Nhớ lời Bác dặn nhà báo Nhà báo HỮU THỌ

Ngày đăng: 21/06/2013 - 08:06

baochiChủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng vĩ đại, đồng thời là một nhà báo lớn, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Với 50 năm cầm bút, Người đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng phong phú, đa dạng. Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, ôn lại những lời dạy về đạo làm báo của Người, thông tin một cách chân thực, khách quan, giữ vững và nâng cao đạo đức nghề nghiệp là trách nhiệm cao cả của tất cả những người làm báo chân chính.

Bác Hồ không chỉ viết báo, lãnh đạo báo chí mà còn rất quan tâm về đạo đức người làm báo. Chỉ qua tiêu đề của bài báo đầu tiên Vấn đề dân bản xứ và bài báo cuối cùng trước lúc Người đi xa Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cũng đã thấy tư tưởng xuyên suốt và tôn chỉ nhất quán của Người là vì nước vì dân, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự là một đảng cách mạng chân chính. Đó là bài học sâu sắc cho các thế hệ nhà báo Việt Nam kế tục sự nghiệp của Người. Đó cũng là đạo đức lớn nhất gắn với lý tưởng, mục tiêu của những người viết báo Việt Nam.

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, báo chí nước nhà đã có bước phát triển vượt bậc, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức, cam go. Kế tục tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh năm 2011 của Đảng nêu rõ phương hướng phát triển thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

Thông tin chân thật là thông tin hướng tới bản chất sự thật, chỉ viết và nói khi đã “điều tra, nghiên cứu, hiểu rõ” các sự kiện.

Thông tin đa dạng là thông tin nhiều chiều, không “dập khuôn” đúng như sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, đa dạng nhưng cùng hướng tới mục tiêu chung của đất nước.

Thông tin kịp thời là bảo đảm nhanh nhạy, không chậm trễ nhưng phải chính xác, phù hợp với thực tế, bảo đảm độ tin cậy.

Đất nước phát triển, bên cạnh những mặt tốt cũng xuất hiện những mặt không tốt, thậm chí xấu, có lúc có nơi mặt xấu lấn át mặt tốt. “Phò chính, trừ tà”, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu, làm cho cái tốt ngày càng nảy nở, nhiều lên, cái xấu ngày càng ít đi, là trách nhiệm cao cả mà Bác Hồ đã trao cho những người cầm bút.

Mọi người đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt. Ngay từ năm 1924, Người đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1. Người rất nghiêm khắc với những khuyết điểm, đặc biệt căm ghét những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu. Người dặn các nhà báo: Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời cũng phải phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội… Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Song, Người cũng căn dặn phải có thái độ khen chê đúng mực:

Khen phải chính xác, không “thổi phồng”, “phóng đại” bóp méo sự thật, lừa dối xã hội, làm hư hỏng con người.

Chê phải “thật thà”, “chân thành”, “chừng mực”.

Thật thà là không thêm thắt, bịa đặt.

Chân thành là với thái độ người trong cuộc, không mạt sát.

Chừng mực là lỗi tới đâu nói tới đó, lỗi của ai thì nói người đó, không vơ đũa cả nắm.

Hoạt động của báo chí trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế có rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng có nhiều thử thách, thậm chí cạm bẫy. Báo chí chúng ta đã bám sát các hoạt động của đất nước, kịp thời phản ánh, đưa tin đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước, là nguồn thông tin bổ sung có tính phát hiện, dự báo quan trọng giúp cho lãnh đạo các cấp có thêm cơ sở trong việc hoạch định chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, là người cầm bút, tôi rất lo lắng khi thấy gần đây có nhiều thông tin sai lạc, thêm thắt, thậm chí bịa đặt gây bức xúc trong dư luận. Có thông tin sai lạc làm điêu đứng một ngành hàng, làm lao đao một số doanh nghiệp, hủy hoại danh dự cá nhân của một con người, thậm chí một tập thể người. Đặc biệt có những thông tin sai lạc gây hỗn loạn tâm lý xã hội, ảnh hưởng tới quản lý vĩ mô nền kinh tế đất nước.

Chúng ta đang làm báo trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, đặc biệt là thông tin trên internet, với sự phát triển của các mạng xã hội. Ai cũng thấy thông tin rất phong phú, đa dạng nhiều chiều nhưng “phong phú” đến hỗn độn. Có người thường xuyên vào các trang nhật ký điện tử nhận xét: “Ở đó 50% là sai, 40% là “xạo” (không đáng tin cậy) và 10% thật giả lẫn lộn”. Không ai phản bác các thông tin trên mạng xã hội vì có những thông tin rất bổ ích, nhưng dù sao những thông tin đó cũng chỉ mang tính tham khảo vì không rõ xuất xứ, nhưng có nhà báo đã dựa hoàn toàn vào những thông tin đó rồi viết bài, nhận xét về những vấn đề kinh tế, chính trị nhạy cảm, coi như thông tin bản báo, gây rối loạn tâm lý xã hội. Nhiều trường hợp sai sót trên báo chí, theo tôi, chủ yếu là do động cơ thương mại, đưa tin giật gân để bán báo, nhận quảng cáo, mà không lường hết hậu quả. Do vậy, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là yêu cầu không thể thiếu với những người làm báo hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ghi lại mấy dòng suy nghĩ cũng để tự răn mình khi còn tiếp tục viết báo cũng như tiếp nhận thông tin trên báo chí!

 Nhà báo Hữu Thọ

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H Nội, 2011, t.1, tr.284.


Bình luận