Tác giả: TS, GS. Hoàng Chí Bảo – PGS, TS. Đoàn Minh Tuấn (Đồng chủ biên)
Số trang: 536 trang
Giá tiền: 84.000đ
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tính hướng đích của mọi chính sách kinh tế - xã hội đều vì con người; đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người; không ngừng tăng cường năng lực làm chủ cho mỗi người dân và cộng đồng xã hội.
Với thành tựu của hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng của quốc gia có mức thu nhập thấp và bước vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Điều này đặt ra những yêu cầu mới và chất lượng cao hơn đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, khi giải quyết được nhu cầu phát triển này thì con người lại nảy sinh những nhu cầu phát triển khác với đòi hỏi chất lượng cao hơn, tinh tế hơn. Do vậy, để phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội theo hướng nhân văn, lấy con người làm trung tâm, xem phát triển con người là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực to lớn nhất của tiến trình đổi mới ở nước ta, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay cũng như trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ XXI có giá trị quan trọng cho bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong những năm qua việc đổi mới, tư duy lý luận ở nước ta đã đạt được một bước tiến rõ rệt và khá căn bản, từ các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các cơ quan hoạch định chiến lược và chính sách đến giới trí thức sáng tạo và đông đảo dân chúng trong xã hội. Đổi mới tư duy là thay đổi sự suy nghĩ, cách nghĩ, tầm nhìn về cuộc sống, về đời sống xã hội, về các mối quan hệ chi phối và quy định sự tồn tại và phát triển của cá nhân cũng như của cộng đồng. Đó là sự thay đổi nhận thức, vượt qua những nhận thức cũ, hoặc sai lầm, hoặc hạn hẹp, phiến diện đã trở lên lỗi thời, lạc hậu, từng bước vươn tới những nhận thức mới đúng đắn hợp lý hơn, thích ứng với phát triển và tiến bộ mà thực tiễn đã đề ra, thực tiễn đòi hỏi. Đó cũng là làm mới những tri thức, những hiểu biết vốn có. Đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là tiền đề dẫn tới những hành động tự giác, tích cực và sáng tạo. Thay đổi cách nghĩ để mở rộng tầm nhìn và thay đổi cách làm, thay đổi cả cách sống, lối sống, thay đổi cách ứng xử, tổ chức cuộc sống và quản lý xã hội theo hướng mới, tốt hơn, tiến bộ hơn. Nhờ đó, trong đời sống xã hội diễn ra những đổi mới, vừa là hành động, vừa là phong trào, tạo thành lực lượng, định hình những nhân tố mới thúc đẩy phát triển. Đổi mới trở thành phương thức và động lực phát triển. Thực tiễn chẳng những hối thúc mà còn tạo ra môi trường, điều kiện và hoàn cảnh để đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức và phát triển năng lực trí tuệ con người, “làm mới” lý luận cũng như hình thành lý luận mới. Điều này đặc biệt hữu ích và quan trọng đối với các chủ thể lãnh đạo quản lý.
Cuốn sách Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay – Vận dụng cho Việt Nam của tập thể các nhà khoa học, do GS, TS. Hoàng Chí Bảo – PGS, TS. Đoàn Minh Huấn đồng chủ biên, sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả, trong xã hội ngày càng quan tâm sâu sắc đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Trên cơ sơ phân tích, trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về quản lý và phát triển xã hội ở Việt Nam; khảo cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới; tổng kết những thành tựu lý luận của Đảng về quản lý và phát triển xã hội qua hơn 25 năm đổi mới và đánh giá tác động của lý luận đối với thực tiễn; dự báo một số xu hướng chính tác động đến quản lý và phát triển xã hội trong thập niên tới, cuốn sách đã đề xuất hệ giải pháp bảo đảm thúc đẩy phát triển xã hội theo các nguyên tắc dân chủ hiện đại.