Tác giả: Pierre Asselin
Đàm phán Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là một cuộc đấu trí, đấu lý và đấu mưu giữa hai ý thức hệ, hai loại pháp lý và đạo lý. Đây cũng là một cuộc đàm phán được coi là dài ngày nhất, khó khăn, phức tạp nhất, nhưng cũng là một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời là một sự kiện nổi bật trong ngoại giao của thế giới hiện đại.
Về quá trình đàm phán Hiệp định Paris và kết quả của nó, đã có rất nhiều học giả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các học giả Mỹ, tập trung nghiên cứu. Với mong muốn cung cấp thêm cho bạn đọc tài liệu tham khảo về vấn đề này qua lăng kính của một người nước ngoài, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật đã dịch thuật và xuất bản cuốn Nền hòa bình mong manh – Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris của tác giả Pierre Asselin, do Nhà xuất bản Đại học Bắc Carolina ấn hành vào năm 2002.
Cuốn sách miêu tả những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, một cuộc chiến mà phía Việt Nam gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn ở Mỹ gọi là "chiến tranh Việt Nam". Đối với những hoạt động ngoại giao dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris và rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, cuốn sách này đi sâu nghiên cứu quá trình hình thành Hiệp định Paris trên cơ sở phân tích lập trường của Washington và Hà Nội trong các cuộc đàm phán diễn ra ở Pháp, cũng như những chiến lược mà mỗi bên sử dụng nhằm đạt được mục tiêu của mình trong suốt 5 năm đàm phán bí mật và gặp gỡ riêng.
Với 374 trang gồm bảy chương chính, được viết dựa trên nguồn tư liệu khá phong phú, công phu, luận chứng súc tích, cuốn sách tập trung trình bày quá trình đàm phán Hiệp định Paris kéo dài hơn 4 năm giữa các nhà đàm phán của Hà Nội và Washington. Thông qua việc chia quá trình đàm phán thành sáu giai đoạn, tác giả đã đi sâu phân tích bối cảnh, tình hình của mỗi bên trong từng giai đoạn, từ đó cố gắng làm rõ động cơ, ý đồ của mỗi bên trong từng thời điểm.
Trong cuốn sách, tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác nhau và phương pháp tiếp cận cũng rất riêng nên có một số tư liệu được trích dẫn chưa chắc khớp với tài liệu mà các nhà khoa học Việt Nam đã có, đồng thời khi luận chứng về một số vấn đề, nhân vật, sự kiện như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cuộc tập kích bằng không quân chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ ở miền Bắc... tác giả đã có điểm khác biệt trong cách nhìn nhận và đánh giá. Tuy nhiên, để giúp bạn đọc có thể đối chiếu, so sánh khi nghiên cứu, đồng thời hiểu rõ hơn về quan điểm và chính kiến của tác giả, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật đã có gắng giữ tinh thần của nguyên bản, đồng thời khẳng định đây là quan điểm riêng của tác giả.
Ngoài phần Lời nói đầu và Phần kết (Sau Hiệp định Paris: 1973-1975), cuốn sách có 7 chương:
Chương một: Vòng đàm phán đầu tiên: 1968-1971
Chương hai: Hòa hoãn và cuộc tấn công mùa Xuân: tháng Giêng – tháng Sáu 1972
Chương ba: Thương lượng nghiêm chỉnh: tháng Bảy – tháng Chín 1972
Chương bốn: Từ nhất trí đến bất đồng: tháng Mười 1972
Chương năm: Dàn xếp với Thiệu: tháng Mười một 1972
Chương sáu: Ván bài ngửa: tháng Mười hai 1972
Chương bảy: Vòng cuối cùng: tháng Giêng 1973