Đây là cuốn hồi ký thứ hai, tiếp nối cuốn Nhớ một thời làm Báo Nhân dân xuất bản năm 1996 nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Nhân dân ra số đầu tiên.
Cuốn sách gồm những hồi ký, tâm tình, kỷ niệm; là sự sẻ chia, gửi gắm những tình cảm của các thế hệ những người làm Báo Nhân dân về những năm tháng làm việc tại Báo.
Mỗi bài viết với những dung lượng khác nhau, nội dung da dạng, phong phú nhưng trong từng câu, từng trang viết đều thấm đượm tình cảm gắn bó sâu sắc với ngôi nhà chung - Báo Nhân dân, đều thể hiện sự trăn trở, suy tư đầy tâm huyết và trách nhiệm đối với Báo. Có bài kể về sự quan tâm của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với Báo; có bài kể về tấm gương của những người đi trước; về những ngày đầu làm báo với cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn, thô sơ, chật hẹp, tạm bợ với những băn khoăn, lo lắng khi chập chững bước vào nghề; lại có những bài kể về khó khăn, thử thách, hiểm nguy khi làm báo trong những năm tháng chiến tranh, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh…; tất cả các bài viết là những kỷ niệm vui, là niềm vinh dự, tự hào, là tình yêu báo của những người giữ vị trí công tác khác nhau trong ngành.
Các bài viết trong cuốn sách đều cho thấy các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo Nhân dân là những người con trung thành với Đảng, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, có lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm của người làm báo.
Cuốn sách đã phần nào nói lên được tình yêu, nỗi nhớ, tâm tư, tình cảm của những thế hệ người làm Báo Nhân dân; cũng như sự phát triển và trưởng thành của Báo, qua đó cuốn sách cũng cung cấp những kinh nghiệm đáng quý, hữu ích cho nghề làm báo.