Những trang sách - một cuộc đời

Ngày đăng: 19/07/2013 - 09:07
Cũng đã lâu rồi không có dịp gặp gỡ bạn bè để cùng nhau luận bàn về các vấn đề sách vở, thời cuộc. Gọi qua, gọi lại mãi mới sắp xếp được buổi gặp mặt vào giữa tháng 5 vừa rồi. Mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau, sao thấy thời gian trôi nhanh thế, mới vậy mà đã sắp về hưu cả rồi. Biết tính tôi ham đọc sách, ông bạn bên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật không quên mang tặng tôi vài cuốn sách hay do Nhà xuất bản mới phát hành. Trong số đó, tôi thấy thực sự tâm đắc khi đọc cuốn Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn - Cuộc đời và sự nghiệp. Cuốn sách hơn nghìn trang trình bày một cách công phu, khái quát về cuộc đời và những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Nhung trang sach1

Lật những trang đầu tiên của cuốn sách, tôi dõi theo từng dòng chữ viết về tiểu sử Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Từ chiến tranh gian khổ cho đến khi đất nước hòa bình, đổi mới, Nguyễn Khánh Toàn đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, được đồng chí, đồng nghiệp đánh giá cao.

Đi sâu vào phần nội dung cuốn sách, tôi dần bị cuốn theo những bài viết, những luận điểm, đánh giá hết sức chân thực, khách quan của các tác giả về Nguyễn Khánh Toàn. Các bài viết nói về ông ở nhiều khía cạnh khác nhau: có bài viết tập trung vào những đóng góp của ông đối với hoạt động cách mạng, với lĩnh vực khoa học, giáo dục; có bài viết nói về tình cảm riêng tư của tác giả dành cho ông, v.v.. Nhưng tựu trung lại, cá nhân tôi nhận thấy ông là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà khoa học uyên bác, một học giả uyên thâm với kiến thức vừa bao quát, vừa chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực. Khi là nhà cách mạng, ông sắc sảo, nhạy bén, kiên trung với nhiệm vụ được giao phó; khi là nhà khoa học uyên bác, ông có nhiều đóng góp đa dạng trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học xã hội và nhân văn. Tôi thực sự khâm phục sự “toàn tài” của ông, dường như lĩnh vực nào ông cũng am tường, vấn đề nào ông cũng thông suốt. Có thể liệt kê một số bài viết hay, sâu sắc về con người, cuộc đời và những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn như: bài “Nguyễn Khánh Toàn - nhà giáo dục học cách mạng” của GS. Hoàng Ngọc Di (trang 23), hay bài “Một sự nghiệp khoa học phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” của GS. TS. Nguyễn Duy Quý (trang 35), bài “Cảm ơn anh lắm” của đồng chí Xuân Thủy (trang 111)…

Có lẽ không gì thuyết phục hơn khi nhận xét về một người dựa trên chính những kết quả mà người đó đạt được trong hoạt động thực tiễn. Đây chắc cũng là dụng ý của những người biên soạn cuốn sách, đã sắp xếp phần Một số bài viết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn ngay sau phần các bài viết về ông, với mục đích làm sáng rõ hơn tài năng và trí tuệ của ông. Đọc phần này, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi vốn kiến thức uyên bác, sâu rộng của ông về nhiều lĩnh vực như triết học, sử học, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ những bài viết thuộc lĩnh vực tư tưởng, lý luận (11 bài), đến những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (07 bài), những bài viết về lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn (22 bài). Tất cả đều được thể hiện với văn phong trong sáng, giản dị, khúc triết mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Trong số các bài viết đó, tôi dành nhiều thời gian nhất để đọc, cảm nhận và nghiền ngẫm hai bài: “Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản” và “Vài nhận xét về thời kỳ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long” (trang 741) - đây là hai tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000. Thông qua các bài viết, tôi thấy hiện lên hình ảnh một Nguyễn Khánh Toàn với tầm vóc và trí tuệ của một nhà trí thức mà lẽ sống, cuộc đời hoạt động cách mạng và khoa học luôn hướng tới lý tưởng vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Miên man suy nghĩ, tôi nhận ra một điều rằng thế hệ chúng tôi cũng đã từng một thời khói lửa, một thời trăn trở cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, và cũng đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho Đảng, cho dân, vậy mà vẫn không theo kịp lớp cha anh đi trước. Có lẽ đó cũng là lý do để cho chúng tôi và thế hệ mai sau không ngừng học tập và làm theo tấm gương của các bậc cha anh, cùng nhau góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.

Quang Trung

Bình luận