Nói là rất khó

Ngày đăng: 10/08/2012 - 15:08

Theo Từ điển tiếng Việt, “nói” là động từ để chỉ một hành động của con người trong giao tiếp. Động từ “nói” nghĩa là phát ra thành tiếng, thành lời để diễn đạt một nội dung nhất định trong giao tiếp.


speech1


Con người ta kể từ khi mới sinh ra đến khi biết nói, khóc là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu nhất. Những bậc làm cha, làm mẹ đều biết trả lời tiếng khóc, tiếng ê a của con bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu và nói những lời âu yếm. Bé sẽ biết rằng mình đang được lắng nghe, được sống trong một nơi an toàn, nơi mà các nhu cầu đều được đáp ứng. Và rồi phải nhọc công cha mẹ, gia đình, người thân, nhà trường và xã hội, con người ta mới được học nói, biết nói, nói được, nói giỏi và sử dụng nó trong giao tiếp.

Để biết nói, nói được, nói giỏi và sử dụng tiếng nói trong giao tiếp là một quá trình luyện tập kiên trì, gian khổ. Chúng ta ai cũng biết Đêmôsten (384-322 trước Công nguyên, là một chính khách và nhà hùng biện nổi tiếng ở Aten thời Hy Lạp cổ đại. Khi còn bé, Đêmôsten có tật nói lắp và không rõ ràng. Ông đã luyện tập kiên trì để khắc phục khiếm khuyết và cải thiện cách nói của ông. Sử sách ghi chép lại rằng, Đêmôsten thường học trong một phòng riêng xây ngầm dưới đất. Ông cũng thường nói với những hòn sỏi trong miệng và trích dẫn thơ trong lúc chạy. Để tăng cường giọng, ông nói trên bờ biển qua tiếng gầm của sóng. Đêmôsten được đời sau ghi nhận như một nhà hùng biện vĩ đại.

Lời nói thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm của mỗi con người, là biểu hiện sinh động năng lực văn hóa của mỗi người, có vai trò quan trọng trong văn hóa ứng xử. Kỹ năng nói của con người là một trong số những kỹ năng quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp. Trạng thái tâm lý của con người ảnh hưởng rất lớn đến việc nói, hay nói cách khác, lời nói phản ánh trạng thái tâm lý của người đó. Khi người ta yêu, người ta nói những lời ngọt ngào, tình cảm, lãng mạn; khi người ta không tự chủ được bản thân hoặc nổi nóng thì nói những lời rất khó nghe, thậm chí làm tổn thương đến người khác. Người Việt Nam thường có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Lời nói không mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Để làm được điều đó, chúng ta phải học nói.  Đó là học cách nói năng, giao tiếp, ứng xử thế nào cho khéo léo, đi vào lòng người nghe, thể hiện mình là người có văn hóa, có tri thức và bản lĩnh. 

Y học khẳng định, ngoài việc cho thuốc điều trị bệnh nhân, còn một loại thuốc nữa không kém phần quan trọng, thuốc này có thể làm bệnh nhân hết bệnh hoặc làm bệnh nhân bị bệnh nặng hơn, đó chính là lời nói của người thầy thuốc. Thực tế đã chứng minh rằng, trong nhiều trường hợp, lời nói của thầy thuốc giúp cứu sống bệnh nhân hay làm bệnh nhẹ đi và làm an lòng gia đình người bệnh. Vì vậy, lời nói của thầy thuốc trở thành liều thuốc tốt, không mất tiền mua mà kết quả thật kỳ diệu!

Nói không những thể hiện lối sống, cá tính, phong cách, năng lực, trình độ, thể trạng văn hóa mà nó còn thể hiện sự "giàu có" của chúng ta về vốn từ, về cảm xúc. Bằng hành động nói, chúng ta có thể quảng bá cho chính mình. Nói là thể hiện lối sống. Bởi vì, lời nói của bạn có trọng lượng hay không phụ thuộc vào lối sống của bạn trong mắt mọi người xung quanh. Điều đó có nghĩa là, bạn phải có lối sống theo hướng chuẩn mực thì mới có thể nói được người khác. Trái lại, những người không học nói sẽ nói những lời sáo rỗng không có giá trị. Kết hợp nhuần nhuyễn của sự học trong cuộc sống và học nói, chúng ta sẽ có được phong cách nói riêng, dễ thuyết phục mọi người trong giao tiếp.

Đối với người lãnh đạo, sự tín nhiệm được nâng lên hoặc giảm đi một phần rất quan trọng thông qua lời nói. Những thông điệp từ các quyết định, lời hứa của người lãnh đạo có vai trò truyền thông quan trọng. Chìa khóa ở đây là sự kiên định, trước sau như một. Những nhà lãnh đạo không quan tâm đến lời nói của mình nghĩa là đang tự loại bỏ đi một trong những công cụ truyền thông đầy quyền lực, cũng là một công cụ hiệu quả để tăng cường sự tín nhiệm.

Ông bà ta thường bảo, nghĩ kỹ rồi hãy nói. Điều này càng đúng khi người lãnh đạo hay phải nói trước tập thể nhân viên của mình. Nếu trước nhiều người, lãnh đạo không sắp xếp lời ăn tiếng nói của mình, thì bạn sẽ chỉ phát ra những thông điệp lộn xộn, thiếu rành mạch, thông tin không rõ ràng. Điều này khiến cho những người tiếp nhận thông tin cảm thấy hoang mang, không biết nên tin vào điều gì. Cái quan trọng nhất đối với người lãnh đạo là có một trái tim cháy bỏng với một trí tuệ sắc bén, sáng tạo, luôn mở lòng khoan dung, nói luôn đi đôi với làm thì lời nói của họ có sức truyền cảm mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi người. Uy tín của người lãnh đạo có được ở chỗ, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Làm đã khó nhưng nói còn khó hơn. Bởi vì lời nói của người lãnh đạo định hướng cho cả cơ quan, tổ chức, rồi sau đó song hành với việc làm, để cho nói sao làm vậy. Vì thế, người lãnh đạo rất cần phải học nói, mặc dù biết rằng nói là rất khó.

Ông bà ta còn dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nghĩa là trước hết phải xét lỗi mình, sau đó mới xét lỗi của người. Điều đó cũng được hiểu là muốn nói người, ta phải nói được ta đã. Câu dạy mang đầy tinh thần tự phê phán trên cho thấy ông bà ta ngày trước rất coi trọng cái dũng khí dám bộc bạch, dám nói về cái sai, cái yếu kém của bản thân để tự sửa mình. Phát huy tinh thần ấy, ngày nay, việc tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, người đứng đầu là giải pháp rất quan trọng trong việc xây dựng tổ chức và đội ngũ.

Người viết bài rất tâm đắc đoạn trích dẫn mà nhà văn Nguyễn Quang Thân đã sử dụng trong một bài viết của mình đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới phát hành gần đây:

Hàn Phi đến nước Tần làm thuyết khách, dâng vua Tần bài văn Nan ngôn (ngại nói): “Bầy tôi là Phi sở dĩ ngại nói là vì: nếu lời nói thuận tai, trơn tru, đẹp đẽ, văn vẻ, hoa mỹ thì bị xem là phù hoa mà không chân thật. Nếu lời nói đôn hậu, cung kính, thẳng thắn, cẩn thận thì bị xem là vụng về không giống người ta. Nếu nói nhiều, dẫn nhiều lại hay so sánh thì bị xem là trống rỗng, vô dụng. Nếu nói tóm tắt, gọn gàng, trình bày thẳng mà không tô vẽ thì bị xem là gay gắt mà không giỏi biện luận. Nếu nói gay gắt đến những người thân cận, nêu rõ từng người thì bị xem là gièm pha và không nể nang người ta. Nếu nói chuyện rộng lớn, sâu xa không thể lường được thì bị xem là huyênh hoang, vô dụng. Nếu nói chuyện vụn vặt trong nhà, trình bày hết điều này điều khác thì bị xem là thô lậu. Nếu lời nói gần với thế tục, giọng không làm phật lòng người trên thì bị xem là tham sống và nịnh hót người trên. Nếu nói lời khác xa thế tục, coi thường người ta thì bị xem là lừa dối. Nếu lời nói lưu loát, nhanh nhẹn, biện luận thông suốt, có nhiều văn vẻ thì bị xem là hoa hòe hoa sói. Còn nếu bỏ văn chương, cứ theo phép tắc mà trình bày thì bị xem là quê mùa. Nếu luôn luôn đem chuyện Kinh Thi, Kinh Thư nói chuyện bắt chước người xưa thì bị xem là kẻ tụng sách xưa. Chính vì vậy cho nên bầy tôi Phi ngại nói và rất lo lắng” (Hàn Phi Tử  - Thiên III, bản dịch của Phan Ngọc).

Vì vậy, nói là rất khó, cho nên phải học suốt đời!

QUYỀN DUY

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả