Nhớ về anh Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 06/10/2011 - 10:10

Đỗ Mười*

Anh thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Với quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, anh đã sớm trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng giàu kinh nghiệm và có tài năng nhiều mặt. Thường anh được Đảng điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng.

dc-Le-Ductho

Là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám, anh cũng cùng với một số đồng chí khác có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng ngay từ ngày đầu lập nước, bảo đảm giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.

Ở các cương vị lãnh đạo khác nhau, anh đã cùng với đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác giúp Trung ương Đảng lãnh đạo phát triển tốt cuộc chiến đấu ở miền Nam thành đồng Tổ quốc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến hành cuộc đàm phán ở Pari thắng lợi, thực hiện mục tiêu "đánh cho Mỹ cút"; tiếp đó cùng với một số đồng chí khác, thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thực hiện mục tiêu "đánh cho ngụy nhào".

Quả anh là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng "có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Công tác tổ chức là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời cách mạng của anh từ ngày hoạt động trong nhà tù, khi công tác ở miền Nam và khi tham gia Bộ Chính trị, anh đều được Đảng tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức.

Từ Đại hội lần thứ III đến Đại hội lần thứ V của Đảng, anh đã có công trong việc giúp Trung ương chuẩn bị các Văn kiện Đại hội về xây dựng Đảng và về Điều lệ Đảng, qua đó anh đã góp phần phát triển một bước lý luận về đảng cầm quyền trên cơ sở quán triệt và vận dụng có sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.

Trong công tác tổ chức, anh đã tập trung sức vào việc xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt đã tích cực giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt việc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào các kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội III đến Đại hội VI) mà anh là Trưởng Tiểu ban nhân sự.

Anh thường thẳng thắn góp ý kiến với cán bộ cao cấp phạm tiêu cực để ngăn chặn từ gốc việc phát triển tiêu cực vào trong Đảng và nhắc nhở cán bộ tổ chức: phải thực sự công minh; nếu vì "yêu nên tốt, ghét nên xấu" hoặc vì sợ bị va chạm, sợ bị oán thù dẫn đến bố trí hoặc xử lý sai cán bộ thì không thể làm cán bộ tổ chức.

Ở anh Lê Đức Thọ, chúng ta thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo đường lối với chỉ đạo tổ chức cụ thể; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính sáng tạo và tinh thần đổi mới trong hành động; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lời nói và việc làm.

Anh xứng đáng là "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" và xứng đáng với những "công trạng to lớn vì Đảng, vì dân" mà Đại hội lần thứ VI đã tuyên dương anh.



* Nguyên: - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

   - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả