Những chủ nhân của các giải nobel 2013
Từ ngày 7 đến 15-10-2013 tại Stockholm, Thụy Điển và Oslo, Na Uy đã diễn ra Tuần lễ giải Nobel thế giới lần thứ 112. Trong mùa giải Nobel năm nay, những người được Ủy ban Nobel xướng tên trong các buổi công bố giải đã gây được sự chú ý đặc biệt không chỉ đối với giới khoa học, giới truyền thông mà còn với những ai quan tâm đến sự kiện quan trọng này.
Giải Nobel Y học
Ngày 7-10, Ủy ban Nobel tại Học viện Karolinska của Thụy Điển đã thông báo ba nhà khoa học James Rothman (Mỹ), Randy Schekman (Mỹ) và Thomas Suedhof (Đức) đã giành giải Nobel Y học 2013 cho công trình nghiên cứu mang tính đột phá về cơ chế vận chuyển trong tế bào.
Ủy ban Nobel nêu rõ ba đồng chủ nhân của giải Nobel Y học 2013 được vinh danh vì đã khám phá ra nguyên tắc phân tử chi phối cơ chế các protein và những chất khác được vận chuyển bên trong tế bào.
Có thể ví mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta như là một nhà máy sản xuất và xuất khẩu “hàng hóa” là những phân tử. Những phân tử này được đóng gói thành những “túi” nhỏ và được vận chuyển trong tế bào. Những “túi hàng” tí hon giống như những bong bóng nhỏ, có màng bao quanh, như những con thoi vận chuyển “hàng hóa” qua lại giữa các bào quan hoặc hợp nhất với màng ngoài của tế bào và giải phóng “hàng hóa” ra ngoài tế bào. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ kích hoạt hoạt động của thần kinh trong trường hợp “hàng hóa” là chất dẫn truyền thần kinh, hoặc điều khiển hoạt động chuyển hóa các chất trong trường hợp “hàng hóa” là các hormon. Các nhà khoa học đã tìm ra những nguyên tắc phân tử điều khiển cơ chế phân phối “hàng hóa” tới đúng chỗ và đúng lúc trong tế bào.
Randy Schekman, nhà khoa học Mỹ, sinh năm 1948 ở St Paul, Minnesota, hiện là giáo sư Khoa Sinh học phân tử và tế bào, Trường Đại học California và là nhà nghiên cứu tại Viện Y học Howard Hughes, đã tìm ra một bộ các gen cần thiết cho việc vận chuyển các “túi hàng”.
James Rothman, sinh năm 1950 tại Haverhill, Massachusetts, hiện là giáo sư Trưởng khoa Sinh học tế bào, Trường Đại học Yale (Mỹ) đã khám phá ra hệ thống protein cho phép các “túi hàng” hợp nhất với đích đến để chuyển giao hàng hóa.
Còn Thomas Südhof thì phát hiện được cơ chế mà nhờ đó các tín hiệu hướng dẫn cho các “túi hàng” giải phóng “hàng hóa” của mình với sự chính xác tuyệt đối. Ông sinh năm 1955 ở Göttingen (Đức) và hiện là giáo sư phân tử và sinh lý tế bào tại Trường Đại học Stanford.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học này đã làm sáng tỏ một quá trình cơ bản trong sinh lý học tế bào. Những khám phá này có tác động rất lớn đến hiểu biết của chúng ta về cách thức mà “hàng hóa” do tế bào sản xuất ra được vận chuyển kịp thời và chính xác ở trong và ngoài tế bào. Thiếu đi sự tổ chức cực kỳ chính xác này, hoạt động của tế bào sẽ rơi vào hỗn loạn dẫn đến hậu quả là nhiều bệnh sẽ xảy ra, bao gồm cc rối loạn thần kinh, miễn dịch và bệnh tiểu đường.
Nobel Vật lý
Nhà vật lý học Peter Higgs, 84 tuổi, giáo sư vật lý của Trường Đại học Edinburgh (Anh) và Francois Englert, 80 tuổi, giáo sư danh dự tại trường Đại học Libre de Bruxelles (Bỉ), đã vinh dự được trao tặng giải Nobel Vật lý 2013 với công trình nghin cứu xác định và phát hiện ra hạt Higgs hay còn gọi là “hạt của Chúa”.
Theo hãng tin Reuters, lý thuyết được chứng thực của hai ông Peter Higgs và Francois Englert đã mô tả cách thức vũ trụ này được cấu thành. Lý thuyết này là phần trung tâm của “Mô hình Chuẩn” cho sự tồn tại của tất cả mọi thứ, từ những đóa hoa cho đến con người, các hành tinh, ngôi sao... cũng như lực và sự tương tác tạo lập nên vũ trụ.
“Mô hình Chuẩn” đặt nền tảng bởi sự tồn tại của một loại hạt đặc biệt được gọi là hạt Higgs - hạt đem lại khối lượng cho vật chất. Nó có ở khắp mọi nơi trong không gian mà nếu không có nó, tất cả sẽ không tồn tại.
Việc phát hiện ra hạt Higgs, một loại hạt hạ nguyên tử, có thể giúp loài người giải thích nguyên nhân tại sao mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. Không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ, với hạt Higgs, con người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới, giúp tạo nên những thành tựu công nghệ đột phá trong giao thông và viễn thông.
Xung quanh việc công bố giải Nobel Vật lý 2013, có ý kiến cho rằng giải đã mắc một sai lầm khi không chia sẻ thêm cho Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), nơi mà một phòng thí nghiệm vật lý đã phát hiện và công bố sự tồn tại “hạt của Chúa” vào hồi tháng 7-2012. Thành quả này của CERN chỉ được đề cập trong một ghi chú ngắn gọn trong quyết định trao giải do Ủy ban Nobel công bố.
Nobel Hóa học
Ba nhà khoa học người Mỹ: Martin Karplus, làm việc tại Đại học Harvard và Đại học Strasbourg, Pháp; Michael Levitt, giáo sư của Đại học Stanford và Arieh Warshel đến từ trường Đại học Southern California, đã giành giải Nobel Hóa học 2013, với công trình nghiên cứu phát triển các mô hình của những hệ thống hóa học phức tạp.
Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đánh giá: Nghiên cứu của các nhà khoa học đã giúp tạo ra các mô hình vi tính mô phỏng cuộc sống thực tế, đóng vai trò tối quan trọng trong phần lớn các tiến bộ của ngành hóa học hiện đại.
Nghiên cứu này giúp mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực hóa học. Các nhà khoa học giờ đây đã có thể sử dụng máy tính để tái lập những hình ảnh về quá trình phản ứng hóa học giữa các phân tử, các tế bào.
Để làm được điều đó, các giáo sư Martin Karplus, Michael Levitt và Arieh Warshel đã tái hiện một cách chi tiết nhất cấu trúc cơ bản của các tế bào, những thành phần cấu tạo nên tế bào.
Từ đó các nhà khoa học sử dụng máy tính như một công cụ giả lập quá trình hoạt động của các tế bào này, sự biến đổi của chúng nếu có những tác nhân đã định sẵn từ bên ngoài. Có thể hiểu rằng trong một số loại tế bào, phân tử nhất định đã được đưa cấu trúc lên máy tính, các nhà khoa học có thể trực tiếp thử nghiệm chúng trên máy tính một cách đơn giản hơn, thay vì nghiên cứu qua ống kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.
Giáo sư Arieh Warshel trả lời câu hỏi một cách vắn tắt những thắc mắc của các phóng viên trong lễ vinh danh người đoạt giải Nobel Hóa học ở Stockhom: “Nói đơn giản, chúng tôi đã phát triển một cách đầy đủ và chính xác nhất cấu trúc của protein, cách thức hoạt động của chúng. Nhưng không phải trong phòng thí nghiệm mà là qua một chương trình trên máy tính”. Trong khi đó giáo sư Michael Levitt đã trả lời khá khiêm tốn rằng, quá trình nghiên cứu trong suốt 50 năm qua sẽ không thể thành công nếu thiếu đi những chiếc máy tính ngày càng được nâng cấp mạnh mẽ như ngày nay.
Nghiên cứu của ba giáo sư hóa học có tác động trực tiếp đến việc bào chế và thử nghiệm những loại thuốc mới. Bằng cách đưa vào trong máy tính thông số và phương thức hoạt động đầy đủ của các tế bào protein, các nhà khoa học có thể trực tiếp thử nghiệm những loại thuốc mới, thông qua việc nhập số liệu những phương thuốc này vào chương trình. Máy tính sẽ trực tiếp xử lý, giả lập quá trình xúc tác phản ứng hóa học và đưa ra kết quả một cách chính xác nhất.
Nobel Văn học
Chủ nhân của giải Nobel Văn học năm nay là nhà văn Canađa Alice Munro, nữ tác giả nổi tiếng với dòng truyện ngắn. Bà có tên đầy đủ là Alice Ann Munro, sinh năm 1931 tại bang Ontario, Canađa.
Sau khi nghe giải Nobel Văn chương năm nay được công bố, hầu như mọi người đều đồng ý (bao gồm giới cầm bút, giới phê bình và đa số độc giả). Hiếm khi nào sự đồng ý lại cao đến như vậy. Người ta biết văn chương của Alice Munro ít có những cách tân đáng kể về phương diện kỹ thuật, nhưng dù vậy, bà cũng vẫn được xem là một trong những nhà văn lớn của thời đại. Lớn về phương diện ngôn ngữ với một phong cách diễn tả vừa giản dị vừa độc đáo. Lớn về phương diện tư tưởng: qua những câu chuyện có vẻ bình thường, thậm chí tầm thường, của các phụ nữ lao động sống ở miền quê - thường là vùng Southern Ontario, Alice Munro lột tả những chuyển biến vừa tinh tế vừa phức tạp trong tâm lý cũng như trong quan hệ giữa con người với nhau, từ đó, làm cho cuộc sống hiện ra dưới một góc cạnh khác hẳn, đầy những bí ẩn và nghịch lý, rất hiếm khi được nhận biết.
Một số tập truyện ngắn nổi tiếng của Alice Munro là: Dance of the Happy Shades, Selected Stories... Ở Việt Nam, bà được biết đến qua tập truyện Trốn chạy.
Trước khi giành được giải Nobel Văn học vô cùng cao quý trên, Munro từng đoạt giải Man Booker International Prize năm 2009 và gần như mọi giải thưởng văn chương Bắc Mỹ quan trọng. Trước khi lễ trao giải Nobel Văn học 2013 diễn ra, không ít người trong giới chuyên môn đặt cược rằng bà Munro khó có thể “vượt mặt” được tiểu thuyết gia người Nhật Bản Haruki Murakami, bởi dòng truyện ngắn được coi là một thể loại hiếm khi được Ủy ban Nobel công nhận.
Nobel Hòa bình
Trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại The Hague, Hà Lan
Ngày 11-10, giải Nobel Hòa bình 2013 đã được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (Organization for the Prohibition of Chemical Weapons - OPCW). Đây là tổ chức được thành lập để thực thi Công ước 1997 về vũ khí hóa học. Công ước này cấm việc phát triển, sản xuất, mua, cất giữ, tái chiếm dụng, chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hóa học.
Tổ chức OPCW đã được thành lập năm 1997, nhằm thực thi Công ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học ký kết ngày 13-1-1993. Tổ chức đặt trụ sở tại Hague, Hà Lan với nhiệm vụ chính là tiêu hủy toàn bộ các vũ khí hóa học đang tồn tại và đưa ra các biện pháp cần thiết để chấm dứt việc sản xuất vũ khí hóa học. OPCW có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ các quốc gia thành viên chống lại vũ khí hóa học và đồng thời khuyến khích các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng vũ khí hóa học vào mục tiêu hòa bình.
Với việc trao phần thưởng cho OPCW, Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức này, không những trong cuộc khủng hoảng, sử dụng vũ khí hóa học ở Xyri, mà còn đến những thành tích của OPCW kể từ khi thành lập. Theo OPCW, cho đến nay đã có 58.172 tấn vũ khí hóa học (chiếm hơn 81% tổng số vũ khí hiện tồn kho) đã được phá hủy tại các quốc gia như Irắc, Libi, Nga hay Mỹ. Tổ chức cũng đã tiến hành hơn 5.000 cuộc thanh tra vũ khí hóa học tại 86 quốc gia.
Nobel Kinh tế
Lars Peter Hansen (trên); Eugene F. Fama (dưới); và Robert J. Shiller (phải)
Giải Nobel Kinh tế 2013 đã thuộc về các nhà khoa học Mỹ: Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen cùng giảng dạy tại Đại học Chicago và Robert J. Shiller tại Đại học Yale, vì những phân tích sâu sắc của họ về giá tài sản.
Đánh giá về công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Ủy ban Nobel cho rằng: Không có cách nào dự đoán được giá của cổ phiếu và trái phiếu trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Nhưng chắc chắn có thể thấy trước được hướng đi chung của những giá cả này trong giai đoạn dài hơn, chẳng hạn như trong 3 hoặc 5 năm... Diễn biến của giá tài sản đóng vai trò quan trọng cho các quyết định về tài chính, chẳng hạn như tiết kiệm, mua nhà và các chính sách kinh tế quốc gia. Việc định giá sai có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính, và như đợt suy thoái kinh tế mới đây đã cho thấy, các khủng hoảng đó có thể gây tổn hại cho toàn bộ nền kinh tế.
Từ những năm 1960, nhà kinh tế học Fama, 74 tuổi nói rằng giá tài sản thực sự rất khó định đoán được trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt giá chứng khoán và trên thực tế tin tức mới có ảnh hưởng cực kỳ nhanh chóng tới giá cả.
Học thuyết này được Fama khám phá ra ngay từ khi còn học việc tại Đại học Tufts (Mỹ) với một giáo sư chuyên nghiên cứu dịch vụ dự đoán thị trường chứng khoán.
Trong quá trình theo dõi và kiểm tra các bảng số liệu dự đoán, Fama nhận ra rằng việc dự đoán thường xuyên không chính xác bởi giá tài sản phản ánh đầy đủ các thông tin giá trị. Và học thuyết của Fama đã gây ảnh hưởng tới cách thức đầu tư hiện nay của hàng triệu người, góp phần mở rộng các quỹ chỉ số - quỹ giữ các nhóm cổ phiếu đa dạng và rộng khắp.
Đến những năm 1980, nhà kinh tế học Shiller, 67 tuổi, đưa ra ý tưởng tính dễ thay đổi của giá cổ phiếu lớn hơn nhiều so với tính dễ thay đổi của các lãi cổ tức. Ông chỉ ra rằng, giá chứng khoán dao động nhiều hơn cổ tức các công ty, và rằng tỷ lệ giữa giá và cổ tức có xu hướng đi xuống khi cổ tức cao, và có xu hướng tăng khi cổ tức giảm. Công thức này không chỉ đúng với chứng khoán, mà còn đúng với trái phiếu và các loại tài sản khác.
Còn nhà kinh tế học Hasen, 60 tuổi, đã phát triển nên phương pháp phân tích số liệu để đánh giá các học thuyết về sự chuyển động của giá. Phương pháp này giúp các nhà khoa học xã hội đánh giá được các mối quan hệ giữa các yếu tố có thể giải thích trong quá trình tìm hiểu sự thiếu vắng của một số loại thông tin.
Theo Ủy ban Nobel, ba nhà kinh tế học đều cùng là người Mỹ trên, hoàn toàn làm việc độc lập, được mô tả như những người soi rọi toàn diện về cơ chế vận hành của các thị trường tài chính bằng cách chứng minh được rằng giá cổ phiếu và trái phiếu biến đổi không đoán được trong một thời gian ngắn song lại hoàn toàn có thể nắm bắt được nếu theo dõi trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, họ xứng đáng được vinh danh bởi đều nói lên được rằng các thị trường chuyển động theo sự pha trộn giữa phép tính lý trí và hành vi duy ý chí.
Giải thưởng Nobel Kinh tế là giải thưởng không nằm trong di chúc của nhà khoa học Alfred Nobel, nên nó luôn được trao cuối cùng trong mùa giải Nobel hằng năm.
Những người đoạt giải Nobel 2013 được trao giải tại buổi lễ tổ chức long trọng ở thành phố Stockholm (Thụy Điển) ngày 10-12-2013. Do khủng hoảng kinh tế, số tiền thưởng cho mỗi giải Nobel đã giảm từ 10 triệu kronor xuống còn 8 triệu kronor (1,25 triệu USD). |
NAM XUÂN (tổng hợp)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực