Nhà văn Mạc Ngôn giành Giải Nobel Văn học 2012

Ngày đăng: 12/10/2012 - 14:10

QĐND Online – Tối 11-10 theo giờ ViệtNam, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã công bố Giải Nobel văn học 2012. Theo đó, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn đã là chủ nhân của giải Nobel văn học năm nay với lời tuyên dương: “Nhà văn hợp nhất chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với những câu chuyện dân gian, với lịch sử và đương đại”.

Nha van Mac Ngon

Nhà văn Mạc Ngôn-chủ nhân Nobel Văn học 2012. Ảnh: Nobelprize.org

Mạc Ngôn được xem là nhà văn số một của Trung Quốc hiện nay bởi sức viết khỏe với hơn 200 tác phẩm và giành nhiều giải thưởng văn học quan trọng. Khi mùa trao giải Nobel 2012 khởi động, Mạc Ngôn đã là cái tên sáng giá chỉ xếp sau nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản) ở các bảng xếp hạng cá cược. Vượt qua nhiều tên tuổi cự phách đến từ châu Âu và châu Mỹ như: Alice Munro (Ca-na-đa), Thomas Pynchon (Mỹ), Péter Nádas (Hung-ga-ri)..., Mạc Ngôn đã giúp Trung Quốc lần đầu tiên có giải Nobel Văn học nếu không tính trường hợp Cao Hành Kiện được trao giải Nobel Văn học 2000 khi đã là công dân Pháp.

Mạc Ngôn (theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là “không nói”) tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh ngày 17-2-1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tuổi thơ của Mạc Ngôn đầy gian khó khi ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng và đi lao động sớm. Ông nhập ngũ vào năm 20 tuổi và bắt đầu viết văn vào năm 1981 khi đang là quân nhân. Đến năm 1984, ông trúng truyển vào Khoa Văn thuộc Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.

Tên tuổi của Mạc Ngôn được biết đến rộng khắp khi tiểu thuyết “Cao lương đỏ” (1987) của ông được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim cùng năm. Tuy nhiên, tác phẩm lớn nhất mà chính Mạc Ngôn thừa nhận là tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (tựa Việt: “Báu vật của đời”) xuất bản năm 1996-đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Mạc Ngôn đến Việt Nam do dịch giả Trần Đình Hiến dịch năm 2001. Các tác phẩm của Mạc Ngôn đã được dịch và phát hành trên 20 nước và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các tác phẩm tiêu biểu nhất của Mạc Ngôn đều đã được dịch như: “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Người tỉnh nói chuyện mộng du”, “Ếch”, “Con đường nước mắt”, “Sống đọa thác đày”, “Hoan lạc”, “Trâu thiến”...   

Đặc điểm nghệ thuật của Mạc Ngôn nằm trong tính nhân văn sâu sắc qua các tác phẩm của ông. Mạc Ngôn luôn bám lấy chức năng cơ bản của văn học là phản ánh số phận con người. Đặc biệt, ông rất nhạy cảm với những “mảng khuất lịch sử” khi ông cho rằng: Lịch sử là tất cả những gì đã qua, do nhân dân tạo ra.

Về phương pháp sáng tác, Mạc Ngôn cũng chịu ảnh hưởng của nước ngoài, như nhà văn Mỹ W. Faulkner (Nobel Văn học 1949). Nhưng ông không sao chép mà nghiên cứu nội hàm tác phẩm, tìm hiểu phương thức quan sát cuộc sống và cách nhìn về nhân sinh, về thế giới. Đây là điều Mạc Ngôn khác các nhà văn Trung Quốc trong việc học tập nước ngoài, tác phẩm của ông đầy sáng tạo mà vẫn chân thực, vẫn thấm đẫm văn hóa Trung Hoa.

Điều đặc biệt ở Mạc Ngôn là viết nhiều nhưng đề tài không trùng lặp, nội dung đều sâu sắc, ngôn ngữ hàm súc, tình tiết hấp dẫn, nhân vật nào cũng sống động. Vì vậy tác phẩm của ông không gây nhàm chán cho người đọc.

Hoàng Hoàng

Theo QĐND Online

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả