Những kỷ niệm sâu sắc của tôi về đồng chí Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 03/11/2011 - 17:11

GS. Phạm Thành*

Tôi có vinh hạnh được tiếp xúc và gặp gỡ đồng chí Lê Đức Thọ nhiều lần. Tên anh từ rất sớm đã gợi cho tôi một thiện cảm đặc biệt. Có lẽ vì Đức Thọ chính là quê hương thân thiết của tôi là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Phải chăng có một mối liên hệ nào đó giữa người tôi khâm phục và địa phương nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Chính vì vậy những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc ấy đã để lại trong tôi  nhiều kỷ niệm sâu sắc.

LDT-ab6

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ cùng gia đình cụ Đạo trên đường

từ chiến khu Việt Bắc vào Nam Bộ

1. Lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Lê Đức Thọ là vào khoảng tháng 9 đến tháng 11-1946. Lúc đó, tôi được Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cử đi học một lớp huấn luyện cán bộ, đảng viên do Trung ương tổ chức lần đầu tiên ở Hà Đông cùng với ba đồng chí khác là Nguyễn Phồn, Thường vụ Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn và hai đồng chí nữa là Hà Xuân Trường và Lê Dỵ. Đây là lớp học đầu tiên của Đảng sau Cách mạng Tháng Tám do Trung ương tổ chức mà giảng viên toàn là cán bộ cao cấp của Đảng: đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng. Được học lớp này là một vinh dự rất lớn đối với tôi lúc đó là một đảng viên vừa mới được kết nạp vào Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ vừa là người phụ trách lớp học vừa là giảng viên phần xây dựng Đảng. Đồng chí đã giảng những điều rất lý thú và mới mẻ đối với tôi. Cho nên tôi cũng như nhiều anh chị em học viên khác đều chăm chú lắng nghe bài giảng của đồng chí Lê Đức Thọ, cũng như của các giảng viên khác. Tôi còn nhớ như in cho đến nay hai vấn đề cơ bản mà đồng chí Lê Đức Thọ trình bày đó là: Nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Tôi đã thu nhận đầy đủ những bài giảng của đồng chí Lê Đức Thọ về nguyên tắc xây dựng Đảng mà tôi đã truyền đạt lại rất có hiệu quả cho các học viên ở các lớp huấn luyện đảng viên và nhân sĩ trí thức ở tỉnh nhà sau đó. Chỉ riêng điều này cũng nói rõ sự chăm chú của tôi đối với bài giảng của đồng chí Lê Đức Thọ lúc đó đến mức nào.

Nhưng có một sự kiện thuộc lĩnh vực tư cách sinh hoạt của tôi lúc đó mà tôi luôn luôn nhớ mãi. Hồi ấy tôi còn thanh niên, hiếu động và có phần "nghịch ngợm" nữa. Số là giữa bài giảng của đồng chí Lê Đức Thọ, bỗng nhiên tôi phá lên cười, một tiếng cười hồn nhiên khi nhìn thấy một bạn học viên ở bàn trên có một động tác bất thường, nhưng có lẽ thầy Thọ tưởng rằng tôi gây cười không nghiêm túc trong học tập. Thầy bỗng nghiêm khắc chỉ tay về hướng tôi và nói to lên với một thái độ phê bình nghiêm khắc: "Đồng chí cười cái gì? Sao đang nghe giảng bài lại cười. Học hành thì phải nghiêm túc chứ!". Tôi cúi gằm mặt xuống không nói năng gì, nhưng từ đấy đã rút ra được một bài học đích đáng cho mình. Trong lúc học phải có thái độ nghiêm túc, chăm chú nghe giảng bài.

2. Từ lần gặp gỡ đầu tiên đồng chí Lê Đức Thọ đến lần gặp thứ hai là đúng 30 năm trời đằng đẵng: năm 1976, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu tình hình tại chỗ của một vùng mới trở về với Tổ quốc thân yêu sau hàng bao năm bị đế quốc hết Pháp đến Mỹ xâm chiếm. Để thực hiện yêu cầu tìm hiểu của mình, tôi đã xin gặp đồng chí Lê Đức Thọ từ sau giải phóng miền Nam Việt Nam là Phó ban đại diện Đảng và Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ lúc đó đồng chí ở tại một địa điểm gần hồ Con Rùa và Nhà thờ lớn của thành phố. Đồng chí đón tiếp tôi thân mật và dành cả gần một buổi sáng nói cho tôi nghe về tình hình miền Nam và nhất là tình hình Thành phố Hồ Chí Minh mới được giải phóng. Tôi có nhắc lại chuyện cũ cách lúc đó gần 30 năm. Đồng chí cười với một nụ cười vui vẻ và hồn nhiên, đầy tình thương yêu tha thiết đối với tôi. Sau khoảng hai giờ nói chuyện giữa tôi và đồng chí Lê Đức Thọ, tôi xin phép ra về để khỏi làm phiền đồng chí đang bận rộn trăm công nghìn việc. Với một tình cảm buồn vui lẫn lộn có thương yêu, có hối tiếc, có biết ơn, tôi đã làm một bài thơ tặng đồng chí Lê Đức Thọ ngay sau chuyến gặp gỡ này, bài thơ in ở phần sau sẽ nói lên điều đó.

3. Sau buổi làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với đồng chí. Nội dung của các cuộc tiếp xúc này chủ yếu là để bàn về một số vấn đề lý luận mà tôi đặc biệt quan tâm với tính cách là Tổng biên tập Nhà xuất bản Sự thật.

Có hai lần tiếp xúc đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất:

Lần thứ nhất tôi gặp đồng chí để tìm hiểu quan điểm của Đảng ta về chế độ làm chủ tập thể. Vấn đề do đồng chí Lê Duẩn đề xướng và để nhiều công sức tổng kết. Tôi đã trình bày rất dài với đồng chí Lê Đức Thọ về lý luận làm chủ tập thể mà tôi được phân công tham gia nghiên cứu về chủ đề này mà bản thân tôi cũng rất tâm đắc như nội dung và bản chất của chế độ làm chủ tập thể, cơ chế tổ chức của chế độ làm chủ tập thể, vai trò của các tổ chức và tầng lớp xã hội trong chế độ làm chủ tập thể, v.v.. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Thọ phát biểu hết sức ngắn gọn, nhưng đầy sức thuyết phục. Đồng chí nói đại ý, chúng ta cần nhớ rõ: làm chủ tập thể là một vấn đề mới của lý luận. Trong công tác nghiên cứu lý luận phải luôn gắn lý luận với thực tiễn. Lời chỉ dẫn của đồng chí Lê Đức Thọ ngắn gọn, tôi thấm thía rằng: thực tiễn rất sinh động, lý luận gắn với thực tiễn cũng rất sinh động. Muốn cho nhân dân làm chủ thì phải thông qua thực tiễn để tìm ra cơ chế để nhân dân làm chủ từ thấp lên cao, trong thời kỳ quá độ, không thể đốt cháy giai đoạn.

Lần thứ hai tôi đã gửi lên đồng chí Lê Đức Thọ một bản kiến nghị của tôi lên Trung ương về một số vấn đề về đường lối, chính sách. Trong bản kiến nghị này, tôi có một số nhận xét về các vấn đề kinh tế như quy luật giá trị, giá cả, cạnh tranh thị trường, v.v.. Có lẽ đồng chí Lê Đức Thọ đã xem kỹ bản kiến nghị của tôi, cho nên đồng chí đã trả lời tôi tuy vắn tắt nhưng rất rõ ràng. Đồng chí nói: "Tôi đã nhận được thư của anh. Những ý kiến góp ý của anh đúng thời gian qua những việc đó làm chưa tốt, cho nên tình hình còn có khó khăn. Hoan nghênh ý kiến của anh, sau này anh có ý kiến gì, anh cứ viết thư cho tôi. Chúc anh mạnh luôn.

Thân ái!

Thọ"

Phong cách của đồng chí Lê Đức Thọ như đã nêu ra ở đây đã động viên tôi rất nhiều. Từ lần trao đổi ý kiến bằng văn bản này, tôi đã thường xuyên nghiên cứu lý luận và trình bày lên cấp trên những vấn đề mà bản thân đã tâm đắc. Bức thư của đồng chí viết cho tôi là một bút tích quý hiếm. Bản thân tôi đã cất giữ cẩn thận bức thư này làm kỷ niệm từ mấy chục năm nay.

4. Nói đến ý kiến của đồng chí Lê Đức Thọ, về các vấn đề lý luận, tôi không thể không nhắc lại buổi làm việc của đồng chí với chúng tôi (đồng chí Trịnh Thúc Huỳnh, đồng chí Trần Đức Minh và tôi) thay mặt Nhà xuất bản góp ý kiến vào quyển sách Xây dựng Đảng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của đồng chí gồm một số bài nói và bài viết được chuyển cho Nhà xuất bản. Là cán bộ biên tập của Phòng Chính trị do đồng chí Huỳnh phụ trách, theo thủ tục của Nhà xuất bản, đồng chí Trần Đức Minh đã đọc kỹ bản thảo và nêu lên một loạt vấn đề xin ý kiến tác giả. Lúc đó đồng chí Thọ đang ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cho gọi cán bộ Nhà xuất bản vào làm việc. Sau khi đã đọc lại kỹ bản thảo của mình và đã nghiên cứu kỹ những kiến nghị của Nhà xuất bản, đồng chí nói với chúng tôi: "Tôi hoan nghênh ý kiến góp ý của Nhà xuất bản. Chỗ nào tôi đồng ý tôi đã ghi trong bản thảo. Tôi chỉ đề nghị Nhà xuất bản chú ý mấy điểm sau đây: các bản viết của tôi ứng vào các hoàn cảnh trước đây. Cho nên những điểm nào đã có tính lịch sử thì cứ để nguyên như cũ, biên tập chủ yếu nên chú trọng về quan điểm, lập trường và phải hết sức nhạy cảm về chính trị và phải chú trọng về mặt hình thức".

Lời chỉ bảo của đồng chí Lê Đức Thọ rất quý đối với chúng tôi, đã hướng dẫn chúng tôi trong việc biên tập bản thảo các sách của các đồng chí lãnh đạo mà chúng tôi có trách nhiệm xuất bản.

Sau những buổi làm việc, chúng tôi xin phép được chụp chung với đồng chí Thọ một tấm ảnh làm kỷ niệm. Đồng chí vui vẻ nhận lời. Thế là chúng tôi có được một tấm ảnh đẹp chụp chung ngay trước nhà nghỉ của Đảng ở T78, gồm bốn người là các đồng chí Lê Đức Thọ, tôi, Trịnh Thúc Huỳnh và Trần Đức Minh.

5. Trong các buổi tiếp xúc tập thể thì buổi đến thăm của đồng chí Lê Đức Thọ đến Nhà xuất bản Sự thật nhân dịp Nhà xuất bản kỷ niệm 40 năm thành lập, ngày 5-12-1985, là đáng ghi nhớ nhất.

Khác với nhiều cuộc đến thăm của cán bộ lãnh đạo với một tập thể cơ quan, đơn vị, đồng chí Lê Đức Thọ không trực tiếp nói chuyện ngay với cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản. Đồng chí bảo tôi triệu tập cán bộ lãnh đạo trong cơ quan đến họp trước với đồng chí. Trong cuộc họp này, đồng chí ngồi nói chuyện rất vui vẻ, thân mật với anh em, trao đổi ý kiến với anh em để nắm chắc tình hình của Nhà xuất bản và dặn dò anh em một cách thẳng thắn và thân tình về công việc cần làm của Nhà xuất bản. Sau khoảng vài tiếng đồng hồ làm việc như vậy, đồng chí Lê Đức Thọ mới ra hội trường lớn nói chuyện với anh em toàn thể cơ quan. Cách làm việc này tạo nên một không khí vừa thân mật, vừa nghiêm trang, vừa sâu sát. Trước đông đảo anh em của Nhà xuất bản, đồng chí biểu dương những thành tích 40 năm qua của Nhà xuất bản đồng thời cũng nghiêm khắc phê phán sai lầm đã phạm phải như có lần đã xuất bản sách không đúng theo chức năng của mình, có nguy cơ để lọt quan điểm không đúng quan điểm của Đảng. Đồng chí căn dặn Nhà xuất bản của Đảng phải phản ánh đường lối, chính sách của Đảng, phải bám sát cơ quan lãnh đạo và các cơ quan quản lý của Đảng và phải chọn được một đội ngũ cộng tác viên tốt. Anh em lắng nghe và ghi chép đầy đủ những ý kiến của đồng chí. Sự có mặt của đồng chí Lê Đức Thọ vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm của Nhà xuất bản Sự thật đã làm cho ngày kỷ niệm trở nên phong phú và bổ ích. Đối với tôi, một cán bộ đã làm việc ở Nhà xuất bản nhiều năm nhất, kể từ năm 1951, khi cơ quan còn ở chiến khu Việt Bắc thì đây là một kỷ niệm, đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất trong đời công tác của tôi. Những tấm hình chụp được trong ngày này với đồng chí Thọ và anh em cơ quan là những vật kỷ niệm quý báu nhất còn lưu lại mãi trong tập sách ảnh của tôi.

6. Để nói hết kỷ niệm sâu sắc của tôi về đồng chí Lê Đức Thọ, tôi xin ghi lại dưới đây bài thơ của tôi đề tặng đồng chí. Bài thơ nói về buổi tiễn đưa lưu luyến giữa tôi với đồng chí Thọ ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976. Đồng chí là người đã được Bộ Chính trị giao cho trách nhiệm nặng nề là đại diện Bộ Chính trị trong hai sứ mệnh có ý nghĩa lịch sử không bao giờ phai mờ không chỉ trong tâm khảm cá nhân: đồng chí đã đại diện Bộ Chính trị cùng Bộ trưởng Xuân Thuỷ lãnh đạo Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Pari những năm 1968-1973; sau đó, đồng chí lại được Bộ Chính trị cử vào miền Nam để cùng các đồng chí Bộ Chính trị đã có mặt trong đó chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

*

*       *

BUỔI TIỄN ĐƯA ĐẦY LƯU LUYẾN

Kính tặng anh LÊ ĐỨC THỌ

Anh tiễn tôi ra cửa,

Mái tóc anh tuyết trắng phau!

Tôi ngập ngừng một lúc sau:

"Thưa anh, đã bao tuổi?".

Anh nhìn tôi trìu mến,

Ôi! cái nhìn của một người anh.

Một người anh luôn luôn đứng ở đầu trận tuyến,

Của mẹ hiền, Tổ quốc Việt Nam.

Một người anh "trung hiếu" vẹn toàn với giang san,

Với Tổ quốc, với quần chúng lầm than.

Một người anh theo chân Bác,

Trọn đời vì nước vì dân.

"Tôi sáu nhăm",

Tiếng anh nói tan đi trong giọng cười giòn giã.

Tôi trầm ngâm.

"Đã ba mươi năm.

Nhanh quá nhỉ!

Mới ngày nào,

Hỡi thời gian với chiều sâu... và chiều cao.

Hay phía trước và đằng sau!

Sao mà chóng thế!"

Nụ cười anh, vẫn nụ cười sau chiến thắng ở Pari.

"Hồi Pari căng lắm". Rồi anh nhỏ nhẹ:

"Còn đi chiến dịch thật ung dung".

Ừ! Ung dung thật, anh nhỉ,

Ung dung trong những bài thơ lạc quan, tươi trẻ.

"Nhưng giờ đây,

Sao mà căng thế,

Nào phá âm mưu kẻ thù,

Nào xây dựng chính trị,

Nào quét văn hoá đồi trụy của thực dân,

Nào phục hồi kinh tế, nhất là kinh tế.

Từng ngày... từng giờ... không dễ,

Phải đắn đo, suy nghĩ".

Căng thế, nhưng vẫn nụ cười rạng rỡ đầy lạc quan,

Trong những giờ phức tạp khó khăn,

Ở Hội nghị Pari lịch sử.

"Tôi còn làm việc nhiều lắm được dăm năm".

Tôi nghĩ thầm:

"Còn ít thế, sao anh?

Đâu có lẽ".

Giọng anh đằm thắm, lời anh thiết tha.

Và thoáng qua,

Có nét buồn trong câu nói đùa ý nhị.

Anh chìa bàn tay thân thiết:

"Anh đi bộ hay đi xe?"

"Tôi ở phố Hàm Nghi gần nên đi bộ",

"Thôi anh về nhé!".

Nắm bàn tay anh

Sao mà ấm thế

Một niềm tin và cả một tình thương.

Tràn trề...

Tâm hồn và cả... mắt tôi.

"Còn ít thế sao anh? Đâu có lẽ".

Tôi ngoảnh mặt nhanh ra về,

Đôi mắt nhòa lệ.



* Nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Sự thật, nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả