Những ấn tượng về anh Sáu Thọ

Ngày đăng: 20/10/2011 - 14:10

Võ Quang Anh*

Đồng chí Phan Đình Khải cùng ở tù với tôi tại Nhà tù Sơn La gần hai năm (1942 - 1943) nhưng rất ít gặp nhau, vì đồng chí Khải được đưa đi làm công việc biệt lập chỉ tối mới về ngủ trong trại giam. Sau đó tôi và anh em tù chính trị án nặng trên 10 năm khổ sai đều bị Pháp đưa đày ra Côn Đảo. Mãi đến gần cuối năm 1949, tôi được Đảng báo tin có Phái đoàn Trung ương vào Nam Bộ do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng đoàn, mà đồng chí Thọ chính là đồng chí Phan Đình Khải.

aLDT-9a

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ trong rừng Khe Cóc (Quảng Trị)

trên đường từ chiến khu Việt  Bắc vào  Nam Bộ (Đồng chí Lê Đức  Thọ - người đứng giữa)

Chúng tôi, những cán bộ ở Khu 9 Nam Bộ rất háo hức mong đoàn xuống cái chiến khu ở tận cùng đất nước này. Kể từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, sau khi đồng chí Hoàng Quốc Việt, đại diện của Trung ương vào công tác ở Nam Bộ trở về Bắc, thì Khu uỷ, Quân khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chưa được đón tiếp một phái viên nào của Trung ương và Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Thế mà lần này, trong Phái đoàn Trung ương còn có một thiếu tướng làm Phái viên của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh là đồng chí Dương Quốc Chính (tức Phường) cũng là bạn tù cũ của chúng tôi ở Sơn La.

Háo hức sắp được gặp bạn tù cũ sau bao năm xa cách một phần, nhưng phần chính là mừng sẽ được đón những tin mới nhất từ Trung ương Đảng, Chính phủ và từ Bác Hồ kính yêu. Đồng thời tin rằng sẽ được giải đáp những thắc mắc có ở chúng tôi, trong quá trình thực thi chỉ thị, nghị quyết của Trung ương những năm qua.

Món quà mà tôi đón được đầu tiên là "Bài phát biểu của đồng chí Lê Đức Thọ ở Hội nghị Xứ uỷ tháng 9-1949" tại Đồng Tháp Mười. Đọc bài phát biểu ấy, tôi sáng tỏ thêm nhiều vấn đề của Nghị quyết Trung ương nói về giai đoạn chiến lược "Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang Tổng phản công" với phương châm chiến lược "vẫn lấy du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ, tập dượt đánh vận động khi điều kiện cho phép". Điều quan trọng khác là bài phát biểu của đồng chí Thọ đã nhấn mạnh, lực lượng vũ trang Nam Bộ phải ráo riết thực hiện những nhiệm vụ thiết yếu trước mắt để phối hợp với chiến trường chính tạo thế mới, lực mới nhằm làm chuyển biến thực sự giai đoạn tích cực cầm cự và làm tốt công việc chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Đồng chí nhắc nhở: Tích cực cầm cự trên cả chiến trường toàn quốc. Đặc biệt ở Nam Bộ, càng phải đẩy mạnh du kích chiến hơn nữa, phối hợp chặt chẽ ngày càng hiệu quả hơn giữa tác chiến phá hoại và địch ngụy vận; luồn sâu vào hoạt động ở vùng địch hậu, phá tan âm mưu của đế quốc Pháp "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", nhất quyết ta không để cho địch tự do vơ vét người và của ở Nam Bộ tập trung ra đánh chiến trường chính.

Trước đó, hồi đầu năm 1949 ở Hội nghị Quân sự Nam Bộ và hồi tháng 3 ở Hội nghị Quân sự Quân khu 9, chúng tôi đã nghiên cứu, thảo luận và mổ xẻ tương đối kỹ về chuyển giai đoạn chiến lược và phương châm chiến lược mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra. Nhưng sau khi đọc bản báo cáo nói trên của đồng chí Thọ, tôi mới chú ý hơn đến đề phòng lệch lạc thiên về nói nhiều đến "chuẩn bị tổng phản công" và "học tập đánh vận động chiến" mà coi nhẹ "tích cực cầm cự" và "lấy du kích chiến là chính".

Thực ra, từ tháng 2 đến tháng 10-1949, ở Quân khu 9 chỉ mới làm được việc phổ biến Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Quân sự Nam Bộ, đồng thời mở đợt "Rèn cán chỉnh quân" trong lực lượng vũ trang quân khu, chưa có hoạt động nào thể hiện sự lệch lạc cụ thể về đường lối và phương châm mới.

Đến cuối năm 1949, trong cuộc Hội nghị đại biểu mở rộng của Khu Đảng bộ Khu 9, tôi được Khu uỷ phân công viết và đọc báo cáo về tình hình địch - ta vừa qua và nhiệm vụ sắp tới của lực lượng vũ trang Quân khu 9, sau khi đồng chí Bí thư Khu uỷ đọc báo cáo chung.

Thực tình tôi có hồi hộp lúc bắt đầu đọc báo cáo, vì bản dự thảo tôi gửi xin ý kiến bổ khuyết của các đồng chí Thường vụ khu uỷ viên chưa được ai góp ý, mà nay lại có sự hiện diện của hai đồng chí lãnh đạo cấp trên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Ngay sau khi tôi đọc xong báo cáo, người đầu tiên phát biểu nhận xét là đồng chí Lê Đức Thọ. Đến bây giờ sau 50 năm, tôi chỉ còn nhớ đại khái: đồng chí khen tôi đã nêu rõ được tình hình quân sự ở Quân khu 9, nói lên được chỗ yếu, chỗ mạnh của địch và của ta, đặc biệt là đề ra được phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp phải thực hiện trong thời gian tới, phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh, nhằm đẩy mạnh du kích chiến, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng ba thứ quân, mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở vùng hậu địch, giành giựt lại khối đồng bào bị địch mua chuộc, khống chế...

Quả lúc đó tôi không nghĩ đến được khen mà chỉ mong khỏi bị chê trách sai phạm mà thôi.

Liền sau đó, Hội nghị nghỉ giải lao, tôi được đồng chí Lê Đức Thọ ngoắc lên chỗ đồng chí ngồi. Đây là phút tái ngộ đầu tiên giữa hai chúng tôi kể từ khi chia tay ở Nhà tù Sơn La, nên tôi không khỏi cảm động. Đồng chí Thọ tỏ lời mừng thấy tôi tiến bộ trong lúc ở xa Trung ương, mong tôi cứ đà này cố gắng làm tốt công tác được giao.

Cũng trong Hội nghị này của Khu, trong ngày các đại biểu họp tổ để thảo luận thì anh Duẩn và anh Thọ dự cuộc họp Thường vụ Khu uỷ (cũ) tiến hành kiểm điểm. Thật là đột ngột cho tôi và có lẽ cả Thường vụ Khu uỷ khi nghe anh Duẩn chỉ định: "Đồng chí Anh chủ trì cuộc họp!". Tôi bối rối nhìn anh Thọ thì anh lại cười và vui vẻ bảo: "Ừ, đồng chí Anh làm đi!". Tôi chỉ còn biết nghe theo và để lần lượt tự phê bình và phê bình từ các đồng chí: Nguyễn Văn Vực, Trần Văn Hiển, Văn Viên, Trần Văn Đại, Nguyễn Văn Trấn, những đồng chí trong Thường vụ Khu uỷ đương nhiệm. Rồi đến đồng chí Vương Nhị Chi và tôi là hai Khu uỷ viên cũng họp kiểm điểm. Đến nay, viết lại việc này, tôi cũng không hiểu tại sao anh Duẩn và anh Thọ lại cho tiến hành một cuộc kiểm điểm cấp uỷ không tiền khoáng hậu như vậy. Các Khu uỷ viên dự kiểm điểm không ai được báo trước để chuẩn bị bản tự phê bình và phê bình. Nếu là cuộc kiểm điểm Ban Chấp hành Khu uỷ, thì còn thiếu vắng một số Khu uỷ viên là Bí thư Tỉnh uỷ. Chỉ định tôi chủ trì cuộc họp này là phá vỡ nguyên tắc tổ chức, vì tôi chỉ là Khu uỷ viên, trong lúc hai đồng chí Bí thư và Phó Bí thư cùng dự họp. Thật là một việc lạ đối với tôi. Tuy vậy tôi cũng cố trấn tĩnh làm việc cho được suôn sẻ.

Cuối cùng, anh Duẩn nhân danh Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ tuyên bố Xứ uỷ quyết định rút đồng chí Trấn về Nam Bộ, cử đồng chí Vương Nhị Chi đảm nhiệm chức Bí thư Khu uỷ và cử đồng chí Anh vào Thường vụ Khu uỷ phụ trách quyền Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 9, còn các đồng chí Hiển, Vực, Đại vẫn giữ trách nhiệm cũ trong Ban Thường vụ. Quyết định này đã được công bố sau đó trong cuộc Hội nghị.

Từ ấy đến tháng 5-1950, trong Hội nghị tổng kết Chiến dịch TOFACO (Sóc Trăng), tôi mới gặp anh Thọ đến dự buổi họp cuối cùng. Tôi đã báo cáo tóm tắt diễn biến cuộc Hội nghị và mời đồng chí Phó Bí thư Xứ uỷ phát biểu huấn thị cho anh em chúng tôi. Chính nhờ sự phân tích rõ cái được và cái kém của chiến dịch một cách đúng mức và công bằng, nên những đồng chí đã tham gia chiến dịch này không chủ quan và bớt hậm hực về những lời phê phán quá nặng về lý thuyết, nhấn mạnh những cái kém của những cán bộ mới ở Bắc vào phát biểu trước đó.

Về những năm sau tại Nam Bộ, tôi chỉ được gặp anh Sáu Thọ ở những hội nghị do Xứ uỷ Nam Bộ hoặc Trung ương Cục miền Nam triệu tập. Và mỗi lần như vậy, tôi đều thấy mình thu nhận thêm được nhiều điều bổ ích về nhận thức đối với đường lối, chủ trương, quan điểm, lập trường của Đảng và tác phong của người đảng viên cộng sản.

Lớp cán bộ cấp dưới chúng tôi ở Nam Bộ lúc bấy giờ thường rỉ tai nhau: Bọn mình có cái may là được anh Ba Duẩn sáng suốt trong việc đề xuất chủ trương, phương hướng. Còn anh Sáu Thọ thì tổ chức tốt việc thực hiện, hai người bổ sung cho nhau càng làm cho cấp dưới tin tưởng, tín nhiệm thêm.

Từ năm 1953 trở về sau ở Nam Bộ, tôi không có dịp gặp anh Thọ, vì nơi tôi công tác xa Trung ương Cục miền Nam, nhưng vẫn thường nhận được điện chỉ đạo của anh. Với cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây, trong những đợt tiến công phá ngụy năm 1953 - 1954, anh đã có vai trò chỉ đạo sát sao việc hoạt động hợp đồng thống nhất của Quân - Dân - Chính - Đảng trong toàn Khu.

Quả thực, nếu không có anh, rồi anh Ung Văn Khiêm thay anh làm Chính uỷ trong Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây thì ở một cấp khu, với bộ máy kháng chiến đơn độc chỉ có cơ quan Bộ Tư lệnh Khu, còn lại là các cơ quan của Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ (khác hẳn với Phân liên khu miền Đông), chắc chắn khó tạo được sự phối hợp, kết hợp tốt để có thể đối chọi với Pháp - ngụy.

Anh Thọ, hồi kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ còn có biệt danh được anh em đặt là "anh Sáu Búa", nhưng đối với tôi chưa bị anh "búa" lần nào. Phải chăng đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.

Đó là những ấn tượng tốt đẹp của tôi đối với anh Sáu Thọ.



* Nguyên: - Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 9,

         - Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ Khu 9.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận