Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) - Một tài năng kiệt xuất, một con người xuất chúng
Nói về Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, một người mà tài năng, trí tuệ được người đương thời tôn vinh như thần, cuốn "Đại Nam chính biên liệt truyện" - một cuốn sử chính thống của nhà Nguyễn viết: “Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu, nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều (do) ông soạn thảo cả, vì thế văn học (của ông) được vua biết đến. Đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, (ông) thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống chỗ khác lấy nghĩa lý làm chủ…”. Đánh giá trên đã khái quát được những nét lớn về hành trạng, phẩm giá, tài năng của “Thần Siêu”.
Một vị quan chính trực và thiên lương
Nguyễn Văn Siêu hay Nguyễn Siêu (1799-1872), tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình, sinh tại thôn Trung, xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng sau đó ông theo gia đình định cư tại Thọ Xương, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Siêu “nổi tiếng học giỏi, tung hoành văn từ cổ, không chịu gò bó theo kiểu học thời tục, tiếng tăm bắt đầu vang dậy khắp nơi, vượt qua nhiều bậc danh Nho đương thời”, và là học trò của Tiến sĩ Phạm Quý Thích. Năm 1825, ông thi Hương đỗ Á nguyên (cử nhân thứ hai) khoa thi năm Ất Dậu nhưng không tiếp tục thi Hội mà ở nhà đọc sách, dạy học.
Năm 1838, tức là 13 năm sau, khoa Mậu Tuất, Nguyễn Văn Siêu mới đi thi Hội và đỗ Phó bảng sung chức Hàn lâm viện Kiểm thảo, cơ quan có nhiệm vụ khởi thảo công văn triều đình ban hành gồm chế, chiếu, biểu… Năm 1841, Nguyễn Văn Siêu được thăng Viên ngoại lang Bộ Lễ. Cũng vào năm này, khi làm Phó chủ khảo trường Thừa Thiên, ông có liên quan tới vụ án Cao Bá Quát nên bị phạt trượng đồ. Sau khi nghị tội, Nguyễn Văn Siêu bị cách chức nhưng vẫn được làm việc ở Bộ Lễ. Ít lâu sau, ông nhận chức Nội các Thừa chỉ - nơi cơ yếu tham mưu cho triều đình, theo vua tuần du, giữ ấn, truyền lưu chỉ dụ cho nha môn, ghi chép tấu sớ… Năm 1848, Phương Đình được thăng Thị giảng học sĩ, phụ trách việc giảng sách cho hoàng tử. Sau khi Tự Đức lên nối ngôi (1847), năm 1849, Nguyễn Văn Siêu được cử đi sứ nhà Thanh. Đi sứ về, ông làm việc tại Tập hiền viện, Khai kinh diên (hai cơ quan tập hợp nhân tài để bàn luận chính trị, sách vở, thơ phú…). Sau đó, Nguyễn Văn Siêu được bổ chức Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên. Năm 1854, ông dâng sớ cầu khẩn một số việc nhưng không được chuẩn y cộng với việc tình hình đất nước nhiễu loạn mà vua tôi thì bỏ bê triều chính, Nguyễn Văn Siêu thoái lui về Hà Nội làm nghề dạy học (Bất năng vi chính tức vi sư). Suốt những năm tháng ở quan trường, ông luôn muốn đem tài năng của mình để cống hiến cho đất nước. Ở cương vị nào, ông cũng để lại những dấu ấn đậm nét.
Sự nghiệp trước tác của Nguyễn Văn Siêu khá đồ sộ. Ông viết nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng để lại tiếng vang. Các tác phẩm nổi tiếng như Phương Đình thi tập (Thơ Phương Đình phân loại, gồm 4 quyển), Phương Đình văn tập (Văn Phương Đình phân loại, gồm 5 quyển), Phương Đình tùy bút lục (Sao lục tùy bút của Phương Đình, gồm 6 quyển) và nổi tiếng nhất là bộ Phương Đình Đại Việt địa lý chí hay Phương Đình địa dư chí (Ghi chép địa dư của Phương Đình, gồm 3 tập). Ngoài ra, ông còn nghiên cứu, chú giải các sách cổ để dạy học, gồm: Chư kinh khảo ước (Lược khảo các kinh), Chư sử khảo thích (Khảo và chú các bộ sử), Tứ thư bị giảng (Giảng giải đầy đủ về tứ thư)... Tất cả các sách của Nguyễn Văn Siêu đều được khắc in.
Nhà văn hóa có tâm, có tầm
Nhắc đến Nguyễn Văn Siêu, người ta lại nhớ đến hai câu thơ tương truyền là của vua Tự Đức: Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường (Văn được như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì không còn lưu danh văn thời Tiền Hán/ Thơ mà đến như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì thơ thời Thịnh Đường cũng mất tiếng). Dẫu biết đây là lối nói thậm xưng của người đời ưu ái dành cho bốn nhà thơ tài danh trên nhưng qua đó ta cũng thấy được tầm vóc nhất định của họ trong lịch sử văn học dân tộc thế kỷ XIX.
Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng với tài thơ. Là một quan chức triều Nguyễn nhưng Nguyễn Văn Siêu có cái nhìn cận dân, thân dân nên thơ ông chủ yếu phản ánh cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, cơ cực, loạn lạc của nhân dân ta lúc bấy giờ. Chẳng hạn, trong khi đi từ Bắc Ninh sang Hải Dương, chứng kiến cảnh cơ cực của đồng bào, ông đã viết bài Lộ quá Bắc Ninh, Hải Dương tức sự hữu cảm ngũ cổ thập lục vận (Đi đường qua Bắc Ninh, Hải Dương, thấy sự việc xúc cảm làm bài thơ ngũ ngôn cổ thể mười sáu vần) với những vần thơ như cứa vào tâm can người đọc: Dân Bắc Kỳ khổ thay/ Cặp xuân Mậu Ngọ (1858) này/ Đông, Tây chạy luẩn quẩn/ Đường thây chết đói đầy/ Dốc kho phát từng chén/ Chờ cơm hàng tuần nay/ Hột gạo vừa tranh được/ Đã đè nhau chết ngay…
Khảo sát sự nghiệp trước tác của Nguyễn Văn Siêu, ta thấy ông có đến hơn nghìn bài thơ, văn - một khối lượng tác phẩm đồ sộ - đều được viết bằng chữ Hán, được in chủ yếu trong Phương Đình thi tập. Một điều đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có khoảng trên trăm tác phẩm đã được dịch nên tầm vóc và giá trị nghệ thuật của chúng vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Đây là một thiếu sót cần được các nhà nghiên cứu Hán Nôm sớm khắc phục để cho giới nghiên cứu cũng như bạn đọc có thể tiếp cận và nghiên cứu tác phẩm của ông được nhiều hơn.
Không chỉ thế, Nguyễn Văn Siêu còn là một nhà văn hóa lớn ở thế kỷ XIX. Ông cũng đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của đất nước như có công trong việc nghiên cứu, biên soạn các sách phục vụ cho giảng dạy kinh sử: Chư kinh khảo ước, Chư sử khảo thích, Tứ thư bị giảng... Bản thân, Nguyễn Văn Siêu cũng là người có kiến thức rộng lớn về địa lý, lịch sử, văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả của Trung Hoa. Điều đó thể hiện trong công trình dư địa chí nổi tiếng Phương Đình địa dư chí. Công trình này, ngoài tư liệu phong phú, sắp xếp khoa học, còn có một số phát hiện và kiến giải mới cho đến nay vẫn có giá trị khoa học nhất định. Qua đó, thể hiện được tầm tư tưởng lớn của ông. Và không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức lại phê ông là “phú học, công thi” và dân gian phong ông là “Thần Siêu” (đối trọng với “Thánh Quát”).
