Những nữ lãnh đạo và quản lý nổi tiếng trên thế giới (Phần II: Lĩnh vực truyền thông, công nghệ và lĩnh vực xã hội - giáo dục)

Ngày đăng: 20/10/2014 - 07:10

Nói đến những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, người ta thường nghĩ ngay đến bảng xếp hạng của Forbes - một trong những tạp chí kinh tế uy tín nhất thế giới. Tính đến năm 2013, bản danh sách uy tín của Forbes về 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã bước sang năm thứ 10. Danh sách này xếp hạng các ứng viên dựa trên các tiêu chí về độ giàu có, sự xuất hiện trên truyền thông và tác động của họ với công chúng. Họ đại diện cho phụ nữ trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị, kinh doanh, truyền thông, giải trí và tổ chức phi chính phủ. Có thể nói, danh sách này được xây dựng dựa trên cả quyền lực chính thức lẫn quyền lực không chính thức và dựa vào khả năng thay đổi thế giới của những người phụ nữ này.sheryl sandberg facebook

Sheryl Kara Sandberg (Facebook)

Dưới đây sẽ giới thiệu sơ lược về một số gương mặt tiêu biểu của bản danh sách này qua tham khảo danh sách năm 2011, 2013 (có tham khảo danh sách các phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo đánh giá của hai tạp chí nổi tiếng thế giới khác là The Guardian và Fortune). Những đại diện này được phân chia theo các lĩnh vực: chính trị, kinh doanh, công nghệ, truyền thông và xã hội, giáo dục (không nhất thiết lấy những người ở vị trí cao nhất mà chủ yếu là những người mang tính đại diện cho những lĩnh vực được lựa chọn)[1].

1. Lĩnh vực truyền thông, công nghệ

* Sheryl Kara Sandberg (Facebook)

Sheryl Kara Sandberg (sinh ngày 28-8-1969). Mặc dù cuốn sách Lean In: Women, Work and the Will to Lead (tạm dịch: Hãy tự lực: Phụ nữ, công việc và ý chí dẫn đầu) của bà thuộc hàng bán chạy, nhưng thành công lớn nhất của Sandberg lại nằm ở Facebook.

Là Giám đốc hoạt động của Facebook từ năm 2008, bà quản lý rất nhiều lĩnh vực từ hoạt động kinh doanh cho đến chính sách cộng đồng. 

Sheryl tốt nghiệp thuộc top đầu Khoa Kinh tế học tại Đại học Harvard. Ở tuổi 25, bà làm việc cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) dưới sự dẫn dắt của Larry Summers - Bộ trưởng Tài chính Mỹ sau này. Sau đó, bà quay lại Harvard học MBA và lấy bằng năm 1995.

Trước đó, Sheryl là Phó Chủ tịch mảng bán hàng toàn cầu của Google và cũng từng làm việc trong Bộ Tài chính Mỹ.

Trong bản danh sách năm 2013 của Forbes, Sandberg đứng ở vị trí thứ 6.

* Susan Wojcicki (Google)

Susan Wojcicki 46 tuổi, một nữ doanh nhân và là người từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch cấp cao về thương mại điện tử ở Google đã chính thức được công ty này bổ nhiệm vị trí CEO của Youtube. Youtube là một trong những thương vụ mua lại thành công nhất của Google. Google thâu tóm trang video này với giá 1,65 tỉ USD hồi năm 2006. Và giờ Youtube có doanh thu đạt khoảng 5,6 tỉ USD, phục vụ vài tỉ lượt xem video mỗi ngày.

google 10-10

Susan Wojcicki (Google)

Susan là một trong những người có thâm niên làm việc lâu năm nhất ở Google. Bà công tác ở công ty này từ 16 năm nay và một điểm thú vị là gara nhà Susan chính là nơi Sergey Brin và Larry Page, hai người sáng lập, thuê mặt bằng để khởi nghiệp nên Google.

Bà được tạp chí quảng cáo Adweek bình chọn vị trí số 1 trong top 50 lãnh đạo công nghệ phụ trách marketing, quảng cáo, xây dựng nội dung hàng đầu năm 2013. Wojcicki là người có công lớn trong doanh thu quảng cáo khoảng hơn 50 tỉ USD năm 2013 của Google.

Mặc dù ít được giới truyền thông nhắc đến nhưng Phó Chủ tịch cấp cao Susan Wojcicki lại là người có những đóng góp thầm lặng song vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Google. Susan Wojcicki đã từng được Tạp chí Forbes nhắc đến với cụm từ là “người Google quan trọng nhất bạn chưa từng nghe tới”.

Ban đầu, Susan Wojcicki tham gia Google với vai trò quản lý hoạt động tiếp thị và nay thì trở thành một trong số 12 Phó Chủ tịch cấp cao của hãng. Tầm quan trọng của Wojcicki trong bộ máy Google được minh chứng rõ ràng nhất bằng thực tế là mảng kinh doanh quảng cáo do bà giám sát đem về tới 96% doanh thu của Google trong năm 2010.

Trong suốt 14 năm làm việc tại Google, Wojcicki là tác giả của nhiều sáng kiến quan trọng. Ví dụ như ý tưởng về Google Doodle. Doodle là hình ảnh hoặc video thay thế cho logo cổ điển của Google trên trang tìm kiếm. Mỗi Doodle là một biến tấu dựa trên thông điệp mà Google muốn truyền tải tới người sử dụng, để kỷ niệm một ngày đặc biệt hoặc một sự kiện... Google Doodle thu hút được rất nhiều sự chú ý. Nó không chỉ góp phần “phổ cập” kiến thức một cách cực kỳ độc đáo mà còn tạo cho người dùng thói quen mong chờ các Google Doodle để “xem hôm nay có gì mới”.

Ngoài ra, sáng kiến đột phá nhất của Susan Wojcicki tại Google phải kể đến là AdSense - một trong những chương trình quảng cáo nổi tiếng và phổ biến nhất trên mạng Internet hiện nay. AdSense đã tạo cơ hội cho hàng ngàn website và blog kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo của Google. Năm 2010, AdSense là nguồn phát sinh hơn 6 tỷ USD doanh thu quảng cáo trên Internet, thu hút hơn 1 triệu website và blog tham gia treo quảng cáo của Google. Đây là nguồn doanh thu lớn thứ 2 của hãng (chỉ đứng sau mảng quảng cáo trên trang tìm kiếm Google Search).

* Marrissa Ann Mayer (Yahoo)

Marissa Ann Mayer (sinh ngày 30-5-1975) là Chủ tịch và Tổng Giám đốc tại Yahoo. Trước đó, bà là Phó Giám đốc tìm kiếm sản phẩm và kinh nghiệm tiêu dùng tại công ty Google. Nhiệm vụ của bà là theo dõi quá trình phát hành sản phẩm mới, quyết định xem khi nào và cho phép sản phẩm nào của Google được phát hành. Bà đã trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng nhất Google. Ngoài việc có những bài phỏng vấn từng được xuất bản, Mayer còn thường xuyên xuất hiện tại các buổi phát biểu với tư cách là đại diện cho công ty.

Marrissa Ann Mayer (Yahoo)

Bà nhận bằng cử nhân khoa học tại Symbolic Systems và bằng thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford. Mayer là kỹ sư nữ đầu tiên được nhận vào làm việc tại Google và là một trong 20 nhân viên đầu tiên gia nhập Google vào đầu năm 1999.

Marissa Ann Mayer hiện tại là người phụ nữ quyền lực nhất nhì giới công nghệ khi trở thành CEO của Yahoo.

Marissa Ann Mayer đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm nổi tiếng của Google như: Google Chrome, Google Search, Gmail. Bà làm việc ở Google trong suốt 13 năm trước khi chuyển sang làm CEO Yahoo vào năm 2012.

* Jill Abramson (Tổng Biên tập New YorkTimes)

Jill Abramson không chỉ là Tổng Biên tập của một trong những tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới - New York Times, mà còn là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này trong suốt lịch sử 160 năm của tờ báo.

Việc bổ nhiệm bà Abramson được xem như một bước ngoặt đối với phụ nữ trong lĩnh vực quản lý báo chí cấp cao nhất, một vị trí phần lớn do nam giới thống trị. Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tina Brown, một gương mặt quan trọng trong giới truyền thông New York, cựu Tổng Biên tập của tờ New Yorker và nay là Tổng Biên tập trang tin điện tử Daily Beast, đã coi đó là “một thắng lợi của phụ nữ trong truyền thông”.

Bà Abramson làm việc cho New York Times kể từ năm 1997 với tư cách một phóng viên điều tra và Trưởng Văn phòng đại diện tại Washington. Người tiền nhiệm của bà, ông Bill Keller, rời khỏi vị trí Tổng Biên tập sau 8 năm đầy biến động. Ông đã đưa New York Times vượt qua không ít khó khăn, nhưng không thành công khi đứng trước thách thức của thời đại kỹ thuật số dẫn đến tình trạng giảm sút doanh thu và cắt giảm nhân sự tòa soạn.

Tân Tổng Biên tập New York Times “thừa hưởng” những thách thức chưa được giải quyết, đồng thời cũng nắm “vũ khí” kỹ thuật số hùng mạnh và không ngừng phát triển của tờ báo hàng đầu thế giới: 46 triệu người dùng trong một tháng, trong đó 33 triệu ở Mỹ (theo số liệu khảo sát mới nhất của Comscore).

Bà lấy bằng cử nhân loại xuất sắc năm 1976, chuyên ngành lịch sử tại trường Đại học Harvard.

Năm 2013, Abramson được Forbes xếp thứ 19 trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

2. Lĩnh vực xã hội, giáo dục

* Melinda Gates (Đồng Chủ tịch Quỹ Bill và Melinda Gates)

Melinda Gates (tên thiếu nữ là Melinda French, vợ của Bill Gates, sinh ngày 15-8-1964) là nhân viên cũ của công ty Microsoft với chức danh người quản lý đơn vị sản phẩm của Microsoft Publisher, Microsoft Bob, Microsoft Encarta, và Expedia. Năm 1994, cô lấy Bill Gates - người sáng lập, chủ tịch và kiến trúc sư phần mềm đứng đầu Microsoft.

Melinda Gates và Bill Gates

Melinda sinh ra và lớn lên tại Dallas, Texas. Bà nhận bằng cử nhân văn chương trường Duke năm 1987, và phục vụ như một thành viên của ban quản trị trường Duke giai đoạn 1996 - 2003. Hiện tại bà đang tham dự nhóm Bilderberg và giữ một ghế trong ủy ban của The Washington Post.

Cùng với chồng của mình, Melinda sáng lập ra Quỹ Bill & Melinda Gates, một tổ chức từ thiện đã đóng góp tới 24 tỷ USD cho cứu tế. Trong tháng 12-2005, bà cùng với chồng và nghệ sĩ Bono được đề cử “Nhân vật của năm” do Báo Time tổ chức. Theo Tạp chí Forbes, bà là một trong 10 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới (Năm 2013, bà đứng ở vị trí thứ 3, chỉ sau hai nữ chính trị gia đứng đầu hai quốc gia lớn là Đức và Braxin). Mục tiêu hàng đầu hiện nay của Quỹ Bill và Melinda Gates là xóa bỏ nạn bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2018 và giúp thêm 120 triệu phụ nữ tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại trước năm 2020.

* Helen Elizabeth Clark (Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP)

Helen Elizabeth Clark (sinh ngày 26-2-1950) là một chính trị gia Niu Dilân, từng là Thủ tướng Chính phủ lần thứ 37 của Niu Dilân và phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp 1999 - 2008. Bà là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào chức vụ này trong một cuộc tổng tuyển cử, và là người thứ năm phục vụ dài nhất ở chức vụ đó. Dưới sự lãnh đạo của bà, Niu Dilân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho gia đình và người già. Bà từng là giáo sư giảng dạy tại Khoa Khoa học chính trị, Trường đại học Tổng hợp Auckland.

Bà trở thành Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc kể từ tháng 4-2009 và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này - chức vụ cao thứ ba tại Liên hợp quốc.

Năm 2013, bà được Forbes xếp thứ 21 trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

* Margaret Chan (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới)

Trần Phùng Phú Trân (Fung Fu-chun) (tên tiếng Anh là
Margaret Chan), sinh năm 1947 tại Hồng Kông là Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trước đó, bà từng là Cục trưởng Cục Y tế Hồng Kông (1994 - 2003), đại diện của Tổng Giám đốc WHO phụ trách về cúm gia cầm và trước khi được bầu làm Tổng Giám đốc, bà là Trợ lý Tổng Giám đốc về các bệnh truyền nhiễm.

* Christine Madeleine Odette Lagarde (IMF)

Christine Madeleine Odette Lagarde (nhũ danh Lallouette sinh ngày 1-1-1956) là Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Việc làm của Pháp và là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong các nước G8. Bà còn là cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại dưới thời Thủ tướng Dominique de Villepin và cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thời Thủ tướng François Fillon. Cuối tháng 6-2011, bà trúng cử Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ 5-7-2011.

Khi là Bộ trưởng Tài chính Pháp, Christine Madeleine Odette Lagarde đã nỗ lực theo đuổi không mệt mỏi những cải cách kinh tế thông minh và táo bạo. Trước khi bước vào lĩnh vực chính trị, từ năm 2004, Lagarde đã là Tổng Giám đốc điều hành của Baker & McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới lúc đó.

Ngày 16-11-2009, The Financial Times bình chọn bà là Bộ trưởng Tài chính tốt nhất của Eurozone. Ngày 28-6-2011, bà được chỉ định làm Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế thay thế cho Dominique Strauss-Kahn.

Là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo thể chế tài chính quốc tế có thành viên là 188 quốc gia, bà Lagarde dành phần lớn 2 năm đầu nắm giữ vị trí Giám đốc IMF và nỗ lực đóng góp cho cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, kêu gọi các nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng tiến tới sự tăng trưởng ổn định.

Trong bản danh sách Forbes năm 2013, Lagarde chiếm vị trí thứ 7.

* Catherine Drew Gilpin Faust (Hiệu trưởng trường Đại học Harvard)

Bà sinh ngày 18-9-1947.

Sau một thời gian dài tìm kiếm và rất nhiều vòng bỏ phiếu, cuối cùng Đại học Harvard danh tiếng thế giới đã chính thức bổ nhiệm Drew Gilpin Faust làm nữ Chủ tịch đầu tiên. Ngày bà Catherine Drew Gilpin Faust chính thức trở thành hiệu trưởng thứ 28 của Trường đại học Harvard (11-2-2007) là một ngày trọng đại mà “người Harvard” không thể quên. Bảy thành viên trong Hội đồng quản trị đã thống nhất chọn bà Faust - nhà sử học tài ba của miền Nam nước Mỹ kiêm Viện trưởng Viện Cao học Radcliffe, là Chủ tịch thứ 28 của Harvard.

Catherine Drew Gilpin Faust (Hiệu trưởng trường Đại học Harvard)

Đây được coi là một sự kiện lớn không chỉ với Harvard mà còn với toàn thể người dân Mỹ bởi trong một thời gian rất dài, chưa có một phụ nữ nào bước lên ngôi vị cao nhất của Harvard. Bà Faust được kỳ vọng sẽ là người kế nhiệm thành công cựu Chủ tịch Lawrence Summers, người đã buộc phải từ chức sau hàng loạt mâu thuẫn nặng nề với giới học giả xuất phát từ một câu nói xem thường khả năng nghiên cứu khoa học của nữ giới.

Faust cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Harvard không tốt nghiệp tại trường này kể từ nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Charles Chauncy kết thúc năm 1672. Chauncy từng học tập tại Đại học Cambridge (Anh) còn bà Faust là cựu sinh viên của Trường cao đẳng Bryn Mawr và Đại học Pennsylvania.

Nói về tân Chủ tịch Harvard, James R. Houghton - người đứng đầu Ủy ban bỏ phiếu cho biết: “Drew Faust là một nhà lãnh đạo tài năng, một học giả xuất chúng, một giảng viên tận tụy và là một con người tuyệt vời”.

*
*     *

Việc có thể “điểm mặt” một số ít nhà nữ lãnh đạo trên thế giới như trên cũng cho thấy (ngoài minh chứng hùng hồn là phụ nữ cũng có thể làm lãnh đạo, quản lý ở cấp cao không thua kém gì nam giới) rằng số lượng những phụ nữ như vậy còn quá ít ỏi, và chúng ta vẫn còn nhiều việc nữa để làm, nhiều điều nữa để mong muốn cho đến khi bình đẳng giới nói chung và trong lĩnh vực quản lý nói riêng có thể được đạt tới.

TS. Nguyễn Thị Vân Hạnh

Trích trong cuốn "Phụ nữ và quản lý",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 9-2014

 


1. Nguồn thông tin về các nhân vật này chủ yếu được lấy từ trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt và một vài trang tạp chí khác.    

 

 

Bình luận