Nhớ về anh Sáu Thọ với tấm lòng tôn kính và cảm phục

Ngày đăng: 07/11/2011 - 16:11

Lưu Văn Lợi*

Ngày 2-6-1968 là ngày đáng ghi nhớ trong đời tôi: Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với anh Sáu Thọ tại một biệt thự trên "Đồi Lênin" Mátxcơva, nơi anh Thọ dừng chân trên đường đi dự Hội nghị Pari với tư cách Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn.

aldt20

Nhân dân Thủ đô đón mừng đồng chí Lê Đức Thọ về nước sau khi ký tắt

Hiệp định Pari về Việt Nam, tháng 1-1973

Anh Thọ vừa tới sân bay, bạn đã thông báo: lãnh đạo cao cấp Liên Xô sẽ đến thăm và đề nghị hội đàm với anh tại biệt thự.

Anh Thọ yêu cầu sứ quán báo cáo tin tức mới nhất xung quanh Hội nghị Pari, dư luận thế giới. Đại sứ Nguyễn Thọ Chân báo cáo vắn tắt tình hình Liên Xô, quan hệ giữa hai nước. Tôi được phân công làm tin cho anh Thọ, đúng "nghề" của tôi là tùy viên Phòng Văn hóa báo chí, vẫn thường tổng kết tin tức hằng tuần cho đại sứ quán và lưu học sinh tại Mátxcơva. Anh Thọ nghe và hỏi rất kỹ về dư luận Mỹ và phương Tây. Tôi như học trò thuộc bài, nên tự tin. Làm tin vừa xong thì lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đến. Tôi phiên dịch luôn cho anh Thọ trong hội đàm.

Một bất ngờ lớn đối với tôi là sau bữa cơm tối, anh Thọ gọi tôi và anh Phạm Thế Đống (thư ký riêng của anh Thọ) vào phòng khách và nói: "Cậu Lợi thu xếp mai cùng đi với tôi sang Pari. Tôi cần người thông thạo ngoại giao ngoại ngữ đi với tôi. Công việc cụ thể, cậu Đống sẽ trao đổi với cậu. Nếu không kịp làm thủ tục thì cậu sang sau, nhưng cần sang sớm. Cậu Đống sẽ nói với Đại sứ để điện về Bộ Ngoại giao ý kiến của tôi". Trước quyết định của anh Thọ, tôi vừa vui, vừa lo. Vui vì được đi phục vụ một đồng chí lãnh đạo Đảng quan trọng như anh vào thời điểm lịch sử có một không hai. Còn lo là do công việc mới mẻ và vô cùng phức tạp. Nghe anh Đống phác họa công việc của thư ký, tôi yên tâm, khẩn trương bàn giao, và làm thủ tục "đi Tây" như anh Thọ dặn. Tôi trở thành người giúp việc cho anh Thọ từ dạo đó cho tới cuối năm 1980 thì bị ốm nặng. Anh Thọ cho tôi trở lại ngành ngoại giao để có điều kiện kết hợp trị bệnh sau 12 năm công tác liên tục với anh.

Anh Thọ rất lo cho sức khỏe của tôi. Lúc đầu anh nói với Ban Tổ chức Trung ương cho tôi đi nghỉ ở Ba Lan, nhưng theo ý kiến bác sĩ, tôi phải được chữa lâu dài và cơ bản.

Tôi sang lại địa bàn Liên Xô quen thuộc công tác nhiệm kỳ thứ ba. Thỉnh thoảng tôi biên thư thăm anh và gia đình. Anh tự tay biên thư cho tôi đôi lần. Tôi còn giữ làm kỷ niệm thư của anh gửi cho tôi năm 1982. Anh viết: "Lúc này công việc bê bối quá lại nhớ tới cậu. Lúc nào về thì lại về chỗ mình làm việc. Hồi này bận Đại hội không mở mắt ra được, không lấy một ngày nghỉ. Đã xong phần Báo cáo chính trị và Báo cáo xây dựng Đảng đã được Hội nghị Trung ương thông qua. Nay đến phần nhân sự là hóc búa nhất. Đời hoạt động cách mạng của mình khó nhất là vấn đề này, nhưng sẽ cố gắng làm tốt".

Năm 1984 về nước, tôi đến chào anh và gia đình. Thấy tôi sức khỏe khá trở lại, anh bảo: "Cậu nghỉ đi vài ngày rồi lại về làm việc với mình. Công việc đỡ hơn rồi, không vất vả như trước đâu. Vả lại bây giờ tôi dùng hai thư ký cũng đỡ bận hơn. Công việc của cậu bây giờ là giúp tôi mảng công tác ngoại giao, tư tưởng, văn hóa - văn nghệ - báo chí, giải quyết thư từ, quản lý văn phòng và nắm tin tức hằng ngày. Có hai thư ký nên phải phân công rõ cho dễ làm việc".

