Những ý kiến tâm huyết của cử tri Hà Nội

Ngày đăng: 22/05/2014 - 16:05

 

Trước thềm kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, cử tri TP. Hà Nội đã có 301 lượt ý kiến, tập trung vào 36 nội dung đề cập tới công tác cán bộ, các vấn đề dân sinh bức xúc gửi tới Quốc hội và các cơ quan trung ương... Dự thảo về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 được nhiều cử tri Thủ đô quan tâm...

Dự thảo về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 được nhiều cử tri Thủ đô quan tâm.  Trong ảnh: Học sinh lựa chọn sách giáo khoa tại hiệu sách Thăng Long. Ảnh: GIANG HUYDự thảo về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 được nhiều cử tri Thủ đô quan tâm. Trong ảnh: Học sinh lựa chọn sách giáo khoa tại hiệu sách Thăng Long. Ảnh: GIANG HUY

Sốt ruột vì lãng phí

Đặc biệt quan tâm tới Dự thảo về việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ được thảo luận tại kỳ họp sắp tới, nhiều cử tri Thủ đô cho rằng, việc thường xuyên cải cách giáo dục, thay đổi nội dung sách giáo khoa là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách nhà nước và gây bức xúc cho nhân dân. Cử tri Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hà, huyện Phúc Thọ đề nghị các cơ quan chức năng khi cải cách giáo dục, thay đổi nội dung sách giáo khoa cần nghiên cứu, chuyển đổi theo lộ trình hoặc chỉnh sửa phương pháp dạy để tiết kiệm cho toàn xã hội. Nhiều ý kiến khác cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tác động tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, cho nên cần thận trọng, công khai, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhân sĩ trí thức trước khi quyết nghị. Cử tri Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động và những hạn chế của trường điểm, trường chuyên theo Nghị quyết số 40/2000/QH 10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời, nếu không hiệu quả nên dừng lại.

Đề nghị Quốc hội đẩy mạnh hơn nữa vai trò giám sát thực thi Hiến pháp và pháp luật của các cấp, ngành để ngăn chặn hoặc hạn chế các sai phạm, tham nhũng, lãng phí về kinh tế, cử tri Hà Nội yêu cầu đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Đồng tình với kế hoạch tinh giản biên chế của Chính phủ, cử tri đề nghị Chính phủ cần rà soát, xác định lại chức năng, nguyên tắc tổ chức của các cơ quan nhà nước cho phù hợp, từ đó xác định đúng biên chế cần sử dụng. Cử tri Trương Đức Ngãi, phường Cống Vị, quận Ba Đình dẫn chứng, thời gian qua báo chí nói nhiều đến 30% số cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" không làm được việc, như vậy là lãng phí con người. Trái lại, nhiều trường hợp không được bố trí đúng chuyên ngành được đào tạo là lãng phí chất xám, điều đó cho thấy công tác cán bộ của chúng ta đang có vấn đề. Nhiều cử tri cho rằng, lãng phí nguồn nhân lực gây hậu quả nghiêm trọng, không thể đo đếm được, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới người dân mỗi khi có việc phải đến các cơ quan công quyền.

Bảo đảm an sinh xã hội

Lo ngại trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, cử tri Hà Nội nhận xét công tác quản lý nhà nước của ngành y tế còn hạn chế, nhất là việc để xảy ra dịch sởi trong những tháng qua. Cử tri đề nghị ngành y tế quan tâm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch khi xảy ra dịch bệnh cần thông tin sớm, đầy đủ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chất lượng thuốc cấp theo bảo hiểm y tế rất kém, việc khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế còn quá nhiều thủ tục gây khó khăn cho người dân, trong khi đó tình trạng thanh toán khống tiền bảo hiểm y tế vẫn diễn ra là những bất cập cần xử lý sớm.

Cho rằng việc phân bổ 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ người dân vay để mua nhà ở xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chưa hợp lý, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, phân bổ nguồn kinh phí tập trung cho các dự án của ngành y tế, giáo dục và đào tạo. Người dân mong muốn được trực tiếp tiếp cận nguồn vốn từ chính sách của Nhà nước về trợ giá thu mua nông sản, thay vì thông qua các doanh nghiệp như hiện nay. Đồng thời, Nhà nước nên có những chính sách mang tính đồng bộ, bền vững như hỗ trợ về nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp đối với hộ nghèo.

Bên cạnh 36 nội dung gửi tới Quốc hội và các cơ quan T.Ư, tại kỳ họp này cử tri Hà Nội cũng có 85 ý kiến tập trung vào sáu nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố. Trong đó, các vấn đề liên quan tới xây dựng thêm hệ thống trường học, từ mầm non đến tiểu học, việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện môi trường sống... được cử tri đặc biệt quan tâm kiến nghị.

AN TRÂN

Theo Nhân dân



Bình luận