Định kỳ hàng năm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn
Sáng 23/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe báo cáo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đề xuất 2 nội dung cơ bản, làm căn cứ cho việc đánh giá tín nhiệm: Một là, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật đối với từng chức danh cụ thể; hai là, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó… Trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo…. Người có 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tán thành với Tờ trình ban hành Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mà không ban hành Quy chế về vấn đề này.
Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức. Ý kiến này đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành như trong dự thảo Nghị quyết quy định 04 mức phiếu lấy tín nhiệm là: “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm trung bình”, “Tín nhiệm thấp” và “Chưa có ý kiến”, vì cho rằng, việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm, đồng thời tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị trên phiếu chỉ nên có duy nhất một mức “tín nhiệm”. Nếu đại biểu nào tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô đồng ý, còn đại biểu nào không tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô không đồng ý. Căn cứ vào tỷ lệ phiếu tín nhiệm để xác định, người được lấy phiếu đạt tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp.
Ảnh minh họa (Nguồn: tuyenquangtv.vn)
Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm.
Đối với các quy định về bỏ phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành với việc cần gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, trong Nghị quyết này cần quy định cụ thể các trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để bảo đảm tính khả thi, sự rõ ràng, rành mạch, thuận tiện cho việc áp dụng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy định hiện hành về việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Đa số ý kiến đề nghị tăng thời gian quy định đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng như hiện nay lên 12 tháng.
Về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, nhiều ý kiến nhất trí việc giữ nguyên phạm vi các đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên như quy định của luật hiện hành. Các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) cần cân nhắc quy định bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Về ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư với tư cách là luật sư tư vấn, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật để làm dịch vụ tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: Luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị cấm như: Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Có ý kiến đề nghị bổ sung về trách nhiệm của luật sư nếu làm trái quy định của pháp luật…
Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực./.
Việt Anh
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực