Tác giả: PGS, TS. Nguyễn Cảnh Quý (Chủ biên)
Số trang: 204 trang
Giá tiền: 36.000 đồng
Đất đai có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi đất nước. Nhiều nước trên thế giới đã đưa vấn đề đất đai vào Hiến pháp của mình nhằm bảo vệ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả. Ở Việt Nam, đất đai, được xác định là tài nguyên quý giá của quốc gia; là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn nội lực quan trọng nhất để phát triền kinh tế - xã hội; là bộ phận cơ bản của lãnh thổ quốc gia; là thành phần quan trọng của môi trường sống; là thành quả đấu tranh cách mạng của nhiều thế hệ,… Do đó, đất đai luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, các quan hệ xã hội về đất đai phát sinh tồn tại và phát triền rất đa dạng và phong phú, như: quan hệ về giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, lập sổ địa chính đăng ký về đất đai, quan hệ về chuyền đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, tặng, cho quyền sử dụng đất, v.v.. Để điều chỉnh các quan hệ về đất đai nói trên, Nhà nước đã ban hành nhiều quy phạm pháp luật đất đai để làm căn cứ pháp lý.
Đặc biệt hiện nay, ở nước ta, đất đai được xem là một tài sản quý giá của quốc gia, là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển xã hội trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy phạm pháp luật để bảo vệ đất đai là những quy tắc xử sự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, trên cơ sở phản ánh các quy luật phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong lĩnh vực đất đai, để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý sử dụng đất đai.
Thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai, Nhà nước ta đã ban hành Luật đất đai năm 2003 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai, điều chỉnh có hiệu quả nhiều quan hệ đất đai đang tồn tại phát sinh, phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Trong hơn 25 năm đổi mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chính quyền đã nhận thức được những nội dung cơ bản của pháp luật đất đai, nên đã quản lý đất đai có hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế pháp triển, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định xã hội, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cấp chính quyền nhận thức và thực hiện chưa đầy đủ pháp luật đất đai, đặc biệt là các quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giải quyết tranh chấp đất đai,… Có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cấp chính quyền còn vi phạm pháp luật đất đai, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.
Xuất phát từ những đòi hỏi lý luận và thực tiễn, cũng như để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu của đông đảo học viên, sinh viên và bạn đọc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Nhận thức và thực hiện pháp luật đất đai của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chính quyền ở Việt Nam hiện nay do PGS, TS. Nguyễn Cảnh Quý, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia chủ biên.
Cuốn sách trình bày một số vấn đề lý luận về nhận thức và thực hiện pháp luật đất đai của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chính quyền ở Việt Nam; phân tích, đánh giá các kết quả điều tra, khảo sát về nhận thức và thực hiện pháp luật đất đai của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chính quyền thuộc 9 tỉnh, thành trong cả nước, v.v., nêu lên những thành tựu đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân của nó; đồng thời đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm tăng cường nhận thức và thực hiện pháp luật đất đai của cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp chính quyền ở Việt Nam hiện nay.