Những kỷ niệm thân yêu của tôi
Quê tôi ở làng Tảo Môn, huyện Lý Nhân, cách thành phố Nam Định một giờ đi bộ. Khi đã lớn, tôi đọc báo được biết những vụ xử án những người cộng sản và Quốc dân Đảng, chuyện Nguyễn Thái Học tàng hình. Năm 1930, nghe tin đồn về việc cộng sản treo cờ đỏ ở giữa dây điện bắc qua sông bến đò Tân Đệ.
Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp,
Hoàng Quốc Việt,Lê Văn Lương tại chiến khu Việt Bắc năm 1947
Năm 1935, ở xóm tôi có hai người cộng sản làm công nhân ở mỏ Cẩm Phả, tham gia bãi công, bị tù ba năm. Hết hạn tù, hai anh bị quản thúc ở làng. Một anh hàng xóm nói với tôi: thằng Tỉnh, thằng Thân nói chuyện cộng sản rất hay. Hai anh nhiều lần nhờ tôi viết đơn bằng tiếng Pháp gửi Công sứ Hà Nam xin việc làm, nhưng không được trả lời. Trong lúc nhàn rỗi, Tỉnh thường qua nhà tôi nói chuyện về Đảng Cộng sản, Quốc dân Đảng, Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Quốc tế và nhiều vấn đề khác. Các anh cho biết Trần Văn Lan, Uỷ viên Trung ương năm 1930, Trần Quang Tặng, Xứ uỷ viên lâm thời năm 1931, người làng Hữu Bị bên kia sông Châu, đã vận động tổ chức một nhóm phản đế ở làng tôi. Sau khi hai anh này bị bắt, nhóm này không hoạt động nữa, Tỉnh và Thân chưa chủ động lập ra tổ chức mới.
Cuối năm 1936, Trần Hữu Lợi ở Nhà tù Côn Đảo được "ân xá" về làng, Tỉnh giới thiệu tôi với Lợi. Qua nhiều lần nói chuyện, Lời giới thiệu tôi với Đặng Hữu Rạng (sau này đổi tên là Việt Châu và Trần Bảo) thường gọi là Năm Hoạt. Sau này tôi mới biết anh thứ nhất là Bí thư Tỉnh uỷ, anh thứ hai là Tỉnh uỷ viên Nam Định.
Hai anh bảo tôi muốn hoạt động cách mạng cần phải tìm được việc làm ở thành phố. Nhờ một nhà giáo giới thiệu, tôi được nhận làm giáo viên Trường tiểu học tư Minh Tân, ít lâu sau làm công ở nhà máy Dệt rồi dạy các lớp tiểu học kiêm thư ký ở Trường trung học tư Collégium Paul Doumer. Tôi vừa tiếp tục học thêm và được giới thiệu với Nguyễn Duy Tri tức Hải, thay Đặng Việt Châu, làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Bí thư Khu uỷ C đến cùng ở với tôi ở phố Harmand. Tri giao cho tôi viết và in truyền đơn, áp phích, đi diễn thuyết, lãnh đạo nhóm thanh niên dân chủ của thành phố, phần đông là học sinh Trường Thành Chung, trong số đó có Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch). Từ năm 1937 đến tháng 9-1939, thỉnh thoảng tôi đến hiệu sách "Phan Khải" của Phan Đình Khải ở phố Hàng Thao mua sách, báo do Đảng phát hành. Phan Đình Khải sau này là Lê Đức Thọ, lúc ấy được phân công hoạt động công khai nhân danh cựu chính trị phạm, đồng thời tham gia một số công tác bí mật. Những lần gặp nhau, Khải nói với tôi về những vấn đề chính trị mới xảy ra, thủ đoạn của bọn đế quốc, bọn mật thám, khuyên tôi không nên tiếp xúc nhiều với những đồng chí hoạt động công khai như Đặng Châu Tuệ, Bùi Xuân Mẫn, hai anh này đang chuẩn bị xin phép xuất bản một tờ báo đặt tên là Việt Nam thông chí, nhưng bị Pháp bác bỏ. Ngoài công tác với nhóm thanh niên, tôi nhiều lần làm việc với Ngô Quỳnh (Ngọc Du), Tỉnh uỷ viên bí mật, Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ) đã là đảng viên, tiếp xúc với tôi cho xem báo bí mật và cùng với Quỳnh giới thiệu tôi với Trọng (Nguyễn Văn Dương), người thay Tri làm Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định kiêm Bí thư Khu uỷ C, chuẩn bị kết nạp tôi vào Đảng. Đúng ngày hẹn gặp Bí thư Tỉnh uỷ để làm thủ tục vào Đảng, thì trước giờ hẹn, Nguyễn Văn Khương (Song Hào) và Đống bị bọn mật thám bắt cùng với Trọng và vợ là Sửu. Một người trong tổ chức vội vã đến báo cho tôi lúc ấy đang ở chung với mấy giáo viên tại gác nhà in Lạc Vân, phố Hàng Tiện, không nên đến Nam Đồng (Maurice Long) vì bọn mật thám vẫn bí mật rình ở đó. Sau tháng 9-1939, Thanh niên dân chủ đổi tên thành Thanh niên phản đế. Tôi vẫn phụ trách tổ chức này cho đến tháng 5-1940 thì bị bắt.
Do sự phản bội của Trọng và Tri, gần như toàn bộ các tổ chức cách mạng của bốn tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình bị phá vỡ, trên 500 người bị bắt, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình - Ngô Duy Phởn bị địch đánh chết vì anh nhất định không khai ra những điều bí mật của cách mạng.
Tra tấn, hỏi cung những người hoạt động bí mật, địch phát hiện những hoạt động không công khai của những người hoạt động công khai, Phan Đình Khải, Đặng Xuân Thiều cùng một số đồng chí khác, bị bắt từ tháng 9 năm 1939, đã bị kết án hoặc không bị kết án đang ở nhà tù Hỏa Lò, lại phải đưa về Sở Mật thám Nam Định để hỏi cung thêm và đối chất. Phan Đình Khải bị tra tấn rất dã man, vẫn không khai về hoạt động bí mật của mình. Sau một lần bị đánh đau trả về buồng giam, trông thấy tôi trong lỗ cửa một buồng khác, anh nói nhỏ: "Phải dũng cảm, khai thì chết bỏ mẹ đấy". Khải, Quỳnh là những đồng chí sắt đá, không khai những điều nguy hiểm.
Ba anh em Khải, Dinh (Đinh Đức Thiện), Đống (Mai Chí Thọ) và một số đồng chí cùng làng Địch Lễ bị vào tù. Vụ án kéo dài 13 tháng. Mọi người đều bị tra khảo rất độc ác. Nhiều người giữ vững được tinh thần. Căn cứ vào những lời khai của Trọng và Tri, 57 người bị kết án từ 5 năm đến chung thân khổ sai, lên Tòa án thượng thẩm ở Hà Nội, Dinh và một số đồng chí khác trắng án. Số bị kết án cả cũ lẫn mới đều bị đày đi Sơn La.
Trong thời gian ở Nhà tù Nam Định, những người tù chúng tôi tổ chức một cuộc sống có trật tự với tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ danh dự của những người cách mạng. Những người tù chưa thành án, mỗi tuần được nhận quà của gia đình qua tay bọn lính gác. Những người có quà góp lại chia đều cho mọi người. Anh em Khải là những người nhận được nhiều quà gia đình hơn nhiều người khác.
Chúng tôi tổ chức việc học chính trị, lý luận bằng những hình thức linh hoạt từng nhóm nhỏ hoặc nói chuyện giữa hai người, Khải rất cần mẫn giúp đỡ lớp trẻ chúng tôi. Năm 1944, Khải hết hạn tù 5 năm, trở về hoạt động.
Tháng 3-1945, tất cả tù chính trị ở Nhà tù Sơn La, trừ nhóm thân Nhật, qua thương lượng với viên Công sứ đòi họ tha chúng tôi. Chúng tôi để lại trên mười người giúp họ tổ chức chống Nhật hoặc dẫn đường cho họ chạy. Được giải thoát, tôi về Bắc Ninh, được tham gia Tỉnh uỷ. Mấy tháng sau, được gọi về giúp việc Trung ương, tham gia Ban chỉ huy đội công tác, phụ trách Khu an toàn ở ngoại thành Hà Nội (nơi ở chính của các đồng chí Trung ương). Tôi lại gặp Khải, nhưng đã đổi tên là Thọ, là Uỷ viên Trung ương Đảng và là người phụ trách trực tiếp đội công tác chúng tôi, phần lớn là những người mới ở tù Sơn La về. Thường xuyên ở Xù, Gạ (xã Phú Thượng ngày nay), chỉ có Trường Chinh, Lê Đức Thọ. Còn Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ phái đi công tác một thời gian ở Trung Quốc. Nguyễn Lương Bằng đi công tác luôn ở nhiều nơi để chắp nối các đồng chí cũ và làm công tác tài chính của Đảng và Việt Minh, thường ký tên vào tín phiếu là Triệu Vân, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thọ rất yêu quý tôi vì là bạn cũ, song rất nghiêm khắc trong công tác, nhất là công tác bí mật mà anh có nhiều kinh nghiệm.
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tôi được điều đi công tác ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Liên khu 3.
Năm 1948, tôi lại được gọi về công tác ở Trung ương lúc này ở Định Hóa - Thái Nguyên, được phân công làm Phó Trưởng Ban Đảng vụ, dưới quyền Trưởng ban Lê Đức Thọ. Tình cảm giữa hai chúng tôi vẫn như xưa, dù anh đã được làm Uỷ viên Thường vụ Trung ương tại Hội nghị Tân Trào. Cả Ban chỉ có năm người ở trong đình bản Bắc, xã Bình Thành, huyện Định Hóa.
Sau giờ làm việc buổi chiều, anh và tôi thường ra khu rừng thoáng đãng trao đổi với nhau về mọi chuyện, kể cả chuyện riêng tư.
Mùa hè năm 1948, tôi tiễn anh đến làng Đục Khê, huyện Mỹ Đức, gần Chùa Hương để vào Nam công tác.
Sau này, từ năm 1954 đến năm 1986, chúng tôi lại công tác bên nhau, tuy cách nhau về cấp bậc. Mỗi khi gặp nhau, sau công việc, lại quay sang xưng hô mày tao, nói chuyện riêng tư.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực