Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục sâu sắc, văn học dân gian còn góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc, với một hệ thống thể loại phong phú: thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao…
Đối với người Việt Nam, văn học dân gian gắn bó khăng khít, là “nguồn sữa” trong lành nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ. Trước nhu cầu gìn giữ, phát triển dòng văn học mang “hồn dân tộc” này, cùng với những vấn đề mới được đặt ra hằng ngày hay sự tồn tại của những quan niệm trái chiều, với mong muốn cung cấp tài liệu học tập, nghiên cứu hữu ích cho học viên, độc giả, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách - giáo trình sau Đại học Những vấn đề của khoa nghiên cứu văn học dân gian.
Giáo trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, là sản phẩm của tập thể tác giả là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, do GS.TS. Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Học viện Khoa học xã hội tổ chức thẩm định và liên kết xuất bản. Nội dung giáo trình tập trung phân tích các chủ đề lớn như: nhận diện văn học dân gian; lịch sử khoa nghiên cứu văn học dân gian; nghiên cứu lịch sử văn học dân gian; phân loại văn học dân gian; tiếp thu, vận dụng các học thuyết, lý thuyết nghiên cứu.
Lịch sử khoa nghiên cứu văn học dân gian không tách rời việc tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài. Do vậy, hầu hết các vấn đề đều được các tác giả trình bày song song ở Việt Nam và nước ngoài.