Nhà kiến trúc tài năng
Không chỉ nổi danh ở lĩnh vực văn chương, Nguyễn Văn Siêu còn được lịch sử kiến trúc Việt Nam thời phong kiến ghi nhận là một nhà kiến trúc tài năng. Quần thể di tích nổi tiếng và là một trong những biểu tượng của Hà Nội: đền Ngọc Sơn - Cầu Thê Húc - Tháp Bút ở hồ Hoàn Kiếm ghi dấu công lao lớn của Nguyễn Văn Siêu. Đảo Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi). Đời Trần, đảo được đổi tên là Ngọc Sơn để thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên. Do tồn tại lâu ngày, ngôi đền bị sụp đổ. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735-1739), chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Thụy Khánh, đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông đối diện với Ngọc Sơn là Đào Trai và Ngọc Bội. Sau Lê Chiêu Thống phá hủy cung Thụy Khánh. Đến đầu thế kỷ XIX, một Hội từ thiện đã xây dựng nên chùa Ngọc Sơn trên nền cung Thụy Khánh cũ nhưng ít lâu sau được đổi tên thành đền vì chủ yếu thờ Văn Xương Đế Quân - ngôi sao chủ việc văn chương, khoa cử (theo tín ngưỡng Đạo giáo đương thời), và thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu được lệnh đứng ra chủ trì việc sửa sang toàn cảnh khu đền Ngọc Sơn. Ông cho xây dựng một ngọn tháp bằng đá trên gò núi Độc Tôn, trên đỉnh tháp là hình ngọn bút lông, trên thân tháp khắc ba chữ: “Tả Thanh Thiên” (Viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có ba con ếch đội. Tháp Bút, Đài Nghiên biểu trưng cho quan điểm của Nho giáo.
Tiếp theo ông xây dựng cầu Thê Húc (Thê Húc nghĩa là: giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời buổi sáng) nối dẫn từ bờ đến Đắc Nguyệt lầu (lầu được trăng) và đền Ngọc Sơn. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cầu đã trải qua hai lần sửa chữa. Đáng kể nhất là lần gần đây nhất vào năm 1952, sau khi cầu bị gãy một nhịp, được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng xây lại trụ cầu bằng xi măng, dáng cầu cong hơn nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế và màu đỏ ban đầu từ thời Nguyễn Văn Siêu. Cầu Thê Húc hướng về phía Đông đón ánh mặt trời vào buổi sớm cùng với màu đỏ - tượng trưng cho sự sống và hạnh phúc bền lâu.
Đền Ngọc Sơn cũng được Nguyễn Văn Siêu tu sửa lại hoàn chỉnh hơn gồm 3 phần: phía trước là đình Trấn Ba (đình chắn sóng); giữa là điện thờ chính, sau cùng là hậu cung. Điện thờ chính là nơi thờ Văn Xương Đế Quân cùng chư vị Thần Tiên. Phần hậu cung, ở giữa thờ Trần Hưng Đạo, còn một bên thờ Phật Quan Âm Bồ Tát và Thiện Tài Đồng Tử, bên kia là bàn thờ Thần linh, sơn Thần, Thổ địa. Quần thể di tích đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - Tháp Bút thể hiện tài năng và sự tinh tế của cá nhân Nguyễn Văn Siêu và các nghệ nhân dân gian ở cách kết hợp mang tính chất dung hòa về tôn giáo: Tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão) một cách hài hòa góp phần làm nên một không gian kiến trúc tâm linh đẹp, độc đáo tô điểm cho cảnh quan của Hồ Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung.
Một cuộc đời dài cống hiến không mệt mỏi, Nguyễn Văn Siêu - một trong những trí thức Nho học uyên bác, đạo đức trong sáng, một nhà giáo có tâm, một nhà kiến trúc tinh tế, một thi sĩ có tâm hồn đồng cảm với người dân nghèo lam lũ xứng đáng nhận được sự tôn vinh, nể trọng của người đương thời và hậu thế. Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã lấy tên Nguyễn Văn Siêu (hay Nguyễn Siêu) để đặt tên cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… và nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phạm Khanh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực