Với 4 chương sách, tập thể tác giả Viện Chính trị học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích, làm rõ và khắc họa toàn cảnh vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Qua những phân tích về khái niệm, sự hình thành quyền lực công cộng, sự tha hóa quyền lực công cộng và tham nhũng, đưa ra các cách tiếp cận về tham nhũng trên thế giới, tác hại của tham nhũng, chương I cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để nhận diện và thiết lập các biện pháp phòng, chống tham nhũng nói chung.
Trên cơ sở đó, 3 chương tiếp theo nhận diện, chỉ ra đặc điểm, nguyên nhân và thực trạng tham nhũng ở Việt Nam, những vấn đề đặt ra và nêu phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ những đánh giá, khảo sát của các tổ chức như Tổ chức minh bạch quốc tế TI, Tổ chức Sida của Thụy Điển… cho thấy, chỉ số trong sạch của nền hành chính, công vụ nước ta còn rất thấp và chậm tiến bộ, thực trạng tham nhũng hiện nay đã đến mức đáng báo động. Tham nhũng diễn ra phổ biến trong các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, hành chính, tư pháp, giáo dục, trong công tác tổ chức - cán bộ, trong thực hiện các chính sách xã hội với những đặc điểm cơ bản như: Mặt tiêu cực trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam là môi trường thuận lợi cho tham nhũng; tham nhũng ở nước ta khó phát hiện một cách chính thức và rõ ràng; diễn ra trong hệ thống công chứ có lương rất thấp; tham nhũng thường gắn liền với tệ lãng phí; v.v..
Từ thực trạng tham nhũng ở Việt Nam và kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới, các tác giả đưa ra 5 nhóm quan điểm và 10 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Sách do PGS,TSKH. Phan Xuân Sơn và ThS. Phạm Thế Lực đồng chủ biên, gồm 252 trang, giá 36.000đ.