Những dấu ấn không thể phai từ 40 năm trước

Ngày đăng: 20/12/2012 - 15:12

17-12-1972

Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch tập kích đường không với quy mô lớn chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B52 với tên gọi Linebacker II. Mục tiêu của chiến dịch là đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi ở miền Bắc Việt Nam nhằm gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Pari trên thế yếu và phải ký kết Hiệp định theo những điều khoản có lợi cho phía Mỹ.

Từ mùa xuân năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội… Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”1. Chính vì vậy, quân dân miền Bắc đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng đương đầu với “pháo đài bay” của đế quốc Mỹ.

Ga-hang-co

Ga Hàng Cỏ, Thành phố Hà Nội bị bom Mỹ phá sập hồi 13 giờ, ngày 21-12-1972

18-12-1972

19 giờ 10 phút, những tốp máy bay B52 đầu tiên tiến vào bầu trời miền Bắc, liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Đế quốc Mỹ đã huy động 90 lần chiếc máy bay B52, 8 lần chiếc máy bay F111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích ném 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm ở Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người2. Vào lúc 20 giờ 13 phút, 1 chiếc máy bay B52 đã bị Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn Tên lửa phòng không 261) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng bắn rơi xuống cánh đồng Chuôm xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

19-12-1972

Các đơn vị chiến đấu họp rút kinh nghiệm và hạ quyết tâm tiêu diệt thêm nhiều máy bay địch. Phát huy tinh thần chào mừng ngày toàn quốc kháng chiến, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 2 máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Trước tội ác của đế quốc Mỹ, nhiều nước trên thế giới ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt hành động dùng máy bay B52 ném bom tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc Việt Nam.

20-12-1972

Các tiểu đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội đã liên tiếp bắn rơi 5 chiếc B52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại biểu dương, khích lệ tinh thần các đơn vị bộ đội phòng không Hà Nội: ‘’Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội’’3.

21-12-1972

5 giờ 15 phút, máy bay B52 ném bom rải thảm hủy diệt khu lao động An Dương làm 135 người chết, 126 người bị thương, hơn 10 gia đình chết không còn người nào4. Bom Mỹ còn làm hư hỏng Đại sứ quán Cuba và trại giam phi công Mỹ, làm 1 lính Mỹ bị thương.

22-12-1972

2 giờ 38 phút, bệnh viện Bạch Mai, một trong những cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc lúc này, bị máy bay B52 dội bom. Dưới sức công phá của hơn 100 quả bom, tòa nhà chính của bệnh viện đổ sập, đè lên những căn hầm, trong đó có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế đang trú ẩn. Trận bom đã cướp đi sinh mạng của 28 y, bác sĩ của bệnh viện.

23-12-1972

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương quân dân miền Bắc và cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và đặc biệt là chiến công của quân dân Hà Nội bắn rơi tại chỗ máy bay B52, với chiếc máy bay Mỹ thứ 4.100 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

24-12-1972

Quân dân miền Bắc bắn rơi 5 chiếc máy bay, trong đó có 1 chiếc B52. Trước thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ đã lấy cớ nghỉ lễ Noel để tạm ngừng cuộc tập kích nhằm củng cố lực lượng, ổn định tinh thần, tìm thủ đoạn và cách đánh mới.

25-12-1972

Máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc từ 0 giờ ngày 25-12. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân Thủ đô Hà Nội cần gấp rút chuẩn bị tốt lực lượng đánh địch trong những ngày tới.

26-12-1972

Sau 36 giờ ngừng hoạt động đánh phá, chiến dịch tập kích Hà Nội, Hải Phòng của không quân Mỹ tiếp tục với các thủ đoạn tàn bạo và thâm độc hơn. Tại Hà Nội, máy bay B52 ném bom rải thảm phố Khâm Thiên - nơi có mật độ dân số đông nhất Thủ đô - đã cướp đi sinh mạng của gần 300 người dân vô tội, phá sập hơn 2.000 căn nhà. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, 7 người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót.

Lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên trong trận chiến đấu đêm 26-12 đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn hạ 18 máy bay (trong đó có 8 chiếc B52). Đây là trận đánh bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất trong suốt 9 ngày đêm diễn ra chiến dịch. Những đêm tiếp theo, số lần hoạt động của B52 sụt giảm hẳn, mỗi đêm chúng chỉ cho từ 50-60 lần cất cánh thay vì hàng trăm lần như trước.

27-12-1972

22 giờ 20 phút, chiếc máy bay MIG21 do Thượng úy Phạm Tuân - Biên đội trưởng Biên đội 5 (Trung đoàn 921, Sư đoàn Phòng không 371) điều khiển cất cánh từ sân bay Yên Bái, bắn rơi 1 chiếc máy bay B52 trên vùng trời Tây Bắc và trở về an toàn. Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bộ đội không quân Việt Nam bắn rơi trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

28-12-1972

21 giờ 41 phút, chiếc máy bay MIG21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) do Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều điều khiển vòng ra phía sau đội hình B52 đuổi địch đến vùng trời Sơn La. Hai quả tên lửa mang theo vẫn chưa bắn rơi được máy bay B52, Vũ Xuân Thiều liền tăng tốc đâm thẳng vào chiếc máy bay B52 còn mang đầy bom chưa ném, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

29-12-1972

Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội chiến đấu anh dũng bắn rơi 1 máy bay B52, 1 máy bay F4. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực bắc vĩ tuyến 20 gần 15.000 tấn bom đạn. Quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, bắt 43 giặc lái5. Vào lúc 7 giờ ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối lại cuộc đàm phán ở Pari. Mặc dù đè bẹp được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ nhưng quân dân miền Bắc cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 4.000 người chết và hơn 3.000 người bị thương, hàng ngàn nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình giao thông, quân sự… bị tàn phá.

Lê Minh Nam

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

1. Nguồn sức mạnh (Bác Hồ  bộ đội phòng không), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992, tr. 38.

2. The Vietnam War (Cuộc chiến tranh Việt Nam - Biên niên) - USA, Mallard, 1989, tr. 208.

3. Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 23.

4. “Ghi sâu mối thù giặc Mỹ dùng B52 ném bom hủy diệt khu lao động An Dương”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 9-1-1973, tr. 2.

5. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007, t. 7, tr. 314.

 

 

 

Bình luận