Nhớ anh Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 28/10/2011 - 08:10

Tôi được phục vụ công tác cho anh Thọ trong nhiều năm kể từ năm 1956 cho đến lúc anh lâm bệnh hiểm nghèo. Trong quãng thời gian đó có lúc anh Thọ được Bộ Chính trị phân công vào công tác ở miền Nam, đi đàm phán với Mỹ ở Hội nghị Pari, đi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; thời gian tôi ở gần anh nhất là từ sau năm 1976, vào các thời điểm mà tôi và một vài anh em khác được phân công giúp anh Thọ chuẩn bị Đại hội lần thứ IV, rồi Đại hội lần thứ V, và lần thứ VI của Đảng. Qua thời gian giúp việc cho anh Thọ chuẩn bị nhân sự cho ba Đại hội Đảng, có thời gian vì công việc quá nhiều và dồn dập nên tôi phải đến làm việc tại nhà riêng anh Thọ. Đấy là chưa kể công việc hằng ngày, công tác cán bộ cũng khá nhiều việc. Trong niềm thương tiếc vô hạn của tôi đối với anh Sáu Thọ, tôi chỉ xin viết một số nét mà anh Sáu Thọ đã để lại trong ký ức của tôi. Qua mấy chục năm phục vụ công tác nhân sự, bên cạnh anh, tôi thấy rõ anh là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc và có nhiều tài năng. Là một đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ Trung ương, trong Bộ Chính trị phụ trách công tác tổ chức của Đảng nhiều năm nhất, anh đã dốc hết công sức của mình để chăm lo cho công việc chung của Đảng và cho công tác xây dựng Đảng. Chỉ riêng công tác cán bộ, tôi thấy ở anh mấy nét nổi bật sau:

aLDT13

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Đức Thọ với cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập, công tác,

chuẩn bị trở lại chiến trường (Hội trường Ba Đình - năm 1967)

- Một là tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm, không trù trừ, không tránh né và cũng dám nhận cái sai về phía mình, không đổ lỗi cho người khác. Anh thường tâm sự với chúng tôi: làm công tác cán bộ đã khó nhưng hiểu cán bộ lại là điều khó hơn, "thức lâu mới biết đêm dài", nói chung đánh giá cán bộ đúng 70 - 80% cũng là tốt rồi. Bởi vì: trong thực tế đã diễn ra có cán bộ khi chưa có quyền lực thì khác, khi đã có quyền lực rồi thì mới bộc lộ hết khuyết tật; có cán bộ trong điều kiện thuận buồm xuôi gió thì không sao, song khi không được thỏa mãn tham muốn của mình thì lại buồn phiền, bất mãn, oán trách tổ chức. Cố nhiên nói 70 - 80% không có nghĩa là nói đến diện cán bộ chủ chốt nhất trong Bộ Chính trị, các đồng chí chủ trì cơ quan cấp cao của Nhà nước.

- Hai là làm việc rất tập trung, không phân tán. Anh cho rằng nếu việc gì cũng làm, thì chẳng có việc gì làm đến nơi đến chốn. Vào dịp chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng, anh dành hầu như 70 - 80% thời gian cho công việc đó; có lúc anh tâm sự, tập trung làm đến như vậy mà còn có sai sót.

- Ba là rất cụ thể, không chỉ nghe qua cơ quan chức năng báo cáo. Khi có vấn đề gì quan trọng, anh trực tiếp đến kiểm tra tận nơi. Tôi còn nhớ có lần một cán bộ bị bắt, khai ra cho một đồng chí bộ trưởng. Chưa tin báo cáo của cơ quan chức năng, anh xuống tận nơi và trực tiếp hỏi cán bộ đó; kết quả đã giải oan cho đồng chí bộ trưởng. Những trường hợp tương tự, anh đều trực tiếp kiểm tra lại để hiểu thực chất vấn đề.

- Bốn là tính thẳng thắn, bộc trực đối với cán bộ; khi có dư luận về chuyện này chuyện khác thì anh mời lên hỏi và nói thẳng. Anh thường nhắc nhở anh em chúng tôi là phải khách quan, trung thực và thương yêu cán bộ, không được nói điều xấu của cán bộ với người khác khi không có mặt người cán bộ đó, điều tối kỵ đối với cán bộ làm công tác tổ chức là "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Khi anh được Trung ương phân công phụ trách tổ chức, điều đầu tiên là chọn cán bộ làm Phó trưởng Ban. Có những lúc cân nhắc ba, bốn người mới chọn một. Anh ghét nhất là tính nói dối, không trung thực, trước mặt cán bộ thì nói tốt cho được lòng, vắng mặt thì lại nói khác, kể cả trong cuộc sống hằng ngày, nếu cán bộ không trung thực mà được giao giữ chức vụ lãnh đạo sẽ rất không tốt. Anh thường nhấn mạnh tính trung thực của cán bộ, kể cả đối với người giúp việc cho anh.

- Năm là rất nghiêm khắc với sai lầm, nhưng lại rất bao dung độ lượng đối với cán bộ thành khẩn nhận sai lầm; ở nhiều trường hợp cán bộ có khuyết điểm, anh yêu cầu phải kiểm điểm đến nơi đến chốn, nói thẳng với cán bộ, không xuê xoa mơn trớn. Nếu qua nhắc nhở đôi ba lần mà cán bộ không sửa chữa thì phải có xử lý nghiêm; ngược lại, nếu cán bộ biết được sai lầm và quyết tâm sửa thì thái độ của anh là khuyến khích, giúp đỡ, thân ái, không định kiến. Có cán bộ bị kỷ luật mà hoàn cảnh gia đình có khó khăn, anh nhắc nhở Ban Tổ chức giúp đỡ, không vì cán bộ phạm khuyết điểm mà xa lánh và không quan tâm đến cuộc sống của anh em. Anh thường dặn là làm cách nào để ngăn chặn được cán bộ phạm sai lầm mới là tốt, còn để cho cán bộ phạm sai lầm phải xử lý thì chẳng hay gì. Có những việc rất nhỏ mà tôi còn nhớ mãi: đó là những cán bộ khi được giao chức vụ thì chị vợ thường lợi dụng cương vị của chồng để làm những điều không hay, gây tai tiếng; ngoài việc trực tiếp gặp cán bộ để nhắc nhở nếu cần, anh thường bảo chúng tôi một năm phải gặp các chị đó và nhắc nhở khéo để các chị giữ uy tín cho chồng.

- Chính anh cũng rất mẫu mực và nghiêm khắc đối với gia đình. Anh sống rất giản dị từ ăn, mặc, đi lại đến cả trang bị trong nhà, cũng không đòi hỏi cầu kỳ. Anh thường nhắc nhở chị và các cháu phải giữ gìn không được sử dụng quá tiêu chuẩn mà Đảng, Nhà nước đã quy định. Tôi được làm việc nhiều ngày tại nhà riêng của anh, nên được gần gũi những người trong gia đình, kể cả các đồng chí thư ký, bác sĩ, bảo vệ, nhân viên phục vụ; các đồng chí đều thừa nhận ở anh Sáu Thọ tấm gương sáng về lối sống lành mạnh và giản dị.

Vào thời gian chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ VII, anh Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư có yêu cầu anh đóng góp ý kiến; song lúc này bệnh tình của anh ngày một nặng, anh thấy không còn điều kiện để đi sâu sát cán bộ nữa nên chỉ dặn dò anh em chúng tôi những điều mà anh muốn nói trong công tác nhân sự và xây dựng Đảng nói chung.

Anh Thọ đã đi xa nhưng công lao của anh đối với Đảng, với đất nước, tài năng và đức độ của anh còn để lại những hình ảnh tốt đẹp trong nhiều cán bộ, nhất là những cán bộ đã từng công tác với anh hoặc giúp việc anh trong những năm chiến tranh ác liệt, trong công tác tổ chức, trong Hội nghị Pari và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Anh Sáu Thọ kính mến!

Xa anh đã 10 năm[1], sắp đến ngày giỗ anh, những đồng chí lãnh đạo, bạn bè của anh, và những người đã giúp việc anh đang nhớ về anh. Mỗi người xuất phát từ lòng thương nhớ anh và gợi lại những ký ức về anh để viết. Trong khuôn khổ của một quyển sách nhiều người viết về anh, tôi cũng chỉ viết những điều in đậm vào ký ức của tôi trong những năm tháng giúp việc anh về công tác cán bộ.

Công lao và sự nghiệp cống hiến của anh đối với Đảng và đất nước hết sức to lớn về nhiều mặt. Trong một cuốn sách này làm sao mà chúng tôi viết hết được. Càng thương anh bao nhiêu, càng nhớ lại những lời anh dặn bấy nhiêu. Mong anh nhận lấy ở chúng tôi tấm lòng chân thành và thương nhớ anh vô hạn.



[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận