Những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước

Ngày đăng: 24/10/2012 - 15:10

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội về Báo cáo này.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: "Không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP mà quan trọng là phải ổn định kinh tế vĩ mô".

 

 Nhung y kien tam huyet cua DB QH-1

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch. Ảnh: Việt Hưng

Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nói rất rõ, xét về hình thức tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, nhưng chất lượng tăng trưởng và niềm tin thị trường là vấn đề rất lớn. Điều này cho thấy, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý tình thế, xử lý vấn đề cục bộ tăng trưởng nhưng lại phải tính toán lồng ghép cho được những giải pháp mang tính tái cơ cấu. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay mà không làm được.

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có hệ quả dồn lại từ 5 năm (từ 2008 đến nay). Các chính sách thay đổi liên tục nhưng lại chậm lồng ghép với cái chung. Phải nhìn nhận một thực tế hiện nay là, bất ổn kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế thế giới. Chưa bao giờ tôi thấy dự báo tài chính của thế giới lại thay đổi hàng tuần và thật sự, chúng ta cũng không có khả năng để dự báo hơn thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cũng không nên trói buộc ý kiến chỉ tiêu đầu năm đưa ra như thế nào thì cuối năm phải thực hiện như thế. Mình cần phải linh động và nên tìm những biện pháp tháo gỡ.

Tôi cho rằng, nên nhìn lại 3 năm qua và đánh giá lại, từ đó có một chương trình cụ thể dài hơi cho 3 năm tiếp theo, kể cả mục tiêu tăng trưởng, hơn là chỉ giải quyết đến năm 2013.

Do vậy, bước vào năm 2013, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn, phải ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Muốn lấy lại được niềm tin, không thể thực hiện bằng các biện pháp chung chung, mà phải bằng những biện pháp cụ thể để doanh nghiệp định hướng đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Ðức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: "Ðiều mà cử tri cả nước mong chờ là hành động cụ thể."

Những số liệu trong báo cáo do Thủ tướng Chính phủ trình bày và Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Tuy nhiên, có một số vấn đề quan trọng lại không được Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra nói rõ, đó là vấn đề lạm phát. Báo cáo Thẩm tra đưa ra được lạm phát của chúng ta cao, nhưng phương hướng khắc phục như thế nào trong năm 2013 lại chưa rõ nét. Mục tiêu tổng quát của năm 2013, chúng ta vẫn đưa ra là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn so với năm 2012, nhưng đáng lưu ý là năm 2013, năm bản lề của kế hoạch 5 năm, vậy nếu đặt nó vào trong kế hoạch 5 năm thì đến hết năm 2015, liệu chúng ta có thể trở lại thời kỳ ổn định của năm 2006, tức là tốc độ tăng trưởng GDP phải cao hơn lạm phát hay không ? Và đến bao giờ thì mức độ lạm phát ở nước ta đạt tiêu chuẩn của tổ chức tài chính quốc tế quy định, đó là lạm phát ở dưới mức 3% ?

Ðiều đó cho thấy, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra tuy phản ánh đầy đủ nhưng mới chỉ là bức tranh của năm 2013, với định hướng ngắn hạn chứ không phải là bức tranh toàn cảnh với những định hướng trung hạn và dài hạn. Ðó là vấn đề cần đặt ra. Vì vậy, trong nội dung thảo luận sắp tới của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, nhiệm vụ năm 2013, Quốc hội cần thảo luận về hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: "GDP tăng trưởng 5,5% vào năm 2013 là mức tăng hợp lý".

Tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội, toàn Ðảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước... Tuy nhiên, điều quan trọng là Chính phủ cần chỉ ra những giải pháp khắc phục cụ thể, chủ yếu và đột phá trong thời gian tới như thế nào; đồng thời, cũng cần có lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu để cử tri biết và giám sát. Tôi tin tưởng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Ðảng và hy vọng vào những chuyển biến tích cực sắp tới của Chính phủ với quyết tâm thực hiện hết trách nhiệm, nghiêm khắc theo đúng tinh thần của Nghị quyết này.

 Cao si Kiem - Pham Hang

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Phạm Hằng

Mục tiêu tăng trưởng 5,5% vào năm 2013 mà Báo cáo Chính phủ đề ra là mức tăng hợp lý và có tính khả thi. Bởi trong tình hình như hiện nay, chúng ta đang phải chịu tác động từ nhiều phía (đầu tư và xuất khẩu trong và ngoài nước) nên không thể tăng cao hơn. Ít nhất, chúng ta phải bằng hoặc cao hơn năm nay một chút để lao động không bị dư thừa nhiều, lao động mới có việc làm. Có vậy xã hội mới ổn định được.

Về mục tiêu của Chính phủ kéo nợ xấu xuống dưới 3% thì hiện chưa thể có được, bởi chúng ta phải đánh giá được nợ xấu là bao nhiêu? Nguyên nhân nào? Trong khi hiện có 3 nguyên nhân cơ bản làm cho nợ xấu tăng lên từ bất động sản, doanh nghiệp nợ đáo hạn và nợ chéo của các ngân hàng. Còn nợ xấu do thiên tai, dịch bệnh, do chính sách gây ra thì khó tránh được nên cần được sự quan tâm của Nhà nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh: "Cần tổ chức điều hành quản lý sao cho nền kinh tế sớm hồi phục trở lại."

 Truong Trong Nghia

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: VA)

Theo tôi, Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2012 khá trung thực, nêu được hiện trạng những ưu điểm cũng như tồn tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất mong muốn tiếp theo đây, Chính phủ phải khẩn trương tiến hành một số công việc: Thứ nhất, phải tổ chức điều hành quản lý nền kinh tế làm sao để sớm hồi phục trở lại, đặc biệt phải làm sao để các doanh nghiệp lấy lại sức mạnh và vươn lên để tạo sự tăng trưởng cho đất nước; thứ hai, Chính phủ cần quyết tâm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng chưa đạt như mong muốn. Điều này đã được thể hiện trong nhiều báo cáo của Quốc hội và cả trong báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Phải kiên quyết xử lý những đối tượng gây lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản hoặc có hành vi tham nhũng.  

Trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có 5 chỉ tiêu không đạt thì có 2 chỉ tiêu cực kỳ quan trọng cần phải suy nghĩ, đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP. Có thể thấy, chỉ tiêu đầu tư phát triển toàn xã hội, tức là lượng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, bao gồm lượng vốn của Nhà nước và lượng vốn của khu vực tư nhân không đạt. Như thế chứng tỏ khả năng hấp thụ của nền kinh tế kém; qua đó, cũng cho thấy nền kinh tế đang yếu kém về nhiều mặt. Thêm nữa, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng cũng bởi chính vì không đạt được chỉ tiêu đầu tư phát triển toàn xã hội. Do đó, ngay lập tức cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, khả thi để làm sao đội ngũ chủ công của nền kinh tế là các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được nguồn vốn, có khả năng giải quyết được nợ xấu, có khả năng giải quyết được hàng tồn kho, thì khi đó họ mới đủ sức tiếp tục cuộc chạy đua trong việc tăng trưởng kinh tế./.

Nhóm PV

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam



Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả