Những kỷ niệm của tôi về đồng chí Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 04/11/2011 - 09:11

GS. Phạm Như Cương*

Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Lê Đức Thọ là khi đồng chí gặp đoàn cán bộ thứ ba được cử đi học lý luận Mác - Lênin ở Trường Đảng cao cấp Liên Xô tại Mátxcơva vào năm 1960, để căn dặn những điều cần thiết về nhiệm vụ và thái độ học tập. Tuy nhiên, trước đó tôi đã được nghe nói nhiều về đồng chí.

dc-Le-Ductho

Năm 1964, sau khi ở Mátxcơva về đang chờ được bố trí công tác, vào tháng 5, tôi được đồng chí Lê Đức Thọ cho gọi lên gặp. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của tôi với đồng chí.

Đồng chí nói cho tôi biết là Ban Bí thư đã quyết định cử tôi làm Viện trưởng Viện Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước với nhiệm vụ định hướng lại hoạt động nghiên cứu và củng cố tổ chức của Viện Triết học. Tôi có phần bất ngờ về quyết định điều động đó, vẫn nghĩ rằng chắc mình sẽ tiếp tục công tác ở Trường Nguyễn Ái Quốc, như trước khi đi học cách đây bốn năm. Tình hình tư tưởng của anh chị em ở Viện Triết học lúc này có nhiều diễn biến phức tạp, tôi cũng chưa có bao nhiêu kinh nghiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học, tuy đã được Đảng chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cho đi học lần lượt ở Trường Đảng cao cấp ở Trung Quốc, Liên Xô, cộng lại là 6 năm. Thêm vào đó, lúc này Viện trưởng Viện Văn học là đồng chí Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Sử học là đồng chí Trần Huy Liệu, đều là những đồng chí mà về tuổi đời, thời gian tham gia hoạt động cách mạng và uy tín học thuật trong ngành đã khá cao và vững chắc, không biết việc cử tôi làm Viện trưởng Viện Triết học có tương xứng và được đón nhận một cách thuận lợi không. Trong lòng tôi lúc đó vừa có sự phấn khởi về sự tín nhiệm của Đảng, vừa có sự băn khoăn không biết liệu mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không. Tôi đã trình bày những suy nghĩ đó với đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng thời cũng mạnh bạo hỏi thêm: Tôi đi học ở Liên Xô về (lúc này quan điểm của ta và lãnh đạo Liên Xô về đường lối đấu tranh cách mạng có sự khác nhau lớn), thành phần xuất thân của tôi cũng không thuộc những thành phần cơ bản, liệu đồng chí và Ban Bí thư có yên tâm và tin tưởng không. Buổi gặp để giao công tác diễn ra khá dài, đồng chí Thọ chú ý lắng nghe, hỏi thêm trong khi nghe tôi nói và cuối cùng nói với tôi: Ban Bí thư và tôi đã cân nhắc và xem xét kỹ trước khi quyết định cử cậu làm Viện trưởng Viện Triết học lúc này. Có khó khăn phức tạp đấy, nhưng cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Tìm hiểu tình hình cho kỹ, dựa vào anh chị em, sửa chữa, uốn nắn những thiếu sót, sai lầm vừa qua, nhưng phải đoàn kết, quy tụ được anh chị em vào công việc. Những vấn đề thuộc về phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu thì tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo của anh Ba, anh Năm. Phải khiêm tốn, nhưng cũng không nên tự ti, làm việc với một tư thế đàng hoàng.

Buổi gặp mặt này đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Những lời căn dặn của đồng chí Thọ đã động viên, chỉ dẫn cho tôi rất nhiều trong thời gian đầu về công tác ở Viện Triết học.

Vài việc mà tôi kể thêm dưới đây cũng giúp ta hiểu thêm về đồng chí Thọ trong công tác cán bộ, trong sự quan tâm đến số phận của những con em chúng ta khi mới bước vào đời.

Lúc tôi được cử làm Viện trưởng Viện Triết học thì Ban Bí thư chưa bổ nhiệm thêm ai làm Viện phó. Tôi có nêu vấn đề này với đồng chí Thọ để có người cùng chia sẻ trách nhiệm và tiến cử anh Vũ Khiêu, một đồng chí đã từng đi học với tôi ở Trường Đảng cao cấp Trung Quốc ở Bắc Kinh, cùng về công tác ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Tôi hiểu anh Vũ Khiêu là người có tri thức uyên thâm về vốn văn hóa dân tộc, là một cây bút già dặn sắc sảo, lại đi sâu nhiều hơn so với tôi vào các lĩnh vực đạo đức học, mỹ học... Anh có chủ kiến riêng của mình trong các vấn đề, nhưng đúng là tính anh mềm mỏng, ít tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị - lý luận thường diễn ra ở Viện lúc này. Anh Lê Đức Thọ đánh giá cao anh Khiêu, nhưng cũng thấy nhược điểm này của anh nên chưa đồng ý. Một thời gian sau, khi tình hình ổn định, hoạt động của Viện được đẩy mạnh hơn, tôi lại nêu lại đề nghị bổ nhiệm anh Vũ Khiêu làm Viện phó và đã được anh đồng ý. Ở đây tôi thấy rõ việc sử dụng cán bộ của anh Thọ là xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, không định kiến với cán bộ.

Từ những năm 1960, Chính phủ ta ký Hiệp định với các nước xã hội chủ nghĩa, hồi đó hằng năm gửi con em cán bộ và nhân dân đi đào tạo công nhân kỹ thuật. Con gái đầu của anh Vũ Khiêu đăng ký xin tuyển đi đào tạo ở Bungari. Mọi thủ tục đã làm xong, đã nhận hộ chiếu. Nhưng hai ngày trước khi lên đường cùng đoàn thì nhận được thông báo là cháu sẽ ở lại, không đi nữa và yêu cầu trả lại hộ chiếu. Không ai nói rõ lý do, nhưng chúng tôi ngầm hiểu rằng quyết định này có liên quan đến sự đánh giá không đúng của ai đó đã ngộ nhận về bố của cháu. Tôi hình dung rõ sự đảo lộn, bi quan, hoang mang về tâm lý, tình cảm của cháu. Phải tìm cách giúp cháu thoát khỏi cảnh ngộ đáng thương này. Nhưng bằng cách nào, vì với lề lối, quy trình giải quyết những vấn đề loại này, thời gian hai ngày không đủ để trải qua các khâu cần thiết trước khi đến được người có thẩm quyền. Suy đi tính lại, tôi thấy chỉ còn cách là trình bày thẳng trường hợp này lên đồng chí Lê Đức Thọ là người thường dám quyết đoán trước sự việc như thế này. Tôi làm việc đó với ý thức trách nhiệm - đạo đức của mình đối với anh Vũ Khiêu và con gái anh ấy. Tôi trình bày với đồng chí Lê Đức Thọ thực trạng trên đây.

Đồng chí Lê Đức Thọ cho ý kiến tôi là thẳng thắn, thấu tình đạt lý, và kết quả đáng mừng là con gái anh Vũ Khiêu đã được nhận lại hộ chiếu và kịp lên đường đi Bungari cùng với các bạn.

Tôi chuyển ngành từ quân đội ra ngoài năm 1957, khi được Ban Bí thư điều về Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, lúc này được giao nhiệm vụ chuẩn bị để mở lớp học dài hạn về chủ nghĩa Mác - Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi vẫn nằm trong ngạch sĩ quan dự bị và vẫn có tình cảm sâu đậm với quân đội, nơi đào tạo, rèn luyện đầu tiên cho tôi có những phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và chuyển sang chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Bộ Quốc phòng đã có giấy gọi tôi trở lại quân đội. Khi nhận được tin báo, tôi coi đó là nghĩa vụ tự nhiên của mình, sẵn sàng lại một lần nữa lưng đeo ba lô, chân đi dép lốp lên đường. Nhưng khi Uỷ ban Khoa học xã hội báo cáo lên Ban Bí thư thì đồng chí Lê Đức Thọ cho ý kiến: Ban Bí thư sẽ bàn lại với Bộ Quốc phòng, tuy bên quân đội cần thêm cán bộ, nhưng có nhiều nguồn bổ sung khác, còn mặt trận khoa học hiện nay đội ngũ cán bộ còn thiếu nhiều, nguồn bổ sung lại hiếm, mặt trận khoa học nay mai còn cần phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng, không nên điều động đi số cán bộ hiện nay còn ít ỏi. Thế là tôi lại tiếp tục ở lại làm Viện trưởng Viện Triết học.

Cũng như sau đó, khi Hiệp định Pari đã được ký kết, tôi được Ban Thống nhất Trung ương gọi đi học lớp cán bộ chuẩn bị tăng cường cho mặt trận tư tưởng - văn hóa ở miền Nam. Nhưng khi học xong chờ nhận công tác lên đường thì lại có ý kiến của Ban Bí thư giữ lại. Đây không phải là một chính sách đối với cá nhân cán bộ, mà là một cách bố trí cán bộ có tầm nhìn xa; mặt trận khoa học - lý luận ngày càng quan trọng, có yêu cầu ngày càng cao, đội ngũ của chúng ta còn mỏng, sự trưởng thành của một cán bộ khoa học xã hội, cán bộ lý luận đòi hỏi nhiều công phu và thời gian, không nên xáo trộn, thay đổi công tác của họ một cách đơn giản. Một số kinh nghiệm, vấp váp của chúng ta sau này trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lý luận đã chứng minh điều đó.

Trong quá trình công tác ở Viện Triết học và Uỷ ban Khoa học xã hội, tôi có mấy lần được làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Đức Thọ, lần thì tôi xin được gặp để xin ý kiến, đề xuất kiến nghị, lần thì đồng chí Lê Đức Thọ cho gọi đến. Điều đồng chí Lê Đức Thọ thường xuyên khuyên, nhắc nhở tôi qua những lần gặp là phải luôn luôn bám sát thực tế, điều tra nghiên cứu thực tế, đưa hơi thở của cuộc sống vào lý luận, tránh giáo điều sách vở, lý luận suông. Đó là một lời căn dặn, nhắc nhở không bao giờ thừa và vẫn còn ý nghĩa thực tiễn nóng hổi đối với sinh hoạt lý luận của chúng ta hiện nay.

Cho đến nay, công tác lý luận của chúng ta vẫn lạc hậu hơn so với cuộc sống. Theo tôi, điều đó có một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa nhận diện đúng và đầy đủ về căn bệnh giáo điều để có quyết tâm và biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục nó.

Hai ấn tượng sâu đậm đọng lại trong tôi về đồng chí Lê Đức Thọ cho đến nay là lần được nghe đồng chí Lê Đức Thọ kể về những thu hoạch, cảm nhận nóng hổi của mình sau khi đi thăm cán bộ và chiến sĩ các đơn vị bộ đội chốt giữ các điểm ở biên giới phía Bắc, và lần đồng chí yêu cầu tôi phát biểu ý kiến riêng của mình với tư cách là người nghiên cứu về chế độ làm chủ tập thể. Một cách nói chuyện rất tâm tình, chia sẻ những cảm nhận và lắng nghe những ý kiến của cán bộ. Theo tôi đây là những phẩm chất rất đáng quý của đồng chí.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta trong một thời gian dài. Cống hiến to lớn của đồng chí không chỉ trong phạm vi công tác tổ chức - cán bộ, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong ngoại giao, quân sự.

Những điều tôi trình bày trên đây chỉ là những kỷ niệm của một cán bộ trung, cao cấp bình thường, đã có dịp được làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Đức Thọ về công việc mà mình được giao. Tuy vậy, qua những việc cụ thể này cũng có thể thấy được một số nét đáng trân trọng về con người, tính cách của đồng chí Lê Đức Thọ.

Trong một lần làm việc với các cán bộ sử học vào tháng 9-1988, đồng chí Trường Chinh có nói: "Việc phản ánh chân thực lịch sử là yêu cầu số một. Yêu cầu đó phải được bảo đảm khi viết về lịch sử của Đảng, cũng như về cuộc đời hoạt động của một cá nhân. Không tô hồng, thay thế sự thật lịch sử bằng giai thoại lịch sử, nhưng cũng không bôi đen, vẩy bùn nhơ lên lịch sử".

Để tỏ lòng kính mến đối với đồng chí Lê Đức Thọ, một chiến sĩ cộng sản thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng đã hy sinh suốt cuộc đời của mình vì lý tưởng cao cả, người cán bộ lãnh đạo trung kiên, xuất sắc đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, tôi xin viết đôi dòng về đồng chí.

*

*       *

Giới thiệu cho cán bộ, nhân dân một sự hiểu biết, đánh giá khách quan, công bằng về những đồng chí đã từng hiến dâng cả cuộc đời mình và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là việc làm cần thiết, đúng lúc. Đó cũng là những kinh nghiệm và bài học quý báu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay trong việc phấn đấu nâng cao trí tuệ và phẩm chất của mình.

Đó còn là nghĩa vụ tâm linh đối với những đồng chí đã đi xa, nghĩa vụ tình cảm, đạo đức đối với những người thân trong gia đình của những đồng chí đó đang cùng chúng ta nối tiếp sự nghiệp của cha anh.



* Nguyên: - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng,

                  - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận