đã trở thành một biểu tượng cho “tinh thần Tô Hiệu” vẫn luôn xanh tươi chào đón du khách mọi miền tới tham quan, lắng nghe, tìm hiểu về thời kỳ hào hùng của những người tù cộng sản năm xưa, trong đó có người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tô Hiệu. Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công. Cây đào Tô Hiệu đã được nhân giống, chiết cành để đưa về trồng bên Lăng Bác, nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La và trong sân Nhà tưởng niệm đồng chí tại quê hương Hưng Yên.

Hằng năm, những người con của quê hương Hưng Yên, Sơn La vẫn thường xuyên ghé thăm các di tích lịch sử cách mạng này, để được nghe giới thiệu những câu chuyện đầy xúc động, để thêm hiểu về tấm gương Tô Hiệu, qua đó thêm tự hào về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhằm tái hiện một cách đầy đủ, sinh động cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng vẻ vang, những phẩm chất cao quý, tấm gương sáng ngời cùng những đóng góp cho cách mạng Việt Nam của đồng chí Tô Hiệu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức xuất bản cuốn sách Tô Hiệu - Tiểu sử.

Cuốn sách Tô Hiệu - Tiểu sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành tháng 12/2020

Tên của đồng chí Tô Hiệu đã được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng… để tri ân, tưởng nhớ, ghi nhận những đóng góp, công lao của đồng chí.

CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU

Nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam, những ngày đầu tháng 3/2022, nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí đã được tổ chức.

Quang cảnh hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; tỉnh Hưng Yên; đại diện gia đình đồng chí Tô Hiệu. Với 40 bản tham luận, Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Tô Hiệu: Ảnh hưởng của quê hương giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, gia đình nền nếp và yêu nước - cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của Tô Hiệu; phân tích, đánh giá những đóng góp quan trọng của đồng chí Tô Hiệu trong quá trình đấu tranh cách mạng từ khi trở thành người chiến sĩ cộng sản đến lúc hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc; bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí Tô Hiệu tiếp tục nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu với Đảng và cách mạng Việt Nam, Hội thảo thống nhất khẳng định, đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Đồng chí là người yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, trí tuệ, kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Cũng trong ngày 6/3, tại Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022) và đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu. Dự lễ có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các Tỉnh, Thành ủy: Hải Phòng, Sơn La, Hưng Yên; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang và nhân dân xã Nghĩa Trụ. Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm, dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tới công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu và ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức trưng bày Triển lãm “Tinh thần Tô Hiệu” tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2022.

Triển lãm gồm 100 bức ảnh, tư liệu được trình bày trên 19 pano in UV bạt 3M và được trưng bày ngoài trời. Các tác phẩm được trưng bày theo 3 chủ đề: Quê hương; Tô Hiệu -Tinh thần và ý chí cách mạng; Tỏa sáng mãi tinh thần Tô Hiệu. Triển lãm góp phần giới thiệu thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các thời kỳ; khẳng định công lao to lớn và nhân cách mẫu mực của đồng chí Tô Hiệu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết, lượng khách và nhân dân đến tham quan triển lãm khá đông. 

 Cuốn sách Tô Hiệu - Tiểu sử thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử của các đồng chí lãnh đạo, tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Nội dung cuốn sách được kết cấu gồm 5 chương:

Chương 1: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu;

Chương 2: Từ người yêu nước trở thành người cộng sản (1924 - 1934);

Chương 3: Tham gia lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng;

Chương 4: Chiến đấu trong địa ngục Sơn La (1940 - 1944);

Chương 5: Tô Hiệu - Tấm gương của người cộng sản.

Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020, là kết quả làm việc tâm huyết, trách nhiệm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.


1. Nhiều tác giả: Tinh thần Tô Hiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2018 (Tái bản lần thứ tư), tr.32.

Bình luận