So với trước, công việc của tôi thế là nhẹ đi nhiều. Nghe anh tâm tình và giao việc, tôi tâm niệm lời anh lúc này là thể hiện tình cảm và tín nhiệm của anh đối với tôi. Tôi hiểu điều đó và thầm nhủ phải cố gắng không phụ lòng tin của anh.

Lần thứ hai giúp việc cho anh Thọ vào đúng thời kỳ đất nước lâm vào giai đoạn muôn vàn khó khăn, anh Thọ bận nhiều công việc. Do tính khẩn trương trong công tác, phục vụ anh Thọ, cuối năm 1989 thì tôi đột quỵ.

Khi xa anh lần thứ hai lúc sức khỏe của anh Thọ cũng bắt đầu yếu, nhưng tôi không ngờ anh chuyển bệnh mau quá. Khi nhận được điện của Bộ Ngoại giao, do đồng chí Thứ trưởng ký, gửi cho tôi lúc đó đang ở Liên Xô báo tin: "Anh Thọ ốm nặng, chắc khó qua. Lợi nên thu xếp về ngay", tôi đã xin phép về thăm anh ngay. Bước vào phòng anh Thọ nằm ở tầng 1 nhà số 6 phố Nguyễn Cảnh Chân, nơi trước đây bố trí phòng làm việc của anh, trông anh gầy quá, xanh xao, nhưng trí óc anh vẫn tỉnh táo. Anh vui khi có tôi bên cạnh chuyện trò. Bác sĩ Thuận dặn tôi đừng kể chuyện nhiều làm anh mệt. Hầu như mấy ngày về nước tôi đều đến thăm anh. Rảnh rỗi lúc nào anh lại gọi tôi vào nghe chuyện về Liên Xô, về thế giới. Tôi cố tìm chuyện vui kể anh nghe, nhưng anh bảo: Tôi biết hết rồi, cậu cứ nói thoải mái đi, tôi muốn nghe sự thật dù có là sự thật đau lòng về diễn biến tình hình ở Liên Xô và Đông Âu lúc đó.

Sáng ngày 29-7-1990, tôi đến chào anh và gia đình để trở lại Mátxcơva, anh ôm tôi và nói trong nước mắt: "Tôi yếu lắm rồi. Chắc gặp cậu lần cuối cùng. Cậu đi khỏe nhớ. Cho tôi gửi lời hỏi thăm chị và các cháu. Tôi biết có lúc tôi không phải với cậu, cậu thông cảm. Tôi không bao giờ quên những năm tháng cậu làm việc với tôi, nhất là tình cảm của cậu đối với tôi".

Còn tôi lúc đó không sao nói được nên lời, tôi chỉ gật gật đầu và ôm hôn anh lần đầu tiên trong 18 năm công tác với anh, cái hôn trong nước mắt với lòng thương nhớ.

*

*        *

Anh Lê Đức Thọ đi xa thấm thoắt đã tròn 10 năm[1]. Hình ảnh của anh, tên tuổi và sự nghiệp của anh gắn liền với những thành quả của cuộc cách mạng vĩ đại của Đảng ta và nhân dân ta. Thực vậy, 10 năm qua, cứ mỗi khi có những ngày kỷ niệm lớn, những ngày truyền thống vẻ vang của đất nước, của các ban ngành của Đảng, chúng ta lại được nghe nhắc đến tên anh một cách trân trọng. Mười năm qua đã có biết bao nhiêu bài báo, hồi ký, hồi ức của nhiều nhà hoạt động văn hóa xã hội, của nhiều danh tướng nước ta có đề cập tới vai trò của anh Thọ với các thời kỳ lịch sử của hai cuộc kháng chiến thần thánh và cuộc Hội đàm Pari về Việt Nam.

Anh đã để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm lý luận thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ, về công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng... Ngoài ra còn hàng trăm bài báo, bài nói, trả lời phỏng vấn và với một số lượng hàng ngàn thư điện vào Nam, ra Bắc được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Đảng và Nhà nước. "Phông" tài liệu của anh Thọ được lưu tại cơ quan lưu trữ Trung ương rất lớn và phong phú. Tôi nhớ rõ lời anh dặn: "Trước khi cậu về ngoại giao, toàn bộ tài liệu và ảnh liên quan đến công tác của tôi cậu lập thành danh sách và trao cho Cục Lưu trữ Trung ương. Đó là tài sản của Đảng. Tôi không có cái gì là của riêng, có chăng chỉ có mấy tập thơ". Tôi đã làm đúng ý anh. Sau này tôi được biết các đồng chí thư ký sau tôi cũng làm y như anh đã căn dặn tôi.

Ở với anh Thọ từng ấy năm, tôi luôn coi anh vừa như người thầy, người thủ trưởng, vừa là người anh mà tôi luôn luôn kính trọng, cảm phục. Anh là người thầy thực sự vì tôi học được ở anh rất nhiều kiến thức đến tác phong, nhất là về cách đối nhân xử thế của anh. Chính cuộc đời anh với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, những năm tháng trải qua các nhà tù tàn ác nổi tiếng từ Hỏa Lò đến Côn Đảo, từ Sơn La đến Hòa Bình, đã là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường một lòng một dạ vì sự nghiệp của Đảng. Tôi cảm phục anh ở ý chí tiến công, đã làm việc gì là anh tập trung cao độ để hoàn thành. Có lần anh tâm sự khi tôi hỏi anh sao trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, anh không làm bài thơ nào, mà chỉ trong chuyến đi 10 ngày thăm Trường Sơn Xuân 75 anh làm cả chục bài. Anh trả lời chỉ khi người ta có cảm hứng thực sự mới làm thơ được, còn chín năm ở Nam Bộ, tôi tập trung vào công tác lãnh đạo kháng chiến cùng các anh trong Trung ương Cục, công tác tổ chức, công tác huấn luyện, không còn thời giờ vật chất để nghĩ đến thơ. Phải nói anh Thọ có vốn tri thức, tư duy lý luận rất phong phú về nhiều lĩnh vực, cộng với trí nhớ vào loại đặc biệt. Đã bao lần theo anh đi dự những buổi gặp gỡ, tiếp xúc, hội thảo, trong tay anh chỉ có ghi những ý lớn gạch đầu dòng; anh trình bày vấn đề lý luận gắn với thực tiễn với những suy nghĩ, đánh giá, nhận xét rất rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc, sinh động cuốn hút người nghe. Đặc biệt hai lần theo anh đến Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nơi anh đã phát biểu liền ba bốn buổi về những vấn đề quan trọng mà sau này căn cứ vào những bản ghi chép, sau khi chỉnh lý lại không nhiều đã được in thành những tập sách hoàn chỉnh.

Tôi nhớ mãi một lần tôi đề đạt nguyện vọng tới anh Thọ cho tôi được đi học lớp lý luận ngắn ngày để có kiến thức cơ bản về phục vụ tốt hơn. Anh Thọ bảo: "Cậu có nguyện vọng ấy là tốt nhưng cậu mà đi học lúc này thì không có người quen việc ở nhà. Cậu đã được đào tạo cơ bản rồi, bây giờ cứ chịu khó qua công tác thực tiễn kết hợp với tự nghiên cứu các tài liệu cần thiết cậu sẽ trưởng thành. Cậu phải nhớ thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết càng nhiều, càng có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm là mẹ thành công, thành công chính là hiệu quả công tác. Học tập là việc cả đời. Học trong thực tiễn đối với cậu lúc này thích hợp nhất". Từ đó tôi yên tâm công tác và làm theo đúng ý kiến của anh.

Nói về tính chu đáo, cẩn thận, chính xác kịp thời thì ít ai bằng anh Thọ, anh đã giao việc gì là anh nhớ lắm, anh kiểm tra luôn. Bao giờ anh cũng dặn làm việc gì cũng phải có kế hoạch, phải định rõ thời hạn, phải có trả lời của các cơ quan mà anh đã có thư gửi đi. Anh luôn nhắc: "Không bao giờ được đánh trống bỏ dùi, có việc tưởng là nhỏ nhưng có khi lại đụng chạm đến quyền lợi thiết thực sống còn của người cán bộ, người dân. Nếu cứ nghĩ là nhỏ mà bỏ qua thì anh chị em không còn biết trông cậy vào đâu? Vì tắc trách mà quên hoặc không giải quyết đến nơi đến chốn là có tội".

Anh Thọ là người rất ngay thẳng, có khi nóng tính nhưng lại cũng là người rất hiền. Đúng như lời đồng chí Trường Chinh ghi sau tấm ảnh đề tặng anh Thọ ngày 14-9-1948 trước lúc anh Thọ được Bác Hồ và Trung ương cử vào Nam Bộ tham gia lãnh đạo kháng chiến: "Thân mến tặng anh Thọ và noi gương ngay thẳng của anh". Nhà thơ danh tiếng Tố Hữu cũng vào dịp đó tặng anh Thọ tấm ảnh với lời ghi: "Hôn anh, nhớ anh, nhớ lắm, người anh khổ hạnh với mình, dịu hiền với đồng chí như người mẹ và quyết liệt cách mạng như một vệ quốc quân dũng cảm lúc xung trận. Anh, anh nhớ làm thơ nhé, gởi cho Lành xem". Đồng chí Hoàng Quốc Việt thì ghi sau ảnh: "Kính tặng anh Thọ, một đồng chí rất kiên nhẫn bền bỉ và sáng suốt luôn luôn có mặt trong hàng ngũ Đảng 18 năm nay".

52 năm đã trôi qua, mà những lời mộc mạc, chân thành quý giá đó, tôi vẫn thấy rất đúng với nhân cách và cốt cách trước sau của anh Lê Đức Thọ.

Đôi lần anh tâm sự với chúng tôi về tình cảm của anh đối với anh Trường Chinh, anh Lê Duẩn và anh Phạm Văn Đồng, đặc biệt đối với Bác Hồ thì tình cảm, lòng tin thật đặc biệt. Việc tổ chức phục vụ chăm lo sức khỏe, cuộc sống của Bác Hồ hết sức chu đáo. Chúng tôi cũng cảm nhận được qua các câu chuyện được nghe, Bác Hồ rất quý và tin tưởng anh Thọ trong việc giúp Bác chọn những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Bác đã chọn anh Thọ là người phụ trách tổ chức sau Cách mạng Tháng Tám, đã hai lần giao cho anh nhiệm vụ vào Nam Bộ tham gia chỉ đạo kháng chiến. Chính Bác cũng đã đề nghị với Bộ Chính trị điều anh Thọ ở trong Nam ra để gánh vác nhiệm vụ ở Hội nghị Pari.

Khi thấy Bác Hồ đau, anh rất lo lắng. Từ năm 1967, Bác càng ngày càng yếu nhiều. Với trách nhiệm là người phụ trách công tác tổ chức của Đảng, anh rất lo cho sức khỏe của Bác và nghĩ nếu Bác mất thì phải ướp thi hài của Bác để sau này các cháu thiếu niên và nhi đồng, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam chưa bao giờ được gặp Bác Hồ đều có thể nhìn thấy hình dáng của Bác. Cùng năm ấy, anh Thọ đã chủ động trao đổi với anh Nguyễn Lương Bằng, sau đó đề nghị với đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị nhờ Liên Xô giúp đỡ việc này. Đồng chí Lê Duẩn đã trình bày và được Bộ Chính trị đồng ý ngay. Anh Thọ cùng anh Nguyễn Lương Bằng bí mật chọn ba bác sĩ cử đi Liên Xô học kỹ thuật bảo quản thi hài. Việc làm này cũng được giữ bí mật với các đồng chí khác. Chỉ riêng mấy đồng chí đi học và anh Nguyễn Thọ Chân biết thôi. Thời gian ba bác sĩ sang Liên Xô, tôi được Đại sứ Nguyễn Thọ Chân gọi lên cho biết về nhiệm vụ của đoàn bác sĩ đi học; anh Chân nói: ngoài cán bộ cơ yếu, tôi và cậu biết việc này, không được để lộ với bất cứ ai. Anh Chân giao nhiệm vụ cho tôi giữ liên lạc với Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Liên Xô và giúp đỡ anh em về mọi mặt theo yêu cầu, thư từ đều qua hộp thư của cán bộ đi B do tôi nhận và chuyển. Thời gian mấy tháng đầu các bác sĩ còn được khuyên không đi chơi, không tiếp xúc với ai, sợ gặp người quen lộ chuyện. Các quy định này đều do anh Thọ đề ra cốt sao giữ kín chuyện hoàn toàn.

Nhờ việc cử người đi học kỹ thuật bảo quản thi hài được kịp thời nên sau một thời gian đi học với các phương tiện được chuẩn bị về nước thì vừa lúc Bác đi xa. Ta chủ động bảo quản thi hài của Bác được tốt. Đó là điều may mắn đối với đất nước.

Tôi kể lại chuyện này chỉ cốt nói lên một điều: anh Thọ và Bộ Chính trị tuy đã giấu Bác về quyết định trên, nhưng đó là một quyết định rất sáng suốt và kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta muốn suốt đời được chiêm ngưỡng thi hài của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh thiên tài, vĩ đại.



* Nguyên:  - Thư ký riêng đồng chí Lê Đức Thọ,

- Chuyên viên cao cấp Bộ Ngoại giao,

- Phó Bí thư Đảng uỷ, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô.

[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011



Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả