Nhận diện giá trị "Ði lên từ văn hóa"

Ngày đăng: 18/09/2014 - 08:09

Khái niệm "Ði lên từ văn hóa" không hề mới, khái niệm này đã có trong Nghị quyết TW5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Nghị quyết đó, Ðảng ta xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội".

eb0d37dccf70c037d9ccd4db7dcad5cc LMột góc Quảng trường Hùng Vương. Ảnh: NAM NHẬT

"Ði lên từ văn hóa" không có nghĩa là chỉ phát triển văn hóa mà xem nhẹ hoặc bỏ quên những lĩnh vực khác. Khái niệm "Ði lên từ văn hóa" cần được hiểu là văn hóa được sử dụng như một "động lực" để tạo đà và kích thích cho sự phát triển nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế dịch vụ và công nghiệp sử dụng nguồn năng lượng sạch. Sẽ rất khập khiễng khi đem các giá trị văn hóa tinh thần so sánh với các giá trị vật chất cụ thể. Sự phát triển của văn hóa và du lịch sẽ kích thích sự phát triển của kinh tế dịch vụ và ngược lại sự phát triển của kinh tế dịch vụ sẽ góp phần nâng cao đẳng cấp và giá trị của văn hóa và du lịch. Cũng không hẳn là sai khi tính toán một cách giản đơn rằng thay vì không xây dựng một công trình văn hóa này thì sẽ xây dựng được bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu con đường, hay bao nhiêu mái nhà cho người nghèo. Lập luận như thế thì sẽ khó có một công trình văn hóa lớn nào được xây dựng vì ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào, dù là những nước giàu có nhất cũng vẫn luôn còn có người nghèo cần được giúp đỡ và không bao giờ có thể đáp ứng đủ ngay đường để đi, đủ điện để thắp sáng, đủ cầu để bắc qua sông. Thậm chí nếu có thể đáp ứng đủ thì sau đó là gì nữa? Con người không chỉ có nhu cầu sống sung sướng hơn mà khát vọng sống có ý nghĩa hơn đôi khi còn mạnh hơn rất nhiều.

Nước ta đang đứng trước một vấn đề cấp bách là, do phát triển và quy hoạch đô thị chưa đồng đều, nên làn sóng dân cư rời bỏ nông thôn để đổ dồn về các thành phố lớn kiếm sống đang ngày càng gia tăng gây bế tắc giao thông, thiếu hụt nhà cửa, dư thừa lao động và tệ nạn xã hội. Kinh nghiệm quy hoạch đô thị của nhiều quốc gia phát triển đã cho thấy rằng những thành phố càng xa với thủ đô và các trung tâm đô thị đã định hình lại càng cần được đầu tư xây dựng các công trình độc đáo và mới lạ để mọi người biết tới, tìm đến và ở lại định cư sinh sống. Chính các công trình văn hóa, đặc biệt là các nhà hát, tượng đài, các quảng trường, bảo tàng và các khu tưởng niệm thường lại được chú ý xây dựng đầu tiên trong việc thiết kế xây dựng một thành phố mới vì các dạng công trình này tạo nên niềm cảm hứng và khơi dậy sự sáng tạo để làm nên sức sống mới cho một thành phố.

Nguồn vốn cần được sử dụng chính xác, hiệu quả và tiết kiệm là yêu cầu đương nhiên trong mọi lĩnh vực đầu tư. Tuy vậy cũng cần thấy rằng giá trị tinh thần sâu rộng và hiệu quả bền vững mà các công trình văn hóa sẽ mang lại tác động một cách lắng đọng và tiềm ẩn trong từng con người và cộng đồng dân cư được thụ hưởng các công trình ấy chứ không thể quy thành lãi suất cụ thể cân đong đo đếm ngay được.

Ðất nước chúng ta luôn tự hào có một nền văn hóa hết sức giàu có và đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng trên khắp 63 tỉnh thành của cả nước chúng ta đã có bao nhiêu nhà hát, công trình văn hóa thực sự xứng tầm với điều chúng ta tự hào? Tới tận hôm nay, những nhà hát người Pháp đã xây và để lại tại Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh từ thời thuộc địa vẫn còn được sử dụng chính thống.

Chúng ta nên nhìn nhận lại với một số đánh giá quá vội vàng với việc tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn tổ chức một Festival Ðờn ca tài tử quy mô cấp quốc gia và cho xây dựng những công trình văn hóa lớn tại thành phố Bạc Liêu trong điều kiện người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Tầm nhìn của những nhà lãnh đạo tiên phong thường bắt đầu từ việc phát hiện và muốn bứt lên, đi tắt, đón đầu một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên quê hương xứ sở của mình khi mà những quan tâm và trăn trở hằng ngày vẫn còn quanh quẩn trong hiện tại nghèo, thiếu.

Có thể thấy rõ ràng một thành phố Bạc Liêu hôm nay được thay đổi diện mạo nhờ những công trình đã được đầu tư xây dựng. Mỗi người dân Bạc Liêu thật tự hào vì đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đang biết tới họ và sẽ tìm đến với quê hương của họ như một địa danh nằm trong Không gian Văn hóa Ðờn ca tài tử của 21 tỉnh thành Ðông và Tây Nam Bộ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ðồng bào cả nước trước đây có thể chỉ biết tới Bạc Liêu như một tỉnh nghèo xa xôi, thì sau Festival Ðờn ca tài tử, bỗng nhận thấy Bạc Liêu "hóa ra" là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ, của những con người mộc mạc, chân tình, của một vùng đất nhiều tiềm năng phát triển văn hóa và du lịch.

Ðành rằng nghệ thuật Ðờn ca tài tử vốn tồn tại trên ghe, trong chòi lá hay bên bờ ruộng. Nhưng chúng ta không thể đưa tất cả du khách bốn phương, đặc biệt là du khách quốc tế ra những nơi đó để thưởng thức một hình thức nghệ thuật được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu có thể được thì tại sao nghệ thuật múa rối nước vốn chỉ biểu diễn ở ao làng, nghệ thuật chèo vốn chỉ biểu diễn ở sân đình mà Nhà nước vẫn phải tốn nhiều tiền để xây dựng những nhà hát riêng cho các loại hình nghệ thuật này giữa Thủ đô Hà Nội? Bạc Liêu quyết tâm xây dựng một nhà hát chuyên nghiệp với biểu tượng của ba chiếc nón lá rất độc đáo như một biểu tượng kết tinh của văn hóa Việt, tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam nói chung, ba cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Bạc Liêu nói riêng, là cần thiết và hiệu quả. Nơi đây sẽ là một điểm đến văn hóa quan trọng của Bạc Liêu nói riêng, khu vực Tây Nam Bộ và cả nước nói chung với công trình tự nó đã là một tác phẩm kiến trúc đáng chiêm ngưỡng. Cạnh đó, nhà hát sẽ là không gian dàn dựng và biểu diễn lý tưởng cho các chương trình nghệ thuật phục vụ thường xuyên cho người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế. Hơn thế, chính nhà hát này sẽ là nơi triển khai tập trung các chương trình đào tạo nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ một cách bài bản và có hệ thống cho thế hệ trẻ, chuẩn bị một đội ngũ các nghệ nhân và nghệ sĩ Ðờn ca tài tử chuyên nghiệp cho tương lai. Việc nhà hát không kịp khánh thành để phục vụ Festival là điều đáng tiếc, nhưng không nên vì thế mà phủ nhận giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, công năng và hiệu quả sử dụng của công trình khi đã hoàn thiện.

Công trình biểu tượng đờn kìm với hình cây đờn kìm tiêu biểu của nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ được dựng tại trung tâm Quảng trường Hùng Vương là một sự lựa chọn độc đáo và đúng đắn.

0609nd2

Quảng trường Hùng Vương (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: LÂM THANH LIÊM

Trên phương diện kiến trúc và văn hóa, đó là một tác phẩm thực sự đẹp và có ý nghĩa sâu sắc trong việc khơi dậy, định vị và kết nối tâm lý cộng đồng của toàn thể nhân dân Bạc Liêu, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ có chung một niềm tự hào, tinh thần kế thừa, phát huy và ý thức trách nhiệm sâu sắc rằng họ đang sống tại một trong những cái nôi đầu tiên của nghệ thuật Ðờn ca tài tử đã được thế giới công nhận, chứ không chỉ còn là một hình thức vui chơi "tài tử" bên bờ kênh hay nơi góc vườn. Những đứa trẻ chiều chiều vui chơi bên cây đờn kìm trên Quảng trường Hùng Vương hôm nay, khi lớn lên, dù ở lại hay đi tới phương trời nào để lập nghiệp thì cũng không thể quên được hình ảnh cây đờn kìm biểu tượng của quê hương mình.

Công trình Khu lưu niệm nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu không chỉ là một sự tri ân đối với bậc tiền nhân đã đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục cho các thế hệ trẻ mai sau hiểu biết hơn về lịch sử của cha ông mình.

Nhìn tổng thể ba công trình Nhà hát Ba nón lá, Quảng trường Hùng Vương với biểu tượng đờn kìm và Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, có thể nhận thấy rõ khát vọng to lớn của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trong việc xây dựng và phát triển Bạc Liêu trở thành một thành phố có sức thu hút lớn về văn hóa và du lịch. Nhìn rộng hơn ra các công trình khác như công trình điện gió, công trình Khu Du lịch sinh thái Hồ Nam, công trình khu tưởng niệm các liệt sĩ, công trình Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình chùa Phật Bà Nam Hải, dù là các công trình của Nhà nước hay xã hội hóa, đều nằm trong tổng thể quy hoạch Bạc Liêu là một thành phố văn hóa du lịch và sinh thái hướng tới môi trường sống xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững với nguồn năng lượng điện gió tự nhiên sau này.

Mạnh dạn đăng cai tổ chức Festival Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất và xây dựng các công trình độc đáo, có tính biểu tượng văn hóa cao và hiệu quả dài hạn, Bạc Liêu đã hết sức năng động và đang thực sự vươn dậy từ chính vốn liếng quý báu nhất của mình là nghệ thuật Ðờn ca tài tử để trở thành một "điểm đến" không thể bỏ qua cho du khách trong và ngoài nước cũng như các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch và môi trường. Nếu Bạc Liêu biết xây dựng chiến lược thu hút nhân tài và được khuyến khích đầu tư thích đáng theo đúng định hướng này, dự kiến không tới năm năm nữa, ở một khía cạnh nào đó, Bạc Liêu sẽ thành một "Thành phố Ðờn ca tài tử" thu hút đông đảo các doanh nghiệp, các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhạc sĩ, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế cũng như du khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu. Ðó là một định hướng, dù còn cần thời gian để từng bước bổ sung cho hoàn chỉnh, rất cần sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là nhân dân Bạc Liêu cũng như đồng bào cả nước.

Ðạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG (TP. Hồ Chí Minh)

Theo Nhân dân


 



 

 

Bình luận